Tại sự kiện Biztech Việt Nam 2024, Chuyên gia tư vấn Phát triển bền vững FPT Digital Nguyễn Thế Phương cho biết ESG là xu hướng và chủ đề được quan tâm trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt khi thế giới đang chuyển dịch các chính sách thắt chặt về giảm carbon, hướng tới Net-Zero. Dẫn đầu là các khu vực châu Mỹ, châu Âu với các chính sách điều chỉnh carbon xuyên biên giới CBAM và đang dần có tác động lan rộng đến khu vực Châu Á.
Ngày 10-11/5 tại Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên gia Tư vấn Chuyển đổi xanh Nguyễn Thế Phương chia sẻ về tầm quan trọng của xu hướng chuyển đổi kép tại Hội nghị và Triển lãm Biztech Việt Nam 2024 tổ chức bởi Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA).
Hội nghị và Triển lãm Biztech Việt Nam 2024 là sự kiện thường niên về chuyển đổi số nhằm giới thiệu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm giúp nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, tổ chức.
Với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Tăng trưởng bền vững”, sự kiện bao gồm 6 phiên hội thảo chuyên đề với sự tham gia chia sẻ của trên 50 diễn giả, chuyên gia, lãnh đạo cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc thế và nhiều doanh nghiệp đang thực hiện thành công hoạt động chuyển đổi số.
Tại sự kiện, chuyên gia tư vấn Phát triển bền vững FPT Digital Nguyễn Thế Phương cho biết ESG là xu hướng và chủ đề được quan tâm trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt khi thế giới đang chuyển dịch các chính sách thắt chặt về giảm carbon, hướng tới Net-Zero. Dẫn đầu là các khu vực châu Mỹ, châu Âu với các chính sách điều chỉnh carbon xuyên biên giới CBAM và đang dần có tác động lan rộng đến khu vực Châu Á.
Ông nhấn mạnh “doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển đổi để bắt kịp cuộc chơi mới” khi mà ESG trở thành là ưu tiên hàng đầu trên toàn thế giới. Ông dẫn chứng báo cáo cho thấy trên 80% doanh nghiệp có kế hoạch gia tăng đầu tư vào tính bền vững và 60% doanh nghiệp coi ESG là tiêu chí chủ chốt trong việc lựa chọn và ưu tiên các sáng kiến số.
Trong bối cảnh đó, chuyển đổi kép, sự kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, có thể là lời giải thích đáng cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Mục tiêu cuối cùng của việc kết hợp hai loại hình chuyển đổi này là tăng trưởng không chỉ dựa trên việc tăng sản lượng và tiêu thụ, mà còn phải cân bằng với việc bảo vệ môi trường và đảm bảo công bằng xã hội. Chẳng hạn, công nghệ số giúp theo dõi và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, từ đó giảm lãng phí và tăng hiệu quả sản xuất. Các hệ thống thông minh và tự động hóa có thể giúp tiết kiệm lượng năng lượng cần thiết cho các hoạt động kinh tế, từ đó giảm lượng khí thải.
Ông cho rằng các doanh nghiệp cần chuyển đổi mô hình kinh doanh và nâng cao năng lực quản trị – vận hành của mình để thích ứng với nhu cầu và yêu cầu đang thay đổi mạnh mẽ của các bên liên quan như khách hàng, đối tác, nhà đầu tư, cổ đông, nhân viên và cơ quan quản lý. Bởi, các bên này đang yêu cầu các doanh nghiệp minh bạch hơn và có trách nhiệm hơn đối với các tác động và đóng góp ESG của họ.
Chuyên gia FPT Digital cho rằng Việt Nam đã có những hành động mang tính nền tảng ban đầu để bắt kịp xu hướng chuyển đổi kép toàn cầu, tuy vẫn còn phải đối diện với nhiều thách thức. Để xây dựng tính bền vững như một lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp phải tích hợp ESG vào Chiến lược kinh doanh dựa trên nền tảng Chiến lược chuyển đổi số ngay từ đầu. “Chiến lược Kinh doanh – Chiến lược Chuyển đổi số – Chiến lược Chuyển đổi xanh” phải là kiềng 3 chân giúp doanh nghiệp vững vàng phát triển và vươn tầm quốc tế”, anh Phương nói.
Hội nghị và Triển lãm Biztech Việt Nam 2024 diễn ra trong 2 ngày (10 và 11/5/2024) nhằm kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), doanh nghiệp với doanh nghiệp và khách hàng (B2B2C), với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu là các nhà lãnh đạo, nhà quản lý doanh nghiệp, và các diễn giả, chuyên gia. Sáu hội thảo chuyên đề bao gồm: Quản trị doanh nghiệp 4.0; Chuyển đổi số quản trị khách hàng-CRM; Martech – Tăng lợi thế cạnh tranh; Tăng trưởng đột phá với E-Commerce & Social Commerce; Chuyển đổi số xanh cho doanh nghiệp sản xuất; Hội thảo tập huấn và tư vấn về ESG.