Lợi ích từ công nghệ mang lại cho ngành y tế - FPT Digital
Lợi ích từ công nghệ mang lại cho ngành y tế
Digital Strategy

Lợi ích từ công nghệ mang lại cho ngành y tế

Công nghệ đã và đang mang lại những lợi ích to lớn, hỗ trợ rất nhiều trong việc cải thiện góc nhìn của chúng ta về những vấn đề phức tạp trong lĩnh vực y tế, làm giảm thiểu hạn chế đối với việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế trực tiếp cho bệnh nhân hiện có.

Công nghệ chăm sóc sức khỏe hay còn được gọi là HealthTech, là việc sử dụng công nghệ vào trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe để điều trị, cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho bệnh nhân. Những công nghệ từng chỉ được biết đến trong các bộ phim khoa học viễn tưởng thì ngày nay đã, đang và sẽ dần được hiện thực hóa trong đời sống, trong mọi ngành nghề. Những công nghệ này có thể hỗ trợ hầu hết mọi việc trong hệ sinh thái ngành y tế và chăm sóc sức khỏe, mang đến các lợi ích cho bệnh nhân, y bác sĩ cũng như các cơ sở cung cấp dịch vụ có liên quan.

Trong tình trạng các cơ sở y tế có chất lượng phân bố không đều và các cơ sở y tế địa phương còn nghèo nàn lạc hậu khi trình độ khám chữa bệnh hay khả năng đáp ứng tại các cơ sở cũng còn chênh lệch lớn. Dịch vụ khám chữa bệnh từ xa sẽ hỗ trợ giải quyết một phần những khó khăn bất lợi trong thực trạng đó. Trong trường hợp này, nhờ công nghệ, bệnh nhân có thể ghi chụp hình ảnh các triệu chứng và gửi cho bác sĩ hoặc các đơn vị y tế. Khám chữa bệnh trực tuyến qua video không chỉ loại bỏ thời gian di chuyển, đi lại của bệnh nhân mà còn tiết kiệm thời gian chờ đợi xếp hàng đợi tới lượt. Ứng dụng các công nghệ sẽ tăng khả năng tiếp cận với những dịch vụ y tế tốt nhất, tiên tiến, hiện đại nhất của các bệnh nhân dù họ ở bất kỳ địa phương nào.

Ngày nay, cùng với sự tăng trưởng và già hóa dân số nhanh chóng thì sự phát triển của Internet và các thiết bị di động cũng không hề chậm. Dưới thực trạng các vấn đề về môi trường đang xấu đi và bệnh tật gia tăng ngày một nhiều, con người có nhu cầu kiểm soát và theo dõi sức khỏe của chính mình ngày càng cao. Theo Gartner, chi tiêu của người dùng cuối trên toàn thế giới cho các thiết bị đeo sẽ đạt tổng cộng 52 tỷ đô la vào năm 2020 – tăng 27% so với năm 2019 (1). Các thiết bị theo dõi sức khỏe đeo tay đang phát triển mạnh khi chúng luôn sẵn sàng cho các tùy chọn theo dõi và quản lý sức khỏe cá nhân mọi lúc, mọi nơi. Chúng có thể được tích hợp với đồng hồ thông minh và kết nối đến điện thoại thông minh của người dùng. Các tính năng như đặt lịch hẹn khi đang di chuyển, kiểm tra đơn thuốc hoặc nhận nhắc nhở về thuốc hay một số tính năng cơ bản về sức khỏe mà thiết bị có sẵn như theo dõi nhịp tim, theo dõi chuyển động, phân tích giấc ngủ, v.v. được người sử dụng đánh giá cao. Các ứng dụng không chỉ giúp bệnh nhân biết được các thông số sức khỏe của bản thân, mà còn giúp các chuyên gia chăm sóc sức khỏe của các cá nhân đó luôn cập nhập được tình trạng bệnh nhân của họ để đưa ra các lời khuyên, cảnh báo kịp thời hay đơn giản là gửi các thông báo lời nhắc về lịch khám bệnh định kỳ.

Khi lượng khách hàng của dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe ngày một tăng, việc còn sử dụng hồ sơ giấy sẽ là một trở ngại lớn trong sự phát triển mở rộng của các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế. Thay vì phải mất không gian lớn để lưu trữ hồ sơ, kết quả bệnh án, đơn thuốc… của hàng ngàn bệnh nhân hoặc các chồng hồ sơ giấy tờ lớn tại văn phòng của mỗi bác sĩ dẫn đến việc tìm kiếm gặp khó khăn hoặc dễ xảy ra tình trạng thất lạc, thì một số bệnh viện đã áp dụng hồ sơ sức khỏe điện tử – EHR- vào trong quá trình vận hành của mình. Các bệnh viện đã và đang tích cực số hóa các dữ liệu, cho phép khả năng tiếp cận dữ liệu đơn giản, dễ dàng, và cho kết quả nhanh chóng, chính xác hơn. Đến năm 2017, gần 9 trên 10 (86%) bác sĩ tại văn phòng đã áp dụng hồ sơ sức khỏe điện tử. Kể từ năm 2008 đến 2017, việc áp dụng các hồ sơ sức khỏe điện tử tại văn phòng bác sĩ đã tăng hơn gấp đôi, từ 42% đến 86%. (2)

Mức độ sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử – EHR giai đoạn 2004-2017(2)

Do đặc thù ngành nghề, việc giao tiếp chia sẻ thông tin kiến thức trong ngành hay dữ liệu về bệnh nhân được luân chuyển giữa các cơ sở y tế là đặc biệt quan trọng. Hiện tại, các cơ sở dữ liệu của ngành y tế còn rất phân tán hay ngay cả một số trường hợp dữ liệu trong một cơ sở, bệnh viện cũng chưa được hệ thống hóa quản lý tập trung dẫn đến việc truy xuất dữ liệu gặp nhiều khó khăn. Các công nghệ như Bigdata, AI, IoT, Cloud… sẽ giúp hỗ trợ các y bác sĩ chia sẻ, tiếp cận dữ liệu bệnh nhân trên một nền tảng chung một cách đơn giản, thuận tiện giúp đưa ra các chẩn đoán bệnh, quyết định phương pháp điều trị cho bệnh nhân một cách nhanh chóng, chính xác nhất. Một số công nghệ mới như thực tế ảo hay in 3D đã có những hỗ trợ tích cực trong việc đào tạo đội ngũ y bác sĩ một cách chuyên nghiệp, giúp lọai bỏ những hạn chế về thời gian, địa điểm, điều kiện đào tạo như các phương pháp đào tạo truyền thống, hay trong việc hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân, sản xuất các sản phẩm y khoa… Hơn nữa việc mở rộng giao tiếp với công chúng còn đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin, hình ảnh của ngành y đến với người dân, hạn chế sự lan truyền các thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến uy tín ngành. Để đảm bảo thực hiện hiệu quả việc thông tin nhanh chóng – chính xác – minh bạch tới người dân thì việc có nền tảng dữ liệu chung của ngành là không thể thiếu.

Bài đọc nhiều nhất
Digital Strategy 22/01/2025

Công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng đang được phát triển nhanh chóng, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống hiện nay, đặc biệt đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Một số lợi ích công nghệ này mang đến cho ngành y tế có thể kể đến như giúp thúc đẩy sử dụng học sâu – Deep learning – trong mảng chụp X-quang và các thực hành chẩn đoán như nhận được sự phát triển liên tục của sức mạnh tính toán và công nghệ lưu trữ; giảm chi phí cho đầu tư phần cứng và vấn đề thiếu hụt nhân viên y tế hay sự phong phú của dữ liệu y tế đóng góp cho nghiên cứu và đào tạo. Chỉ riêng ở Mỹ, 60 tỷ hình ảnh X-quang được tạo ra mỗi năm. Trí tuệ nhân tạo giúp các bác sĩ X-quang cải thiện độ chính xác trong phát hiện ung thư vú. Bác sĩ X-quang thực hiện chẩn đoán có thể phát hiện ung thư vú với độ chính xác 75.3%, trong khi đó, nếu có sự hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo, tỷ lệ chính xác tăng từ 9.5% lên 84.8% (3). Việc chẩn đoán phát hiện bệnh sớm sẽ giúp bác sĩ có được những phác đồ điều trị chính xác, tăng khả năng điều trị chữa khỏi cho bệnh nhân.

Ứng dụng công nghệ vào trong việc phát triển Digital Healthcare sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người bệnh, tăng cường hiệu quả làm việc trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của các cơ sở. Bên cạnh đó, giúp giảm thiểu tối đa các sai sót liên quan đến thao tác thực hiện của con người, giảm chi phí phải chi trả cho các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, việc sử dụng công nghệ sẽ nâng cao chất lượng chăm sóc, mang đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe được cá nhân hóa phù hợp tới từng bệnh nhân.

Mặc dù hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta đã đi được một chặng đường chuyển đổi số nhờ vào các lợi ích được kích hoạt bởi công nghệ, nhưng rõ ràng đây mới chỉ là khởi đầu của quá trình này khi những cơ hội công nghệ mang đến cho ngành y tế và chăm sóc sức khỏe còn rất lớn. Để ngành y tế và chăm sóc sức khỏe Việt Nam có những bước tiến vượt bậc tiến tới sánh ngang với những nền y tế tiên tiến, hiện đại trên thế giới thì không thể bỏ lỡ việc ứng dụng mạnh mẽ những công nghệ cao vào trong mỗi bước thực hiện, đặc biệt khi chúng ta đang sống trong một thế giới mà công nghệ đang hiện hữu trong mọi khía cạnh của đời sống.

Nguồn tham khảo:
(1) Gartner. 2019. Gartner Says Global End-User Spending on Wearable Devices to Total $52 Billion in 2020.
(2) Health IT Dashboard. n.d. Office-based Physician Electronic Health Record Adoption.
(3) Healthcare IT News. 2020. AI helps radiologists improve accuracy in breast cancer detection with lesser recalls.

Nghiên cứu nổi bật
01. Khu công nghiệp sinh thái: Định hướng đến bức tranh tương lai xanh và bền vững (Kỳ 02) 02. Dịch vụ tư vấn chiến lược truyền thống: Có phải phao cứu sinh cho doanh nghiệp? 03. An toàn thông tin và bảo mật trong ngành sản xuất 04. Xây dựng chính phủ số bắt đầu từ đâu?
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận