Quản lý kho hàng FMCG thông minh với RFID trong thời đại mới - FPT Digital
Quản lý kho hàng FMCG thông minh với RFID trong thời đại mới
Internet of Thing

Quản lý kho hàng FMCG thông minh với RFID trong thời đại mới

Ứng dụng công nghệ RFID trong quá trình quản lý kho hàng ngành hàng tiêu dùng nhanh giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí vận hành, tối ưu nguồn lực, đồng thời mang lại hiệu quả quản lý kho cao với khả năng kiểm soát hàng hóa, nguyên vật liệu chính xác, từ đó, hạn chế tối đa những sai sót không mong muốn.

Ngành hàng tiêu dùng nhanh FMCG (Fast Moving Consumer Goods) bao gồm toàn bộ các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong cuộc sống, có thể được tìm thấy tại bất kỳ điểm bán thông thường nào như đồ ăn uống, gia dụng, mỹ phẩm… phân phối sản phẩm tới khách hàng qua tất cả các kênh, từ bán lẻ truyền thống, bán lẻ hiện đại cũng như thương mại điện tử. Thị trường FMCG toàn cầu được kỳ vọng đạt 15.361,8 tỷ đô vào năm 2025, với CAGR khoảng 5,4% trong giai đoạn dự báo 2018-2025 (*).

Các kho hàng FMCG ngày càng tăng về số lượng, diện tích cũng như chủng loại hàng hóa nhằm đáp ứng cho các siêu thị, trung tâm thương mại cũng như các sàn thương mại trực tuyến vốn cung cấp hàng trăm loại hàng hóa tiêu dùng cho nhu cầu mua sắm ngày một đa dạng. Bởi vậy, việc tối ưu và tận dụng tối đa nguồn lực, cũng như thời gian, trong quản lý kho hàng là một trong những công việc quan trọng của các đơn vị FMCG.

Hình 1. Ngành hàng tiêu dùng nhanh FMCG cung cấp các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu

Hiện trạng quản lý kho hàng FMCG

Dù đang phát triển rất nhanh nhưng ngành hàng FMCG vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức trong việc quản lý kho hàng. Các đơn vị FMCG truyền thống, hiện vẫn đang có quy trình nhập xuất hàng được thực hiện qua khá nhiều khâu thủ công. Để xác định cách thức quản lý kho hàng hiệu quả, trước tiên, doanh nghiệp cùng phân tích quy trình thực hiện hiện tại để tối ưu hóa cho quy trình trong tương lai.

Hình 2. Tổng quan quy trình nhập hàng vào kho theo cách thức thủ công
Hình 3. Tổng quan quy trình xuất hàng khỏi kho theo cách thức thủ công

Bên cạnh những khó khăn đến từ việc hàng hóa xuất nhập kho, việc quản lý kho hàng theo cách thức thủ công còn dẫn tới nhiều khó khăn và chưa tối ưu khác như:

  • Thực hiện qua nhiều bước, nhiều quy trình làm gia tăng thời gian và nguồn lực thực hiện công việc.
  • Việc kiểm kê hay sắp xếp hàng hóa vào đúng vị trí để tìm kiếm, lấy hàng khi cần thiết còn gặp nhiều khó khăn, đôi khi, dẫn đến thất thoát hàng hóa do đặc thù hàng hóa đa dạng về chủng loại, kích thước, quy cách đóng gói…
  • Các thông tin về sản phẩm được ghi lại một cách thủ công và thiếu đầy đủ khiến việc kiểm soát hạn sử dụng của sản phẩm trở nên khó khăn.
  • Các quy trình được thực hiện thủ công và qua nhiều giai đoạn cũng như quản lý lượng hàng xuất nhập kho lớn nên các loại giấy tờ lưu cần lưu trữ là không hề nhỏ.

Bài đọc nhiều nhất
Internet of Thing 24/01/2025

Giải pháp cho quản lý kho hàng

Để khắc phục các khó khăn còn tồn tại trong vấn đề quản lý kho hàng FMCG, các kho hàng lớn hiện nay đang sử dụng các giải pháp ứng dụng RFID (Radio Frequency Identification – Nhận dạng bằng tần số sóng radio) trong toàn bộ các khâu quản lý kho hàng. Hệ thống này bao gồm 03 bộ phận chính là RFID Tag, thiết bị đọc thẻ RFID Reader (đầu đọc) và hệ thống xử lý dữ liệu. RFID Tag có chức năng lưu trữ thông tin, chủ yếu là định danh sản phẩm được thiết lập từ trước. RFID Reader phát sóng và tiếp nhận thông tin từ RFID Tag và truyền dữ liệu về hàng hóa, vị trí đến hệ thống xử lý. Hai thiết bị RFID tag và RFID Reader cần trùng nhau về tần số để có thể nhận dạng và thu phát được tín hiệu với nhau, do vậy, khả năng bảo mật và chính xác thông tin được đảm bảo.

Trong quản lý kho hàng, RFID Tag được gắn lên các loại hàng hóa cần theo dõi, còn RFID Reader thường đặt tại vị trí cố định tùy theo nhu cầu, phát ra một tần số nhất định để phát hiện các thiết bị xung quanh. Khi hàng hóa có gắn RFID Tag đi qua vùng tần số này, RFID Reader nhận dạng chính xác thông tin về hàng hóa. Như vậy, các quy trình quản lý kho được diễn ra theo một bức tranh hoàn toàn mới:

RFID
Hình 4. Mô phỏng hình ảnh nhập hàng vào kho thông qua RFID
  • Khi nhập hàng vào kho: RFID Tag gắn trên thùng hàng, sản phẩm đã chứa toàn bộ các thông tin như loại hàng, khu vực chứa, hạn dùng, màu sắc, xuất xứ… Khi hàng hóa gắn RFID Tag này đi qua RFID Reader (thường gắn tại cửa nhập hàng), các thông tin hàng hóa sẽ được RFID Reader nhận diện và cập nhật trực tiếp lên hệ thống mà không cần các thao tác kiểm đếm, cập nhật, ghi chép thủ công.
  • Sắp xếp, kiểm đếm và quản lý tồn kho: Hàng hóa sau khi nhập kho được chuyển tới các giá kệ được quy định trước, cập nhật vị trí lên hệ thống nhờ các RFID Reader gắn trên các xe nâng. Việc kiểm đếm hàng tồn kho cũng trở nên rất dễ dàng nhờ thiết bị RFID Reader gắn sẵn trên các hệ thống giá kệ, có thể cùng lúc kiểm kê nhiều loại mặt hàng cũng như kiểm soát hàng hóa cận hết hạn nhằm đưa ra các xử lý phù hợp.
  • Xuất hàng khỏi kho: Tại cửa xuất kho đã có gắn sẵn RFID Reader, khi hàng hóa có gắn RFID Tag được xuất qua cửa, các thông tin liên quan về số lượng, chủng loại hàng hóa xuất kho sẽ được cập nhật ngay lên hệ thống.

 

Hình 5. Mô phỏng hình ảnh xuất hàng khỏi kho thông qua RFID

Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa RFID Tag, RFID Reader và hệ thống xử lý, giờ đây việc quản lý kho hàng tổng thể cũng như quản lý toàn diện thông tin chi tiết của từng mặt hàng trở nên dễ dàng, tiện dụng, chính xác và tiết kiệm nhiều nguồn lực cho đơn vị sử dụng.

 

Công nghệ RFID đang ngày càng được sử dụng rộng rãi trong quản lý kho hàng nhờ các lợi ích mà nó đem lại, giúp doanh nghiệp hoạt động ngày một hiệu quả hơn. Tuy giá thành không phải là điểm mạnh của công nghệ này, nhưng với các lợi ích vượt trội được đem lại cũng như khả năng tái sử dụng nhiều lần, công nghệ RFID xứng đáng là một lựa chọn hàng đầu về quản lý kho thông minh cho ngành hàng FMCG hiện tại.

 

 

Nguồn tham khảo
(*) Allied Market Research. 2019. FMCG Market by Type and Distribution Channel: Global Opportunity Analysis and Industry Forecast.

Nghiên cứu nổi bật
01. Chuyển đổi năng lượng xanh của doanh nghiệp tại Việt Nam 02. Logistics và cơ hội từ tự động hoá 03. Xu hướng chuyển đổi xanh trong ngành dược phẩm 04. Telecare: Giải pháp đã, đang và sẽ tiếp tục thay đổi ngành y tế
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận