Doanh nghiệp sản xuất nên đầu tư ERP hay MES?
Digital Strategy

Doanh nghiệp sản xuất nên đầu tư ERP hay MES?

Việc đảm bảo vận hành liên tục gần như là một yếu tố tiên quyết của các doanh nghiệp sản xuất trong thời kỳ mới hiện nay. Cùng với quá trình chuyển đổi số đang diễn ra một cách mạnh mẽ trên thế giới và tại Việt Nam, rất nhiều các DNSX đang xây dựng các lộ trình chuyển đổi số một cách bài bản, vừa để đạt được các mục tiêu chiến lược kinh doanh trung và dài hạn, vừa đảm bảo quá trình vận hành liên tục như đã đặt ra.

Nền tảng của toàn bộ DNSX đều được đặt vào hệ thống thông tin quản trị các tài nguyên của doanh nghiệp. Nhiều DNSX đã mạnh dạn đầu tư các hệ thống quản trị tài nguyên tổng thể của doanh nghiệp (ERP), thậm chí là các hệ thống ERP tiên tiến trên thế giới (VD: SAP, Oracle, Microsoft D365, Epicor,…) như Thiên Long, Minh Phú, Vinamilk, TH Truemilk, Masan, Hòa Phát, Petrolimex, Ausdoor, Nam Kim,…

Các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ cũng tìm cách trang bị cho mình các phần mềm ERP của Việt Nam như Bravo, Misa, Fast,… để nhằm xây dựng hệ thống thông tin quản lý nền tảng sản xuất, cung ứng và kinh doanh của mình. Các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các DN Nhật Bản tại Việt Nam, lại lựa chọn việc triển khai các hệ thống quản lý sản xuất (MES) vào trước và chỉ xây dựng hệ thống kế toán thay vì triển khai toàn bộ hệ thống ERP.

Một câu hỏi đặt ra với những nhà quản trị doanh nghiệp sản xuất là nên triển khai hệ thống nào trước hay phải triển khai đồng bộ cả hai hệ thống đồng thời; việc triển khai này có khó khăn và liệu DNSX có đủ khả năng chi trả cho cả hai hệ thống này hay không?

ERP hay MES
Hình 1: Ảnh minh hoạ

Phân biệt hệ thống ERP và MES

Trước hết, chúng ta cùng nhìn nhận về phạm vi của hai hệ thống.

Giải pháp ERP (Enterprise Resources Planning) là hệ thống quản lý thông tin tổng thể của doanh nghiệp. Hệ thống này tập trung vào toàn bộ các thông tin và giao dịch liên quan tới tài chính của doanh nghiệp, từ khâu bán hàng, quản lý hợp đồng, giao hàng, quản lý cung ứng (mua sắm, kho hàng, vật tư) cho đến các thông tin về sản xuất phục vụ cho việc tính toán giá thành sản xuất, sự đáp ứng về vật tư, hàng hóa phục vụ cho các kế hoạch và hợp đồng kinh doanh,…

Giải pháp MES (Manufacturing Execution System, tên gọi khác là MOM – Manufacturing Operation Management) là hệ thống thông tin quản lý chuyên biệt cho khối sản xuất của doanh nghiệp.

Hệ thống MOM/MES tập trung vào các khâu như nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), quản lý kế hoạch sản xuất, phân bổ kế hoạch thành các kế hoạch nhỏ và các lệnh sản xuất tại các phân xưởng, tổ máy, dây chuyền, kiểm soát nguyên vật liệu, phụ liệu, vật tư tiêu hao cho sản xuất, quản lý nhà xưởng, thiết bị, quản lý chất lượng, các công đoạn của sản xuất, quản lý các kho trên chuyền, truy xuất các công đoạn trong sản xuất, nhập kho thành phẩm,…

Các giải pháp ERP và giải pháp MOM/MES đều nằm trong các phần mềm lõi (legacy) của quy hoạch công nghệ thông tin của doanh nghiệp. Chính vì vậy, các bộ giải pháp này đều có chi phí mua sắm và triển khai cao, đòi hỏi những đơn vị tư vấn triển khai chuyên nghiệp và có hiểu biết sâu về ngành nghề, mô hình sản xuất và kinh doanh của từng doanh nghiệp.

Ngoài ra, thời gian triển khai các bộ giải pháp này cũng kéo dài nên tỉ lệ rủi ro trong quá trình triển khai và vận hành là cao. Các bộ giải pháp tiên tiến trên thế giới đều có ngân sách triển khai lên tới hàng triệu đô la Mỹ. Các bộ giải pháp của Việt Nam cũng có ngân sách từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng.

Hệ thống ERP tích hợp với hệ thống MES
Hình 2: Hệ thống ERP tích hợp với hệ thống MES

Nếu như cả hai hệ thống ERP và MES đều tập trung vào việc xử lý các dữ liệu liên thông theo các quy trình liên phòng ban, nhưng trên thực tế thì các vấn đề xử lý của hai hệ thống cũng khác nhau. Hệ thống ERP sẽ tập trung vào các giao dịch tài chính trực tiếp và gián tiếp trên toàn bộ doanh nghiệp.

Ví dụ các quy trình: từ bán hàng đến thu tiền, từ mua hàng tới thanh toán, từ sản xuất tới nhập kho và tính giá thành, trong khi đó, hệ thống MES lại tập trung chuyên sâu vào xử lý cá quy trình thủ công giữa các công đoạn trong sản xuất, giám sát tiến độ, chất lượng và xử lý tại chỗ các vấn đề vướng mắc trong toàn bộ quá trình sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn việc triển khai hệ thống ERP để phục vụ cho công tác quản trị doanh nghiệp ở mức tổng thể, sau khi hệ thống ERP đã vận hành, doanh nghiệp tiếp tục lựa chọn hệ thống MOM/MES để quản lý chuyên sâu cho hoạt động sản xuất.

So sánh những vấn đề cần giải quyết của việc quản lý sản xuất ở hai hệ thống ERP và MES
Hình 3: So sánh những vấn đề cần giải quyết của việc quản lý sản xuất ở hai hệ thống ERP và MES
Ví dụ về việc tích hợp giải pháp ERP, PLM và MOM/MES
Hình 4: Ví dụ về việc tích hợp giải pháp ERP, PLM và MOM/MES

Nên sử dụng hệ thống ERP hay MES?

Có thể nhận thấy hai hệ thống ERP và MOM/MES mặc dù có một số phần hành giống nhau, nhưng tính chất dữ liệu và mục tiêu quản trị là khác nhau, nó cũng không gây ra sự trùng lặp khi ứng dụng. Việc triển khai hai hệ thống không những sẽ đảm bảo DNSX quản lý được theo yêu cầu riêng biệt về quản trị chi tiết ở từng phòng ban, các quy trình liên phòng ban, mà còn giúp DN có cái nhìn sâu hơn và tổng quan hơn về toàn bộ hoạt động sản xuất của mình.

Việc kết hợp hai hệ thống ERP và MOM/MES cũng đồng thời tránh được tính dữ liệu cục bộ ở hai khối vận hành (quản trị và sản xuất) và đồng thời giúp các nhà quản lý, các bộ phận khác như bán hàng, mua sắm, kế toán,… có thông tin cập nhật tức thời từ hoạt động sản xuất, góp phần đẩy quá trình sản xuất kinh doanh trở nên liền mạch, không bị ngắt quãng, gián đoạn.

Trên thực tế, việc triển khai hai hệ thống này không hề đơn giản. Các DNSX thường tìm cách giữ nguyên các mô hình quản trị và vận hành sản xuất kinh doanh, đồng thời sẽ chỉnh sửa các hệ thống ERP và MOM/MES để tuân theo những thói quen sử dụng lâu năm của mình.

Không chỉ vậy, việc quản trị và xác định các yêu cầu sử dụng, báo cáo tổng hợp, phân tích, những vấn đề về chuyển đổi dữ liệu, văn hóa và thói quen của người sử dụng,… cũng gián tiếp gây ra sự ảnh hưởng đến quá trình triển khai dự án. Những vấn đề này gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến việc triển khai và vận hành hệ thống ERP và MOM/MES, thậm chí dẫn đến các thất bại của dự án.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam ít có thói quen sử dụng các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp trong việc hỗ trợ xây dựng đầu bài và xác lập vị trí trong lộ trình triển khai từ ban đầu. Việc sử dụng dịch vụ tư vấn này sẽ hạn chế các rủi ro nêu trên và đồng thời, sẽ giúp DNSX tiết kiệm được tổng chi phí triển khai và vận hành hệ thống sau này.

Hệ thống ERP và MOM/MES không chỉ đóng vai trò là các cấu phần chính trong hệ thống phần mềm lõi, nó còn tích hợp sâu với các nền tảng dữ liệu của doanh nghiệp. Các nền tảng này bao gồm hệ thống Kho dữ liệu (datalake/datawarehouse), hệ thống quản trị nhà máy tự động (automation/scada).

Việc tích hợp các hệ thống được thông qua các lớp trung gian như IOT (kết nối vạn vật – Internet of things) hoặc thậm chí AIOT (kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và kết nối vạn vật – AI và IOT), Robot nhập liệu và vận hành tự động (RPA), Quản lý vận hành dây chuyền (PLC) hoặc các hệ thống trí tuệ nhân tạo khác ứng dụng rộng rãi trong nhà máy như camera thông minh, các hệ thống đo đạc tự động, hệ thống robot tự hành, hệ thống quản lý và giám sát chất lượng sản phẩm, giám sát an toàn,…

Việc tích hợp tổng thể sẽ giúp DNSX hoàn chỉnh được thiết kế tổng thể của hệ thống thông tin trong doanh nghiệp, cung cấp các số liệu một cách tức thời, liên kết, không trùng lặp, đi sâu hơn và ngữ cảnh hóa. Nó cũng giúp các nhà quản lý có bức tranh tổng quan, có chung ngôn ngữ, dễ hiểu và trực quan, sinh động.

Để DNSX có thể thực sự vận hành một cách liên tục thì việc quản trị toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh cần được tích hợp, liên thông và đồng bộ, bên cạnh các hệ thống hỗ trợ quản trị vận hành. Việc ứng dụng hệ thống ERP và MOM/MES là những giải pháp xây dựng hệ thống phần mềm lõi nền tảng sẽ giúp DNSX đạt được hiệu quả về mục tiêu này. Không chỉ vậy, đây cũng là bước đi quan trọng trong quá trình xây dựng lộ trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Do đó, doanh nghiệp nên lựa chọn các nhà tư vấn chuyển đổi số không chỉ có chuyên môn sâu về công nghệ mà còn có năng lực và hiểu biết về các giải pháp nền tảng ERP và MOM/MES khi tiến hành các kế hoạch xây dựng và triển khai để đàm bảo tính thực thi về thời gian, độ ưu tiên, ngân sách tài chính,… cũng như đảm bảo hệ thống vận hành hiệu quả theo mục tiêu đặt ra.

Nghiên cứu nổi bật
01. 3 xu hướng mới của ngành tài chính trong bối cảnh sau đại dịch 02. Ứng dụng công nghệ IoT trong ngành công nghiệp sản xuất 03. Ứng dụng công nghệ số trong cuộc cách mạng xanh hoá ngành thép 04. Tương lai ngành sản xuất: Linh hoạt (Agile) và Tinh gọn (Lean) trên nền tảng số
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.


    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận