Tại hội thảo “Thay giáp doanh nghiệp thời đại số với ERP” ngày 25/10/2024, FPT Digital đã chia sẻ những chiến lược giúp doanh nghiệp ứng dụng ERP và chuyển đổi bền vững. Ông Vương Quân Ngọc, đại diện FPT Digital, nhấn mạnh rằng công nghệ ERP không chỉ hỗ trợ tự động hóa và tối ưu chi phí mà còn thúc đẩy doanh thu qua cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng. Với chiến lược chuyển đổi kép, doanh nghiệp không chỉ nâng cao năng suất mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn ESG, từ đó xây dựng lợi thế cạnh tranh dài hạn.
Ngày 25/10/2024, buổi hội thảo “Thay giáp doanh nghiệp thời đại số với ERP: Tạo đà khai phá tiềm năng mới cùng nền tảng Low-Code” được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra thành công thu hút sự tham dự của gần 400 doanh nghiệp, khách mời, đối tác và đại diện truyền thông. Tại sự kiện, ông Vương Quân Ngọc – CSO & Partner tại FPT Digital đã có chia sẻ về chiến lược ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp tăng cường sức mạnh nội tại và mở rộng tiềm năng toàn cầu.
Năng lực công nghệ của doanh nghiệp tác động mạnh tới cả khía cạnh doanh thu và chi phí, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh
Trong bối cảnh kinh tế cạnh tranh, việc áp dụng công nghệ hiện đại vào các quy trình sản xuất, vận hành không chỉ mang lại hiệu quả tức thời mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn. ERP (Enterprise Resource Planning) là một trong những giải pháp cốt lõi trong chiến lược công nghệ của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Hệ thống ERP giúp tự động hóa các quy trình quản lý, từ quản trị tài chính, nhân sự, đến chuỗi cung ứng, nhờ đó giảm thiểu sai sót, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu suất làm việc.
Ông Vương Quân Ngọc nhấn mạnh: “ERP đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp điều hành, tối ưu hóa quy trình và nâng cao hiệu suất. Tuy nhiên, để ứng dụng ERP một cách tối ưu, doanh nghiệp cần một chiến lược triển khai bài bản và sự hiểu biết chuyên sâu. Vì vậy, bài toán của doanh nghiệp không còn nằm ở việc có nên triển khai ERP hay không, mà ở chỗ tìm kiếm những đối tác chuyên nghiệp và đáng tin cậy để tư vấn và cung cấp giải pháp phù hợp nhất, đảm bảo thành công trong hành trình chuyển đổi số.”
Theo chia sẻ của ông Ngọc, công nghệ ERP có thể tạo động lực tăng trưởng doanh thu cho doanh nghiệp thông qua việc cải thiện trải nghiệm khách hàng, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ được cá nhân hóa hơn. Đồng thời, ERP giúp doanh nghiệp khai thác hiệu quả dữ liệu khách hàng để phát triển các sản phẩm mới, từ đó không chỉ giữ chân khách hàng hiện có mà còn mở rộng tệp khách hàng mới. Ở khía cạnh chi phí, ERP giúp tối ưu hóa nguồn lực, giảm thiểu lãng phí trong quy trình sản xuất và giảm chi phí nhân công nhờ vào tự động hóa.
Chuyển đổi kép – chiến lược phát triển bền vững tối ưu cho doanh nghiệp dựa trên năng lực công nghệ
Tại sự kiện, chuyên gia FPT Digital đề cập tới hướng đi dài hạn hơn cho các doanh nghiệp thông qua chiến lược chuyển đổi kép, kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Chiến lược này không chỉ tập trung vào việc cải thiện hiệu suất và năng suất lao động mà còn giúp doanh nghiệp tiến tới phát triển bền vững, một yếu tố ngày càng quan trọng trong bối cảnh các yêu cầu về ESG (Environmental, Social, and Governance) trở thành tiêu chuẩn bắt buộc trên thị trường quốc tế.
Ông Ngọc nhấn mạnh rằng, chuyển đổi kép là chiến lược tối ưu cho những doanh nghiệp muốn phát triển bền vững và đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh. Để đạt được điều này, doanh nghiệp không chỉ cần áp dụng các giải pháp công nghệ số như ERP, mà còn phải đầu tư vào các công nghệ xanh, nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường. Theo ông, hệ thống ERP tích hợp với các công nghệ như AI và IoT có thể giúp doanh nghiệp kiểm soát và giảm thiểu lãng phí tài nguyên, tối ưu hóa quá trình sản xuất, đồng thời cải thiện các chỉ số bền vững của doanh nghiệp.
Việc thực hiện chuyển đổi kép đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt chiến lược và năng lực triển khai. Để thực hiện thành công, doanh nghiệp cần cam kết mạnh mẽ từ ban lãnh đạo và có một lộ trình rõ ràng, với sự đồng hành của các đối tác tư vấn giàu kinh nghiệm. Những sáng kiến “quick-win” – các giải pháp dễ thực hiện và mang lại hiệu quả ngắn hạn – là điểm khởi đầu quan trọng để doanh nghiệp từng bước triển khai chiến lược chuyển đổi bền vững.