Bức tranh chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt dưới góc nhìn chuyên gia - FPT Digital
Bức tranh chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt dưới góc nhìn chuyên gia
Tin tức

Bức tranh chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt dưới góc nhìn chuyên gia

Việt Nam đang có dư địa rất tốt trong chuyển đổi số (CĐS), đặc biệt là trong ứng dụng công nghệ số cũng như các nền tảng di động và dữ liệu. Tuy nhiên, để CĐS thành công, các chuyên gia CĐS cho rằng các doanh nghiệp Việt cần cân nhắc một số yếu tố, đặc biệt là tình trạng nguồn nhân lực.

Nền kinh tế số năng động và phát triển của Việt Nam là một thuận lợi để doanh nghiệp Việt CĐS 

Trong một sự kiện gần đây về CĐS do FPT Digital tổ chức, ông Arnaud Ginolin, chuyên gia CĐS của công ty tư vấn chiến lược BCG, Giám đốc hợp danh của BCG, cho rằng số hóa không phải là một khái niệm mới, việc chuyển dịch số đã diễn ra trước đó một thời gian. Cụ thể, cuối những năm 90, các công ty đã bắt đầu sử dụng máy tính, chuyển dịch quy trình theo hướng số hóa, tự động hóa. Như vậy, số hóa đã tồn tại từ trước đó, những thứ thay đổi nhiều trong 5-6 năm qua chính là sự phát triển của CĐS, tức là chuyển đổi doanh nghiệp một cách toàn diện thông qua số hóa nhằm gia tăng hiệu quả, cải thiện trải nghiệm khách hàng hoặc đổi mới, hoặc tất cả mọi thứ cùng một lúc. 

“Từ kinh nghiệm làm CĐS trong 10 năm qua, tôi nhận thấy các doanh nghiệp tiến hành CĐS đang chuyển dịch theo hướng “LEAN” – nghĩa là chuyển đổi kinh doanh và dần dần chuyển dịch từ việc tích hợp các mô đun số nhỏ trong quá trình CĐS thành các dự án CĐS tổng thể như hiện nay”, ông Arnaud Ginolin cho biết. 

Theo ông Arnaud Ginolin, sự phát triển của smartphone, công nghệ đám mây và nhiều công nghệ khác là các lực đẩy của CĐS. Trên thế giới, hàng năm BCG thường khảo sát các lãnh đạo doanh nghiệp ở các ngành nghề khác nhau, để hiểu họ đang CĐS như thế nào. Xu hướng đầu tiên là có khoảng 80% lãnh đạo cho rằng COVID-19 đã thúc đẩy nhanh CĐS. Năm 2020, họ phải CĐS để thích ứng với COVID-19. Một điều thú vị là vào cuối năm 2021, họ CĐS không phải để thích ứng với COVID-19 nữa, mà là để điều chỉnh với tình hình mới sau COVID-19, khi hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi.  

“Với Việt Nam, chúng tôi thấy rằng Việt Nam cũng nằm trong xu hướng chung của toàn cầu, chuyển dịch theo hướng số”, ông Arnaud Ginolin nói. “Đầu tiên, Việt Nam có nền kinh tế số năng động và phát triển mạnh mẽ, đạt tốc độ và quy mô tăng trưởng phi thường. Ngoài ra, lực lượng dân số trẻ cũng thúc đẩy nền kinh tế số Việt Nam phát triển nhanh chóng”.  

Ông Arnaud Ginolin đề cập đến mức độ thâm nhập, chấp nhận sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam. Chẳng hạn, mức độ sử dụng smartphone tại Việt Nam thuộc hàng cao nhất Đông Nam Á. Và một trong những lý do là Việt Nam có bước đi rất nhanh vào thế giới số, bỏ qua các bước trung gian. Nhiều người hiện có smartphone dù họ chưa từng có laptop hay điện thoại phổ thông, họ đi thẳng tới bước sử dụng smartphone. Hoặc một số người có những trải nghiệm ngân hàng đầu tiên là mở tài khoản ngân hàng hoàn toàn trực tuyến, thay vì đến trực tiếp cửa hàng vật lý như trước. Đây là những lý do và là động lực thúc đẩy CĐS ở Việt Nam. 

Ông Arnaud Ginolin nhận định Việt Nam không hề lạc hậu trong câu chuyện CĐS. Thực tế, Việt Nam đang có dư địa rất tốt trong CĐS, đặc biệt là trong ứng dụng công nghệ số cũng như ứng dụng các nền tảng di động và dữ liệu. Tuy nhiên, để CĐS thành công, các doanh nghiệp cần cân nhắc một số yếu tố sau.  

5 yếu tố cần cân nhắc để có một quá trình CĐS hiệu quả 

Chuyên gia CĐS Arnaud Ginolin cho rằng trong CĐS, sẽ có phần “số” và phần “chuyển đổi”, vì vậy, các công ty, lãnh đạo DN và mọi cán bộ công nhân viên đã sẵn sàng để chuyển đổi công ty hay chưa. “Đó là điều chúng ta thường quên mất”, ông nói. “Mỗi công ty có mỗi nền văn hóa DN khác nhau nên không có một giải pháp cụ thể duy nhất nào. Trên thực tế, khi chúng tôi thực hiện khảo sát lãnh đạo toàn cầu về CĐS, có 35% lãnh đạo nhận định họ nghĩ CĐS đã thành công, 65% còn lại thấy kết quả chưa như mong đợi, hoặc CĐS không đem lại kết quả hoặc do kết quả mang lại đòi hỏi chi phí đầu tư quá cao, thường là chi phí đầu tư về CNTT. Vì vậy, thực hiện CĐS thành công vẫn là một thách thức”. 

Ông Arnaud Ginolin, chuyên gia CĐS của công ty tư vấn chiến lược BCG, Giám đốc hợp danh của BCG
Ông Arnaud Ginolin khuyến khích xem xét 5 yếu tố chính khi đề cập đến chiến lược CĐS.

Thứ nhất là một chiến lược CĐS rõ ràng và toàn diện. “Chúng ta cần biết tại sao, làm gì và như thế nào”, ông cho biết. “Câu hỏi tại sao rất quan trọng, tại sao doanh nghiệp cần CĐS? Chúng ta thường bỏ qua câu hỏi tại sao và tập trung quá nhiều vào câu hỏi “như thế nào” – câu hỏi liên quan đến việc triển khai các giải pháp công nghệ. Trong khi đó, câu hỏi “tại sao” cần được làm rõ, nó có thể mang lại lợi nhuận cao hơn, hoặc chúng ta coi CĐS như một lợi thế cạnh tranh khi thị trường và đối thủ đều trong giai đoạn CĐS, hay cũng có thể vì mục đích đổi mới sáng tạo. Có nhiều lý do khác nhau, vì vậy cần trả lời các câu hỏi để đặt ra một chiến lược dẫn dắt quá trình CĐS và nguồn nhân lực”.  

Thứ 2 là yếu tố lãnh đạo, dẫn dắt và gắn kết của các lãnh đạo cấp cao. Họ cần cam kết chắc chắn và có sự hiểu biết nhất định về các vấn đề liên quan đến CĐS. Ở các nước trên thế giới cũng như Việt Nam, BCG đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo số, các hội thảo số để đào tạo các lãnh đạo về các vấn đề liên quan đến CĐS, như điện toán đám mây là gì, blockchain, phân tích dữ liệu là gì,… Bởi vì, nếu lãnh đạo doanh nghiệp không hiểu, rất khó khiến họ cam kết bỏ ra một khoản chi phí đầu tư CNTT, cam kết với toàn thể nhân viên.  

Yếu tố thứ 3 khi nhắc đến chiến lược CĐS cũng như đánh giá về mức độ trưởng thành số chính là văn hóa doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã sẵn sàng thay đổi chưa? Nhân viên đã sẵn sàng thay đổi chưa? “Tôi muốn nói đến tư duy Agile – văn hóa Agile. Agile là cách chúng ta triển khai nhanh chóng các giải pháp, kiểm thử, có thể thất bại để rút ra bài học nhanh chóng,… Tư duy Agile rất quan trọng, đó là một cách tiếp cận chứng minh cho những kết quả cuối cùng. Chúng tôi nhận thấy sự nhanh nhạy trong việc CĐS là một việc vô cùng khó khăn và phức tạp, bởi vì thế giới số thay đổi nhanh chóng. Do đó yếu tố thứ ba cần cân nhắc chính là về văn hóa, đặc biệt là về tư duy Agile”, ông Arnaud Ginolin nói. 

Yếu tố thứ 4 là nhân tài trong lĩnh vực CĐS. Có nguồn nhân lực phù hợp là điều vô cùng thiết yếu. Nếu chúng ta muốn CĐS mà không có nguồn nhân lực phù hợp và tài năng, sẽ không thể thực hiện được.  

Điều cuối cùng là sự quan trọng của CNTT, cơ sở hạ tầng số và nền tảng dữ liệu. Hệ thống thông tin theo các mô đun và linh hoạt sẽ thúc đẩy một quá trình CĐS thành công. 

Tại Việt Nam, từ những kinh nghiệm của ông Arnaud Ginolin trong các dự án gần đây, ông nhận thấy các doanh nghiệp Việt đang gặp khó khăn ở nguồn nhân lực. “Chúng ta đang chứng kiến sự khủng hoảng nhân lực số tại Việt Nam. Làm thế nào để tìm được nhà khoa học dữ liệu, kỹ sư dữ liệu, kỹ sư điện toán đám mây nhiều kinh nghiệm? Điều này cần có một chiến lược thu hút nhân tài đúng đắn, vì tất cả các công ty đều nỗ lực thu hút họ”, ông nói. 

Văn hóa doanh nghiệp cũng là một vấn đề liên quan đến câu chuyện nhân lực. Theo ông Arnaud Ginolin, các doanh nghiệp Việt Nam cần giải quyết vấn đề về văn hóa doanh nghiệp – một yếu tố cần nhiều nỗ lực và liên quan đến hệ thống cấu trúc kinh tế Việt Nam. Rất nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp gia đình, được điều hành bởi thế hệ thứ nhất trong gia đình, thế hệ đó hiện tại vẫn tiếp tục lãnh đạo và điều hành công ty. Đây là điều tốt nhưng cũng sẽ gặp khó khăn khi triển khai tư duy Agile. Bởi vì, khi một công ty trở lên lớn mạnh, việc trao quyền cho các đội nhóm là điều cần thiết, song nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vẫn cảm thấy khó khăn trong công tác trao quyền.  

Vì vậy, theo ông Arnaud Ginolin, ngoài những yếu tố như công nghệ hay chi phí đầu tư, ngay khi xây dựng chiến lược cũng như trong quá trình triển khai CĐS, doanh nghiệp Việt cần quan tâm đến tình trạng nguồn nhân lực, trả lời các câu hỏi như doanh nghiệp đã có chính sách gì thu hút nhân lực, làm thế nào để thay đổi văn hóa doanh nghiệp theo hướng CĐS.

Tin tức khác
01. Chuyển đổi số đem lại hiệu quả xuyên suốt trên toàn bộ chuỗi giá trị ngành nông nghiệp 02. USAID IPSC và FPT Digital tư vấn chiến lược phát triển bền vững ESG cho Livespo 03. FPT Digital tổ chức hội thảo chia sẻ về Chuyển đổi số tại Công ty cổ phần Kềm Nghĩa 04. DxTalks EP01: “Mô hình đánh giá mức độ trưởng thành số của doanh nghiệp” đã chính thức lên sóng
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận