Lựa chọn kênh bán hàng trực tuyến cho các thương hiệu thời trang - FPT Digital
Lựa chọn kênh bán hàng trực tuyến cho các thương hiệu thời trang
Digital Strategy

Lựa chọn kênh bán hàng trực tuyến cho các thương hiệu thời trang

Covid-19 là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh mặt hàng thời trang, nhưng đồng thời cũng tạo nên cơ hội lớn để các doanh nghiệp chuyển hướng và bứt phá sang mô hình kinh doanh trực tuyến.

Doanh thu của ngành thời trang và may mặc trên các nền tảng trực tuyến trong giai đoạn 2021 – 2025 dự kiến tăng trưởng trung bình 9.1%/năm (1). Từ năm 2020 đến 2021, mức tăng trưởng của ngành này đã đạt con số ấn tượng 17% (1). Ngành hàng thời trang cũng xếp thứ 2 trong danh mục mua hàng trực tuyến của người Việt Nam trong năm 2020 (2). Điều này cho thấy đà phát triển mạnh mẽ của ngành kinh doanh thời trang trên nền tảng trực tuyến.

Sự phân hóa về phương thức lựa chọn nền tảng bán hàng của các thương hiệu

Các thương hiệu thời trang nói chung tại Việt Nam đang chạy đua trên các nền tảng bán hàng trực tuyến với những phương thức bán hàng phong phú và đa dạng, đặc biệt trong thời kỳ Covid-19 khi các cửa hàng vật lý đang phải đóng – mở tùy thuộc vào các chính sách giãn cách xã hội. Tuy nhiên, đứng giữa sự đa dạng của các nền tảng bán hàng trực tuyến, nhiều doanh nghiệp vẫn đang phân vân giữa việc lựa chọn bán hàng trên những kênh do doanh nghiệp sở hữu hay trên các sàn thương mại điện tử.

Để xác định những phương hướng phát triển thích hợp cho ngành hàng thời trang trên nền tảng trực tuyến, FPT Digital đã thực hiện nghiên cứu về lựa chọn kênh kinh doanh của một số thương hiệu thời trang phổ biến với người tiêu dùng Việt Nam.

Hầu hết các thương hiệu thời trang quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam (VD: Zara, H&M, Uniqlo…) đều không có xu hướng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, hoặc nếu có, rất hạn chế về số lượng sản phẩm cũng như các chương trình khuyến mại. Họ tập trung vào các chương trình trên kênh bán hàng sở hữu như website hoặc trên ứng dụng di động.

Trong khi đó, các thương hiệu thời trang của Việt Nam thường có xu hướng tận dụng hết toàn bộ các kênh bán hàng trực tuyến, tuy nhiên hiệu quả mang lại từ sàn thương mại điện tử lại không cao. Điều này có thể đến từ sự hạn chế trải nghiệm của khách hàng đối với những mặt hàng mang phong cách sống.

Hình 1. Các kênh bán hàng trực tuyến của các thương hiệu thời trang tại Việt Nam

 

Hình 2. Xếp hạng các thương hiệu thời trang dựa theo: lượng truy cập trên kênh website hàng tháng, số lượng đơn hàng tối đa/sản phẩm/tháng

Mô hình kinh doanh trên kênh do doanh nghiệp sở hữu mang tính tự chủ và phù hợp với những doanh nghiệp có quy mô lớn, đã có thương hiệu. Mô hình kinh doanh trên sàn thương mại điện tử thường thích hợp với những đơn vị kinh doanh quy mô nhỏ, không có cửa hàng vật lý và thương hiệu chưa phổ biến với đại đa số người tiêu dùng.

Để lựa chọn mô hình phù hợp, các doanh nghiệp cần nhìn nhận về các ưu/nhược điểm của hai mô hình bán hàng trực tuyến (so sánh tại thời điểm nghiên cứu) dựa trên một số khía cạnh:

Hình 3

Trong dài hạn, việc phát triển kênh bán hàng trực tuyến do doanh nghiệp sở hữu đem lại nhiều cơ hội phát triển hơn cho doanh nghiệp đã có thương hiệu so với việc kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử.

4 mô hình kinh doanh mới dựa trên kênh do doanh nghiệp sở hữu sẽ làm thay đổi xu hướng kinh doanh thời trang trực tuyến

  • Kinh doanh lại những mặt hàng xa xỉ đã qua sử dụng: Mô hình này đang nở rộ trong 3 năm trở lại đây, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc và đang nhen nhóm phát triển tại Việt Nam. Đại dịch Covid có thể làm mức chi tiêu của người tiêu dùng giảm xuống, nhưng không thể lấy đi niềm yêu thích của họ với thời trang. Thương hiệu thời trang H&M đã thực hiện một chiến dịch tương tự, họ đã thực hiện mua lại đồ đã qua sử dụng, thay vào đó khách hàng sẽ nhận được điểm khuyến mãi – tương đương mức giảm giá 15% cho lần mua hàng tiếp theo.
  • Gói thuê bao định kỳ: Nổi bật tại Việt Nam là Coolmate – start up kinh doanh theo hình thức gói thuê bao thời trang định kỳ cho nam giới với chu kỳ 15-30-45 ngày. Start-up này đã nhận được sự quan tâm nhiều quỹ đầu tư quốc tế và đang ngày càng phát triển tại thị trường Việt Nam. Tại thị trường Mỹ, một số doanh nghiệp còn cho phép khách hàng thuê lại tủ đồ hoặc vay nợ để mua theo những chu kỳ nhất định.
  • Khuyến mãi có giới hạn: Một số thương hiệu thời trang như Gucci đã thực hiện những chiến dịch Drop & Wait – cho phép khách hàng đăng ký tham gia những sự kiện khuyến mãi có giới hạn và chờ đợi đến thời điểm khuyến mãi để mua hàng, tạo ra tâm lý phấn kích cho người tiêu dùng và khiến họ phải theo dõi thương hiệu một cách thường xuyên hơn.
  • Thử hàng thông qua thực tế ảo: Xu hướng ứng dụng công nghệ thực tế ảo giúp mô phỏng cơ thể của khách hàng và giúp khách thử hàng đã đang được một số thương hiệu lớn triển khai trong những năm gần đây, ví dụ như Louis Vuitton Moët Hennessy – 3D Look hoặc Nike – Perfect Fit.

 

Các doanh nghiệp có thể tham khảo về việc cách thức triển khai một số mô hình kinh doanh đột phá, giúp tăng cường khả năng bán hàng trên các kênh do doanh nghiệp sở hữu, từ đó thực hiện xây dựng chiến lược bán hàng trực tuyến một cách hiệu quả và đồng bộ. FPT Digital sẽ tiếp tục thực hiện phân tích các nội dung liên quan đến người tiêu dùng thời trang trên các kênh trực tuyến trong bài tiếp theo.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) Báo cáo về ngành thời trang trực tuyến 2021, Statista
(2) Danh mục mua hàng phổ biến trên nền tảng trực tuyến của người Việt Nam trong năm 2020, Bộ Công Thương

Nghiên cứu nổi bật
01. 12 thách thức lớn nhất của bảo mật điện toán đám mây 02. Tòa nhà thông minh – Xu hướng phát triển của thị trường bất động sản 03. Xu hướng chuyển đổi xanh trong ngành vận tải hành khách (Kỳ 01) 04. Ứng Dụng Trí Tuệ Nhân Tạo Trong Bảo Mật Thông Tin Tài Chính
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận