Trí tuệ nhân tạo đang bước vào giai đoạn ứng dụng chiến lược tại Việt Nam, đặt ra yêu cầu cấp thiết về vai trò dẫn dắt của các lãnh đạo C-level. Những tổ chức tận dụng AI hiệu quả đều có một đặc điểm chung là lãnh đạo cấp cao luôn làm gương trong việc ứng dụng AI. Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, ông Trần Huy Bảo Giang, Tổng Giám đốc FPT Digital, Tập đoàn FPT, khẳng định “lãnh đạo cấp cao, chứ không phải kỹ sư công nghệ, là đối tượng cần học AI đầu tiên trong doanh nghiệp”.

LÃNH ĐẠO HỌC AI KHÔNG PHẢI ĐỂ THÀNH CHUYÊN GIA CÔNG NGHỆ
Trong thời đại “bình dân hóa” AI, AI không còn nằm ở phạm vi công nghệ nữa mà đang len vào từng mắt xích vận hành và trở thành một phần trong chiến lược tăng trưởng của doanh nghiệp. Tình thế này đặt ra yêu cầu mới, đó là lãnh đạo không nhất thiết phải am hiểu sâu về thuật toán AI, nhưng chắc chắn phải nắm rõ AI có thể thay đổi cách tổ chức vận hành và tạo giá trị kinh doanh, mang lại sự chuyển dịch tích cực và lâu dài cho tổ chức.
Tuy nhiên, từ thực tế triển khai các chương trình tư vấn tư duy và ứng dụng “AI-First” cho doanh nghiệp, đội ngũ chuyên gia của FPT Digital nhận thấy nhiều tổ chức vẫn gặp khó khăn trong việc ứng dụng AI hiệu quả do thiếu tư duy chiến lược và văn hóa phù hợp. Những doanh nghiệp coi AI là một phần trong chiến lược thường xuất phát từ chính tư duy của ban lãnh đạo cấp cao. Với họ, AI không phải là công cụ kỹ thuật, mà là cơ hội để tái định hình vận hành, tạo lập những mô hình kinh doanh mới, linh hoạt hơn, chính xác hơn dựa trên dữ liệu. Ngược lại, một số doanh nghiệp đầu tư rất lớn vào công nghệ nhưng kết quả hạn chế, bởi lãnh đạo vẫn chưa thay đổi tư duy vận hành theo góc nhìn AI.
LÃNH ĐẠO DOANH NGHIỆP TRƯỚC CƠN SÓNG AI: THAY ĐỔI TƯ DUY, XÂY DỰNG VĂN HÓA AI-FIRST HIỆU QUẢ
Lãnh đạo cấp cao không chỉ định hướng chiến lược mà còn đóng vai trò như “ngọn hải đăng” truyền cảm hứng cho toàn tổ chức. Lãnh đạo cấp cao cần là người tiên phong, truyền cảm hứng và xây dựng nền móng cho một cuộc cách mạng vận hành doanh nghiệp trong thời đại AI.

Để kích hoạt thành công DNA AI trong tổ chức, lãnh đạo cần nắm rõ ba vai trò khi ứng dụng AI vào thực tiễn: Thứ nhất là tiên phong, nghĩa là lãnh đạo không chỉ nói về AI, mà phải học và thử sớm để mở đường cho các nhân sự cùng theo. Thứ hai là truyền cảm hứng, tạo ra sự tin tưởng và đồng thuận trong nội bộ – vì AI không thể phát huy nếu tổ chức không cùng hướng. Thứ ba là bảo đảm bền vững, từ đào tạo đến chính sách sử dụng các công cụ AI sẵn có hay đầu tư hạ tầng, giải pháp AI chuyên sâu riêng, tất cả phải có nền móng vững chắc để AI có thể phát triển.
Những tổ chức tận dụng AI hiệu quả đều có một đặc điểm chung là lãnh đạo cấp cao luôn làm gương trong việc ứng dụng AI. Họ không chỉ nói, mà trực tiếp sử dụng AI vào quá trình điều hành và ra quyết định hàng ngày, tạo lập một chuẩn mực mới về vận hành. Những tổ chức này coi AI là tiêu chuẩn bắt buộc, chủ động tích hợp sâu rộng vào từng mắt xích vận hành thay vì dừng ở các dự án thử nghiệm nhỏ lẻ. Đồng thời, lãnh đạo cũng tạo ra môi trường sử dụng AI thông minh hơn thông qua tái thiết kế quy trình, đơn giản hóa hệ thống và thúc đẩy thi đua nội bộ để AI trở thành công cụ gia tăng hiệu suất rõ rệt, thay vì là áp lực công nghệ.
Nói cách khác, thành công với AI không phải là cuộc đua công nghệ, mà là cuộc cách mạng về tư duy và văn hóa lãnh đạo. Chỉ khi lãnh đạo thực sự coi AI là lõi của chiến lược, là cách tư duy và vận hành mới, AI mới phát huy được tối đa giá trị và dẫn dắt doanh nghiệp vươn xa trong thời đại số.
VẬY, LÀM THẾ NÀO ĐỂ TOÀN TỔ CHỨC CÙNG THẤM NHUẦN “TINH THẦN AI FIRST”, ĐẶC BIỆT TRONG CÁC DOANH NGHIỆP TRUYỀN THỐNG?
Đào tạo và truyền thông nội bộ là 2 bước đầu tiên nhưng chắc chắn chưa đủ để toàn tổ chức cùng tin vào AI. Văn hóa AI chỉ thật sự hình thành khi mỗi cá nhân trực tiếp cảm nhận được giá trị mà AI mang lại trong công việc hàng ngày. Niềm tin sẽ xuất hiện một cách tự nhiên khi nhân viên thấy rõ AI giúp họ làm việc tốt hơn, ra quyết định chính xác hơn và thậm chí là được ghi nhận nhờ kết quả đó.
Kinh nghiệm từ các chương trình AI-First mà FPT Digital đã triển khai cho thấy, văn hóa AI hình thành qua một hành trình rất rõ nét: từ “biết” sang “tin”, rồi từ “tin” đến “chủ động lan tỏa”. Ban đầu, nhân viên biết AI như một công nghệ mới, rồi tin AI khi tự mình trải nghiệm những hiệu quả thực tế và cuối cùng họ sẽ chủ động giới thiệu, khuyến khích đồng nghiệp cùng ứng dụng khi thấy rõ giá trị bền vững.
Vai trò của lãnh đạo trong quá trình này là tạo điều kiện để trải nghiệm AI diễn ra sớm, đồng đều và có hệ thống. Để thực hiện được điều này, người lãnh đạo không chỉ định hướng, khuyến khích mà còn phải trao các công cụ như đào tạo sử dụng hiệu quả, chuẩn hóa cách sử dụng phù hợp theo từng bộ phận và thậm chí ra quyết định yêu cầu nhân sự phải sử dụng để lan tỏa việc sử dụng trong toàn tổ chức.
Khi mỗi nhân sự đều đã sử dụng AI thuần thục và nhận ra AI không phải là “mối đe dọa” mà là người trợ lý thông minh giúp họ trở nên xuất sắc hơn, hiệu quả hơn và được ghi nhận xứng đáng hơn, lúc đó AI thực sự trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa doanh nghiệp.
AI đang tái định hình mô hình doanh nghiệp và CEO chính là kiến trúc sư trưởng của hành trình chuyển đổi đó. Công nghệ ngày càng bình đẳng, chiến thắng không thuộc về ai sở hữu nhiều công cụ hơn, mà thuộc về những tổ chức biết đặt AI vào đúng vị trí trong chiến lược, từ tư duy, hành động đến văn hóa tổ chức.
Theo VnEconomy