Mô hình tiếp cận phát triển kinh tế biển bền vững - FPT Digital
Mô hình tiếp cận phát triển kinh tế biển bền vững
Digital Strategy

Mô hình tiếp cận phát triển kinh tế biển bền vững

Nền kinh tế biển bền vững (kinh tế xanh – blue economy) sẽ như thế nào vào năm 2030? Những rủi ro và cơ hội mà các công ty và nhà đầu tư phải đối mặt là gì? Đối với quản lý nhà nước cách tiếp cận quản lý hiệu quả, toàn diện sẽ như thế nào và công nghệ sẽ giúp ích gì cho việc này?

Cơ hội và thách thức của kinh tế xanh

Tổ chức Sáng kiến Đại dương thế giới (World Ocean Initiative WOI) đưa ra những đánh giá cơ hội, thách thức hướng đến kinh tế biển bền vững đến năm 2030 thông qua việc nghiên cứu và phỏng vấn các chuyên gia hàng đầu trong chính phủ, doanh nghiệp, tài chính và bảo tồn biển. Trong đó có một số nhận định về những thách thức chính sau:

Tác động của đại dịch Covid-19

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã tác động sâu sắc đến nền kinh tế biển. Trước đại dịch, OECD dự báo đến năm 2030 nền kinh tế biển sẽ tăng gấp đôi quy mô lên 3 nghìn tỷ đô la Mỹ, cung cấp việc làm toàn thời gian cho khoảng 40 triệu người. Tuy nhiên sự bùng phát covid-19, các lĩnh vực như vận tải biển và đánh bắt cá thương mại đã bị gián đoạn nghiêm trọng, còn du lịch đã ngừng hoạt động.

Tài chính xanh

90% các nhà đầu tư, tổ chức quan tâm đến việc tài trợ cho nền kinh tế biển bền vững, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức. Đối với các nhà đầu tư trong các lĩnh vực lâu đời như thủy sản và vận tải biển, thách thức là phải điều chuyển vốn khỏi các hoạt động có hại cho xã hội và môi trường để hướng tới các hoạt động bền vững.

Đối với các lĩnh vực mới nổi trong nền kinh tế xanh như bảo tồn biển, thách thức là thu hút tài chính tư nhân. Điều này không dễ dàng vì các hoạt động dựa vào thiên nhiên thường được coi là quá nhỏ, quá rủi ro và không mang lại lợi nhuận hấp dẫn.

Cuộc cách mạng dữ liệu

Trong thập kỷ tới, hình ảnh vệ tinh, cảm biến từ xa, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra lượng thông tin chưa từng có về biển, dữ liệu cần thiết cho việc quản lý hệ sinh thái quý giá này. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.

Các giải pháp thủy sản bền vững

Một phần ba thủy sản hoang dã bị đánh bắt quá mức và không còn bền vững về mặt sinh học. Đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát là nguyên nhân chính dẫn đến sự cạn kiệt nguồn cung hoang dã. Nguồn thức ăn cho nuôi trồng thủy sản phụ thuộc quá nhiều vào việc đánh bắt cá trong tự nhiên để chế biến, cung cấp thức ăn cho cá nuôi.

Quy định hiệu quả đối với nghề cá cùng với công nghệ giám sát có thể giúp giảm đánh bắt phạm pháp. Các công ty nuôi trồng thủy sản đang nghiên cứu các nguyên liệu mới, chẳng hạn như côn trùng, tảo và lên men khí.

Công nghệ sinh học dựa trên tế bào đang được sử dụng để thay thế các sản phẩm truyền thống có nguồn gốc từ động vật, chẳng hạn như thủy sản; hoặc thủy sản trong phòng thí nghiệm được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô và giống với thủy sản chăn nuôi thông thường là những công nghệ mới đầy hứa hẹn có thể mang đến đột phá thị trường thủy sản bền vững.

Vận chuyển hàng hải hoàn toàn khử khí carbon thải ra

Để vận chuyển hoàn toàn khử cacbon vào năm 2050, cần đầu tư tổng cộng 1.4 triệu-1.9 triệu USD, chủ yếu vào chuỗi cung ứng nhiên liệu phát triển hydro cacbon thấp và amoniac. Hydro được sản xuất bền vững có thể có nhiều công dụng bổ sung trong một nền kinh tế xanh hơn.

Tác động của du lịch

Đối với hầu hết các khu nghỉ dưỡng ven biển, tàu du lịch và du lịch đại chúng mang lại lợi nhuận cao, nhưng lại có thể gây hủy hoại cho đường bờ biển. Sự phát triển du lịch ven biển dễ đe dọa môi trường sống của sinh vật biển, bao gồm rừng ngập mặn và các rạn san hô như gây ra tình trạng xả rác, tiếng ồn và ô nhiễm nước. Tàu du lịch thải ra chất ô nhiễm không khí và khí nhà kính.

Giải quyết ô nhiễm nhựa biển

Trong vòng 20 năm tới, nhu cầu về nhựa dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi. Tuy nhiên, hầu hết các vật dụng bằng nhựa chỉ được sử dụng một lần trước khi bị vứt bỏ sẽ gây ô nhiễm môi trường. Cảnh báo đến năm 2050, có thể có một khối lượng nhựa lớn hơn cá trong đại dương.

Mô hình tiếp cận toàn diện quản lý kinh tế biển

Để nắm bắt những cơ hội và vượt qua những thách thức, các Chính phủ và địa phương cần đảm bảo những hành động cân bằng giữa nhu cầu của con người và nhu cầu của biển. Nói cách khác, muốn thịnh vượng bằng kinh tế xanh cần thúc đẩy tiến bộ cộng đồng song song với tối ưu hóa giá trị của nguồn tài nguyên thiên nhiên từ biển. Về cơ bản, chiến lược nền kinh tế xanh cho phép các chính phủ, tỉnh, thành theo dõi và quản lý ba xu hướng quan trọng đối với nền kinh tế xanh:

3 xu hướng quan trọng đối với nền kinh tế biển
Hình 1: 3 xu hướng quan trọng đối với nền kinh tế xanh

Bảo vệ và phát triển hệ sinh thái biển: Những thay đổi về sự giàu có tài nguyên của biển, như rừng ngập mặn, cỏ biển và các rạn san hô,…

Tiến bộ cộng đồng: Sự phân bổ thu nhập liên quan đến biển giữa các nhóm người khác nhau ( bao gồm cả thu nhập từ nghề cá hoặc du lịch cho cộng đồng địa phương)

Phát triển kinh tế: Đóng góp của hoạt động kinh tế dựa vào biển

Như vậy các chính phủ, tỉnh, thành thay vì chỉ tập trung vào đo lường, quản lý những chỉ số liên quan đến phát triển kinh tế (như GDP/GRDP,…) cũng cần phải quan tâm đến 2 bộ chỉ số quan trọng khác là bảo vệ, phát triển hệ sinh thái biển và tiến bộ cộng đồng.

Cách tiếp cận toàn diện quản lý kinh tế xanh bao trùm cả 3 khía cạnh: lợi ích cho phát triển kinh tế, lợi ích cho tiến bộ xã hội, và môi trường biển bền vững. Điều này đòi hỏi hoạch định chính sách dựa trên khoa học và dữ liệu (đặc biệt những đột phá của những xu hướng công nghệ mới như internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI),… đem lại nhiều ứng dụng mới, giá trị mới), sự phối hợp, tham gia liên ngành trong quá trình ra quyết định.

Bên cạnh đó, để quản lý kinh tế biển hiệu quả, các đơn vị có thẩm quyền cũng cần xác định được những trọng tâm cần thiết phải đầu tư thuộc những mảng: cơ chế, cơ sở hạ tầng, kỹ năng và dịch vụ.

Mô hình phát triển kinh tế xanh của Indonesia

Ảnh minh hoạ hệ sinh thái biển của Indonesia
Hình 2: Ảnh minh hoạ hệ sinh thái biển của Indonesia

Cách tiếp cận toàn diện trên đây đã được Indonesia áp dụng. Với sự bảo trợ, phối hợp của Ngân hàng thế giới, năm 2021 Indonesia đã đưa ra chiến lược kinh tế xanh đến năm 2030. Indonesia có hơn 17,500 hòn đảo, bờ biển dài 108,000 km và ¾ lãnh thổ là biển.

Biển là trung tâm cho sự thịnh vượng của Indonesia thông qua các hoạt động kinh tế, đó là: đánh bắt thủy sản, nuôi trồng, du lịch ven biển, xây dựng biển và vận tải hàng hải. Indonesia có ngành thủy sản lớn thứ hai thế giới trị giá khoảng 27 tỷ đô la Mỹ, tạo ra 7 triệu việc làm và đáp ứng hơn 50% nhu cầu protein từ động vật cho cả nước.

Tuy nhiên, có những thách thức đối với mức độ và tính toàn vẹn của các hệ sinh thái biển và ven biển của Indonesia, nếu không được quản lý tốt, có thể làm suy giảm tiềm năng của nền kinh tế biển. Đó là:

  • Công tác quản lý đánh bắt cá tại Indonisia chưa được tối ưu hóa. Năm 2017 ước tinh có 38% lượng thủy sản đánh bắt trên biển đã bị đánh bắt quá mức.
  • Các tác động của con người đang làm tổn hại đến các rạn san hô và điều này càng trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, hiện khoảng một phần ba các rạn san hô ở trong tình trạng kém.
  • Sự phát triển ven biển đe dọa các môi trường sống quan trọng như rừng ngập mặn, hơn 50 phần trăm rừng ngập mặn đang trong tình trạng suy thoái.
  • Chất nhựa thải ra biển đã tạo thêm áp lực chi phí đối với nghề cá, du lịch và hệ sinh thái, ước tính gần đây về thiệt hại kinh tế do ô nhiễm nhựa vượt quá 10.8 tỷ đô la Mỹ mỗi năm chỉ riêng ở Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, bao gồm hơn 450 triệu đô la Mỹ mỗi năm đối với Indonesia (APEC 2020).
  • Các điểm du lịch biển và ven biển đang bị đe dọa bởi cơ sở hạ tầng không đầy đủ và số lượng du khách tăng lên.

Các thách thức trên của Indonesia được giải quyết trong chiến lược kinh tế xanh đến năm 2030, thông qua 5 sáng kiến:

Thứ nhất: Quản lý đánh bắt cá được nâng cao.
Thứ hai: Phát triển và tích hợp các quy hoạch không gian.
Thứ ba: Mở rộng các khu bảo tồn biển.
Thứ tư: Một kế hoạch hành động quốc gia xử lý rác trên biển.
Thứ năm: Một chương trình phát triển du lịch tích hợp và bền vững. Phát triển kinh tế xanh sẽ đòi hỏi những khoản đầu tư đáng kể và cải cách chính sách dựa trên những sáng kiến này, chia làm 3 loại như sau:

(1) Các chính sách để cải thiện quản lý biển và vùng ven biển: ví dụ đảm bảo tuân thủ quy hoạch không gian.

(2) Những hệ thống được nâng cao bởi dữ liệu và giám sát: ví dụ nâng cao chất lượng, khả năng tích hợp và sử dụng của dữ liệu đánh bắt cá; nâng cao giám sát tác động của khách du lịch ở những điểm nóng; nâng cao giám sát các hệ sinh thái và thực thi quy hoạch không gian.

Những đầu tư, chính sách này chỉ thực hiện hiệu quả nhất khi áp dụng công nghệ thông tin và viễn thông, đặc biệt là giá trị đột phá từ những tiến bộ công nghệ mới như IoT, dữ liệu lớn, AI,… sẽ giúp hiệu quả hơn, đồng thời tiết kiệm chi phí, sức người, thời gian. Đây sẽ là công cụ mới giúp cho việc quản lý kinh tế xanh có được hiệu quả đột phá.

(3) Tài trợ, khuyến khích và đầu tư: ví dụ chính sách khuyến kích giúp nâng cao quản lý luồng du khách sẽ thực thi dễ dàng bằng công nghệ thông tin, viễn thông.

 

Tổng quan cách tiếp cận toàn diện của Indonesia phát triển kinh tế xanh thể hiện ở hình vẽ dưới, trong đó 53% chính sách, đầu tư là áp dụng công nghệ thông tin, viễn thông làm công cụ quản lý mới giúp quản lý hiệu quả:

Tổng quan cách tiếp cận toàn diện của Indonesia phát triển kinh tế biển
Hình 3: Tổng quan cách tiếp cận toàn diện của Indonesia phát triển kinh tế xanh

Những cơ hội và thách thức của kinh tế xanh đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện kết hợp với sự đột phá sáng tạo của các công nghệ tiên tiến như cảm biến IoT, dữ liệu lớn, AI,… sẽ giúp cho tỉnh/thành ngày càng quản lý dễ dàng, nhanh chóng, hiệu quả nhằm thúc đẩy kinh tế biển phát triển bền vững.

Mô hình tiếp cận của thế giới và Indonesia cũng phù hợp với chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, thể hiện qua mục tiêu tổng quát: Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển, hình thành văn hoá sinh thái biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) The Economist Group. A sustainable ocean economy in 2030: Opportunities and challenges
(2) Nature Sustainability. 2020 Modifying national accounts for sustainable ocean development
(3) The World Bank. 2021 A Sustainable Ocean Economy is Key to Indonesia’s Prosperity

Nghiên cứu nổi bật
01. Trải nghiệm hành trình khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính, ngân hàng 02. Chuyển đổi số cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp phát triển  03. Sức mạnh của quản trị dữ liệu trong quản lý hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công 04. Tối ưu hóa vận hành chuỗi cung ứng thông qua ứng dụng AI
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận