Thời trang tuần hoàn: Cơ hội đột phá và tái định hình tương lai cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam thế kỷ 21 - FPT Digital
Thời trang tuần hoàn: Cơ hội đột phá và tái định hình tương lai cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam thế kỷ 21
Circular Economy

Thời trang tuần hoàn: Cơ hội đột phá và tái định hình tương lai cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam thế kỷ 21

Thời trang tuần hoàn đang dần trở thành một xu hướng chủ đạo trong ngành công nghiệp thời trang toàn cầu, đóng vai trò thiết yếu trong việc giải quyết những hệ lụy nghiêm trọng mà thời trang truyền thống gây ra cho môi trường. Xu hướng thời trang tuần hoàn không chỉ tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và giảm thiểu chất thải trên toàn bộ chuỗi cung ứng mà còn mở ra những cơ hội mới cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng, hướng tới một tương lai thời trang “phục hồi và tái tạo”.
Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, nắm bắt cơ hội từ sự chuyển dịch sang mô hình thời trang tuần hoàn giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế và duy trì vị thế tại thị trường trong nước.

1. Khái niệm và những yếu tố cốt lõi của Thời trang tuần hoàn

Ngành thời trang truyền thống, đặc biệt là mô hình tiêu dùng nhanh (fast fashion), đang tạo ra những tác động nghiêm trọng đến môi trường, với lượng rác thải khổng lồ và mức tiêu thụ tài nguyên như năng lượng và nước vượt quá khả năng tái tạo.

Quy trình sản xuất trong mô hình này đòi hỏi khai thác một lượng lớn tài nguyên không thể phục hồi, trong khi các sản phẩm thời trang được tiêu thụ trong thời gian ngắn, sau đó nhanh chóng bị loại bỏ và chuyển thành rác thải, chủ yếu dưới hình thức chôn lấp hoặc đốt.

Thời trang nhang là một trong những ngành gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường xã hội
Ảnh minh họa 01: Thời trang nhang là một trong những ngành gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường xã hội

Nếu tiếp tục hoạt động theo mô hình hiện tại, đến năm 2050, ngành thời trang này có thể chiếm hơn 26% “ngân sách carbon” toàn cầu – lượng khí thải CO2 tối đa có thể phát thải để giữ được mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C theo thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Trước bối cảnh này, thời trang tuần hoàn chính là một cách tiếp cận mới, tái định hình toàn bộ quá trình thiết kế, sản xuất, sử dụng và quản lý sau khi sử dụng, đảm bảo tính bền vững trong suốt vòng đời sản phẩm may mặc. Thời trang tuần hoàn là một mô hình bền vững, hướng tới việc thiết lập một hệ thống khép kín nhằm giảm thiểu lãng phí tối đa hóa tuổi thọ của sản phẩm. Thay vì trở thành chất thải sau khi sử dụng, các sản phẩm này được thiết kế để tái nhập vào chuỗi kinh tế thông qua các quy trình tái sử dụng, tái chế, hoặc phục hồi(1).

Các yếu tố cốt lõi của thời trang tuần hoàn

Mô hình thời trang tuần hoàn
Hình 02: Mô hình thời trang tuần hoàn
  • Thiết kế sản phẩm hướng đến độ bền và tuổi thọ: Sản phẩm được thiết kế với mục tiêu kéo dài thời gian sử dụng tối đa, tập trung vào chất lượng và có tính thời trang cao, ít lỗi thời theo thời gian. Người tiêu dùng có xu hướng vứt bỏ một bộ quần áo khi khóa kéo bị hỏng hoặc kiểu dáng, đường may không hợp thời. Việc tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm giúp giảm nhu cầu thay thế thường xuyên của người dùng, kéo dài vòng đời của sản phẩm.
  • Vật liệu và quy trình sản xuất bền vững: Ưu tiên sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, bao gồm vải tái chế, sợi nhựa được sản xuất từ các nguyên liệu thô có khả năng tái tạo như nhựa sinh học. Trong quá trình canh tác nguyên liệu sinh học, không sử dụng phân bón hoặc thuốc trừ sâu làm từ nhiên liệu hóa thạch. Các phương pháp sản xuất được cải tiến để giảm thiểu tối đa chất thải, sử dụng ít năng lượng và tài nguyên nước hơn, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo các quy trình sản xuất ít tác động đến môi trường.
  • Tối đa hóa việc sử dụng, sửa chữa và tái sử dụng: Thúc đẩy và khuyến khích các mô hình kinh doanh như cho thuê quần áo, phát triển nền tảng mua bán các sản phẩm thời trang đã qua sử dụng, thúc đẩy các dịch vụ sửa chữa. Các thương hiệu thời trang lớn có thể thu mua các sản phẩm đã qua sử dụng từ khách hàng dưới hình thức cung cấp voucher giảm giá cho lần mua hàng tiếp theo. Điều này không chỉ gia tăng giá trị sử dụng của sản phẩm mà còn giảm thiểu nhu cầu sản xuất mới.
  • Đóng vòng tuần hoàn: Mục tiêu cuối cùng của thời trang tuần hoàn là tạo ra hệ thống tái chế hoàn toàn hoặc phân hủy sinh học cho hàng may mặc vào cuối vòng đời. Điều này cho phép các vật liệu không bị lãng phí mà thay vào đó được tái sử dụng trong sản xuất sản phẩm mới, giảm thiểu chất thải bãi chôn lấp và đảm bảo tính bền vững cho chu kỳ sản xuất tiếp theo(2).

2. Cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng thời trang tuần hoàn

Ngành dệt may của Việt Nam chiếm khoảng 6-7% thị phần toàn cầu và là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu cho các thương hiệu lớn như Nike, Adidas, H&M, Zara, và nhiều thương hiệu thời trang cao cấp khác. Trước xu hướng chuyển dịch của thời trang tuần hoàn, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt những cơ hội để tạo dựng lợi thế cạnh tranh trong sản xuất bền vững trước những đối thủ trong khu vực như Trung Quốc, Bangladesh và Ấn Độ.

Trở thành các đối tác cung ứng sản xuất bền vững của các thương hiệu quốc tế

Nhiều quốc gia tại Châu Âu đã ban hành các quy định khắt khe về môi trường, buộc các thương hiệu thời trang phải tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững trong quá trình sản xuất. Năm 2022, Uỷ ban Châu Âu đã công bố Chiến lược của EU đối với thời trang tuần hoàn và bền vững (EU strategy for sustainable and circular textiles) với mục tiêu tất cả các sản phẩm may mặc được đưa ra thị trường châu Âu phải có khả năng tái chế hoặc tái sử dụng từ năm 2030(3).

Nghị viện Châu Âu đang tiến hành bỏ phiếu thông qua chỉ thị thẩm định bền vững của doanh nghiệp (Corporate Sustainability Due Diligence Directive) nằm trong Thoả thuận xanh EU yêu cầu các doanh nghiệp EU sẽ phải chứng minh các biện pháp bảo vệ môi trườngnhân quyền trong toàn bộ chuỗi cung ứng của họ, bao gồm cả các đối tác cung ứng vào năm 2029 (4).

Với chỉ thị này của Nghị viện Châu Âu, các thương hiệu thời trang tại EU sẽ phải đảm bảo chuỗi cung ứng của họ tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường và nhân quyền. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp may mặc Việt Nam trở thành các đối tác cung ứng sản xuất bền vững uy tín trong khu vực nếu có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững.

Mô hình sản xuất bền vững sử dụng nguyên liệu cao
Ảnh minh họa 03: Mô hình sản xuất bền vững sử dụng nguyên liệu cao

Hai vấn đề trọng tâm cần giải quyết để nâng cao năng lực sản xuất bền vữngquản lý nướcnâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần chú trọng ứng dụng các giải pháp kỹ thuật để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu và tái chế chất thải, ví dụ như xử lý khí thải qua hệ thống thu gom khí lò hơi, nâng cao tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu, áp dụng các kỹ thuật và quy trình quản lý mới để giảm ô nhiễm tại nguồn, và lắp đặt hệ thống xử lý nước thải cho dây chuyền dệt nhuộm.

Việc tuân thủ các quy định về chất lượng, nguồn gốc nguyên liệuquy trình sản xuất bền vững có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh và nhận được sự tin tưởng từ các đối tác quốc tế.

Tiếp cận tín dụng xanh và hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế

Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang có cơ hội lớn để tiếp cận tín dụng xanh và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi sang mô hình sản xuất bền vững. Nhiều tổ chức quốc tế, bao gồm Liên minh châu Âu, đang cung cấp các khoản tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật để giúp các doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất bền vững. Việc tận dụng các nguồn lực này sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường châu Âu mà còn giảm thiểu chi phí trong quá trình chuyển đổi.

Một trong số đó là SWITCH-Asia, một tổ chức của Liên minh châu Âu (EU) nhằm hỗ trợ các quốc gia châu Á chuyển đổi sang mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Chương trình cung cấp hỗ trợ tài chính, tư vấn kỹ thuật, và đào tạo cho các doanh nghiệp để nâng cao hiệu suất sử dụng tài nguyên, giảm thiểu rác thải và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Các dự án của SWITCH-Asia tập trung vào việc phát triển chuỗi cung ứng bền vững và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất.

Trong thời gian qua, các ngân hàng Việt Nam đang tích cực huy động nguồn vốn ưu đãi từ quốc tế để tài trợ vốn cho các dự án xanh. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trung bình 7 năm qua (2017-2023), tín dụng xanh tăng 22%/năm, đạt gần 621.000 tỷ đồng. Các chứng chỉ hoặc được dán nhãn bền vững (tiêu chuẩn tái chế toàn cầu – GRS; nhãn cotton bền vững – BCI; chứng nhận sản phẩm bền vững C2; tiêu chuẩn không xả thải hóa chất nguy hại – ZDHC,…) có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận với các khoản vay xanh ngắn hạn nhanh chóng hơn.

Ưu đãi từ thị trường quốc tế cho các dự án xanh
Ảnh 04: Ưu đãi từ thị trường quốc tế cho các dự án xanh

Đối với các khoản vay xanh trung dài hạn, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể cho các hoạt động như cải tạo công trình xanh, nâng cấp máy móc thiết bị sử dụng năng lượng hiệu quả, hệ thống nhiệt điện, thu hồi phụ phẩm và xử lý chất thải.

 

Tóm lại, xu hướng thời trang tuần hoàn đang mở ra những cơ hội tiềm năng cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chuyển mình theo hướng bền vững. Bằng cách áp dụng mô hình sản xuất xanhtối ưu hóa quản lý tài nguyên, doanh nghiệp không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu mà còn khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng thời trang quốc tế.

Với sự hỗ trợ từ tín dụng xanh và các tổ chức quốc tế, đây chính là thời điểm để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững, tạo dựng giá trị lâu dài và phát triển bền vững cho tương lai.

Nguồn:

  1. Fashion and the circular economy – deep dive. 2024. Ellen McArthur Foundation.
  2. The Circular Fashion Economy: A Sustainable Shift Towards a Greener Future. 2023. Eco Matcher.
  3. Impact of the EU Strategy for Sustainable and Circular Textiles on Vietnam. 2023. Vietnam Briefing
  4. Corporate Sustainability Due Diligence Directive (CSDDD) – EU supply chain due diligence bill. 2024. Viot Group.
Nghiên cứu nổi bật
01. Chuyển đổi năng lượng trong doanh nghiệp sản xuất: Khởi đầu từ các giải pháp năng lượng tái tạo 02. Mô hình quản lý bất động sản mới giúp tối ưu hoạt động vận hành 03. Blockchain và hành trình đem lại tính minh bạch, hiệu quả cho hoạt động logistics 04. Chuyển đổi số trong ngành bất động sản: Xu hướng và giải pháp thực hiện
FPT Digital
FPT Digital tổng hợp
FPT Digital là công ty tư vấn trực thuộc tập đoàn FPT, với hơn 30 năm kinh nghiệm tư vấn chuyển đổi số, đồng thời tiên phong trong lĩnh vực ESG và phát triển bền vững, chuyển đổi xanh và giảm phát thải.
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận