Tác động của chuyển đổi số đến xây dựng và phát triển đô thị - FPT Digital
Tác động của chuyển đổi số đến xây dựng và phát triển đô thị
Digital Strategy

Tác động của chuyển đổi số đến xây dựng và phát triển đô thị

Làn sóng công nghiệp 4.0 với sự thúc đẩy mạnh mẽ của công nghệ số đang tạo ra nhiều thay đổi trong định hướng phát triển xã hội, trong đó mang đến những ảnh hưởng đáng kể đến phương thức và hoạt động sản xuất, các tương tác xã hội thúc đẩy sự phát triển đô thị, v.v.

Công nghệ số cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp động lực khoa học hoàn toàn mới và mang tính cách mạng, đột phá để thúc đẩy việc phát triển đô thị theo một hướng mới. Kết quả của sự phát triển này là “mô hình thiết kế đô thị kỹ thuật số dựa trên sự thúc đẩy tương tác giữa con người và máy tính”. Tương lai của thiết kế đô thị sẽ hướng đến cách tiếp cận mới trong việc nghiên cứu kỹ thuật đô thị phức tạp hơn, có khả năng đáp ứng và tương thích với nhiều mục tiêu phát triển lâu dài trong tương lai.

Hình 1: Định hướng và nhận định đầu tư của các chuyên gia trên thế giới về phát triển đô thị (3)(4)

Việc ứng dụng công nghệ giúp thúc đẩy nhanh và hiệu quả hơn hoạt động quy hoạch và phát triển đô thị

Các công nghệ hiện đại như blockchain và thực tế ảo đã được số ứng dụng trong nhiều ngành nghề, ví dụ trong ngành thời trang, các công nghệ này cho phép từ khâu sản xuất đến phân phối được thực hiện dựa theo thị hiếu, xu hướng liên tục được cập nhật, thay đổi. Từ bảng vẽ phác thảo đến kệ hàng, mọi khía cạnh của ngành công nghiệp thời trang đều được tự động hóa và nâng cao với công nghệ giúp tăng tốc độ sản xuất, quản lý hàng tồn kho hiệu quả hơn và một loạt trải nghiệm bán lẻ trực tuyến và truyền thống được thúc đẩy để thu hút khách hàng hơn.

Tương tự trong việc xây dựng và phát triển đô thị, sự kết hợp giữa các thiết bị được kết nối kết hợp với những công nghệ đột phá mang đến cơ hội để tái tạo và biến đổi không gian của ngôi nhà, văn phòng, nhà máy, trang trại, cơ sở y tế và không gian công cộng để trở nên mới mẻ, thích ứng và có thể dự đoán được nhu cầu khi phát sinh. Các mô hình mới về hợp tác công tư và các dịch vụ đô thị dùng chung đang thay đổi cách các thành phố cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời dần dần xóa bỏ ranh giới giữa chính phủ và khu vực tư nhân.

Người tiêu dùng ngày nay tận hưởng sự tiện lợi của việc cung cấp dịch vụ số tư nhiều doanh nghiệp tư nhân hiện đã và đang làm rất tốt. Vì vậy, hầu hết người tiêu dùng đều muốn và trông đợi mức độ dịch vụ từ chính phủ tương tự với mức độ mà họ nhận được từ các đơn vị cung cấp dịch vụ. Không đáp ứng được kỳ vọng đó có thể làm tăng nhận thức tiêu cực về dịch vụ của chính phủ.

Trong khi chính quyền nhiều thành phố đang hướng đến nâng cấp về dịch vụ thông qua việc ứng dụng CNTT nhiều hơn, vẫn tồn tại khoảng cách giữa những gì công dân muốn và những gì họ hiện đang được hưởng. Các nhà quy hoạch đô thị có trách nhiệm phát triển các khu vực đất đai của thành phố bằng cách thiết lập mục tiêu, thu thập dữ liệu, phân tích, dự báo và tham vấn để tạo ra được môi trường phù hợp nhất theo yêu cầu của người dân cũng như các quy định và chỉ thị của chính phủ.

Công nghệ ngày càng trở nên quan trọng trong quy hoạch đô thị từ những giá trị mang lại nhưng cũng từ những hậu quả của sự phát triển thành phố, cũng như những thay đổi đang diễn ra, cần phải được dự báo một cách kỹ lưỡng trước khi thực hiện, tránh các lãng phí không cần thiết (2).

Chủ yếu các hoạt động công nghệ chính sẽ tập trung hướng đến việc thu thập tối đa lượng dữ liệu được sinh ra trong các cấu phần của đô thị; thực hiện phân tích nâng cao để kiến tạo các ứng dụng phù hợp cho kinh tế số, chính quyền số và xã hội số (1) (2):

  • Internet vạn vật và sự phát triển của 5G: Cùng với sự bùng nổ của Internet thì việc kết nối dữ liệu xuyên suốt, đồng bộ với nhau trở nên dễ dàng và mang lại nhiều lợi ích hơn cho đô thị trong đó tạo ra các ảnh hưởng liên quan đến kinh tế, quản lý đô thị và tương tác người dân.
  • Dữ liệu lớn “Big Data” và phân tích dữ liệu nâng cao: Siêu dữ liệu được tạo ra từ đô thị không chỉ bao gồm dữ liệu đến từ các hệ thống đô thị thông minh (dữ liệu tĩnh, ghi chép, v.v) chiếm khoảng 5-10% lượng dữ liệu mà còn đến từ hoạt động và các thức tương tác của người dân với người dân và với hoạt động của đô thị (dữ liệu động, tương tác) chiếm ~90% lượng dữ liệu.
  • AI & Điện toán nhận thức (Cognitive Computing): Các nền tảng này bao gồm học máy, lý luận, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận dạng giọng nói và thị giác máy tính, tương tác giữa con người với máy tính, tạo hội thoại và tường thuật, cùng các công nghệ khác. Hành động của con người và máy móc cùng nhau phát triển như một nhóm bằng cách áp dụng công nghệ để làm việc thông minh hơn.
  • Chính phủ tiên đoán – Ưu tiên đề phòng hơn sửa chữa: Các chính phủ trên toàn thế giới đang ngày càng sử dụng phương pháp tiếp cận từ khoa học nhận thức “cognitive science” để ra quyết định, dựa trên bằng chứng trong quá khứ, dữ liệu thời gian thực và các dự đoán trong tương lai để đưa ra các chính sách.
  • Ứng dụng Metaverse & Digital Twin City: Metaverse được đề xuất như một sự cải tiến cho các công nghệ internet hiện tại. Các thiết bị có thể truy cập metaverse bao gồm máy tính đa dụng, điện thoại thông minh, ngoài ra còn có các công nghệ như tương tác thực tế tăng cường (AR), thực tế hỗn hợp, thực tế ảo (VR) và thế giới ảo. Digital Twin City tạo ra phiên bản số song sinh cho điều hành đô thị.
Hình 2: Những xu hướng công nghệ hiện đang ứng dụng trong hoạt động phát triển đô thị (1)

Không gian đô thị đang đặt ra một số thách thức gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, do đó đòi hỏi sự chuyển dịch theo hướng phát triển bền vững và cải thiện lối sống cho người dân. Thứ nhất, do tỷ lệ di cư đến các thành phố gia tăng mạnh mẽ, các nhà quan sát gần đây đang nhấn mạnh các biện pháp can thiệp nhanh chóng và thông minh để giải quyết những thay đổi nhanh chóng về lối sống, các khu dân cư sang trọng khiến những người có thu nhập trung bình thấp, xa nơi làm việc của họ hơn.

Thứ hai, các nhà quản lý đô thị đang chịu áp lực phải tối ưu hóa việc sử dụng đất cho cơ sở hạ tầng và các tòa nhà nhằm duy trì văn hóa và xã hội hóa của người dân, đồng thời không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên. Do đó, cần có sự tham gia của các công nghệ thông minh vì sự bền vững của đô thị trong các lĩnh vực quản lý năng lượng, xây dựng kỹ thuật số, quản lý chất thải và môi trường, chăm sóc sức khỏe thông minh, phát triển kinh tế, v.v.

Mặc dù việc ứng dụng công nghệ bền vững trong phát triển đô thị là một thách thức to lớn, nhưng các nhà quản trị đôi khi không quản lý được các thách thức tiềm ẩn có thể mang lại hậu quả lâu dài. Các công nghệ mới có thể giúp giảm vốn đầu tư và một số rủi ro liên quan đến việc phát triển đô thị nhưng đồng thời các yếu tố khác có thể đẩy theo hướng khác.

Biến đổi khí hậu có thể là một trong những hậu quả lớn nhất có thể xảy ra, với nguy cơ xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hại gây ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt, có thể trở thành một yếu tố ngày càng phù hợp trong việc cân nhắc sự thúc đẩy sự đô thị hóa thông qua công nghệ. Do đó cần cân nhắc trong việc thúc đẩy nhanh chóng quá trình đô thị hóa dựa vào công nghệ để cân đối toàn bộ các hoạt động trong tương lai.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) PwC. A New Urban Agenda: Accommodating 2 billion new urban citizens
(2) McKinsey. 2021 Infrastructure options for the future of cities
(3) Forbes. 2021 The Journey From Smart Buildings To Cognitive Cities
(4) Cognitivetimes. 2020 Built for you the cities of tomorrow

Nghiên cứu nổi bật
01. Xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam với thực phẩm đóng gói 02. Xây dựng chính phủ số bắt đầu từ đâu? 03. Phát triển công nghệ AI ở Việt Nam giúp thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia 04. Doanh nghiệp sản xuất nên đầu tư ERP hay MES?
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận