Xu hướng chuyển đổi số trong ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm - FPT Digital
Xu hướng chuyển đổi số trong ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm
Digital Strategy

Xu hướng chuyển đổi số trong ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm

Ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm nhiều năm nay luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam và còn nhiều dư địa cho sự phát triển. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều xáo trộn chưa từng có, khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành chịu tác động lớn.

Để vực dậy thời hậu đại dịch, tiến tới trạng thái bình thường mới thì không chỉ nắm bắt xu hướng thị trường, sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng, đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại, các doanh nghiệp cũng cần phải có chiến lược chuyển đổi số trong sản xuất nhằm đảm bảo vận hành xuất sắc, gia tăng trải nghiệm khách hàng và kiến tạo những mô hình kinh doanh mới, qua đó củng cố lợi thế và tính cạnh tranh trong môi trường kinh doanh khốc liệt hiện nay.

Thực trạng của ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm thế giới và Việt Nam

Theo báo cáo của ResearchAndMarkets, trong giai đoạn 2019 – 2024, tổng giá trị thị trường sản xuất, chế biến thực phẩm ước đạt 4.100 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm ở mức 4,3%(1). Tuy nhiên, thế giới đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19, một yếu tố gây tác động rất lớn và toàn diện tới triển vọng phát triển của ngành. Cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu đã đảo ngược một số xu hướng, đẩy nhanh và tạo ra những xu thế hoàn toàn mới, do nhu cầu ngày càng gia tăng của dân số toàn cầu với nhóm thực phẩm ăn liền, sự thay đổi trong nếp sống, thói quen ăn uống, cũng như những yêu cầu ngày càng khắt khe về dinh dưỡng, truy suất nguồn gốc, tính an toàn và bền vững của thực phẩm.

Theo số liệu từ Tổng Cục Thống Kê, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất, chế biến thực phẩm Việt Nam chỉ chiếm gần 1% tổng số doanh nghiệp cả nước nhưng giá trị sản xuất của ngành lại chiếm tỷ trọng lên tới 19,1% trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam(2). Điều đó cho thấy ngành sản xuất chế biến thực phẩm Việt Nam là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn quan trọng, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực cũng như đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ra thị trường khu vực và thế giới. Tuy nhiên, giống như bức tranh chung toàn cầu, đại dịch cũng đem lại những cơ hội và thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải sản sinh hệ “miễn dịch” tương ứng đồng thời có chiến lược chuyển đổi toàn diện nhằm thích nghi và nắm bắt những cơ hội phát triển trong tình hình mới.

Cơ hội phát triển của ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm Việt Nam

Trong nước, Việt Nam luôn ưu tiên phát triển ngành sản xuất, chế biến thực phẩm, nhằm nâng cao sản lượng và giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến. Bình quân trong 5 năm 2016-2020, công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam có sự tăng trưởng ổn định ở mức gần 7%/năm(2). Đóng góp cho sự tăng trưởng này phải kể đến các yếu tố như dân số trẻ, mức thu nhập bình quân đầu người tăng, quá trình đô thị hóa đã diễn ra mạnh mẽ tại các đô thị lớn, các tỉnh, các vùng trên cả nước, tạo ra một thị trường tiêu dùng có mức tăng trưởng tự nhiên ổn định.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã và đang tham gia tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế thông qua các Hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP, v.v…). Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong ngành dễ dàng mở rộng thị trường và nâng cao sản lượng xuất khẩu. Do đó, để nhanh chóng nắm bắt được cơ hội, cũng như tăng khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp trong nước cần không ngừng nỗ lực đổi mới sáng tạo, chú trọng đầu tư mạnh thiết bị, công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất 4.0, đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm ở trong và ngoài nước.

Thách thức đối với ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm Việt Nam

Đại dịch toàn cầu chúng ta đang đối mặt chính là thách thức rõ nét nhất hiện nay với ngành thực phẩm trong nước. Theo lãnh đạo bộ Công Thương, các tác động cụ thể bao gồm sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng nguyên liệu, tiêu thụ trong nước sụt giảm, đơn hàng xuất khẩu bị hủy bỏ hoặc giảm đáng kể; hoạt động logistics, vận tải hàng hóa bị đình trệ, ùn tắc tại các cảng; hàng hóa và dòng vốn đều thiếu hụt hoặc dồn ứ tại kho…(3) Bên cạnh đó, người tiêu dùng có xu hướng thay đổi thói quen, lối sống mạnh mẽ trong thời dịch và ngày càng yêu cầu cao hơn về mặt chất lượng, dinh dưỡng, giá thành hợp lý của sản phẩm, đòi hỏi doanh nghiệp cần có chiến lược thay đổi và ứng phó thích hợp.

Việt Nam là trong các quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, đe dọa sản xuất nông nghiệp, khiến nguyên liệu phục vụ chế biến chất lượng thấp, không đảm bảo tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm. Quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chưa thật sự hình thành một nền nông nghiệp lớn theo hướng hiện đại. Ngoài số ít các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm lớn trong nước, các doanh nghiệp còn lại trong ngành đa số có quy mô nhỏ. Các máy móc được đầu tư không đồng bộ nên không đồng nhất dữ liệu; thiếu hụt chi phí đầu tư, cải tiến, nâng cấp về kỹ thuật cho hệ thống thiết bị, công nghệ hiện tại; rủi ro trong việc lựa chọn thiết bị, công nghệ không phù hợp(4). Ngoài ra, khả năng tiếp thu công nghệ, công cụ mới, nắm vững quy trình của công nhân và doanh nghiệp sản xuất hiện đang là một khâu yếu trong hệ thống đổi mới sáng tạo của ngành thực phẩm Việt Nam, gây cản trở trực tiếp trong việc áp dụng các chiến lược chuyển đổi số toàn diện trong doanh nghiệp.

Ngoài những cơ hội mà các Hiệp định thương mại tự do đem lại, thách thức đối với các doanh nghiệp để đưa thực phẩm Việt ra thế giới không hề nhỏ. Nổi bật trong số đó là những quy định khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, tính minh bạch trong nguồn gốc từ khâu khai thác tới tay người tiêu dùng, tính bền vững trong sản xuất gắn liền với trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường.

Chuyển Đổi Số – Tương lai của ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm

Đại dịch Covid – 19 khiến cho nhận thức về xu hướng chuyển đổi số trong ngành công nghiệp thực phẩm trở nên cấp thiết hơn. Chuyển đổi số là một xu thế bắt buộc, mang tính liên tục và không thể đảo ngược do sự thay đổi liên tục của công nghệ, nhu cầu khách hàng và xu hướng thị trường. Điều đó khẳng định tầm quan trọng không thể phủ phận của chuyển đổi số, ngay cả sau khi cuộc khủng hoảng COVID-19 qua đi, trực tiếp quyết định tới sự tồn vong của ngành, của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp trong ngành phải thích ứng nhanh chóng, linh hoạt với công nghệ và quy trình mới, cũng như đào tạo và xây dựng động lực phù hợp cho từng cá nhân trong tổ chức để sẵn sàng ứng phó với các thử thách cũng như nắm bắt những cơ hội phát triển trong kỷ nguyên số hiện nay.

Mục đích của chuyển đổi số là tăng cường năng lực cốt lõi của doanh nghiệp & khám phá các cơ hội mới bằng cách chuyển đổi con người, hệ thống hoặc quy trình. Lợi ích chuyển đổi số đem lại bao gồm vận hành xuất sắc, nâng cao trải nghiệm khách hàng và kiến tạo các mô hình kinh doanh mới.

Sau đây là những xu hướng chuyển đổi số trong ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, cho phép doanh nghiệp phản ứng nhanh hơn với những thay đổi và tạo nền tảng để tiếp tục phát triển trong tương lai:

1. Nhà máy của tương lai(5)
Hình 1

Các giải pháp nhà máy tương lai giúp đội ngũ lãnh đạo cải thiện rõ rệt khả năng đánh giá, kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, kinh doanh một cách chặt chẽ; đồng thời giám sát các khu vực sản xuất và năng suất người lao đông để kịp thời đưa ra những quyết định quan trọng để điều chỉnh và cải thiện hoạt động của doanh nghiệp một cách toàn diện.

Nhà máy thông minh còn là mắt xích quan trọng trong việc kết nối với các đơn vị tham gia chuỗi cung ứng, tạo ra việc minh bạch trong trao đổi thông tin và nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu đầu vào. Nhờ vào khả năng phân tích số liệu thị trường và cung cầu theo thời gian thực, các công ty có được khả năng tìm nguồn nguyên liệu nhanh hơn trong chuỗi cung ứng, thúc đẩy hiệu quả sản xuất và giao hàng theo đúng với nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, các công nghệ mới đang hỗ trợ sản xuất chính xác và sử dụng hiệu quả các thành phần, nguyên liệu chế biến, qua đó giảm thiểu chất thải và đảm bảo việc vận hành sản xuất an toàn, tuân thủ đúng quy định hiện hành về an toàn thực phẩm.

2. Minh bạch về nguồn gốc xuất xứ

Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm là một trong những ngành có yêu cầu khắt khe nhất về mặt chất lương, tính minh bạch trong nguồn gốc, do có tác động trực tiếp lên sức khỏe của con người.

Quá trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm liên quan đến việc theo dõi lịch sử của sản phẩm và chia sẻ dữ liệu đó xuyên suốt toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến từ nông trại, nhà máy đến tay người tiêu dùng. Khi nói đến thực phẩm, việc biết chính xác nguồn nguyên liệu thô đến từ đâu là điều quan trọng, đặc biệt đối với việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ thực phẩm tươi sống. Ngoài những quy định của chính phủ các nước đối với chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, bản thân người tiêu dùng cũng đặt ra những yêu cầu về dinh dưỡng, tính bền vững, thân thiện với môi trường của sản phẩm. Tiêu biểu như các nước châu Âu, nơi họ sẵn sàng trả thêm tiền để mua thực phẩm hữu cơ.

Việc Việt Nam gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại tự do cũng đặt ra bài toán minh bạch về nguồn gốc xuất xứ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm. Có đảm bảo được yếu tố này, thực phẩm Việt mới có thể được chấp nhận và vươn rộng trên bản đồ thế giới.

3. Tối ưu hóa chuỗi cung ứng

Chuỗi cung ứng mạnh mẽ là yếu tố sống còn trong thời kỳ khủng hoảng và là một lợi thế lớn trong thời kỳ bình thường mới. Dịch COVID-19 bắt đầu kéo theo hàng loạt những thay đổi trong quy trình kinh doanh, chuỗi cung ứng và mối quan hệ với khách hàng. Những thay đổi này phải được thực hiện nhanh chóng và linh hoạt. Thông qua chuyển đổi số, các chuỗi cung ứng có thể được liên kết và mở rộng thành một hệ thống linh hoạt và bền vững – với sự trợ giúp của các hệ thống CNTT hiện đại.

Ngày nay, các giải pháp số được thực hiện mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nhận biết được nhu cầu thị trường một cách chính xác để tối ưu hóa sản xuất, chẳng hạn như liên quan đến phạm vi sản phẩm, giá cả hoặc phân khúc khách hàng. Nhờ công nghệ số, các dữ liệu được tổng hợp, phân tích và đánh giá theo thời gian thực. Điều này cho phép doanh nghiệp nhận biết kịp thời xu hướng, dự báo chính xác nhu cầu, cải thiện hợp tác với các nhà cung cấp, qua đó gia tăng hiệu quả và rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường.

Bài đọc nhiều nhất
Digital Strategy 24/12/2024

4. Liên kết, nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng trên tất cả các kênh

Cách ly hay giãn cách xã hội trong thời gian đại dịch bùng phát đã thay đổi hành vi người tiêu dùng một cách mạnh mẽ, khiến họ xuất hiện ngày càng nhiều trên các nền tảng thương mại điện tử hay mạng xã hội – nơi họ cũng muốn được chăm sóc, chào đón.

Với các giải pháp bán hàng đa kênh (Omni-Channel)(6), bạn có thể dễ dàng tiếp thị, bán hàng, tiếp cận và phục vụ khách hàng của mình trên các kênh bán hàng khác nhau – bất kể khách hàng đang ở đâu, đang sử dụng kênh nào trên nền tảng online hay offline. Điều này giúp các doanh nghiệp đảm bảo trải nghiệm khách hàng xuyên suốt, nhất quán trên tất cả các kênh, qua đó giữ chân khách hàng và gia tăng lượng khách hàng mới, kéo theo doanh số bán hàng gia tăng.

Chỉ bán sản phẩm ngày nay là không đủ, khách hàng còn muốn được trải nghiệm những sản phẩm, dịch vụ mang tính cá nhân hóa. Thật may, sự phát triển của công nghệ đã giúp con người có thể xử lý một lượng lớn dữ liệu thông qua việc sử dụng những giải pháp CNTT sáng tạo, đặc biệt là những giải pháp có tích hợp trí tuệ thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence). Điều này cho phép doanh nghiệp có cái nhìn tổng quát về hành vi, thói quen của người dùng, từ đó tạo ra được những dòng sản phẩm, dịch vụ được cá nhân hóa cho khách hàng của mình.

5. Tăng tốc trong thương mại điện tử và chiến lược D2C (Direct-2-Consumer)

Hiện nay, nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ hay những người bận rộn, mua sắm thực phẩm trực tuyến nhiều hơn thay vì ra cửa hàng, siêu thị. Đó là lý do tại sao việc mở rộng và tăng tốc thương mại điện tử là trọng tâm trong chiến lược phát triển của nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm.

Với chiến lược D2C(7) – trực tiếp đến người tiêu dùng – các sản phẩm được bán hoặc tiếp thị trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Cơ sở cho sự thành công của chiến lược D2C là dữ liệu và việc phân tích, sử dụng dữ liệu. Chuyển đổi số cho phép doanh nghiệp tự thu thập những dữ liệu này, từ đó có thể hiểu rõ hơn về nhóm khách hàng mục tiêu của mình thông qua việc phân tích dữ liệu hành vi tiêu dùng, đồng thời đưa ra những quyết định kinh doanh kịp thời mà không cần phải nhờ đến sự trợ giúp của các nền tảng bên ngoài hay một bên thứ ba.

6. Đào tạo nhân viên về chuyển đổi số, xây dựng văn hóa doanh nghiệp 4.0
Hình 2

Chuyển đổi số một mặt giúp số hóa các quy trình khác nhau của công ty, từ đó nâng cao hiệu quả vận hành. Mặt khác, những thay đổi trong quy trình này có thể đặt ra những thách thức đối với nhiều nhân viên. Nguyên nhân có thể là do khả năng tiếp cận với công nghệ của lực lượng lao động còn hạn chế, đòi hỏi cần có thời gian và sự kiên nhẫn khi làm quen, sử dụng các công nghệ mới. Do đó, việc tổ chức các chương trình đào tạo về chuyển đổi số nội bộ cho toàn bộ nhân viên là nhiệm vụ trọng yếu của doanh nghiệp, quyết định sự thành bại của chuyển đổi số. Quá trình chuyển đổi con ngừoi với mục tiêu xây dựng văn hóa doanh nghiệp 4.0 sẽ phát huy tính sáng tạo và đổi mới gắn liền với công nghệ, giúp DN có được nguồn nhân lực bền vững trong hành trình chuyển đổi số.

 

 

Nguồn tham khảo:
(1) Researchandmarkets. 2019. Food Processing Market Report: Trends, Forecast and Competitive Analysis
(2) Tổng Cục Thống Kê. Triển Vọng Tươi Sáng Của Ngành Công Nghiệp Sản Xuất, Chế Biến Thực Phẩm
(3) Thời Báo Ngân Hàng. Thách thức và cơ hội cho ngành chế biến thực phẩm
(4) OCD. Ngành thực phẩm đã và đang ứng dụng chuyển đổi số như thế nào?
(5) Rockwellautomation. 2019. A Digital Recipe For The Future
(6) Salesforce.2020. Omnichannel-handel
(7) Salesforce. Going Direct to Consumer While Maintaining Your Relationships with Retailers

Nghiên cứu nổi bật
01. Phát triển du lịch bền vững 02. Tối ưu hóa hoạt động bắt đầu từ nhận dạng 8 lãng phí trong sản xuất tinh gọn 03. Sử dụng dữ liệu trong sản xuất thông minh 04. Phản ứng của các công ty dược phẩm trước tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận