Việt Nam trước cơ hội phát triển xe điện toàn cầu - FPT Digital
Việt Nam trước cơ hội phát triển xe điện toàn cầu
Tin tức

Việt Nam trước cơ hội phát triển xe điện toàn cầu

Chia sẻ với Báo Lao Động, ông Phan Bá Đức, chuyên gia tư vấn chuyển đổi Xanh tại FPT Digital, đã đưa ra những nhận định về xu hướng phát triển xe điện toàn cầu và cơ hội cho Việt Nam trong bối cảnh ngành giao thông đang chuyển hướng mạnh mẽ sang điện hóa. Ông Đức nhấn mạnh rằng, bên cạnh sự phát triển của công nghệ, Việt Nam có tiềm năng lớn để tận dụng cơ hội này nhằm thúc đẩy sản xuất xe điện và xây dựng một hệ sinh thái bền vững, góp phần vào sự phát triển ngành công nghiệp trong nước và đáp ứng các yêu cầu giảm phát thải toàn cầu.

Xe điện – xu hướng tất yếu của tương lai

Dù chính sách xe điện của Mỹ có thay đổi, nhưng các nước châu Âu, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác vẫn đang đẩy mạnh phát triển xe điện. Theo ông, vì sao xe điện vẫn là xu hướng tất yếu của tương lai?

Xe điện không chỉ là một lựa chọn thay thế cho xe chạy nhiên liệu hóa thạch, mà còn là xu hướng tất yếu trong ngành giao thông vì ba lý do chính:

Thứ nhất, chính sách toàn cầu hướng đến phát thải thấp. Các thị trường lớn như EU, Trung Quốc vẫn kiên định với lộ trình loại bỏ xe chạy xăng và khuyến khích xe điện. Hiện nay, hơn 20 quốc gia đã đặt mục tiêu cấm xe chạy bằng động cơ đốt trong từ năm 2035-2040. Đây là một động lực mạnh mẽ giúp ngành xe điện tiếp tục phát triển bền vững.

Thứ hai, chi phí sản xuất giảm nhờ công nghệ phát triển. Trong 10 năm qua, giá thành sản xuất pin – yếu tố chi phối chi phí xe điện – đã giảm đáng kể và được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng đi xuống. Xe điện còn có lợi thế về chi phí vận hành thấp hơn khoảng 20% so với xe xăng truyền thống nhờ tiết kiệm nhiên liệu và giảm chi phí bảo dưỡng.

Thứ ba, hệ sinh thái năng lượng tái tạo ngày càng hoàn thiện. Khi nguồn cung điện từ năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió gia tăng, xe điện có thể tích hợp với hệ thống lưu trữ năng lượng thông minh, góp phần ổn định lưới điện quốc gia.

Vì vậy, dù một số chính sách hỗ trợ có thể thay đổi, nhưng áp lực giảm phát thải, tiến bộ công nghệ và sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng sẽ tiếp tục thúc đẩy xu hướng xe điện phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Ông Phan Bá Đức nhận định rằng xe điện không chỉ là một lựa chọn thay thế cho xe chạy nhiên liệu hóa thạch, mà còn là xu hướng tất yếu trong ngành giao thông

Việt Nam trước sự thay đổi chính sách xe điện của Mỹ

Việt Nam đã cam kết giảm phát thải và thúc đẩy xe điện. Theo ông, những thay đổi chính sách của Mỹ có ảnh hưởng gì đến chiến lược xe điện tại Việt Nam?

Chính sách của Mỹ có thể tác động đến thị trường, nhưng Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế để duy trì chiến lược phát triển xe điện của mình.

Trước tiên, sự điều chỉnh trong chuỗi cung ứng toàn cầu có thể tạo ra cơ hội mới. Nếu Mỹ thay đổi chính sách ưu đãi đối với xe điện nhập khẩu, các nhà sản xuất có thể phải tìm kiếm địa điểm đầu tư thay thế. Với lợi thế về nhân công, vị trí địa lý và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn.

Thứ hai, áp lực cạnh tranh trên thị trường nội địa sẽ gia tăng. Khi các hãng xe điện quốc tế mở rộng thị trường ngoài Mỹ, khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, sẽ trở thành một thị trường tiềm năng. Điều này tạo ra áp lực cạnh tranh lớn hơn nhưng đồng thời cũng thúc đẩy các doanh nghiệp Việt xây dựng chuỗi cung ứng linh kiện, nội địa hóa sản xuất và phát triển hệ sinh thái xe điện toàn diện.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng giai đoạn này để định hình chiến lược dài hạn, hợp tác với các tổ chức tư vấn chiến lược nhằm triển khai hiệu quả, cân bằng giữa lợi ích kinh tế và cam kết bền vững.

Cơ hội để Việt Nam phát triển ngành xe điện

Việt Nam có thể tận dụng cơ hội nào từ xu hướng điện hóa phương tiện giao thông toàn cầu để đẩy mạnh ngành xe điện trong nước?

Đây là thời điểm thuận lợi để Việt Nam tận dụng cơ hội phát triển ngành xe điện trong nước và thực tế, chúng ta đã bắt nhịp khá tốt với xu hướng này.

Thứ nhất, đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng xanh. Việc triển khai hệ thống xe buýt điện, taxi điện và phương tiện công cộng điện hóa không chỉ góp phần giảm phát thải mà còn giúp nâng cao chất lượng không khí đô thị.

Thứ hai, trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng xe điện. Với lợi thế về nhân công và vị trí địa lý, Việt Nam có thể thu hút đầu tư vào sản xuất pin, linh kiện và lắp ráp xe điện. Một số hãng xe điện Việt Nam đã tiên phong trong việc đặt nền móng cho ngành công nghiệp này, nhưng để thực sự trở thành trung tâm sản xuất xe điện, Việt Nam cần thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị.

Nếu tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam có thể không chỉ là thị trường tiêu thụ xe điện mà còn là trung tâm sản xuất, lắp ráp linh kiện xe điện cho khu vực và thế giới.

Theo Báo Lao Động

Tin tức khác
01. FPT Digital đồng hành cùng Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) triển khai dự án Xây dựng nền tảng khai thác dữ liệu về thị trường lao động Việt Nam 02. ‘Chạm tới khách hàng’ – xu hướng chuyển đổi của doanh nghiệp sản xuất 03. Đối thoại doanh nghiệp ngành Dược: Cải cách, đổi mới và chuyển đổi số 04. “Thay giáp” doanh nghiệp thời đại số: FPT Digital chia sẻ chiến lược ERP và chuyển đổi kép bền vững
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận