Chuyển đổi số và áp dụng công nghệ AI đang trở thành xu thế tất yếu để doanh nghiệp duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Những giải pháp công nghệ không chỉ giúp tối ưu hóa hiệu suất mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ việc nâng cao năng lực nội bộ, đảm bảo tính bảo mật cho đến việc tuân thủ các quy định pháp lý. Chỉ khi đó, chuyển đổi số mới thực sự trở thành động lực giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng giá trị lâu dài.
Ngày 13/9 tại Hà Nội, ông Đoàn Hữu Hậu – Giám đốc Dịch vụ Chuyển đổi số và Ứng dụng AI tại FPT Digital – đã có bài chia sẻ về vai trò của chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc thúc đẩy phát triển bền vững. Bài chia sẻ được thực hiện trong khuôn khổ sự kiện “Tăng trưởng doanh thu toàn cầu với Thương mại điện tử và Giải pháp số” – một chương trình do UOB Finlab tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng lợi thế của thương mại điện tử và các giải pháp kỹ thuật số để mở rộng kinh doanh toàn cầu.
Sự kiện này quy tụ gần 20 diễn giả từ các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ như AWS, TikTok for Business, DHL. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp tìm hiểu về cách khai thác tiềm năng thương mại điện tử xuyên biên giới và các giải pháp số hóa trong hoạt động kinh doanh, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Chuyển đổi số – Nền tảng của phát triển bền vững
Tại sự kiện, ông Đoàn Hữu Hậu nhấn mạnh: “Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là việc áp dụng công nghệ vào doanh nghiệp mà là một quá trình chuyển đổi toàn diện, bao gồm thay đổi từ quy trình kinh doanh, vận hành, cho đến tư duy và kỹ năng của nhân sự. Điều này giúp tổ chức tối ưu hóa mọi hoạt động, từ sản xuất đến kinh doanh, nhằm đạt được hiệu quả cao hơn.”
Theo ông Hậu, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Việc sử dụng công nghệ tiên tiến như AI và tự động hóa mang lại nhiều giá trị cụ thể cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong năm lĩnh vực chính:
- Tối ưu hóa quy trình và tăng hiệu quả hoạt động: Công nghệ giúp tự động hóa các quy trình nội bộ, giảm thiểu sai sót và tối ưu hóa thời gian, chi phí.
- Nâng cao trải nghiệm khách hàng: AI và dữ liệu lớn (Big Data) giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về nhu cầu của khách hàng, từ đó cung cấp các sản phẩm và dịch vụ phù hợp hơn.
- Phát triển sản phẩm, dịch vụ dựa trên nhu cầu thị trường: Việc phân tích dữ liệu từ khách hàng giúp doanh nghiệp định hướng phát triển sản phẩm theo xu hướng và nhu cầu thực tế.
- Chuẩn hóa công nghệ và dữ liệu: Chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn mà còn tăng cường minh bạch hóa theo các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo tính hợp pháp và an toàn dữ liệu.
- Sẵn sàng cho các hệ sinh thái phát triển bền vững: Chuyển đổi số và các công nghệ mới giúp doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn cho việc tham gia các hệ sinh thái phát triển bền vững, giúp mở rộng kinh doanh toàn cầu.
Các thách thức và giải pháp trong chuyển đổi số
Mặc dù chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội, nhưng quá trình này cũng đối mặt với nhiều thách thức mà doanh nghiệp cần vượt qua. Trong đó, ông Hậu đặc biệt lưu ý đến các thách thức về vấn đề bảo mật dữ liệu, nguồn nhân lực, và yêu cầu pháp lý.
Bảo mật dữ liệu là mối lo ngại hàng đầu khi việc số hóa làm tăng khả năng bị tấn công mạng và mất mát thông tin. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có nguồn nhân lực được trang bị kiến thức và kỹ năng phù hợp để tiếp cận và vận hành công nghệ mới. Các quy định pháp lý cũng là một thách thức lớn, khi doanh nghiệp phải tuân thủ những quy định ngày càng nghiêm ngặt liên quan đến bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư.
Để vượt qua những thách thức này, chuyên gia từ FPT Digital khuyến cáo doanh nghiệp cần nắm bắt các xu hướng công nghệ mới, đầu tư đúng mức vào các giải pháp công nghệ, và xây dựng chiến lược chuyển đổi số dài hạn. Ông Hậu nhấn mạnh rằng không chỉ việc đầu tư công nghệ mà còn là sự cam kết của lãnh đạo doanh nghiệp trong việc thay đổi tư duy và định hướng phát triển. Sự đồng lòng từ ban lãnh đạo đến từng bộ phận trong tổ chức sẽ giúp quá trình chuyển đổi số diễn ra thành công, mang lại lợi ích dài hạn cho doanh nghiệp.