Bán lẻ mới: Sự kết nối hài hòa giữa bán lẻ truyền thống và bán lẻ trực tuyến - FPT Digital
Bán lẻ mới: Sự kết nối hài hòa giữa bán lẻ truyền thống và bán lẻ trực tuyến
Digital Strategy

Bán lẻ mới: Sự kết nối hài hòa giữa bán lẻ truyền thống và bán lẻ trực tuyến

Vào năm 2016, Jack Ma, người sáng lập Alibaba, đã đặt ra thuật ngữ “Bán lẻ mới” để mô tả cách nhà bán lẻ trực tuyến, ngoại tuyến và chuỗi cung ứng hợp nhất để tạo ra một lĩnh vực bán lẻ tích hợp, kết nối hài hòa những mảng kinh doanh trước đây để tạo nên một thể thống nhất.

Jack Ma mô tả “Bán lẻ mới” là một trong năm lĩnh vực chính sẽ được chuyển đổi cơ bản bởi tác động của sự đổi mới – những lĩnh vực khác là tài chính, sản xuất, công nghệ và năng lượng. Với sự phổ biến của điện thoại thông minh và sự phát triển của thương mại điện tử, kết hợp trải nghiệm đa kênh sẽ thúc đẩy một cuộc cách mạng lớn đối với lĩnh vực bán lẻ để tạo ra các mô hình bán lẻ mới. Sự thay đổi này có thể biến hàng triệu chuỗi hoặc cửa hàng bán lẻ phải chuyển mình để phù hợp được với thế giới.

Bán lẻ mới là gì? Tại sao thuật ngữ này lại được nhắc đến nhiều?

Bán lẻ mới sử dụng sức mạnh của nhiều công nghệ trong các mảng khác nhau như công nghệ thanh toán, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, v.v. để tạo ra hiệu quả và năng lực mới trong chuỗi cung ứng, tiếp thị và phát triển sản phẩm; hỗ trợ người bán thông qua các công cụ và góc nhìn tổng hợp mới từ phân tích dữ liệu, giúp cắt giảm chi phí và thúc đẩy doanh số bán hàng; mang đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm liền mạch và được cá nhân hóa trên toàn bộ hành trình trải nghiệm tại cửa hàng trực tuyến hay truyền thống.

Trong kỷ nguyên của “Bán lẻ mới”, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn về những gì có thể mua và mua những thứ đó tại nơi nào. Vì vậy, việc lựa chọn kênh mua sắm đã trở nên quan trọng tương đương với sự lựa chọn của người tiêu dùng về các sản phẩm. Các nhà bán lẻ cần thiết lập chiến lược của họ để tập trung vào hành vi, sự tương tác của người tiêu dùng và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng.

chiến lược truyền thống, chiến lược "Bán lẻ mới"
Hình 1

“Bán lẻ mới” tạo ra động lực mới giữa người tiêu dùng, nhà sản xuất, đơn vị bán buôn và các nhà bán lẻ trong thương mại và mang đến ảnh hưởng từ nhiều góc nhìn khác nhau:

Chuỗi cung ứng và phân phối logistic

Kết hợp với thông tin về thời gian thực của hàng tồn kho tại các điểm bán lẻ riêng biệt, việc phân tích dữ liệu xuyên suốt chuỗi cung ứng giúp tăng cường khả năng phân phối, đảm bảo hàng hóa được lưu chuyển phù hợp sẵn sàng ở đúng nơi và đúng thời điểm. Loại hình vận hành chuỗi cung ứng và phân phối logistics theo tiêu chuẩn “Bán lẻ mới” này giúp cắt giảm chi phí lưu kho cũng như thời gian giao hàng khi các nhà bán lẻ muốn bổ sung thêm hàng hóa. Bằng cách tích hợp việc vận hành này với chuỗi cung ứng hiện tại để tạo ra lợi thế cho quy trình sản xuất hàng hóa thực tế, giúp nhà sản xuất điều chỉnh sản lượng dựa trên dữ liệu bán hàng trực tiếp và dự đoán được nhu cầu trong tương lai.

Các dịch vụ giá trị gia tăng cho đơn vị bán buôn và các nhà bán lẻ

Bằng cách so sánh số lượng hàng tồn kho với doanh số dự đoán, kết hợp với dữ liệu bán hàng lịch sử và từ nhiều nguồn dữ liệu khác từ thị trường, từ các doanh số bán hàng tại cửa hàng khác cùng chuỗi, cùng thành phố, v.v. hệ thống cảnh báo nhà bán lẻ khi các mặt hàng cụ thể có nguy cơ cạn kiệt và cho phép quá trình tái sản xuất diễn ra liền mạch.

Trải nghiệm mua sắm tích hợp cho người tiêu dùng

Khách hàng được coi là người đồng sáng tạo sản phẩm thay vì chỉ là người tiêu dùng và quy trình mua sản phẩm chỉ được coi là một mắt xích trong trải nghiệm khách hàng.

Hiện xu hướng bán lẻ mới đang diễn ra như thế nào trên thế giới?

Đây vẫn được coi là một xu hướng mới đang trong giai đoạn phát triển, định hình và hiện vẫn được dẫn dắt bởi một số tập đoàn khổng lồ công nghệ toàn cầu, tập trung chủ yếu ở Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Tại Trung Quốc, các tập đoàn Alibaba, Tencent và JD.com trong thời gian ngắn đã thống trị hoàn toàn thương mại điện tử, truyền thông xã hội và thanh toán di động tạo ra một sự thay đổi lớn tại đất nước này.

Hình 2: Lợi thế và chiến lược bán lẻ của các doanh nghiệp tại Trung Quốc (*)

Còn tại thị trường Mỹ, xu hướng này được thúc đẩy phần lớn bởi tập đoàn thương mại điện tử Amazon, đại diện cho gần một nửa tổng chi tiêu trực tuyến tại Hoa Kỳ trong năm 2019. Con số này chiếm khoảng 5% thị trường bán lẻ tổng thể của Hoa Kỳ. Một trong những động thái quan trọng của Amazon để tiếp cận mảng bán lẻ truyền thống là thương vụ thu mua chuỗi Whole Foods vào năm 2014 với trị giá 14 tỷ USD. Từ thương vụ này, Amazon đã phát triển các cửa hàng vật lý này như các điểm vận chuyển hàng hóa giao hàng chặng cuối với các công nghệ mới như Amazon Locker – nơi khách hàng có thể nhận hoặc trả lại các gói thương mại điện tử của mình.

Hướng tới tương lai

Có thể thấy, “Bán lẻ mới” đang ngày càng được phổ cập trên toàn thế giới, dẫn dắt các doanh nghiệp công nghệ lớn và dần được áp dụng đối với rất nhiều các nhà bán lẻ để tạo ra được giá trị mới khi phải đối diện với sự thay đổi chóng mặt trong nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại. Các nhà bán lẻ truyền thống sẽ phải tận dụng sức mạnh vốn có của mình như cơ sở khách hàng trung thành, vị trí cửa hàng tiện dụng với người tiêu dùng và các nhà cung cấp lâu dài để bổ sung cho các dịch vụ trực tuyến, chỉ những nhà bán lẻ thích ứng nhanh mới có thể tồn tại lâu dài.

 

 

Nguồn tham khảo

(*) Deloitte. 2017. Transformation of traditional retailer in the era of New Retail.

Nghiên cứu nổi bật
01. Xu hướng ứng dụng AI trong ngành Bảo hiểm tại Việt Nam 02. Nhà máy thông minh – Xu hướng chuyển đổi của các doanh nghiệp sản xuất 03. Ngành nông nghiệp trong thời đại số 04. Dịch vụ công trong đô thị thông minh: Chiến lược xây dựng trải nghiệm tạo nên đô thị đáng sống
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận