Phát triển bền vững ESG là gì? Chiến lược ESG và phát triển bền vững - Xu hướng ESG thế kỷ 21 - FPT Digital
Phát triển bền vững ESG là gì? Chiến lược ESG và phát triển bền vững – Xu hướng ESG thế kỷ 21
Protecting and Restoring the Natural Environment

Phát triển bền vững ESG là gì? Chiến lược ESG và phát triển bền vững – Xu hướng ESG thế kỷ 21

Phát triển bền vững ESG là gì ? ESG đã trở thành xu hướng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới trong những năm gần đây cùng với nhu cầu ngày càng tăng của các nhà đầu tư về phát triển bền vững. Đứng trước những thay đổi này, doanh nghiệp mới nên dần trở nên thích nghi và bắt đầu thực hành ESG và phát triển bền vững ngay từ bây giờ song song với việc áp dụng chiến lược hiệu quả để tối ưu hóa nguồn lực có hạn trong lâu dài.

1. Phát triển bền vững ESG là gì?

Báo cáo Brundtland (Tương lai chung của chúng ta) do Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới (WCED) của Liên Hiệp Quốc năm 1987 định nghĩa: “Phát triển bền vững, cách tiếp cận quy hoạch xã hội, kinh tế và môi trường nhằm cố gắng cân bằng nhu cầu kinh tế và xã hội của các thế hệ con người hiện tại và tương lai với yêu cầu bảo tồn hoặc ngăn ngừa thiệt hại quá mức đối với môi trường tự nhiên”. Tuy nhiên, mãi đến thời gian gần đây, phát triển bền vững mới được hưởng ứng nhiều hơn từ phía các đơn vị quản lý nhà nước đến người tiêu dùng.

Những nguyên tắc đầu tiên của phát triển bền vững đã được đặt ra tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Môi trường Con người năm 1972 kết luận rằng việc tiếp tục phát triển công nghiệp là điều không thể tránh khỏi và mong muốn nhưng đồng thời mọi công dân trên thế giới đều có trách nhiệm bảo vệ môi trường. Ngoài ra, tại Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển năm 1992 hơn 178 quốc gia đã thông qua Chương trình nghị sự 21, trong đó vạch ra các chiến lược toàn cầu nhằm khôi phục môi trườngkhuyến khích phát triển lành mạnh với môi trường.

Dựa trên khái niệm về sự phát triển bền vững, các doanh nghiệp khắp nơi trên thế giới đã tạo nên mô hình kinh doanh bền vững và áp dụng trong các chiến lược của doanh nghiệp. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các doanh nghiệp khu vực tư nhân thực hiện kinh doanh bền vững (doanh nghiệp kinh doanh bền vững) là doanh nghiệp được đăng ký thành lập nhưng không bao gồm doanh nghiệp nhà nước theo quy định và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, và áp dụng một trong các mô hình kinh doanh bền vững như:

Ứng dụng phát triển bền vững ESG trong chiến lược kinh doanh
Hình minh họa 01: Ứng dụng phát triển bền vững ESG trong chiến lược kinh doanh
  • Mô hình kinh doanh áp dụng kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh doanh trong đó các công đoạn xây dựng chiến lược, tầm nhìn doanh nghiệp, hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường
  • Mô hình kinh doanh bao trùm là mô hình kinh doanh huy động người thu nhập thấp tham gia trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; trong đó, người thu nhập thấp có thể tham gia với vai trò là nhà cung ứng, khách hàng, nhà phân phối hay có thể là người lao động tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh tạo ra các giá trị chia sẻ;
  • Mô hình kinh doanh phát triển bền vững theo khung môi trường, xã hội và quản trị (sau đây gọi tắt là Mô hình kinh doanh áp dụng ESG) là mô hình kinh doanh hướng tới sự phát triển bền vững, đảm bảo hài hoà các yếu tố bền vững về các mặt kinh tế, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và quản trị.

>>> Xem ngay: Khái niệm ESG là gì

Trong đó, bộ công cụ đánh giá mô hình kinh doanh áp dụng ESG bao gồm các nhóm tiêu chí như sau:

  • Về môi trường: Tuân thủ về môi trường, tiêu chuẩn môi trường đối với nhà cung cấp, vật liệu, năng lượng, nước, đa dạng sinh học, khí thải, nước thải và chất thải, sản phẩm có trách nhiệm;
  • Về xã hội: Việc làm, quan hệ lao động và quản lý, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, giáo dục và đào tạo, sự đa dạng, cơ hội bình đẳng, tham gia công đoàn và các tổ chức đoàn thể, lao động trẻ em, lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc, quyền lợi người lao động, cộng đồng địa phương, tiêu chuẩn xã hội với nhà cung cấp, sức khỏe và an toàn của khách hàng, tiếp thị và nhãn hiệu, bảo mật thông tin khách hàng.
  • Về quản trị: Cam kết thực hiện ESG hoặc kinh doanh bền vững, cơ cấu và chức năng của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Ban Giám đốc, quản trị sự tham gia của các bên liên quan, tính công khai và minh bạch, môi trường kiểm soát và quyền cổ đông (chỉ áp dụng với các doanh nghiệp cổ phần, có niêm yết trên sàn chứng khoán).

>>> Đọc tiếp: Xu hướng đầu tư theo mô hình kinh doanh bền vững ESG.

Tổng quan lại, phát triển bền vững ESG là gì – là khái niệm chỉ sự phát triển về mọi mặt ở xã hội hiện tại, đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại dựa vào 3 tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) mà vẫn đảm bảo không gây ảnh hưởng hay tổn hại đến các nhu cầu đó của các thế hệ tương lai. Trong đó phải dựa trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa vấn đề tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường.

2. Chiến lược ESG là gì?

Chiến lược ESG được xem như là sự kết hợp chiến lược ESG vào trong kế hoạch kinh doanh của mình, nhằm giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả, tăng cường uy tíntạo ra giá trị cho các bên liên quan.

Chiến lược ESG quan trọng vì nó giúp các nhà đầu tư, khách hàng, nhân viên, cộng đồng và chính phủ đánh giá về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Ngoài ra, nó cũng giúp doanh nghiệp đối mặt với những thách thức lớn của thế giới như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng, thiếu nguồn lực và an ninh mạng.

Với những cân nhắc như vậy, các doanh nghiệp có thể áp dụng tám bước cần thực hiện để phát triển và thực hiện chiến lược ESG như sau:

Gợi ý 8 bước phát triển và thực hiện chiến lược ESG
Hình 02: Gợi ý 8 bước phát triển và thực hiện chiến lược ESG
  • Nhận đầu vào từ bên trong và bên ngoài: Tham khảo ý kiến thành viên hội đồng quản trị và giám đốc điều hành doanh nghiệp về các vấn đề ESG quan trọng đối với doanh nghiệp và nói chuyện với nhiều bên liên quan khác như nhân viên, nhà đầu tư tổ chức, khách hàng, nhà cung cấp, lãnh đạo cộng đồng về những vấn đề quan trọng đối với họ.
  • Đánh giá tính trọng yếu của các vấn đề ESG khác nhau: Sử dụng thông tin đầu vào đã thu thập để xác định các vấn đề quan trọng đối với cả doanh nghiệp và các bên liên quan, cũng như các vấn đề ít quan trọng hơn đối với một trong hai bên hoặc cả hai.
  • Thiết lập đường cơ sở về hiệu suất ESG: Ghi lại mức độ hiệu suất, chính sách, thực tiễn và số liệu thống kê hiện tại về các yếu tố ESG sẽ được giải quyết như một phần của chiến lược.
  • Xác định các mục tiêu có thể đo lường: Điều này liên quan đến việc thiết lập các mục tiêu và mục tiêu hiệu suất cho toàn bộ chiến lược ESG và các phần khác nhau của chiến lược đó, bao gồm những cải tiến mong muốn về KPI.
  • Tạo lộ trình triển khai: Xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết cho chương trình ESG với các mốc thời gian, cột mốc và nội dung của dự án.
  • Chọn các tiêu chuẩn và khuôn khổ báo cáo: Các doanh nghiệp có thể chọn một hoặc nhiều công cụ báo cáo khác như GRI, SASB, … để đáp ứng các yêu cầu.
  • Thu thập, phân tích và báo cáo dữ liệu ESG: Cần có các quy trình để thu thập và phân tích dữ liệu, sau đó chuẩn bị báo cáo cho các bên liên quan. Báo cáo đầy đủ thường được thực hiện hàng năm nhưng cập nhật tiến độ nội bộ cho hội đồng quản trị và quản lý cấp cao thường xuyên hơn.
  • Xem xét và sửa đổi chiến lược khi cần thiết: Các yêu cầu ESG có thể thay đổi khi nhu cầu kinh doanh, mối quan tâm của các bên liên quan và các quy định pháp lý phát triển. Chiến lược ESG cần được đánh giá lại thường xuyên để đảm bảo chiến lược đó vẫn hiệu quả và xác định các cập nhật cần thiết.

3. Xu hướng phát triển bền vững ESG

Có thể thấy, phát triển kinh doanh bền vững kết hợp hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường là những chủ đề ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Xuất phát từ dấu ấn quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam công bố loạt cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Một tín hiệu đáng mừng là các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tàu, đang tiên phong đầu tư mạnh mẽ cho kinh doanh bền vững, bắt kịp với xu thế toàn cầu.

Cụ thể, năm 2022, Tập đoàn Masan được tạp chí Nhịp Cầu Đầu tư vinh danh trong Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững dựa trên 5 tiêu chí gồm: Tăng trưởng ổn định, Văn hóa doanh nghiệp bền vững, Quản trị doanh nghiệp, Bảo vệ môi trường và Trách nhiệm xã hội.

Masan
Hình 03: Masan

Bên cạnh đó cũng có những doanh nghiệp điển hình theo đuổi xu thế phát triển bền vững như Vinamilk có trang trại và nhà máy đạt chứng nhận trung hòa carbon theo tiêu chuẩn quốc tế và đã công bố lộ trình tiến đến Net Zero 2050;

Vinamilk
Hình 04: Vinamilk

Traphaco, thông qua dự án GreenPlan, sáng tạo mô hình liên kết bao gồm: nhà nước (chính quyền) – nhà nông – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp, qua đó không chỉ giúp công ty tự chủ về nguyên liệu sản xuất, đảm bảo tăng trưởng kinh tế mà còn tác động tích cực tới cộng đồng yếu thế, tạo công ăn việc làm, xóa nghèo bền vững;

Traphaco
Hình 05: Traphaco

PNJ tiên phong tích hợp chiến lược ESG vào chiến lược phát triển tổng thể của doanh nghiệp và đưa ra cam kết không ngừng cải thiện và tuân thủ nghiêm ngặt các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn ESG.

PNJ
Hình 06: PNJ

Đây cũng là các doanh nghiệp thành viên tích cực của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) được VCCI thành lập theo phê duyệt của Chính phủ từ năm 2010.

Ngoài ra, các doanh nghiệp phát triển bền vững ESG còn được sự khuyến khích mạnh mẽ từ phía Nhà nước, Chính phủ khi Quyết định số 167/QD-TTg phê duyệt “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 – 2025” được ban hành. Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của kinh doanh bền vững và xây dựng các công cụ, giải pháp. đánh giá doanh nghiệp kinh doanh bền vững.

Không chỉ ở Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài đã và đang không ngừng cải thiện khả năng phát triển bền vững, chẳng hạn như IKEA – Nhà bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới. Theo Báo cáo Bền vững, trong năm 2023, IKEA đã phát triển các kế hoạch hành động nghiêm ngặt để củng cố các mục tiêu về khí hậu của họ phù hợp với mục tiêu 1,5°C và tiêu chuẩn Net-Zero của Sáng kiến ​​Mục tiêu Dựa trên Khoa học (SBTI).

Hình 07: IKEA
Hình 07: IKEA

Tuy nhiên, để thực hiện thành công phát triển bền vững ESG, doanh nghiệp cần có sự cam kết lâu dài và nỗ lực từ phía ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên và tất cả các bên liên quan. Mặt khác, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược ESG phù hợp với đặc thù ngành nghề và tình hình thực tế, đồng thời triển khai thực hiện một cách hiệu quả và minh bạch để đạt được hiệu quả mong muốn.

 

Reference:

  1. Brundtland. 1987. Sustainable Development
  2. Techtarget. 2023. ESG strategy and management
  3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 2023. Doanh nghiệp tư nhân bền vững
  4. Nhịp cầu đầu tư. 2022. Masan group được vinh danh tại Top 50 phát triển bền vững
  5. 2023. Phát triển bền vững – Xu thế của doanh nghiệp
  6. IKEA. 2023. Sustainability Report
Nghiên cứu nổi bật
01. Tăng cường khả năng phục hồi an ninh mạng cho các tổ chức tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: Một cách tiếp cận toàn diện 02. Nhà máy thông minh – Chìa khóa cho ngành công nghiệp 4.0 03. Ngành nông nghiệp trong thời đại số 04. Chuyển đổi kép trong sản xuất nông nghiệp: xu thế và những lợi ích mang lại
FPT Digital
FPT Digital tổng hợp
FPT Digital là công ty tư vấn trực thuộc tập đoàn FPT, với hơn 30 năm kinh nghiệm tư vấn chuyển đổi số, đồng thời tiên phong trong lĩnh vực ESG và phát triển bền vững, chuyển đổi xanh và giảm phát thải.
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận