Sản xuất xanh qua công nghệ số - FPT Digital
Sản xuất xanh qua công nghệ số
Digital Strategy

Sản xuất xanh qua công nghệ số

Trước khi đề cập đến “Sản xuất xanh”, chúng ta có thể sẽ quen thuộc hơn với “sản xuất tinh gọn”, một phương pháp hiệu quả để loại bỏ lãng phí khỏi hoạt động sản xuất và cải thiện tài chính của công ty.

Cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật và công nghệ, AI và IoT đã góp phần vào công cuộc tối ưu hoá và mở đường cho sản xuất xanh xuất hiện, giúp tích hợp các cân nhắc về môi trường vào các sáng kiến tinh gọn vốn có, tạo ra những quy trình sản xuất mới từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra đều tối đa hoá việc thân thiện với môi trường và giảm các nguy cơ và tác hại đến sức khoẻ con người.

Trước tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, và gần nhất là trước các mối lo lắng sau đại dịch Covid-19, làn sóng tiêu dùng xanh – sản xuất xanh ngày càng trở nên phổ biến trên toàn cầu và trở thành xu thế tất yếu mà các doanh nghiệp không thể bỏ qua.

Sản xuất xanh trên thế giới

Theo CleanTechnica, thuật ngữ sản xuất “xanh” có thể được xem xét theo hai khía cạnh: sản xuất các sản phẩm “xanh”, đặc biệt là những sản phẩm được sử dụng trong các hệ thống năng lượng tái tạo và thiết bị công nghệ sạch các loại, và “xanh hóa” sản xuất giúp giảm ô nhiễm và chất thải bằng cách giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tái chế và tái sử dụng những gì được coi là chất thải và giảm lượng khí thải (1).

Tại châu Âu, các chương trình sản xuất xanh, phát triển bền vững được đặc biệt chú trọng. Trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2022, EU sẽ tiến hành nhiều sửa đổi quan trọng khác nhau đối với các luật chính và các công cụ chính sách bổ sung. Ngoài ra, quỹ phục hồi COVID-19 đang được phân phối, với tối thiểu 37% ngân sách của EU được dành cho quá trình chuyển đổi xanh (3).

Tại Mỹ, theo dữ liệu Ngành Hàng hoá và Dịch vụ Carbon thấp và Môi trường (Low Carbon and Environmental Goods and Services Sector – LCEGSS), nền kinh tế xanh tạo ra 1,3 nghìn tỷ USD doanh thu hàng năm, đồng thời tạo ra 9,5 triệu việc làm toàn thời gian.

Từ năm 2015 đế năm 2019, các sản phẩm bền vững chiếm hơn một nửa (54,5%) mức tăng trưởng trong lĩnh vực hàng tiêu dùng đóng gói (Báo cáo thuộc Trung tâm Kinh doanh bền vững NYU Stern), 45% người tiêu dùng đã bắt đầu lựa chọn mua sắm bền vững hơn sau sự xuất hiện của Covid (2).

Ngày càng có nhiều công ty lớn đang hướng tới mục tiêu sản xuất xanh và phát triển bền vững, như McDonald’s, với kế hoạch đến năm 2025 sẽ sử dụng 100% bao bì dành cho khách hàng làm từ các nguồn tái tạo, tái chế hoặc từ các vật liệu được chứng nhận. Trong năm 2020, 70% bao bì dành cho khách làm từ sợi của công ty này đã đến từ nguồn tái chế hoặc từ các vật liệu được chứng nhận.

Sự hưởng ứng các chính sách phát triển bền vững không chỉ được ủng hộ từ các công ty thuộc các lĩnh vực sản xuất công nghiệp lớn mà còn từ cả các công ty thuộc các lĩnh vực thuộc các ngành thời trang như Nike, Adidas, Zara, H&M, Levi’s,…

sản xuất xanh
Hình 1: Quy trình sản xuất bền vững

Xu hướng Sản xuất xanh tại Việt Nam

Cùng với xu hướng toàn cầu, Việt Nam cũng đang hướng tới các chính sách nhằm đẩy mạnh công cuộc phát triển bền vững nền kinh tế xanh. Ngày 30/1/2022, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 30/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) (4).

Tại đây, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ như đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ 21; giảm phát thải Metan toàn cầu vào năm 2030; tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu.

Đồng thời, đề xuất các chương trình, dự án cụ thể và nhu cầu về vốn, chuyển giao khoa học công nghệ, nhân lực nhằm triển khai Kế hoạch hành động thực hiện cam kết. Các doanh nghiệp Việt Nam thuộc các ngành như Gỗ, Dệt may, Dịch vụ đồ ăn và thực phẩm, v.v cũng triển khai các mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu được chứng nhận, hợp pháp và ưu tiên phân phối các sản phẩm “xanh”, sử dụng bao bì thân thiện với môi trường.

4 lợi ích hàng đầu của Sản xuất xanh

sản xuất xanh
Hình 2: 04 lợi ích của Sản xuất xanh
Giảm thiểu chi phí

Áp dụng các chương trình sản xuất xanh giúp cho các doanh nghiệp có thể giảm thiểu chi phí theo nhiều cách, ví dụ như việc giảm sử dụng nước và cắt giảm nhu cầu xử lý chất thải hay việc lắp đặt hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng giúp giảm thiểu chi phí điện trong dài hạn.

Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2014 của Đại học Indiana cho thấy việc chuyển đổi qua sản xuất bền vững giúp một doanh nghiệp tiết kiệm được 7 tỷ đô la, trong khi một trường hợp khác có thể tiết kiệm 80 triệu đô la mỗi năm bằng cách tiết kiệm năng lượng.

Thu hút khách hàng mới và tăng doanh số bán hàng

Việc thực hiện các chiến lược Sản xuất xanh và bền vững là một trong những yếu tố lợi thế cho chương trình marketing của doanh nghiệp, giúp đẩy mạnh hình ảnh và nâng cao nhận thức về thương hiệu. Việc giới thiệu các sáng kiến hay thực hành các chiến dịch xanh, vì môi trường, bền vững sẽ giúp thu hút lượng khách hoàn toàn mới và củng cố thêm danh tiếng cho doanh nghiệp, dẫn đến việc tăng trưởng doanh số bán hàng.

Điều này rất quan trọng đối với các nhà sản xuất đang tìm kiếm hợp đồng với chính phủ, nơi các tiêu chuẩn sản xuất xanh thường là một yếu tố.

Thúc đẩy tinh thần và sự đổi mới của lực lượng lao động

Bằng cách truyền đạt nội bộ tầm quan trọng của những thay đổi và tác động của sản xuất xanh đối với môi trường và kinh doanh, các nhà sản xuất sẽ ảnh hưởng tích cực đến văn hóa doanh nghiệp của họ. Phát triển bền vững giúp cải thiện các nỗ lực hợp tác và liên kết giữa người lao động. Các nhân viên làm việc cùng nhau dưới cùng chung một mục tiêu xác lập và thực hiện các chiến lược xanh và bền vững sẽ giúp cho việc thúc đẩy văn hóa làm việc theo nhóm và cải tiến liên tục.

Nhân viên làm việc chăm chỉ hơn khi họ gắn bó và có cảm giác tự hào về công ty của họ. Ngoài ra, nhóm độ tuổi lao động thuộc các thế hệ Y, Z cũng ngày càng quan tâm đến môi trường, và thể hiện sự sẵn sàng làm việc và cống hiến nhiều hơn với các công ty có trách nhiệm với xã hội và môi trường. Trên thực tế, tại Mỹ, sự gia tăng việc làm trong lĩnh vực năng lượng sạch trong năm 2018 tăng trưởng ở mức 3,5%, với khoảng 110.000 việc làm mới (5).

Tác động tích cực tới xã hội

Ngoài việc giúp ích cho chính doanh nghiệp của mình, hành động thực hiện sản xuất xanh và bền vững có thể tạo ra sự khác biệt thực sự. Việc thực hiện các thay đổi giúp phát thải lượng khí thải carbon nhỏ hơn và giảm số lượng chất độc thải vào khí quyển sẽ mang đến một tương lai xã hội với những biến chuyển tốt đẹp hơn. Các thế hệ tương lai cuối cùng sẽ có hy vọng được hưởng lợi từ chất lượng không khí và nước được cải thiện, ít bãi chôn lấp hơn và nhiều nguồn năng lượng tái tạo hơn thay vì mối đe doạ từ môi trường sống bị ô nhiễm.

3 bước đầu tiên trong triển khai Sản xuất xanh

Vậy các doanh nghiệp cần phải bắt đầu từ đâu để đạt được chiến lược Xanh và bền vững, để biến doanh nghiệp của mình trở nên thân thiện với môi trường? Dưới đây là một số đề xuất cho các doanh nghiệp đang ở những bước đầu trên con đường Go Green của mình.

Hình 3: 03 bước đầu triển khai trong Sản xuất xanh
1. Phân tích các tác động lên môi trường hiện tại của doanh nghiệp của mình

Bước đầu tiên cần làm để trở thành một cơ sở bền vững hơn là hiểu rõ tình trạng hiện tại của doanh nghiệp của mình, bắt đầu bằng cách phân tích việc sử dụng năng lượng, xác định cách các nguồn này được sử dụng trong quy trình sản xuất và cách chúng có thể ảnh hưởng đến môi trường. Một yếu tố quan trọng khác cần xem xét là lượng nước tiêu thụ trong quá trình hoạt động kinh doanh sản xuất.

Tiếp đó là xem xét các vật liệu đang sử dụng tại các cửa hàng, nhà máy: Chúng có thể tái chế hay độc hại? Chúng cần thiết như thế nào đối với quá trình sản xuất? Đặt ra những câu hỏi này có thể giúp làm rõ tình trạng hiện tại về mức độ thân thiện với môi trường của doanh nghiệp cũng như xác định các lựa chọn trong tương lai. Việc biết được tổ chức của mình đứng ở đâu sẽ giúp thực hiện các bước hướng tới một cơ sở thân thiện với môi trường hơn.

2. Giảm thiểu chất thải ở mức tối đa có thể

Việc giảm thiểu chất thải có thể bắt đầu từ những thay đổi nhỏ như: lưu ý hiệu quả khi sử dụng máy móc, nguồn điện, hay tái chế giấy và nhựa tại các văn phòng và công xưởng. Những thay đổi nhỏ hàng ngày này là một bước khởi đầu cho những kế hoạch triển khai dài hơi hơn tại doanh nghiệp.

Tiếp đó xem xét đến các nguyên liệu được sử dụng trong quá trình sản xuất. Với các nguyên liệu thô và chỉ được sử dụng một phần, nghiên cứu và tìm hiểu các phương pháp giúp tận dụng những phần còn lại của nguyên liệu, bán lại hoặc trao đổi với những nơi cần đến thay vì vứt đi các phần thừa vừa giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, và còn giúp tận dụng khai thác giá trị mới của nguyên liệu.

Mở rộng theo dõi thường xuyên các nguồn lực có thể giúp doanh nghiệp bắt đầu tư duy bền vững, và có những thay đổi lớn hơn và tốt hơn. Ghi lại những nỗ lực của mình và minh bạch về những nỗ lực này với nhân viên và khách hàng để đóng góp cho các chương trình Marketing bền vững.

3. Tìm cách tận dụng năng lượng tái tạo

Tận dụng năng lượng tái tạo là một trong những cách tốt nhất để tạo ra một cơ sở bền vững hơn. Các lựa chọn năng lượng tái tạo rất phong phú, chúng bao gồm ánh sáng mặt trời, gió, mưa, thủy triều, sóng và nhiệt địa nhiệt. Theo phân tích của Clean Jobs America năm 2019, đến năm 2035, năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ trở thành nguồn năng lượng nổi bật trên thế giới.

Theo thống kê, năm 2020, chi phí năng lượng mặt trời đã xuống mức thấp trong lịch sử, do công nghệ và sự đổi mới giúp giảm chi phí. Các tập đoàn lớn như Walmart và Anheuser-Busch InBev đã hành động bằng cách triển khai các hệ thống năng lượng tái tạo vì nó rẻ hơn các nguồn năng lượng truyền thống cho các cửa hàng lớn hơn.

Triển khai sản xuất xanh là một trong những yếu tố quan trọng tạo lợi thế cho Việt Nam để tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, việc xây dựng và chuyển hoá thành doanh nghiệp xanh không phải là việc một sớm một chiều, mà cần có sự hỗ trợ, cơ chế, chính sách từ các cơ quan Nhà nước. Đồng thời doanh nghiệp cũng cần vạch ra cho mình chiến lược phát triển cũng như xây dựng và phổ biến văn hoá, nhận thức trách nhiệm để có được lộ trình rõ ràng trên con đường xây dựng doanh nghiệp xanh.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) CNBC. 2019 US ‘green economy’ generates $1.3 trillion and employs millions, new study finds
(2) Thomasnet. 2020 Green Manufacturing: The Business Benefits Of Sustainability
(3) Weforum. 2021 Paving the Way:EU Policy Action for Automotive Circularity
(4) Báo Chính phủ. Khẩn trương xây dựng Đề án thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26
(5) E2. Clean Jobs America Report

Nghiên cứu nổi bật
01. Nhà máy thông minh – Xu hướng chuyển đổi của các doanh nghiệp sản xuất 02. Công trình xanh & 03 tiêu chuẩn phổ biến trong thiết kế xây dựng công trình xanh 03. Đi tìm nguồn doanh thu mới ngành truyền thông tin tức 04. Công nghệ Digital Twins trong thiết kế và vận hành sản xuất thông minh
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận