Theo ông Phạm Thành Đại Lĩnh – Giám đốc tư vấn chuyển đổi số FPT Digital trong DxTalks, “Nhà máy thông minh” cần được xây dựng bài bản, bắt đầu từ định hướng, mong muốn và chiến lược, kết hợp với hiện trạng của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng để đưa ra những hành động cụ thể trong từng giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Theo đó, “Nhà máy thông minh” hay “Nhà máy kỹ thuật số” là một xu hướng tất yếu, trở thành một mũi nhọn rất được quan tâm bởi các doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp xếp hàng đầu hiện nay.
Nhà máy thông minh không chỉ mang giá trị đối với chính nhà máy, mà chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của toàn bộ doanh nghiệp đó cũng sẽ hưởng lợi. Thông qua tất cả các khâu như kiểm soát, quản trị, vận hành dựa trên dữ liệu, doanh nghiệp sản xuất có thể nắm rõ ảnh hưởng của họ tới nguồn cung, tới giá thành hay các nguồn lực cần để sản xuất trên một đơn vị sản phẩm. Nhà máy thông minh là cơ sở để doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu tốt hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn của thị trường.
Với kinh nghiệm tư vấn chuyển đổi số cho nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn tại Việt Nam, ông Phạm Thành Đại Lĩnh – Giám đốc tư vấn chuyển đổi số FPT Digital cho rằng, một doanh nghiệp muốn tiếp cận sản xuất thông minh sẽ phải phân tích bài bản, bắt đầu từ định hướng, mong muốn, và chiến lược mà doanh nghiệp muốn tập trung.
Thực tế có nhiều phương án, giải pháp cho định hướng nhà máy thông minh, nên việc ưu tiên cho điều gì cần chuyển đổi trước là rất quan trọng. Đó có thể là tập trung vào dây chuyền sản xuất, cũng có thể ưu tiên khu vực kho vận… Thời gian qua, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động lên kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp, trong đó mọi tính toán về chi phí, nhân sự, cung ứng nguyên liệu… đều có sự thay đổi đáng kể và liên tục biến động trong thời gian tới đây. Do đó, doanh nghiệp sản xuất cần nhanh chóng xác định các bước tiếp theo để đưa ra kế hoạch cụ thể những việc cần làm và ưu tiên những công việc đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục đạt hiệu quả cao nhất.
Ông Lĩnh cũng đưa ra một số ví dụ với doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất thông minh theo định hướng tập trung nâng cao năng lực quản trị dựa trên thông tin dữ liệu. Khi đó doanh nghiệp có thể tập trung vào hoạt động kết nối dữ liệu nhằm phục vụ hoạt động kiểm soát chi tiết về các mối liên kết giữa các cấu phần trong nhà máy (như trao đổi thông tin giữa các dây chuyền sản xuất, chuẩn bị các thiết bị thay thế phục vụ bảo trì bảo dưỡng…), giúp minh bạch thông tin xuyên suốt chuỗi cung ứng. Việc này có thể bắt đầu từ việc nắm bắt thông tin máy móc thông qua các cổng truy suất tín hiệu ghi nhận các tín hiệu ra vào (In/Out) để tính toán mức độ hiệu quả hoạt động của máy móc (OEE Overall Equipment Effectiveness ). Từ đó nâng cao hiệu suất tổng thể vận hành của nhà máy (OPE – Overall Production Efficiency).
Lĩnh phân tích thêm, dưới góc độ thời đại số đã mở ra những cơ hội mới, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ mới ứng dụng vào nhà máy thông minh như Industry IoT, BigData, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo AI, học máy Machine learning… nhằm giúp tối ưu quy trình và nguồn lực trong quản lý sản xuất kinh doanh và mang lại nhiều giá trị trong tương lai. Nhưng bản thân doanh nghiệp sẽ cần phải nhìn nhận rõ từng giai đoạn, từng công nghệ sẽ được ứng dụng để mang lại hiệu quả cao nhất, được nhiều bộ phận áp dụng nhất. Từ đó, doanh nghiệp vận hành thông minh hơn, cải thiện hiệu quả kinh doanh, chi phí, nguồn lực, đầu tư, đồng thời tạo ra nhiều giá trị mới với năng lực cạnh tranh cao nhất. Đây cũng là giá trị và phương thức tiếp cận của FPT Digital đối với các doanh nghiệp đang muốn chuyển đổi hoặc xây dựng nhà máy thông minh.
Cũng trong DxTalks, ông Phùng Duy Hân – Tổng giám đốc Omron Việt Nam đã nêu bật thách thức đầu tiên khi triển khai mô hình nhà máy thông minh trong các nhà máy sản xuất là yếu tố kết nối. Có nhiều nhà máy sản xuất được xây dựng với tuổi đời 40-50 năm, nên việc đảm bảo tính kết nối giữa công nghệ thông tin và quản lý vận hành, thậm chí là giữa các máy móc thiết bị ngay trong một dây chuyền với nhau đã là thách thức lớn. Với các nhà máy tại Việt Nam, thách thức này còn lớn hơn vì mức độ phát triển hệ thống còn sơ khai. Ông Hân khẳng định có thể chuyển hóa thách thức này thành cơ hội lớn thông qua chuyển đổi số. Những công nghệ tự động hóa hiện đại sẽ thực sự biến đổi mô hình hoạt động của toàn bộ doanh nghiệp, đó là hệ thống kết nối đầy đủ từ bộ phận bán hàng, chiến lược với quản lý sản xuất, hệ thống MES, hệ thống PLM, hệ thống APS…
Về xu hướng hiện nay, ông Võ Hồng Kỳ – Giám đốc Phần mềm công nghiệp số Siemens Việt Nam cho biết, nhà máy thông minh đang được quan tâm nhiều hơn bao giờ hết. Ông dẫn chứng bằng số liệu của Smart Manufacturing Market (một đơn vị đánh giá uy tín trên thế giới về lĩnh vực sản xuất thông minh): giá trị đầu tư công nghệ của các doanh nghiệp toàn cầu cho lĩnh vực nhà máy thông minh uớc đạt khoảng 97 tỷ USD trong năm 2022. Con số này được dự báo rơi vào khoảng 227 tỷ USD trong năm 2027, tương ứng với mức tăng trưởng bình quân năm là 18,5%. Khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng còn nhiều hơn nữa.
Qua chia sẻ của các chuyên gia tại DxTalks, có thể thấy rõ hơn tổng quan về việc chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp theo dõi, điều hành, quản trị một hệ thống sản xuất phức tạp, đảm bảo đạt chất lượng với chi phí thấp, hiệu quả nhất, với các nguồn lực ít nhất và cách thức tiếp cận chuyển đổi số phù hợp nhất với bối cảnh riêng của từng doanh nghiệp.
Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn