Giáo dục là một lĩnh vực đang được chính phủ Việt Nam khuyến khích và ưu tiên đẩy mạnh chuyển đổi số. Mặc dù trong quá trình thực hiện vẫn còn một số thách thức cần vượt qua, nhưng nếu được hiện thực hoá, chuyển đổi số sẽ đem lại nhiều lợi ích cho học viên, giảng viên, các cơ sở đào tạo và cho xã hội.
Chuyển đổi số đang từng bước tham gia vào trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, từ kinh tế, sản xuất, kỹ thuật công nghệ đến văn hóa, đời sống. Trong ngành giáo dục và đào tạo – lĩnh vực mang tầm ảnh hưởng quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội, chuyển đổi số cũng là một mối quan tâm đang được chú trọng.
Thực trạng ngành giáo dục
Tính đến hết năm 2020, ngành giáo dục Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định. Giáo dục phổ thông của Việt Nam đã tương đương với nhóm các nước phát triển (OECD) nằm trong top 40, giáo dục đại học nằm trong top 70, đào tạo nghề ở vị trí khoảng 90. Theo báo cáo đánh giá năm 2020 của Ngân hàng thế giới, chỉ số Vốn nhân lực của Việt Nam đứng thứ 38 trên 174 nền kinh tế, trong đó, thành phần giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand và Thụy Điển (1).
Tuy nhiên, do tác động của Covid-19, ngành giáo dục Việt Nam cũng như các ngành nghề khác, đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để đảm bảo an toàn sức khỏe, tuân thủ theo các chính sách, quy định về giãn cách xã hội của nhà nước, các trường học, tổ chức giáo dục phải tạm dừng hoạt động, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các chương trình đào tạo. Mặc dù vậy, nhìn từ một khía cạnh khác, bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực, dịch Covid-19 cũng góp phần xây dựng và phát triển mạnh các nền tảng số, cung cấp môi trường trực tuyến phục vụ đào tạo và học tập, tạo đà thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành giáo dục.
Hành trình chuyển đổi số trong ngành giáo dục Việt Nam
Năm 2020, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong đó Giáo dục là một trong những lĩnh vực cần được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số trước tiên, bởi giáo dục là một lĩnh vực có tác động xã hội liên quan trực tiếp và hàng ngày tới người dân. Giáo dục được chuyển đổi số thành công sẽ giúp thay đổi nhận thức con người một cách nhanh nhất, mang lại hiệu quả, tiết kiệm chi phí cho nhiều hoạt động trong đời sống – xã hội, đồng thời, tạo động lực chuyển đổi số cho các ngành nghề khác.
Hàng loạt chính sách thúc đẩy chuyển đổi số giáo dục được ban hành dần hoàn thiện hành lang pháp lý, như các quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành, giảng dạy; tổ chức đào tạo trực tuyến, hình thành các quy chế đào tạo từ xa trình độ đài học, sau đại học; hay đưa ra các quy định về quản lý, vận hành sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành … Công tác chuyển đổi số trong ngành tập trung vào ba mảng chính thông qua: Công tác giảng dạy như đào tạo e-learning, đào tạo qua thực tế ảo; Quản lý giáo dục như quản lý trương học, tài sản, tra cứu thông tin…; Vận hành và quản lý doanh nghiệp giáo dục.
Với những chính sách khuyến khích và thúc đẩy, toàn ngành đã và đang triển khai số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung từ Trung ương đến địa phương. Ngành giáo dục đã hoàn tất số hóa và gắn mã định danh dữ liệu cho hơn 53.000 cơ sở giáo dục đào tạo, 1,4 triệu giáo viên và 24 triệu học sinh, sinh viên. Giáo viên được huy động tham gia và đóng góp chia sẻ học liệu vào kho học liệu số dùng chung cho toàn ngành, mở rộng Hệ tri thức Việt với khoảng 5.000 bài giảng điện tử e-learning chất lượng, kho luận án tiến sĩ với gần 7.500 luận văn, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm lên đến trên 35.000 câu hỏi, cùng với khoảng 2.000 video bài giảng trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo… (2)
Tuy nhiên, trong bức tranh chuyển đổi số chung toàn ngành, nhiều tổ chức giáo dục, trường học mới chỉ thực hiện triển khai rời rạc một số những ứng dụng vào hoạt động và cho rằng mình đã chuyển đổi số. Điều này là chưa chính xác bởi đây mới chỉ là các hoạt động khai phá bước đầu. Để chuyển đổi số toàn diện, công nghệ sẽ cần được tích hợp và kết nối một cách tổng thể trong những quy trình kinh doanh và vận hành, làm chuyển đổi mô hình tổ chức, đồng thời, sẽ có những thay đổi về tư duy nhận thức từ mỗi cá nhân trong ngành, hướng tới sự chủ động thực hiện các hoạt động đào tạo, vận hành hay quản lý hiệu quả hơn.
Khó khăn còn tồn tại trên hành trình chuyển đổi số ngành giáo dục
Trên chặng đường thực hiện chuyển đổi số, ngành giáo dục cũng đang phải đối mặt với một số những khó khăn còn tồn đọng như cơ sở vật chất, hạ tầng mạng, trang thiết bị, dịch vụ, đường truyền internet… còn thiếu, lạc hậu, chưa đồng bộ, hay nhiều cơ sở còn chưa đáp ứng được yêu cầu tối thiểu để phục vụ cho chuyển đổi số. Việc tiếp tục mở rộng và phát triển kho học liệu ngành đòi hỏi sự đầu tư lớn về nguồn lực, từ bao gồm cả nhân lực quản lý cũng như nhân lực triển khai thực hiện, đến đầu tư về tài chính, để đảm bảo tiến độ triển khai số hóa. Đặc biệt việc xây dựng kho học liệu số này cần phải có một kế hoạch cụ thể và đồng bộ tại mọi cấp thực hiện, tránh việc phát triển tự phát dẫn đến tốn thời gian, lãng phí công sức và tài chính.
Giải pháp nào cho hành trình chuyển đổi số ngành giáo dục?
Hiện nay, có nhiều giải pháp đã được đưa ra để ứng dụng cho quá trình chuyển đổi số trong ngành giáo dục, trong đó, một số giải pháp chính đang được hướng đến có thể kể đến như:
- Triển khai áp dụng mô hình giáo dục tích hợp khoa học – công nghệ – kỹ thuật – toán học và nghệ thuật, kinh doanh, doanh nghiệp (giáo dục STEM/STEAM/STEAME) vào trong chương trình đào tạo.
- Đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn thông tin tại các cấp học.
- Thực hiện đào tạo, tập huấn hướng nghiệp để học sinh, sinh viên cũng như giáo viên hay các cán bộ trong trường học, tổ chức giáo dục có các kỹ năng sẵn sàng cho môi trường số.
- Cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở (MOOCS) cho tất cả người dân, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục nhờ công nghệ số, đào tạo nâng cao kỹ năng số.
- Ứng dụng công nghệ số để có thể thực hiện giao và tự đánh giá bài tập về nhà, cũng như kiểm tra sự chuẩn bị bài của học sinh trước khi đến lớp.
- Ứng dụng công nghệ phục vụ giáo dục hướng tới cá nhân hóa cho từng đối tượng.
Xu hướng công nghệ đang được ứng dụng trong ngành giáo dục
Nhiều công nghệ cùng những ứng dụng của chúng đang được đưa vào áp dụng trong ngành giáo dục. Ứng dụng công nghệ điện toán đám mây giúp lưu trữ, chia sẻ tài liệu học tập một cách dễ dàng và an toàn, đồng thời, tăng khả năng và phạm vi tiếp cận tài liệu mà không mất thêm chi phí hay áp lực thời gian. Bên cạnh đó, có thể kể đến sự phổ biến của e-learning nền tảng học trực tuyến, nền tảng cho phép học viên có thể học tập từ xa, giúp người học tiết kiệm thời gian cũng như chủ động hơn trong việc học về cả thời gian và không gian học tập. Một ứng dụng học tập khác cũng đang được nhiều đối tượng quan tâm hiện nay, đó là đào tạo ảo sử dụng công nghệ AR/VR/MR. Mô hình học tập này mang đến cho học viên những trải nghiệm học tập một cách trực quan nhất, giúp nắm bắt kiến thức một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn so với các hình thức đào tạo truyền thống. Sự phát triển của công nghệ AI và học máy cũng được đưa vào ứng dụng trong hỗ trợ hoạt động đào tạo.
Một ví dụ thực tế trong việc áp dụng công nghệ, mà cụ thể ở đây là AI, là một ứng dụng có tên Bakpax. Ứng dụng này có thể giúp giáo viên thực hiện giao bài tập, đánh giá và chấm bài trực tiếp. Bakpax (3) sử dụng công nghệ AI để đọc chữ viết tay từ bài tập của học sinh và tự động chấm điểm cũng như giúp chuyển đổi nội dung đó sang dạng số giúp tiết kiệm thời gian cho giáo viên, đồng thời, cung cấp cho học sinh những đánh giá phản hồi nhanh chóng về bài tập của mình.
Với sự ủng hộ và khuyến khích từ những chính sách thúc đẩy chuyển đổi số ngành giáo dục, để chuyển đổi số thành công, quá trình này sẽ đòi hỏi không chỉ sự quyết tâm và tiên phong từ những người lãnh đạo của mỗi tổ chức giáo dục và đào tạo, mà còn từ sự chủ động, tham gia, đóng góp của toàn bộ những đối tượng liên quan. Với sự đồng tâm và hiệp lực, chuyển đổi số trong ngành giáo dục sẽ mang lại những hiệu quả quan trọng tác động trực tiếp lên đời sống kinh tế xã hội chung của đất nước.
Nguồn tham khảo
(1) Báo cáo quốc gia năm. 2020 Hội đồng quốc gia.
(2) Đề án Ngoại ngữ Quốc Gia. 2020 Những ‘điểm sáng’ của ngành giáo dục năm 2020.
(3) Bakpax website. N.d.