Gen Z và tác động hình thành môi trường làm việc số - FPT Digital
Gen Z và tác động hình thành môi trường làm việc số
Internet of Thing

Gen Z và tác động hình thành môi trường làm việc số

Tới 2025, số lượng nhân sự Gen Z chiếm khoảng 27% lực lượng lao động toàn thị trường. Với các đặc điểm riêng có, Gen Z có lợi thế tạo ra nhiều giá trị mới tại nơi làm việc, đồng thời, họ cũng tìm kiếm những môi trường làm việc khác hơn so với những thế hệ trước. Trong đó, yếu tô như cân bằng, phát triển bền vững, minh bạch được tạo dựng và hỗ trợ tối đa từ công nghệ số.

1. Gen Z đang kiếm tìm những giá trị gì tại môi trường làm việc?

Lớn lên trong môi trường phát triển nhanh chóng của công nghệ, Internet, mạng xã hội, và trải qua những tác động từ đại dịch Covid-19, Gen Z có khả năng thích ứng nhanh với thay đổi và không ngừng tìm kiếm sự đổi mới. Thế hệ mới này coi công nghệ số là một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Họ cũng thích chia sẻ và thể hiện những phiên bản chân thật và thẳng thắn của bản thân.

Tuy nhiên, ở Gen Z vẫn có những đặc điểm giống như thế hệ đi trước, trong đó, đề cao sự quan tâm tới những thay đổi của xã hội và sự bền vững của môi trường. Gen Z đặt ra cho mình tập hợp những giá trị để theo đuổi. Họ cũng tìm kiếm những giá trị này tại nơi làm việc, từ tổ chức, môi trường làm việc và ở người lãnh đạo, quản lý.

môi trường làm việc
Ảnh 1: Những giá trị Gen Z tìm kiếm tại môi trường làm việc

Mức độ đóng góp và ý nghĩa trong công việc

Gen Z mong muốn và hướng đến việc tạo ra những đóng góp nhất định trong công việc, cho tổ chức, cộng đồng và xã hội, nơi mà họ thuộc về. Họ tìm kiếm những ý nghĩa và giá trị có thể mang lại, đóng góp và cống hiến thông qua công việc, nhiệm vụ mà họ đảm nhiệm. Với mong muốn tạo ra những giá trị mang tầm ảnh hưởng, họ thường tìm kiếm những môi trường làm việc gắn liền với đóng góp cho xã hội, phát triển với định hướng bền vững, hay bảo vệ môi trường, …

Tính bình đẳng và công bằng

Nhân lực Gen Z cũng đề cao sự bình đẳng và công bằng tại môi trường làm việc. Sự bình đẳng và công bằng được thể hiện trong các vấn đề liên quan đến thu nhập, giới tính, và sự tự do thể hiện phong cách – cá tính riêng của mỗi cá nhân. Họ nhìn nhận tính bình đẳng và công bằng trong tổ chức không chỉ với cá nhân họ mà còn đối với mỗi thành viên khác trong tổ chức. Môi trường làm việc đó sẽ cùng cộng hưởng tạo ra văn hóa làm việc tích cực, dẫn tới hiệu quả công việc tốt hơn.

Tính cộng đồng và kết nối

Sinh ra và lớn lên trong sự bùng nổ của công nghệ, sự xuất hiện của Internet và mạng xã hội đã cho phép thế hệ Z nâng cao khả năng kết nối, vượt qua rào cản địa lý, tìm kiếm sự gắn kết, và trở thành một phần của các nhóm cộng đồng. Tại nơi làm việc, nhân lực Gen Z cũng tìm kiếm những giá trị tương đồng. Họ mong đợi các chương trình hay công cụ giúp gắn kết, hợp tác giữa các thành viên trong tổ chức để góp phần hỗ trợ, hướng dẫn và định hướng phát triển.

môi trường làm việc
Ảnh 2: Các chương trình, hoạt động giúp gắn kết Tính cộng đồng và kết nối của Gen Z tại nơi làm việc

Sự linh hoạt

Gen Z cũng có những ưu tiên về cân bằng giữa đời sống công việc và đời sống cá nhân. Vì vậy, Gen Z thường tìm kiếm những cách thức làm việc hiệu quả để xử lý công việc. Họ cũng đề cao sự linh hoạt trong công việc để có thể chủ động cân đối giữa các công việc đảm nhiệm và cuộc sống riêng. Để làm được việc đó, họ tìm kiếm những nơi làm việc năng động, cho phép khả năng làm việc chủ động và trao quyền, trao công cụ để có thể hoàn thành công việc một cách hiệu quả.

Sự sáng tạo và đổi mới

Là những cư dân số bản địa, Gen Z liên tục tìm kiếm và theo đuổi sự chuyển đổi. Họ tìm kiếm những cơ hội phát triển bản thân tại những doanh nghiệp có định hướng phát triển đột phá, đồng thời, cho phép và khuyến khích nhân sự sáng tạo, thử nghiệm và đổi mới. Một nơi làm việc ứng dụng các công nghệ và công cụ số hỗ trợ sẽ nuôi dưỡng sự đổi mới, sáng tạo ở nguồn nhân lực thế hệ Z, thúc đẩy quá trình tạo ra những sáng kiến và ý tưởng mới.

Bài đọc nhiều nhất
Internet of Thing 24/11/2024

2. Xây dựng những giá trị cân bằng tại môi trường làm việc

Để xây dựng những giá trị này tại nơi làm việc, doanh nghiệp có thể thông qua nhiều cách tiếp cận khác nhau để cùng kết hợp và cộng hưởng. Trong đó, công nghệ là một công cụ giúp các nhà lãnh đạo, quản lý xây dựng, quản trị và nuôi dưỡng những giá trị này tại nơi làm việc.

Yếu tố công nghệ được thể hiện ở hai góc độ: thứ nhất là xây dựng môi trường, cung cấp công cụ làm việc chủ động cho nhân sự, và thứ hai là quản trị nhân sự. Ở góc độ xây dựng môi trường và cung cấp công cụ làm việc chủ động cho nhân sự, doanh nghiệp có thể cung cấp các hệ thống, giải pháp, phần mềm công nghệ hỗ trợ nhân sự trong các nghiệp vụ, cho phép thực hiện công việc một cách linh hoạt và duy trì kết nối giữa các thành viên trong tổ chức như Digital Office hay các ứng dụng nhân viên, Tự động hóa các quy trình, …

Song song, doanh nghiệp cũng thực hiện đào tạo và phát triển, cập nhật các kỹ năng mới sử dụng hệ thống đào tạo trực tuyến E-learning hay quản trị tri thức với hệ thống KMS (Knowledge Management System), đồng thời, xây dựng các nền tảng, môi trường thử nghiệm và khuyến khích nhân sự sáng tạo đổi mới, nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới.

Ảnh 3: Khuyến khích nhân sự sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới.

Ở góc độ quản trị nhân sự, một hệ thống giao nhận việc không chỉ giúp nhân sự các cấp quản trị, quản lý công việc, giám sát tiến độ thực hiện công việc một cách hiệu quả mà còn giúp gia tăng sự minh bạch và rõ ràng trong công việc. Và một hệ thống ghi nhận mức độ đóng góp trong công việc và đánh giá hiệu suất nhân viên giúp doanh nghiệp đánh giá và ghi nhận hiệu quả hoạt động công việc một cách chính xác và công bằng cho tất cả mọi nhân sự.

Để phát huy tối đa sức mạnh·công nghệ, doanh nghiệp cũng cần chú trọng các yếu tố khác như chiến lược, lãnh đạo, quy trình và chính sách. Về yếu tố chiến lược, doanh nghiệp cần xây dựng cho mình các định hướng dài hạn về phát triển theo hướng bền vững, đóng góp cho xã hội hay kiến tạo đổi mới. Về yếu tố lãnh đạo, nhân sự Gen Z mong muốn người lãnh đạo, quản lý hỗ trợ, dẫn dắt, định hướng cũng như, lắng nghe và thấu hiểu, tạo môi trường làm việc minh bạch và rõ ràng.

Bên cạnh đó, để áp dụng hiệu quả công nghệ số, doanh nghiệp cần có các quy trình nghiệp vụ và công việc rõ ràng và được phổ cập, truyền thông tới mọi đối tượng nhân sự phù hợp trong tổ chức. Đồng thời, các chính sách cũng cần được xây dựng, bổ sung để phù hợp với thực tiễn thay đổi và thúc đẩy quá trình thực hiện.

Một điểm chú ý cuối cùng quan trọng khác, đó là doanh nghiệp cần ươm mầm, lan tỏa, nuôi dưỡng và tạo sự cân bằng, hài hòa những giá trị giữa các thế hệ nhân sự khác nhau trong tổ chức. Toàn bộ những giá trị này, cần được tổng hòa trong những giá trị văn hóa chung của doanh nghiệp, trở thành nền tảng để hình thành văn hóa và môi trường làm việc số trong tương lai.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) World Economic Forum. 2021. Chart: How Gen Z Employment Levels Compare in OECD Countries.
(2) Philip Kotler. 2021. Marketing 5.0: Technology for Humanity.

Nghiên cứu nổi bật
01. 06 xu hướng chuyển đổi số ngân hàng năm 2022 02. Xu hướng chuyển đổi xanh và định hướng tiếp cận cho doanh nghiệp sản xuất nhựa (Kỳ 1) 03. Tín dụng xanh dành cho cá nhân, hướng tới thị trường tiêu dùng bền vững 04. Chuyển đổi số trong ngành bán lẻ | Bức tranh từ tổng quan đến chi tiết
FPT Digital
FPT Digital tổng hợp
FPT Digital là công ty tư vấn trực thuộc tập đoàn FPT, với hơn 30 năm kinh nghiệm tư vấn chuyển đổi số, đồng thời tiên phong trong lĩnh vực ESG và phát triển bền vững, chuyển đổi xanh và giảm phát thải.
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận