Covid-19 thúc đẩy làn sóng chuyển đổi số toàn cầu - FPT Digital
Covid-19 thúc đẩy làn sóng chuyển đổi số toàn cầu
Digital Strategy

Covid-19 thúc đẩy làn sóng chuyển đổi số toàn cầu

Phản ứng với Covid-19, chính phủ đã ra những biện pháp chặt chẽ cũng như những chính sách liên quan đến áp dụng công nghệ để đảm bảo sự an toàn cho người dân. Bên cạnh đó, để khôi phục hiệu quả hoạt động và bứt phá, các doanh nghiệp cũng có thể nắm bắt cơ hội chuyển đổi với các giải pháp số phù hợp.

Covid-19 được nhìn nhận như một sự khủng hoảng đột ngột làm gián đoạn đời sống thường nhật của con người và công việc kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn cầu từ đầu năm 2020 đến nay.

Những chính sách chặt chẽ phản ứng nhanh của Chính phủ bao gồm các biện pháp cách ly xã hội đã được triển khai nhằm đảm bảo sự an toàn cho người dân. Theo sau những ảnh hưởng về mặt đời sống xã hội là những hậu quả ảnh hưởng lên nền kinh tế.

Các doanh nghiệp theo đó cũng phải đưa ra những hành động kịp thời để đối phó, thích nghi với ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, đây chỉ là những hành động ngắn hạn để tồn tại giữa thời kì bệnh dịch, bởi để khôi phục và cải thiện hay thậm chí là phát triển hơn trước thời điểm bùng phát dịch bệnh đòi hỏi tầm nhìn và hành động dài hạn mang tính chiến lược.

Với sự cách ly xã hội, để đảm bảo tính toàn vẹn trong vận hành hoạt động doanh nghiệp, sự gắn kết giữa con người với con người để đảm bảo hoạt động kinh doanh vận hành, tương tác với khách hàng và đối tác trong chuỗi cung ứng từ xa vẫn là rất quan trọng. Đây chính là nền tảng thúc đẩy làn sóng thực hiện chuyển đổi số trên toàn cầu.

Chính phủ, cơ quan nhà nước là những người tiên phong thực hiện chuyển đổi số trong thời kì Covid-19

Hiện nay, giữa tình hình nhiều quốc gia đang trong giai đoạn phong toả và cách ly xã hội, chính phủ chính là những người tiên phong thực hiện chuyển đổi số, áp dụng, triển khai các công nghệ số để đối đầu với sự bùng phát của Covid-19.

Mục đích tập trung của chính phủ nhằm gắn kết với người dân trên các nền tảng số, truyền thông tới từng cá nhân những thông tin cập nhật, diễn biến của bệnh dịch và chỉ thị bảo vệ cộng đồng từ chính phủ và bộ y tế nhanh nhất có thể, để người dân có thể ứng phó và thực hiện chỉ thị kịp thời.

Chính sự cách ly xã hội và hành vi tiếp cận thông tin liên tục của người dân trên các nền tảng số đã buộc chính phủ, cơ quan nhà nước thực hiện chuyển đổi số như một phần trong chính sách phòng chống dịch hiệu quả.

Số liệu cho thấy trong 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, có khoảng 167 quốc gia (87%) đã thực hiện đăng tin bài, truyền tải thông tin, những hướng dẫn về đại dịch trên các cổng thông tin trực tuyến bởi có một phần lớn số lượng người phụ thuộc vào Internet để tiếp nhận thông tin (1).

Thực tế, chuyển đổi số rất quan trọng đối với chính phủ vì họ là những người đầu tiên tiếp xúc với dữ liệu thống kê và những thông tin liên quan đến Covid-19.

Các tin tức cập nhật về số lượng các trường hợp bị nhiễm số người tử vong, thông tin cách ly, các hướng dẫn bảo vệ và phản hồi, v.v. cần được thông báo khẩn cấp tới người dân của họ thông qua các kênh truyền thông số khác nhau đảm bảo những yêu cầu về tốc độ nhanh, sự bao phủ lớn và tần xuất xuất hiện nhiều. Một số chính phủ cũng đã nỗ lực hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng các dịch vụ số như đặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm trực tuyến.

Tại Việt Nam, các thông tin đã được truyền tải rộng rãi trên các kênh truyền thông online và các ứng dụng mạng xã hội để tiếp cận người dùng nhanh chóng. Thêm vào đó, Bộ y tế là minh chứng rõ ràng nhất cho việc thực hiện chuyển đối số để truyền thông, cập nhật tin tức nhanh chóng tới người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, ngay khi dịch bệnh bùng phát, Bộ Y tế đã triển khai thực hiện các giải pháp số bao gồm nền tảng số kết nối nhằm phục vụ việc khám, chữa bệnh từ xa và ứng dụng truy vết, phòng chống Covid-19, bảo vệ cộng đồng.

Thực tế, bằng cách áp dụng chuyển đổi số, những lợi ích đạt được trong việc truyền thông gắn kết và nhanh chóng đã được nhìn nhận rõ. Đối với Chính phủ, truyền tải tin tức một cách nhanh chóng nhất. Đối với người dân, tiếp cận thông tin cập nhật (mới nhất và chủ động truy cập xem lại) bất cứ khi nào, ngay trên ứng dụng điện thoại một cách nhanh chóng.

Rõ ràng, cuộc khủng hoảng Covid-19 cho thấy nhiều cơ hội chuyển đổi số, áp dụng công nghệ để tối ưu hoạt động mà chúng ta nên nhìn nhận sâu, nắm bắt và suy nghĩ hành động. Nó không chỉ đóng vai trò là công cụ mà riêng chính phủ cần, mà nó còn có thể giúp các doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh, chiến lược khách hàng cũng như cách thức hoạt động trong cuộc khủng hoảng.

Doanh nghiệp nắm bắt cơ hội chuyển đổi số để khắc phục thiệt hại kinh doanh

Ba tác động tiêu cực nhìn nhận rõ nhất mà Covid-19 gây ra cho các doanh nghiệp nhất là: không tương tác trực tiếp với khách hàng, suy giảm trong doanh số và gián đoạn hoạt động kinh doanh sản xuất.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tích cực, đã có nhiều doanh nghiệp ứng phó lại sự bùng phát này bằng lối suy nghĩ chuyển đổi số, tận dụng công nghệ để: cải thiện hợp tác làm việc từ xa, ứng dụng công nghệ số đảm bảo vận hành liên tục, và phát triển tiếp thị kinh doanh trực tuyến(2).

Ba tác động tiêu cực và lối suy nghĩ ứng phó tích cực trong thời kì Covid-19
Hình 1: Ba tác động tiêu cực và lối suy nghĩ ứng phó tích cực

Những thách thức trong khủng hoảng Covid-19 thúc đẩy các doanh nghiệp nắm bắt những cơ hội từ việc thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên, chuyển đổi số là một quá trình mang tính dài hạn và không thể thực hiện trong ngày 1 ngày 2 và cần có một hướng đi cụ thể mang tính chiến lược.

Khung chuyển đổi số xử lý khủng hoảng sau đây sẽ dẫn dắt doanh nghiệp đi từ những bước phản ứng nhanh đầu tiên tới một sự chuyển đổi số bền vững mang tính dài hạn.

Khung chuyển đổi số xử lý khủng hoảng thời kì covid-19
Hình 2: Khung chuyển đổi số xử lý khủng hoảng

Cần phải nhận định rằng xuyên suốt quá trình chuyển đổi số, yếu tố quan trọng nhất chính là con người bởi chuyển đổi số không những giúp cải thiện kỹ năng và sự sáng tạo của nhân viên mà còn nhằm mục đích nâng cấp trải nghiệm khách hàng. Vì vậy, để chuyển đổi số thành công, bên cạnh phát triển hạ tầng hệ thống CNTT, công nghệ số, doanh nghiệp cũng cần tập trung vào vấn đề con người để xây dựng những giá trị chuyển đổi lớn.

 

Khủng hoảng Covid-19 đã thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện những biện pháp công nghệ, chuyển đổi số để có thể ứng phó, duy trì tài sản hữu hình và vô hình của mình. Trong đó, các cơ quan chính phủ, nhà nước chính là những người tiên phong thực hiện chuyển đổi số.

Có thể thấy việc dự đoán chính xác thời điểm thế giới có thể xử lý triệt để đại dịch này còn rất mơ hồ, bởi tính đến nay, Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan mạnh mẽ ra cộng đồng nhiều nơi trên thế giới. Những ảnh hưởng của khủng hoảng Covid-19 không mang tính ngắn hạn, mà ảnh hưởng đến những hậu quả kinh tế theo sau.

Vì vậy, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần nhìn nhận chiến lược chuyển đổi số là hướng đi, là giải pháp mang tính dài hạn trong giai đoạn bình thường mới. Giải pháp chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp giải quyết thách thức gây ra bởi dịch bệnh, bao gồm chiến lược kinh doanh lâu dài, mang tính bền vững, và phát triển, đột phá trong kinh doanh và trong ứng phó với khủng hoảng trong tương lai.

Covid-19 đã thay đổi cách chúng ta nhìn nhận tầm quan trọng của chuyển đổi số, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, cuối cùng tạo ra giá trị to lớn cho xã hội và nhân loại.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) United Nations. 2020. Digital Technologies Critical in Facing Covid-19 Pandemic.
(2) Nicolls, D. 2020. Forbes. Covid 19 is a call for Digital Transformation. 

Nghiên cứu nổi bật
01. Logistics và cơ hội từ tự động hoá 02. Chuyển đổi số ngành ngân hàng | Bức tranh từ tổng quan đến chi tiết  03. Phát triển du lịch thông minh nhờ ứng dụng nền tảng công nghệ 04. Quản lý kho hàng FMCG thông minh với RFID trong thời đại mới
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận