Phát triển du lịch thông minh nhờ ứng dụng nền tảng công nghệ - FPT Digital
Phát triển du lịch thông minh nhờ ứng dụng nền tảng công nghệ
Digital Strategy

Phát triển du lịch thông minh nhờ ứng dụng nền tảng công nghệ

Du lịch là một ngành công nghiệp mũi nhọn, được chú trọng đầu tư tại nhiều quốc gia. Việc phát triển và số hóa ngành này sẽ là một phần quan trọng trong việc triển khai các dự án kinh tế số.

Công nghệ là yếu tố hàng đầu để thúc đẩy nhanh sự thích nghi với ‘bình thường mới’ và tốc độ thay đổi nhu cầu của thị trường sau đại dịch Covid-19. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thì ứng dụng các sáng kiến số và giải pháp công nghệ sẽ giúp ngành du lịch xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh có giá trị kinh tế, xã hội cao theo hướng phát triển bền vững.

Xu hướng chuyển từ e-tourism sang smart tourism

E-tourism (hay tạm dịch là du lịch trực tuyến) là sự ứng dụng của các công nghệ thông tin (CNTT) truyền thông-ICT vào ngành công nghiệp du lịch để số hóa tất cả các quy trình và chuỗi giá trị nhằm mục đích tối đa hóa hiệu quả của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Trong đó, hiệu quả của e-tourism tập trung vào ba bộ phận vận hành chính: quản trị kinh doanh, quản trị hệ thống thông tin và cuối cùng là kinh doanh du lịch. Việc ứng dụng các CNTT sẽ giúp cho các công ty du lịch truyền bá về các sản phẩm dịch vụ giúp thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới (1).

Du lịch trực tuyến đã được ứng dụng ở nhiều nơi, đặc biệt là khi đại dịch Covid 19 đã sinh ra nhiều hoạt động du lịch trải nghiệm hoàn toàn chỉ trên internet. Tuy nhiên, du lịch trực tuyến còn hạn chế ở tính hợp tác giữa các thành phần trong ngành du lịch và chưa tạo được trải nghiệm xuyên suốt phong phú và hiệu quả cho du khách.

Để thực sự phát triển bền vững thì cần có sự kết nối các thành phần vai trò chính trong ngành du lịch với nhau dựa trên công nghệ, nhằm tạo ra một môi trường hiệu quả hơn cho việc thu thập và xử lý dữ liệu, nâng cao trải nghiệm người dùng. Đây là yếu tố chính để bước sang một hệ sinh thái du lịch thông minh – Smart tourism.

Smart-tourism – Du lịch thông minh dựa trên các cơ sở dữ liệu để mang lại những đổi mới trong cách quản lý các địa điểm du lịch và trải nghiệm của du khách: từ việc quản lý mạng lưới giao thông toàn thành phố dựa trên dữ liệu tích lũy về tình trạng tắc nghẽn giao thông, đến việc tiếp thị một di tích nổi tiếng cho đối tượng phù hợp dựa trên dữ liệu lịch sử du lịch.

Các khả năng kết nối thông qua nền tảng công nghệ số và phân tích dữ liệu có tiềm năng cải thiện chất lượng và tăng sự bền vững của các mô hình du lịch (2).

du lịch thông minh
Hình 1: Sự khác biệt giữa E-tourism và Smart tourism (2)

Mô hình hệ sinh thái du lịch thông minh

Phát triển dựa trên các nền tảng của đô thị thông minh, hệ sinh thái du lịch với công nghệ số được sử dụng để nâng cao trải nghiệm của khách du lịch thông qua mạng lưới kết nối các nhà cung cấp dịch vụ cũng như là cơ sở hạ tầng CNTT-TT thông minh.

Mô hình phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh bền vững, gắn liền với thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội bao gồm 6 mảng chính tập trung mang lại giá trị cao hơn cho khách du lịch và mở ra các cơ hội phát triển kinh tế cho tỉnh vùng, kinh doanh mới cho các doanh nghiệp tham gia vào thương mại trong ngành công nghiệp du lịch.

du lịch thông minh
Hình 2: Mô hình tham khảo từ Hiệp hội học thuật Châu Á (3)

An ninh thông minh sử dụng nền tảng công nghệ số làm đòn bẩy để giúp cho các vùng có du lịch là ngành kinh tế trọng điểm tạo ra các yếu tố cạnh tranh trong các sản phẩm dịch vụ hướng đến trải nghiệm an toàn. Ví dụ, công nghệ Internet vạn vật IoT cho phép kết nối dữ liệu giao thông và các địa điểm quan trọng đã được tích hợp với camera giám sát để để đảm bảo an ninh cho khách du lịch hay công nghệ GPS hỗ trợ trong việc tìm ra điểm đến.

Vùng biển đảo Marius đã ứng dụng hệ thống CNTT-TT mới để nâng cao hệ thống an ninh, giám sát chủ động, hỗ trợ các trường hợp khẩn cấp và quản lý khủng hoảng. Với chiến lược tập trung vào sự an toàn, Marius đã dần phục hồi lại tăng trưởng của ngành kinh doanh du lịch của mình (4).

Ứng dụng thông minh đang làm thay đổi ngành du lịch với nhiều tính năng tích hợp mới. Ngoài các tính năng cơ bản cho phép người sử dụng tìm kiếm thông tin, đặt phòng khách sạn, vé máy bay, thì các ứng dụng còn có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để đưa ra những trải nghiệm dành cho nhu cầu của từng cá nhân như danh sách các điểm tham quan, nhà hàng hay trải nghiệm độc đáo dựa trên lịch sử hành trình trước đó.

Xu hướng siêu ứng dụng với các tính năng tích hợp đã giúp cho các nhà cung cấp dịch vụ có thể kết nối thành một hệ sinh thái cung cấp một hành trình du lịch hiệu quả hơn. Ví dụ như ứng dụng AroundMe gợi ý những điểm du lịch xung quanh vị trí hiện tại và tích hợp với các ứng dụng khác cho phép đặt chỗ, thanh toán và tương tác với các khách du lịch khác (5).

 

Mạng lưới CNTT-TT thông minh được xây dựng trên nền tảng kết hợp các công nghệ số như thực tế ảo-AR, robot, trí tuệ nhân tạo-AI, tạo hình 3D hay dữ liệu lớn-Big data. Đây cũng là nhân tố chính trong các chiến lược quy hoạch phát triển các khu đô thị du lịch có mạng lưới điện thông minh Smart-grid.

Mạng lưới này phân phối điện một cách hiệu quả hơn và từ đó có thể giúp tiết kiệm năng lượng. Vì vậy, đây cũng được coi là một trong những giải pháp xanh để phát triển du lịch sinh thái bền vững. Trung tâm kinh tế đổi mới sáng tạo Jeju, Hàn Quốc đã triển khai và ghi nhận được các thành công đầu tiên của công nghệ lưới điện thông minh trong chiến lược giúp đảo Jeju trở thành một hòn đảo đi đầu về du lịch xanh (6).

Di chuyển thông minh bao gồm mạng lưới các tuyến giao thông công cộng kết nối được hầu hết các điểm du lịch trong các vùng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách trong việc di chuyển để tham quan, mua sắm, vui chơi giải trí, và nghỉ dưỡng. Trong đó, sự kết hợp CNTT-TT vào cơ sở hạ tầng đang có sẵn sẽ giúp cho mạng lưới giao thông nâng cao chất lượng dịch vụ.

Chẳng hạn như thành phố du lịch Barcelona có On-demand Bus Service-mô hình dịch vụ xe buýt theo yêu cầu đã được thử nghiệm thành công từ năm 2018 đến nay. Bất kỳ ai cũng có thể đi từ điểm này đến điểm lân cận khác và sử dụng các phương tiện công cộng khác bằng vé và thẻ đi lại trong một hệ thống tích hợp.

Tất cả những gì người dùng cần làm là đăng ký và yêu cầu dịch vụ bằng ứng dụng hoặc liên hệ qua đường dây nóng miễn phí. Xe sau đó sẽ đến trạm vào thời gian được yêu cầu. Ngoài ra, du khách có thể sử dụng xe đạp công cộng đi khắp thành phố và có thể kiểm tra vị trí của mình thông qua ứng dụng điện thoại thông minh. Việc này sẽ khuyến khích các hoạt động đi lại thân thiện với môi trường hơn (7).

Đào tạo thông minh bao gồm cung cấp các chương trình đào tạo phù hợp, là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế ngành bền vững. Sự xuất hiện của các nền tảng trực tuyến và công nghệ số sẽ tạo ra nhu cầu cho nguồn nhân lực với những kỹ năng số. Các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng làm việc trên nền tảng số là cần thiết để tăng khả năng thích ứng với ‘bình thường mới’.

Các trung tâm đào tạo nghề và trường du lịch sẽ đóng vai trò quan trọng trong mô hình phát triển bền vững này. Ví dụ, các hiệp hội hướng nghiệp ở Hàn Quốc cung cấp các dịch vụ định hướng nghề nghiệp hỗ trợ những người lao động trẻ trong ngành trang bị kỹ năng cần thiết cho thị trường. Ngoài ra, vai trò của chính quyền cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các chính sách phát triển nguồn nhân lực.

Chẳng hạn như, chính phủ Singapore đưa ra các chương trình cung cấp Chứng chỉ Kỹ năng của Lực lượng Lao động (MOM SG 2016) và trang web SkillsFuture SG cho phép người lao động lên kế hoạch phát triển nghề nghiệp trong ngành và các doanh nghiệp có dữ liệu để đánh giá nhu cầu nhân lực trước mắt và trong tương lai gần của mình (8).

Mạng lưới kết nối thông minh bao gồm hệ thống các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, lữ hành, doanh nghiệp địa phương vừa và nhỏ (DNVVN) cung cấp các dịch vụ giải trí, ẩm thực, trường đào tạo du lịch, và dịch vụ vận chuyển du lịch… Sự liên kết chặt chẽ này sẽ giúp cho các DNVVN địa phương tham gia vào mô hình tăng trưởng kinh tế.

Chẳng hạn như chương trình ‘Kết nối du lịch’ của Mexico khuyến khích và tạo điều kiện cho các DNVVN trong ngành kết nối với nhau để cùng phát triển, đặc biệt là liên kết ở cấp độ địa phương và vùng thông qua các nền tảng tương tác trực tuyến trên mọi thiết bị. Ngoài lợi ích từ các nhà cung cấp, DNVVN còn được tài trợ bởi các ngân hàng phát triển tại Mexico để xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đặc trưng cho từng địa phương (9).

Tóm lại, du lịch thông minh trở thành xu hướng tất yếu, trong đó công nghệ đóng vai trò rất quan trọng. Việt Nam mới bắt đầu trên con đường khai thác tiềm năng giàu có, xây dựng ngành du lịch bền vững. Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành Việt Nam đứng thứ 63/140, theo xếp hạng năm 2019 của WEF cho thấy có sự cải thiện 3,8 điểm so với năm 2015 (10).

Tuy nhiên, chỉ số này vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Việt Nam sẽ cần có các cơ chế chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ, hoàn thiện hạ tầng và đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ cho các hoạt động quản lý, kinh doanh du lịch.

Vì vậy, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh với sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành liên quan cũng như sự tham gia của các địa phương và doanh nghiệp sẽ là câu trả lời cho bài toán này để giúp cho các tỉnh/thành có ngành du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn có đủ nguồn lực vượt qua thách thức của đại dịch để phát triển bền vững trong tương lai.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) OECD. 2004 E-tourism: An Innovative Approach For The Small And Medium-sized Tourism Enterprises (Smtes) In Korea
(2) Springer link. Smart tourism: foundations and developments
(3) Researchgate. 2018 The 6th Asian Academic Society International Conference (AASIC) A Transformative Community: Asia In Dynamism, Innovation, And Globalization The Novel Paradigm Of “Economic Driven Smart City” To The Sustainability
(4) Huawei. Building a Safe Mauritius, the Inspiration for Heaven
(5) Aroundmeapp.com
(6) Gsma. 2012 South Korea: Jeju Island Smart Grid Test-Bed Developing Next Generation Utility Networks
(7) CRM. 2021 The CRM collaborates with the on-demand bus service expansion in Barcelona
(8) APEC. 2017 Developing the Tourism Workforce of the Future in the APEC Region
(9) APEC. 2019 SMEs’ Integration into Global Value Chains in Services Industries: Tourism Sector
(10) World Economic Forum. 2019 Travel & Tourism Competitiveness Index 

Nghiên cứu nổi bật
01. Khai thác tiềm năng vô tận của dữ liệu đối với ngành bán lẻ 02. Xây dựng giải pháp chuyển đổi số hiệu quả cho doanh nghiệp 03. An toàn thông tin và bảo mật trong ngành sản xuất 04. Các hãng hàng không trong thời đại số – Tối ưu hóa hay chuyển đổi số?
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận