Tìm kiếm giải pháp cho những hạn chế khi nuôi trồng thủy sản thủ công tại Việt Nam - FPT Digital
Tìm kiếm giải pháp cho những hạn chế khi nuôi trồng thủy sản thủ công tại Việt Nam
Digital Strategy

Tìm kiếm giải pháp cho những hạn chế khi nuôi trồng thủy sản thủ công tại Việt Nam

Khó khăn trong kiểm soát chất lượng đầu vào, đầu ra và phương pháp nuôi trồng cùng những chính sách thắt chặt về xuất khẩu buộc các doanh nghiệp trong ngành phải tìm kiếm những giải pháp phù hợp và triệt để.

Gần 20 năm qua, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản Việt Nam ngày càng tăng cao. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nhờ đó cũng có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, đưa Việt Nam trở thành một trong năm nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới(1).

EU, Mỹ, Nhật Bản hiện đang là ba thị trường dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu thủy sản tại Việt Nam(2). Tuy nhiên, trong 3 năm vừa qua, thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam ngày càng gặp khó khăn do hàng loạt các quy định và chính sách kiểm soát chặt chẽ của những quốc gia nhập khẩu này.

Kinh ngạch xuất khẩu thuỷ sản - tôm
Kim ngạch xuất khẩu tôm – một trong những mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam bắt đầu sụt giảm từ năm 2018 do chịu ảnh hưởng của hàng loạt chính sách không có lợi (1)

Hàng loạt chính sách thắt chặt nhập khẩu thủy sản từ các thị trường lớn

Tháng 10/2017, do vi phạm nạn đánh bắt bất hợp pháp, Việt Nam đã nhận thẻ vàng IUU từ Ủy Ban Châu Âu (EC) về xuất khẩu thủy sản, gây khó khăn trong xuất khẩu các mặt hàng thủy sản. Các lô hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam đang và dự kiến sẽ bị tăng tần suất kiểm tra lên đến 100%(3).

Điều này đã dẫn đến việc số lượng lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này bị trả về tăng đột biến. Những lô hàng này không đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của EU do chứa các chất vượt mức hàm lượng cho phép hoặc chứa chất bị cấm sử dụng trong thực phẩm.

Không chỉ với thị trường EU, theo Tổng cục Thủy sản, từ ngày 1/1/2018, Mỹ cũng ra quyết định triển khai SIMP(4) – chương trình giám sát việc khai thác và nhập khẩu đối với 13 loài thủy hải sản nhập khẩu vào nước này.

Chương trình này gây ảnh hưởng lớn đến những doanh nghiệp sản xuất thủy sản tại Việt Nam, do đa phần mô hình sản xuất này có quy mô cá thể nhỏ lẻ, nên khó đáp ứng được những quy định của nước nhập khẩu. Việc này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải thực hiện chặt chẽ công tác khai báo về nguồn gốc sản phẩm.

Đối với thị trường Nhật Bản, từ 1/4/2017, nước này cũng áp dụng chế độ kiểm tra 100% đối với một số mặt hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam nhằm tránh nguy cơ mất an toàn thực phẩm, do có chứa độc tố hay dư thừa chất có hại cho sức khỏe(5).

Bài đọc nhiều nhất
Digital Strategy 18/01/2025

Khó kiểm soát chất lượng thủy sản với phương pháp nuôi trồng thủ công

Nhìn lại những chính sách nêu trên, có thể gói gọn lại yêu cầu của các thị trường nhập khẩu thủy sản trong 2 vấn đề: an toàn thực phẩm và khai báo nguồn gốc của các sản phẩm. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không thể đáp ứng được những yêu cầu này, tình hình thị trường thủy sản xuất khẩu trong những năm tới sẽ ngày càng khó khăn.

Vấn đề thủy sản nhiễm các chất cấm hay dư thừa lượng chất cho phép, vốn đã là vấn đề nhức nhối đối với doanh nghiệp thủy sản tại Việt Nam từ nhiều năm nay. Vậy tại sao vấn đề này vẫn chưa được cải thiện? Nguyên nhân chính tồn tại trong phương pháp nuôi trồng thủy sản còn quá thủ công và nhỏ lẻ, cộng thêm cơ chế quản lý còn nhiều hạn chế.

1. Hộ cá nhân nhỏ lẻ thiếu kiến thức nuôI trồng và lạm dụng thuốc kháng sinh

Theo nhận định của ông Hồ Quốc Lực, TGĐ Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) tại hội nghị Kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu (6), đối với những mặt hàng doanh nghiệp không thể tự nuôi mà mua lại của các hộ cư dân, vấn đề kiểm soát chất lượng rất khó được thực hiện do các hộ nuôi tùy ý tăng lượng kháng sinh, thuốc để đảm bảo khả năng sống cho thủy sản.

Vì vậy sản phẩm nhiễm kháng sinh, mầm bệnh nhiều. Trên thị trường, các loại thuốc thuỷ sản lại được bán và quảng cáo tràn lan, người nông dân không phân biệt được đâu là thuốc nên và không nên lạm dụng/sử dụng, gây nên tình trạng dư thừa kháng sinh và các chất cấm trong sản phẩm.

Việc này cũng dẫn đến ô nhiễm môi trường nước, khiến cho tôm, cá nuôi trồng chết nhiều, không đáp ứng được yêu cầu cả về chất lượng lẫn số lượng để xuất khẩu, các doanh nghiệp phải nhập thêm nguồn nguyên liệu từ các nước khác như Ấn Độ, Thái Lan để chế biến.

Nếu như các thị trường EU, Mỹ đang yêu cầu nghiêm ngặt về việc khai báo nguồn gốc sản phẩm nhằm chống gian lận về xuất xứ, rõ ràng, Việt Nam đã vi phạm điều luật này.

2. Kiểm soát chất lượng đầu vào, đầu ra một cách ngẫu nhiên

Để doanh nghiệp có thể tự nuôi trồng thủy sản, đòi hỏi vốn đầu tư cao, cộng thêm diện tích nuôi trồng lớn nên đa phần, các doanh nghiệp không đủ kinh phí. Do đó, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải thu mua thủy sản nguyên liệu từ các hộ cá thể.

Việc kiểm soát chất lượng đầu vào đối với sản phẩm thu mua từ các hộ cá thể cũng do doanh nghiệp thực hiện ngẫu nhiên. Doanh nghiệp thu mua sẽ kiểm tra ngẫu nhiên sản phẩm thu mua bằng cách đo lường lượng chất trong sản phẩm mẫu, công đoạn này tốn kém nhiều thời gian, kết quả lại không toàn diện và sai số cao nếu số lượng sản phẩm thu mua từ các hộ cá thể lớn.

3. Quy trình quản lý hộ nuôi chỉ tồn tại trên giấy tờ

Việc lạm dụng thuốc thuỷ sản và kháng sinh xảy ra do các hộ nuôi thiếu kiến thức, lại không có đơn vị nào đứng ra đào tạo, hỗ trợ và quản lý họ, nên không thể đổ lỗi cho nông dân trong việc nuôi trồng thủy sản chất lượng thấp.

Theo khảo sát của FPT, quy trình thu mua, kiểm soát chất lượng sản phẩm vẫn đang được ghi chép lại trên giấy/chứng từ, hoặc trên phần mềm tạo lập văn bản đơn giản. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp thu mua và hộ nuôi lại chỉ tồn tại dưới hình thức mua đứt bán đoạn, thiếu quy trình giám sát và quản lý chặt chẽ, do đó việc đảm bảo chất lượng cho sản phẩm càng gặp khó khăn, chưa nói đến việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm do thiếu thông tin.

Đầu vào không đảm bảo chất lượng, dẫn đến đầu ra sản phẩm cũng không đạt được những chỉ tiêu quốc tế yêu cầu, đó là nguyên nhân nhiều lô hàng thủy sản của Việt Nam bị nước nhập khẩu trả về, dẫn đến thiệt hại lớn cho doanh nghiệp lẫn các hộ kinh doanh nói riêng và thị trường xuất khẩu thủy sản quốc gia nói chung.

Giải pháp kiểm soát chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp thủy sản

Chính phủ Việt Nam đang thay đổi khung pháp lý và chính sách cho việc nuôi trồng và khai thác thủy sản, nhất là từ sau khi Việt Nam bị gán thẻ vàng IUU. Tuy nhiên, những chính sách này chỉ có thể giúp đỡ phần nào cho ngành thủy sản Việt Nam.

Một khi quy trình nuôi trồng và quản lý thủy sản tại doanh nghiệp còn thủ công và thiếu chặt chẽ, các doanh nghiệp sẽ khó đứng vững trước yêu cầu thay đổi của những quốc gia nhập khẩu. Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần thay đổi quan niệm, hướng tới phát triển nuôi trồng thủy sản một cách an toàn và bền vững, tránh lối tư duy kiếm lợi trước mắt.

Việc cải thiện công tác quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm thủy sản đòi hỏi doanh nghiệp phải giải được những bài toán bắt buộc sau đây:

1. Quản lý hộ nuôi trồng hiệu quả

Bằng việc theo dõi và giám sát nhật ký nuôi trồng hàng ngày của các hộ cá thể, doanh nghiệp có thể đảm bảo sự minh bạch của các hộ cung cấp, đồng thời giám sát hàng loạt đơn vị nuôi trồng trên cùng một nền tảng, tiết kiệm thời gian cho việc khảo sát tận nơi và rải rác. Nền tảng này sẽ giúp doanh nghiệp theo dõi sự biến động trong công tác nuôi trồng, từ đó đưa ra quyết định hành động nhanh chóng khi có thay đổi.

2. Cung cấp giải pháp hỗ trợ các hộ nuôi trồng

Các hộ nông dân chủ yếu nuôi trồng dựa trên kinh nghiệm, do đó dẫn đến việc sản lượng thấp, sản phẩm nhiễm hóa chất, mắc bệnh nhiều. Việc doanh nghiệp chủ động cung cấp giải pháp kỹ thuật như hỗ trợ hộ nông dân tự giám sát, hệ thống cảnh báo tự động và hệ thống dự đoán sẽ giúp các hộ dân tăng năng suất, giảm thiểu rủi ro trong nuôi trồng. Hệ thống này đòi hỏi sự cam kết của các bên liên quan.

3. Kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu vào, đầu ra chính xác và toàn diện

Thay vì sử dụng sức người để kiểm định chất lượng thủy sản, công nghệ ánh sáng quang phổ đang được nghiên cứu nhằm mục đích xác định lượng chất có trong sản phẩm một cách nhanh chóng, chính xác, toàn diện và tiết kiệm thời gian. Điều này giúp doanh nghiệp giảm chi phí trong việc sử dụng một lượng lớn lao động trong công tác kiểm thử như hiện nay, đồng thời giải quyết bài toán chất lượng an toàn thực phẩm.

4. Quản lý truy xuất nguồn gốc với sự khẳng định của các bên liên quan

Truy xuất nguồn gốc mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng và khẳng định vị thế của mình trên thị trường. Nhiều quốc gia phát triển đã ra quyết định truy xuất nguồn gốc đối với các mặt hàng thực phẩm. Do vậy, đây là điều kiện bắt buộc đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, mã truy xuất thường do chính doanh nghiệp tự sản xuất, do đó, nó không đủ cơ sở thuyết phục người tiêu dùng tin tưởng. Truy xuất nguồn gốc đòi hỏi các bên liên quan trong quy trình sản xuất xác nhận những giao dịch của mình, đồng thời cung cấp thông tin rõ ràng về các giao dịch đó.

Việc các nhà sản xuất, cung cấp quản lý truy suất nguồn gốc cho thấy trách nhiệm trong việc quản lý sản phẩm cũng như đảm bảo được sự tín nhiệm đối với người tiêu dùng cuối.

 

 

Nguồn tham khảo

(1) VASEP. 2018. Tổng quan ngành thủy sản Việt Nam.
(2) Tổng cục Hải quan. 2019. Thống kê số liệu xuất khẩu thủy sản ra nước ngoài.
(3) VASEP. 2017. Hội nghị nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để sản xuất, xuất khẩu.
(4) Tổng cục Thủy sản phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. 2018. Hội thảo Chương trình Giám sát thủy sản nhập khẩu vào Mỹ.
(5) Ông Lê Anh Ngọc, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Chất lượng thủy sản, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD). 2017.
(6) Hội nghị Kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu. 2015, TP Hồ Chí Minh.

Nghiên cứu nổi bật
01. Chuyển đổi số trong nông nghiệp là gì? Đâu là giải pháp hiệu quả? 02. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI giải quyết bài toán bán lẻ ngành dược phẩm 03. Phát triển du lịch bền vững 04. Điện toán biên – giải pháp mang lại nhiều lợi thế cho ngành bất động sản
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận