Các ngành công nghiệp đang đứng trước những thay đổi từ chuyển đổi số. Ngành viễn thông cũng không phải là ngoại lệ khi các doanh nghiệp đang phải đối mặt với bối cảnh vĩ mô những rào cản lớn.
Chuyển đổi số đã có những tác động tới các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông bắt đầu với sự xuất hiện của những dịch vụ OTT hay over-the-top (những dịch vụ cung cấp trên Internet mà không phải trực tiếp từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông như WhatsApp, Skype hay Netflix). Bên cạnh đó, thói quen, hành vi và nhu cầu người sử dụng cũng thay đổi, họ tìm kiếm những dịch vụ và trải nghiệm tốt, tối ưu hơn. Trước những biến chuyển này, trong những năm qua, ngành viễn thông đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh doanh thu từ những dịch vụ truyền thống cốt lõi như gọi thoại và nhắn tin, cùng với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà cung cấp dịch vụ OTT. Để cạnh tranh và bù đắp cho sự sụt giảm về doanh thu từ các dịch vụ truyền thống, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông buộc phải thực hiện các bước chuyển đổi hiệu quả, lấy khách hàng làm trọng tâm để cung cấp những dịch vụ mới, phù hợp, đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Số hóa các nội dung và dịch vụ đã làm gia tăng thêm các lựa chọn, sự đổi mới và cạnh tranh giữa các công ty và nhà cung cấp dịch vụ. Bởi vậy, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông không thể tiếp tục duy trì cách thức hoạt động như trước. Không tổ chức nào “miễn nhiễm” với sự chuyển đổi, và cách tốt nhất để bảo vệ doanh nghiệp, đó là duy trì sự đổi mới. Với sự phát triển nhanh chóng các công nghệ mới, chuyển đổi số đã trở thành một ưu tiên hàng đầu trong ngành. Các ngành công nghiệp viễn thông đã và đang trải qua sự thay đổi lớn mang tính cấu trúc, khi các kênh điểm chạm khách hàng, nội dung và các dịch vụ viễn thông chuyển dịch lên các nền tảng số, tạo ra một hệ sinh thái giá trị mới và lớn hơn. Các nhà cung cấp dịch vụ đang cố gắng tận dụng những tiềm năng mang lại từ mạng hiệu năng cao để đáp ứng những nhu cầu từ khách hàng. Một số xu hướng chuyển đổi số đang gây ra sự thay đổi mạnh mẽ trong ngành viễn thông như IoT (Internet vạn vật) và Dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo, Điện toán đám mây và An ninh mạng.
Mạng 5G – Cơ sở thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ
Những thay đổi từ sự xuất hiện của “trực tuyến” trong mười năm qua đã định nghĩa lại cách thức giao tiếp của con người. Người dùng sử dụng điện thoại thông minh thường xuyên hơn vì tính tiện lợi và di động. Trong số hơn ba tỷ người dùng Internet trên toàn cầu, đa số sử dụng điện thoại thông minh làm điểm truy cập Internet chính (1). Những thiết bị di động này không chỉ hữu ích cho việc tìm kiếm trên Internet mà còn giúp người dùng quản lý các công việc quan trọng trong cuộc sống của họ.
Vì vậy, để tạo đà cho việc đáp ứng nhu cầu người dùng, đồng thời, làm nền tảng đảm bảo cho quá trình chuyển đổi số được diễn ra thuận lợi, sự phát triển của mạng 5G và băng thông rộng và một yếu tố không thể thiếu. Hạ tầng 5G và băng thông rộng hứa hẹn về khả năng truy cập nhanh hơn và đem lại nhiều dịch vụ phong phú hơn như (2):
- Tốc độ dữ liệu nhanh hơn 4G gấp 100 lần, truy cập tức thì đến các dịch vụ và ứng dụng với tốc độ tải xuống lên đến 20GB/s.
- Độ trễ của mạng sẽ được giảm xuống 1 mili giây so với 200 mili giây hiện tại trong 4G.
- Mở rộng khối lượng dữ liệu truy cập lên gấp 1.000.
Nhiều quốc gia phát triển đã triển khai và sử dụng thành công 5G trong các lĩnh vực khác nhau. Điều này cũng không ngoại lệ ở Việt Nam khi trong năm 2020 các nhà mạng đã bắt đầu sản xuất được các thiết bị hạ tầng, làm chủ được công nghệ 5G, đã triển khai 5G ở một số khu vực và đạt được những kết quả khả quan. Mục tiêu trong năm 2021 của các nhà mạng viễn thông Việt Nam là triển khai 5G trên diện rộng và hứa hẹn sẽ mang đến nhiều trải nghiệm vượt bậc cho người dùng di động, đồng thời cũng là nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp và phát triển nền kinh tế đất nước (3).
Các xu hướng chuyển đổi số trong ngành
Internet vạn vật và Dữ liệu lớn
Trước hết, xu hướng triển khai các giải pháp IoT vào lĩnh vực viễn thông ngày càng được thúc đẩy nhằm đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của khách hàng một cách nhanh và hoàn thiện hơn. IoT giúp kết nối tất cả các thiết bị như các đồ dùng trong nhà hay các hệ thống máy móc trong nhà máy với nhau thông qua mạng không dây (wifi) hoặc mạng viễn thông băng rộng (3G, 4G, 5G), … Các thiết bị được kết nối trong hệ thống có khả năng liên lạc, hiểu nhau cũng như có thể đưa ra phản ứng kịp thời và đồng bộ nhất. Theo GSMA, IoT sẽ tạo ra doanh thu ước tính 1,8 nghìn tỷ đô la Mỹ cho các nhà khai thác mạng di động vào năm 2026 (4). Các công ty viễn thông có thể tận dụng những cơ hội từ công nghệ này và phát triển các phương pháp, ứng dụng sáng tạo, nhằm tạo ra dòng doanh thu đột phá.
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tương lai của ngành viễn thông để đáp ứng được những nhu cầu khắt khe của doanh nghiệp và khách hàng chính là phân tích dữ liệu lớn. Bằng cách tận dụng các giải pháp IoT, các công ty viễn thông có thể đồng bộ và thu thập được khối lượng dữ liệu quan trọng cho doanh nghiệp. Áp dụng quy trình phân tích Dữ liệu lớn vào thông tin thu thập được từ các cảm biến IoT, các nhà viễn thông có thể có được những hiểu biết có giá trị về hành vi và cách sử dụng của khách hàng. Từ đó, xây dựng các mô hình dự đoán để đưa ra những dự đoán cho tương lai với những gói dịch vụ phù hợp, nhằm cải thiện mức độ tương tác và trải nghiệm của khách hàng.
Một ví dụ về IoT là Alexa – một thiết bị điều khiển bằng giọng nói do Amazon phát triển. Alexa không chỉ hỗ trợ người dùng trong các công việc hàng ngày như nhận lịch chiếu phim, thanh toán hóa đơn hoặc đặt hàng trực tuyến mà còn có thể kết nối với các thiết bị thông minh trong nhà để xây dựng ngôi nhà thông minh. Hầu hết các thiết bị trong ngôi nhà đều được kết nối và có thể điều khiển từ xa. Chúng có thể được lập trình để tiết kiệm năng lượng, giúp cuộc sống trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn như hệ thống sưởi được đồng bộ với các cảm biến nhiệt độ bên ngoài để tiết kiệm năng lượng hay người dùng có thể điều khiển các thiết bị trong nhà bằng giọng nói, … Không chỉ vậy, nhờ vào dữ liệu lớn, hệ thống sẽ phân tích các dữ liệu về hành vi sử dụng thiết bị của người dùng, từ đó, liên tục cải thiện, trở nên thông minh hơn để dự đoán, đáp ứng đúng nhu cầu, gợi ý những gói dịch vụ phù hợp và cập nhật liên tục các ứng dụng mới với nhiều kỹ năng tương thích người dùng hơn.
Trí tuệ nhân tạo (AI)
Bên cạnh nhu cầu ngày càng tăng về chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng tốt hơn, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông phải giải quyết những thách thức như tính chất phức tạp của hệ thống mạng, sử dụng tài nguyên không hợp lý, lưu lượng, tắc nghẽn và chậm trễ, lỗi mạng và đường truyền, yêu cầu băng thông ngày càng tăng để đáp ứng được nhu cầu thị trường một cách hoàn thiện nhất. Với lượng dữ liệu khổng lồ được thu thập từ các cơ sở khách hàng sử dụng dịch vụ và dữ liệu thanh toán, được chọn lọc từ các thiết bị, mạng, ứng dụng di động, vị trí địa lý, … Các công ty viễn thông đang khai thác sức mạnh của trí tuệ nhân tạo AI để xử lý và phân tích khối lượng dữ liệu lớn khổng lồ này nhằm trích xuất thông tin chi tiết có thể hành động và cung cấp trải nghiệm khách hàng tốt hơn, cải thiện hoạt động và tăng doanh thu thông qua các sản phẩm và dịch vụ mới. Với khả năng giúp quản lý, tối ưu hóa và duy trì đồng thời cơ sở hạ tầng và các hoạt động hỗ trợ khách hàng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã trở thành một trong những xu hướng mới nhất trong ngành. Tối ưu hóa mạng, bảo trì dự đoán, trợ lý ảo và Robot tự động hoá quy trình (RPA) là những ví dụ về các trường hợp sử dụng mà AI đã tác động đến ngành, nâng cao trải nghiệm khách hàng và giá trị gia tăng cho doanh nghiệp nói chung.
Một ví dụ của việc ứng dụng AI vào viễn thông đó là nền tảng trực quan tích hợp của TechSee, ứng dụng được nhà điều hành viễn thông Vodafone sử dụng để thí điểm công nghệ hỗ trợ khách hàng từ xa, hỗ trợ bởi AI và AR. Với nền tảng trực quan tích hợp của TechSee, các đại lý của Vodafone có thể xem tình hình của khách hàng và khắc phục sự cố kỹ thuật dễ dàng hơn. Với sự đổi mới công nghệ từ xa của Vodafone, nhiều hoạt động trước đây yêu cầu phải cử kỹ thuật viên trực tiếp xuống khu vực của khách hàng để giải quyết, giờ đây có thể được thực hiện từ xa bởi các nhân viên đóng vai trò là kỹ thuật viên ảo. Điều này có hiệu quả làm giảm tỷ lệ phải cử người đi trực tiếp giải quyết vấn đề của Vodafone xuống tới 26%, cũng như cải thiện 68% về mức độ hài lòng của khách hàng ở các đại lý Vodafone tại Anh (5).
Điện toán đám mây và An ninh mạng
Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông dựa vào cơ sở hạ tầng máy tính lớn để cung cấp các ứng dụng đa dạng, quản lý dữ liệu và lập hóa đơn dịch vụ. Trong quá trình này, các nhà cung cấp dịch vụ luôn phải đổi mới và cập nhật liên tục để cạnh tranh trong môi trường mạng thay đổi nhanh chóng. Sự tăng trưởng vượt bậc về lưu lượng sử dụng video và di động cũng gây ra nhiều khó khăn cho các nhà mạng viễn thông hiện tại, buộc các nhà cung cấp phải tập trung vào việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới, giúp gia tăng sự hài lòng của khách hàng, giảm được giá thành dịch vụ và hoạt động hiệu quả hơn theo nhu cầu thị trường. Điều này dẫn đến nhu cầu dịch chuyển kiến trúc mạng truyền thống, đầu tư và chuyển dịch lên công nghệ điện toán đám mây của các nhà mạng viễn thông để cải thiện sự nhanh nhạy và giảm chi phí vận hành. Ngoài những lợi thế truyền thống để nâng cao hiệu quả bên trong, công nghệ điện toán đám mây cho phép chuyển đổi từ mô hình dựa trên sản phẩm sang mô hình dựa trên dịch vụ. Mô hình dịch vụ dựa trên phần mềm (Software as a service – SaaS) có thể áp dụng các tính năng của cơ sở hạ tầng viễn thông truyền thống sẵn có, để quản lý các giao dịch và dịch vụ, mang lại lợi ích đáng kể về tính linh hoạt, thời gian giao hàng, giảm chi phí hoạt động. Doanh nghiệp viễn thông cũng có thể tận dụng công nghệ điện toán đám mây để thâm nhập vào các lĩnh vực kinh doanh mới. Dựa trên những tài sản cốt lõi như chuyên môn về mạng, cơ sở hạ tầng bảo mật và khả năng xử lý chất lượng của các yêu cầu dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có thể tạo ra và cải thiện trải nghiệm sử dụng và triển khai điện toán đám mây trong bối cảnh mới.
Trên nền tảng điện toán đám mây và trong quá trình ứng dụng các công nghệ hạ tầng hệ thống công nghệ thông tin, các doanh nghiệp cũng cần chú ý tới vấn đề về bảo mật an ninh. Tội phạm mạng và các tác nhân đe dọa khác, với khả năng truy cập dễ dàng và không tốn kém vào các công cụ chuyên dụng để tấn công mạng viễn thông, đã gây nên các vấn đề về an ninh mạng. Thông thường, có hai loại tấn công mạng xảy ra, đó là tấn công trực tiếp nhắm mục tiêu vào hoạt động mạng viễn thông và tấn công gián tiếp bằng cách xâm phạm thông tin thuê bao. Hơn nữa, với sự tăng trưởng nhanh chóng của các công nghệ tiên tiến cùng nhu cầu kỹ thuật số và IoT, các lực lượng thị trường đã thúc đẩy các nhà khai thác viễn thông chuyển đổi từ các công ty mạng vật lý sang các nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Do đó, bề mặt tấn công của các công ty viễn thông, rủi ro không gian mạng cũng như tần suất các cuộc tấn công mạng cũng tăng lên đáng kể. Một khi kẻ đe dọa có quyền truy cập vào mạng, chúng có thể đánh cắp dữ liệu bí mật, chèn phần mềm độc hại vào các mạng nhánh khách hàng nhất định, xâm nhập hoặc làm nhiễm mã độc nhằm chiếm đoạt và kiểm soát, tấn công trên diện rộng nhằm gây gián đoạn các hoạt động của vùng kinh tế. Do vậy, các loại tấn công này yêu cầu các nhóm bảo mật mạng viễn thông phải luôn cập nhật, đồng thời bám sát các mối đe dọa và lỗ hổng bảo mật mới.
Nhìn chung, với sự thay đổi mạnh mẽ về kỹ thuật số trong lĩnh vực viễn thông, từ việc phát minh ra mạng 5G để hỗ trợ các ứng dụng của IoT, thu thập – phân tích dữ liệu lớn hay AI vào các loại hình dịch vụ viễn thông đến các dịch vụ Điện toán đám mây, có thể thấy rõ ràng ngành viễn thông đang chuyển đổi nhanh hơn bao giờ hết. Chất lượng và mức sống của con người ngày càng được nâng cao cùng với sự hỗ trợ từ máy móc. Các tập đoàn Việt Nam cũng đang nắm bắt xu thế, áp dụng các công nghệ mới vào các khía cạnh để đẩy mạnh phát triển, nhằm xây dựng vị thế tốt hơn trên thị trường cũng như có thể cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Một công ty có thể dễ dàng bị đào thải nếu chỉ đứng yên mà không có hành động gì trước cuộc chuyển đổi lớn này. Tuy nhiên, công nghệ ngày càng phát triển đồng nghĩa với việc các vấn đề về an ninh mạng ngày càng gia tăng. Các công ty nhà mạng viễn thông, vì vậy, phải luôn cập nhật, theo sát để đảm bảo không có một lỗ hổng bảo mật nào để có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến khách hàng sử dụng dịch vụ.
Nguồn tham khảo
(1) iLink. 2020. 7 Top Digital Transformation Trends Shaping the Telecom Industry in 2020.
(2) Hitachi Vantara. 2019. Transform Telecom: A data-driven strategy for digital transformation.
(3) Ông Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam. 2021. Hội thảo Phát triển 5G và Hạ tầng băng rộng góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. (4) GSMA. 2017. GSMA Highlights US$1.8 Trillion IoT Revenue Opportunity for Mobile Network Operators.
(5) TechSee. 2021. Global Innovator Vodafone Partners with TechSee for AR Remote Assistance.