Trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng văn hoá số giúp doanh nghiệp tạo ra nguồn nhân lực với tư duy đột phá sáng tạo, tạo ra các sáng kiến số đổi mới với khả năng thích ứng linh hoạt với thay đổi, đồng thời, sẵn sàng tiếp thu các phản hồi để biến chúng thành cơ hội mới, từ đó đưa doanh nghiệp bước lên vị thế cao hơn trên thị trường.
Tổng quan
Chuyển đổi số là quá trình doanh nghiệp tạo ra những năng lực vận hành hiệu quả mới, các cơ hội phát triển, các mô hình kinh doanh mới. Có thể nói, chuyển đổi số là quá trình chỉ có điểm bắt đầu mà không có điểm kết thúc, không ngừng đổi mới theo mô hình phát triển doanh nghiệp. Trong quá trình đó, doanh nghiệp có thể thay đổi mọi thứ từ cơ sở vật chất như mua công nghệ mới nhất, xây dựng cơ sở hạ tầng mới hay thiết lập quy trình mới, … Tuy nhiên, nếu không có sự trợ giúp của nguồn nhân lực thì rất khó để doanh nghiệp có thể chuyển đổi những giá trị mới. Sự chuyển đổi hoàn toàn không phải chỉ của tổ chức, mà còn của những cá nhân tham gia vào quá trình đó. Vì vậy, để mọi cá nhân cùng chung niềm tin, đồng lòng và gắn kết trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp cần xây dựng cho mình văn hóa số.
Văn hóa số sẽ dần được hình thành trên lộ trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, khi doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ vào trong quá trình hoạt động, vận hành. Công nghệ làm tác động và thay đổi cách thức liên kết trong và giữa các bộ phận, niềm tin và thái độ của mỗi nhân sự đối với tổ chức chung. Họ tư duy, hành động và hợp tác trong môi trường công nghệ, và từ đó, tạo nên các giá trị văn hóa doanh nghiệp mới. Với văn hóa số, doanh nghiệp sẽ tạo ra nguồn nhân lực với những giá trị nổi bật như tư duy đột phá tạo ra nhiều ý tưởng mới, có khả năng tự thích ứng với thay đổi của tổ chức, sẵn sàng tiếp thu các phản hồi để biến thành cơ hội mới, chia sẻ hợp tác với nội bộ và khách hàng, v.v. giúp doanh nghiệp luôn tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong dài hạn.
Tại sao văn hóa lại là yếu tố quyết định quan trọng nhất để chuyển đổi số thành công?
Trong một khảo sát với 1700 các lãnh đạo cao cấp, nhà quản lý và nhân viên tại hơn 340 doanh nghiệp tại 8 quốc gia có nền công nghệ phát triển bậc nhất năm 2017, có tới 62% những người được khảo sát nhận định văn hóa là rào cản số một trong chuyển đổi số.(1)
Trong thời đại công nghệ số, chuyển đổi số đã trở thành một chiến lược phát triển được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Trong đó, để hạn chế những rào cản về văn hóa và hướng tới sự chuyển đổi thành công, xây dựng văn hóa số đã trở thành một kim chỉ nam, mang yếu tố quyết định trong quá trình chuyển đối số.
Vậy lộ trình xây dựng văn hóa số gồm những gì?
Về cơ bản, xây dựng văn hóa số cần đảm bảo các bước sau đây:
Xác định giá trị văn hóa số cần xây dựng
Để xây dựng văn hóa số, bước đầu tiên cần thực thực hiện đó là xác định những giá trị văn hóa số cần xây dựng. Tuy mỗi doanh nghiệp đã tồn tại những giá trị văn hóa đặc trưng, nhưng trong bước này, doanh nghiệp nên tự đặt ra và trả lờicâu hỏi: Trong môi trường chuyển đổi số doanh nghiệp hướng tới, các hành vi của từng cá nhân trong tổ chức sẽ biến đổi ra sao và làm cách nào để đảm bảo nhân sự sẽ thể hiện hành vi theo đúng những gì tổ chức kỳ vọng? Trả lời câu hỏi này, doanh nghiệp đã tạo dựng cho mình điểm bắt đầu, chính là những nền tảng thiết lập văn hóa số như: Xác định các đặc điểm văn hóa số rõ ràng, xây dựng các bước dịch chuyển từ xây dựng nhận thức đến những hành vi văn hóa số mới.
Thử nghiệm trên nhóm
Sau khi đã xác định những giá trị văn hóa số cần xây dựng, doanh nghiệp cần thử nghiệm trên nhóm. Nhóm thử nghiệm cần có đủ các thành viên đại diện từ đa tầng lớp nhân sự, đặc biệt trong đó, các lãnh đạo cấp cao với vai trò là những người tiên phong dẫn dắt, tích cực tuân thủ và lan tỏa mạnh mẽ các giá trị mới. Trong quá trình thử nghiệm, các hành vi mới và giá trị văn hóa số sẽ được thực hiện hàng ngày. Quá trình thử nghiệm được đo lường và thảo luận để đánh dấu lại các điểm chuẩn, đồng thời, xác định người sẽ chịu trách nhiệm và hoàn thiện lộ trình cho bước lan tỏa giá trị văn hóa số sau đó.
Triển khai toàn bộ
Sau khi thử nghiệm các giá trị văn hóa, những giá trị này sẽ được lan tỏa, triển khai mở rộng trên toàn bộ tổ chức. Mặc dù đã được thử nghiệm thành công và đúc rút kinh nghiệm trong quá trình đó, nhưng quá trình lan tỏa mở rộng vẫn sẽ gặp nhiều thách thức. Tổ chức càng lớn thì càng nhiều thách thức hơn, do tổ chức lớn thường có nhiều nền văn hóa pha trộn. Lúc này, cấp lãnh đạo sẽ như “ngọn đuốc” soi sáng và mở đường tiên phong trong quá trình triển khai lan tỏa mở rộng các giá trị văn hóa số.
Đo lường và điều chỉnh, bảo vệ và duy trì các giá trị văn hóa số
Khi đã thực hiện lan tỏa mở rộng các giá trị văn hóa số trong toàn bộ tổ chức, các kết quả đã đạt được cần được đo lường hàng quý, hàng năm, để từ đó, điều chỉnh phù hợp, nhằm đạt được mục tiêu dài hạn của tổ chức. Với những giá trị văn hóa đã đạt được, doanh nghiệp cần thiết lập những quy tắc nhằm bảo vệ và duy trì chúng.
Với phương pháp luận FPT Digital KaizenTM, doanh nghiệp sẽ được chỉ dẫn đi đúng hướng trong chuyển đổi nguồn lực con người, mà trọng tâm là xây dựng văn hóa số. Chuyển đổi số luôn là chặng đường khó khăn nhưng với kinh nghiệm dày dặn hơn 30 năm dẫn đầu ngành công nghệ và đang ở vi trí tiên phong chuyển đổi số, FPT luôn đồng hành cùng doanh nghiệp đi tới đích thành công.
Nguồn tham khảo
(1) Capgemini Digital Transformation Institute. 2017. The Digital Culture Challenge: Closing the Employee-Leadership Gap.