Ngày 19/6/2024 tại Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc FPT Digital Lê Hùng Cường tham dự “Diễn đàn Xu hướng tiêu dùng Việt Nam” tổ chức bởi Viện Nghiên Cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI). Ông nhận định, chuyển đổi số là cơ hội lớn để các doanh nghiệp bán lẻ nâng cao hiệu quả vận hành và cải thiện trải nghiệm khách hàng.
Sự kiện được tổ chức nhằm đánh giá tổng quan về thị trường hàng hóa Việt Nam, đồng thời xác định các cơ hội và thách thức trong bối cảnh hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp giúp giải quyết những khó khăn và thúc đẩy phát triển ngành tiêu dùng. Chia sẻ tại sự kiện là đại diện đến từ các Bộ, Ban, Ngành có liên quan, các đơn vị nghiên cứu thị trường hàng đầu như Nielsen IQ, Kantar, cùng các doanh nghiệp lớn trong ngành hàng tiêu dùng, trong nước và quốc tế.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng Việt đã thực hiện điều chỉnh đáng kể trong các mẫu hình tiêu dùng. Đa phần cắt giảm chi tiêu không thiết yếu để xoay sở với ngân sách thu hẹp hơn so với trước đây. Những điều chỉnh này mang đến nhiều thách thức và biến động, buộc các doanh nghiệp cần phải điều chỉnh chiến lược để tiếp cận người tiêu dùng một cách hiệu quả hơn.
Ông Lê Hùng Cường nhấn mạnh rằng, để đảm bảo năng lực cạnh tranh trong thời đại mới, các doanh nghiệp bán lẻ cần liên tục tìm kiếm giải pháp quản trị vận hành hiệu quả nhằm thu hút và duy trì khách hàng trung thành. Chuyển đổi số đang tạo ra những cơ hội toàn diện để giải quyết vấn đề này.
Từ góc độ quản trị vận hành, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp thu thập và khai thác dữ liệu trong thời gian thực, cho phép quản lý dựa trên thông tin tức thời, giúp đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác.
Từ góc độ quản trị trải nghiệm, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp hiểu sâu nhu cầu của khách hàng để thiết kế trải nghiệm phù hợp, đồng thời liên tục đo lường và phản hồi để thích ứng kịp thời với sự thay đổi của thị trường.
Ông bổ sung thêm, tốc độ tăng trưởng đầu tư vào Chuyển đổi số từ năm 2021 đến 2025 ước tính là 17%, trong đó 64% doanh nghiệp tập trung vào nâng cao khả năng vận hành, 58% tập trung vào cải thiện trải nghiệm khách hàng và 58% tập trung vào nâng cao năng lực công nghệ thông tin và bảo mật.
Theo nghiên cứu của FPT Digital, nhận thức được sự quan trọng của Chuyển đổi số, hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ hiện đang trên hành trình thực hiện chuyển đổi số ở các cấp độ khác nhau: 7% chưa có chiến lược và kế hoạch, 28% đang xây dựng chiến lược và lộ trình, 36% đã có lộ trình nhưng chưa triển khai, và 29% đang triển khai theo lộ trình đã đề ra.
Trong quá trình chuyển đổi số, ông Cường nhấn mạnh, công tác xây dựng văn hóa số và chuyển đổi con người phải được xem là mục tiêu trọng tâm. Đây được xem là cơ sở quan trọng để ngành bán lẻ có thể thích nghi và phát triển bền vững trước những thách thức hiện tại và tương lai. Việc này cũng sẽ góp phần thúc đẩy tinh thần hợp tác không chỉ trong từng bộ phận mà còn giữa các phòng ban, đồng thời giúp nhân sự có cùng tầm nhìn về tương lai và niềm tin sâu sắc vào các giá trị mang lại từ chuyển đổi số.
Bên lề sự kiện, đại diện FPT Digital cũng đã có cơ hội kết nối với các Bộ, ban ngành, các chuyên gia kinh tế, cũng như các doanh nghiệp nước ngoài, nhằm tạo ra mạng lưới hợp tác, cùng tìm ra giải pháp thúc đẩy phát triển ngành hàng tiêu dùng nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.