Tác động của công nghệ số trong thị trường nuôi trồng thuỷ sản - FPT Digital
Tác động của công nghệ số trong thị trường nuôi trồng thuỷ sản
Digital Strategy

Tác động của công nghệ số trong thị trường nuôi trồng thuỷ sản

Các công nghệ số hoá như phân tích dữ liệu hay Internet vạn vật đem lại những cơ hội mới cho ngành nuôi trồng thuỷ sản

Nhu cầu tiêu thụ mặt hàng thủy sản đang ngày càng tăng dẫn đến nguồn cung từ đánh bắt thủy hải sản tự nhiên không còn đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Từ giữa thập kỉ 90, ngành nuôi trồng thủy sản có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ, đem lại nguồn thu lớn cho các doanh nghiệp. Có được kết quả đó một phần nhờ sự hỗ trợ từ các công nghệ số.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng quá nhanh trong ngành dẫn đến những hệ lụy lớn về môi trường, từ việc lạm dụng quá đà thuốc kháng sinh để bảo vệ thực phẩm đến gian lận trong giao dịch thương mại trên thị trường. Tại diễn đàn của FAO (tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp quốc), vấn đề phát triển bền vững là chủ đề được nhắc tới nhiều nhất, đặc biệt đối với các quốc gia nông nghiệp.

Hình 1: Biểu đồ nguồn cung cấp cá cho thị trường tiêu dùng 1956-2016*

Ứng dụng công nghệ số trong ngành nuôi trồng thủy sản

Cũng không khác các ngành khác, để ngành nuôi trồng thủy sản có thể phát triển bền vững, sự góp mặt của công nghệ là không thể thiếu. Sự tham gia của Internet Vạn Vật (IoT), thiết bị cảm biến, tự động hóa sử dụng robot… góp phần cung cấp những thông tin đáng tin cậy nhằm tăng cường sức khỏe vật nuôi. Bên cạnh đó, công nghệ số sẽ giúp thay đổi cách thức giao dịch trong ngành theo hướng minh bạch và đầy đủ thông tin, đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.

Hiện nay, mới chỉ có một số ít doanh nghiệp trong ngành áp dụng công nghệ vào việc nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, chỉ một vài năm nữa, những xu hướng công nghệ sau hứa hẹn sẽ thay đổi bộ mặt của ngành này.

1. Thiết bị cảm bị giúp giám sát và dự đoán sự thay đổi của môi trường

Nhu cầu theo dõi và đáp ứng những ảnh hưởng của sự thay đổi của môi trường – như nhiệt độ nước, độ pH, độ acid, v.v. dẫn đến sự ra đời của các thiết bị và hệ thống đo lường, lưu trữ và phân tích dữ liệu, nhằm cung cấp cái nhìn tổng thể về tình trạng và điều kiện nuôi trồng theo thời gian thực, từ đó giúp các nhà quản lý đưa ra các hành động kịp thời.

Những thiết bị này sẽ tự động phát hiện sự phân tán của tảo, sự cố tràn dầu, sự gia tăng quá đà của các hợp chất… và cảnh báo tức thì với các nhà quản lý.

Thêm vào đó, dựa trên lịch sử nuôi trồng, những phân tích về môi trường, số lượng con giống đầu vào, kích cỡ, khối lượng và sức khỏe của vật nuôi, hệ thống sử dụng machine learning có thể đo đếm và ước tính sản lượng nuôi trồng trong tương lai, giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định kinh doanh đúng đắn, tránh tình trạng thừa hay thiếu nguồn cung.

Công nghệ số trong ngành thủy hải sản
Hình 2: Thiết bị cảm biến kết nối hệ thống lưu trữ dữ liệu và học máy để phân tích và dự đoán

Tại Nhật Bản, Umitron – công ty chuyên cung cấp các thiết bị nuôi trồng thủy sản, đã cho ra đời Umitron Cell, một bộ máy có thể tự động cho ăn và kiểm soát cân nặng bằng cảm biến, giám sát bằng camera 24h/ngày sử dụng năng lượng mặt trời, có kết nối với smartphone và máy tính để bàn. CELL cũng sử dụng trí tuệ nhân tạo để tính toán khẩu phần và báo cho người nuôi trồng biết tình trạng no/đói của cá. 

2. Blockchain giúp truy suất nguồn gốc từ giai đoạn con giống đến sản phẩm

Blockchain hoạt động như một cuốn sổ cái, giúp lưu trữ và chia sẻ thông tin về các giao dịch trong suốt chuỗi giá trị. Mọi hoạt động đều được lưu lại dưới dạng một block thông tin với thời gian và được mã hóa, đồng thời được công khai tới tất cả những nhân tố tham gia vào chuỗi giá trị.

Do không có một chủ thể nhất định nào điều khiển và kiểm soát blockchain, hệ thống thông tin hoàn toàn minh bạch và tuyệt đối bảo mật. Chính vì điều này, các hộ nuôi trồng, các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thủy sản có thể đáp ứng được yêu cầu chứng thực nguồn gốc và chất lượng sản phẩm với các nước nhập khẩu.

Không chỉ trong mối quan hệ giữa các doanh nghiệp với nhau, blockchain còn giúp doanh nghiệp tạo niềm tin với người tiêu dùng thông qua việc công khai toàn bộ thông tin về chuỗi giá trị của mình. Việc này buộc các tác nhân trong chuỗi giá trị phải hướng đến việc sản xuất và phát triển bền vững.

3. Drone giúp giám sát nuôi trồng thủy sản ngoài khơi 

Drone đã được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp để tự động gieo hạt giống, phun thuốc trừ sâu. Trong ngành nuôi trồng thủy sản, drone được dự kiến đưa vào giám sát các ao nuôi ngoài khơi, cả trên và dưới mặt nước. Drone có thể thay thế rất nhiều công việc của con người như việc lặn xuống nước để kiểm tra tình trạng của môi trường nuôi.

Apium Swam Robotics (Canada) đã nghiên cứu và ứng dụng thành công drone để kiểm tra và phân tích môi trường nước biển thông qua các cảm biến. Blueye Pioneer (Nauy) đã cho ra đời thiết bị quay và truyền tải video trực tiếp dưới nước có thể xem qua app trên smartphone và tablet.

4. IoT kết nối tất cả các thiết bị, giúp giám sát từ xa 

Hệ thống IoT sử dụng trong nuôi trồng thủy sản được xây dựng dựa trên thông tin từ mạng lưới cảm biến từ xa, các trạm khí tượng, các trạm kiểm soát chất lượng nước, các trung tâm giám sát tại chỗ từ xa và xử lý trên nền tảng cloud.

Thông tin từ các thiết bị cảm biến hay vệ tinh đo lường và giám sát sẽ được kết nối lên cloud, từ đó các nhà quản lý có thể theo dõi quá trình nuôi trồng qua các thiết bị như đồng hồ, smartphone hay tablet.

Nhiều hệ thống giám sát nuôi trồng như iQShrimp (Cargill), Pondguard (Eruvaka), Aqua Spark (xPert Sea), v.v. đã ra đời dựa trên IoT, machine learning và các thiết bị cảm biến.

5. Camera siêu phổ giúp kiểm soát chất lượng đầu vào/đầu ra
Hình 3: Ứng dụng camera siêu phổ để kiểm soát chất lượng thành phẩm

Công nghệ NIRS, quang phổ hấp thụ cận hồng ngoại hiện đang được nghiên cứu và ứng dụng vào kiểm soát chất lượng một số loại thực phẩm như táo, bánh mì, ngũ cốc… Phương pháp này giúp kiểm định sản phẩm nhanh chóng và không xâm lấn. Các thiết bị NIRS sẽ sử dụng ánh sáng quang phổ để quét các mẫu vật, sau đó đưa ra những thông tin về hàm lượng chất trong vật thể theo thời gian thực, từ đó giúp tối ưu hóa việc phân loại sản phẩm.

Đối với ngành nuôi trồng thủy sản, công nghệ này được hứa hẹn sẽ thay thế hoàn toàn phương pháp kiểm định thủ công trong tương lai.

 

 

Nguồn tham khảo
(*) FAO, 2018, The State of The World Fisheries and Aquaculture

Nghiên cứu nổi bật
01. Chuyển đổi số và thương mại điện tử 02. Tăng cường gắn kết khách hàng trong khâu sản xuất nông sản 03. Chiến lược dữ liệu định hình tương lai ngân hàng bán lẻ 04. Bảo vệ môi trường ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo
Mr. Lê Vũ Minh
Giám đốc khối tư vấn Nghiệp vụ Doanh nghiệp tại FPT Digital
Trên 15 năm tích lũy kinh nghiệm trong ngành Viễn thông và số hóa doanh nghiệp. Hỗ trợ nhiều doanh nghiệp lớn trong việc tối ưu hóa vận dụng công nghệ số nhằm đẩy mạnh cải tiến, chuyển đổi trải nghiệm khách hàng, cải thiện năng suất và đồng thời xây dựng doanh nghiệp để phát triển lộ trình dài hạn. Đồng hành với các lãnh đạo cao cấp, phát triển chiến lược chuyển đổi số cho doanh nghiệp thuộc VNR500, giúp các doanh nghiệp thành công xuất sắc trong việc chuyển đổi vận hành, đổi mới hoạt động phát triển kinh doanh, và mở rộng tăng trưởng thị trường.
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận