Low-code: Nền tảng công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số ngành công nghiệp sản xuất - FPT Digital
Low-code: Nền tảng công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số ngành công nghiệp sản xuất
Digital Strategy

Low-code: Nền tảng công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số ngành công nghiệp sản xuất

Trong ngành công nghiệp sản xuất, phát triển các ứng dụng và xây dựng phần mềm một cách trực quan trên các nền tảng Low-code mang lại những lợi ích tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp trong ngành sản xuất đang phải đáp ứng nhanh chóng và linh hoạt trước những yêu cầu thay đổi của thị trường. Bằng các công nghệ hỗ trợ của mình, nền tảng Low-code tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc nhanh chóng phát triển các ứng dụng giải quyết nhu cầu hiện tại của doanh nghiệp và thúc đẩy chuyển đổi số.

Hiện nay, các doanh nghiệp phải đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng trong các hoạt động vận hành nội bộ, chuỗi sản xuất cung ứng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Do đó, các doanh nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp sản xuất đã và đang tích cực triển khai các hoạt động chuyển đổi số nhằm giải quyết các vấn đề này, ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số như trí tuệ nhân tạo – AI, vạn vật kết nối – IoT, thực tế ảo tăng cường – AR, robot, v.v.

Những công nghệ này được vận dụng hiệu quả, giúp doanh nghiệp tạo dựng lợi thế cạnh tranh về sản xuất kinh doanh hiệu quả và tiết kiệm chi phí so với các doanh nghiệp khác. Để chuyển đổi số, nhiều công ty đã đổi mới và phát triển các ứng dụng một cách nhanh chóng và linh hoạt, để đáp ứng liên tục các yêu cầu cập nhật của thị trường.

Tổng quan về công nghệ nền tảng Low-code

Công nghệ Low-code là một cách thức phát triển ứng dụng trực quan cho phép các nhà phát triển từ chuyên nghiệp đến không chuyên có thể cộng tác và nhanh chóng xây dựng, triển khai các ứng dụng.

Phát triển Low-code là quá trình xây dựng phần mềm bằng cách tự động hóa quá trình viết mã code chương trình, gỡ lỗi, kiểm tra và triển khai phát triển phần mềm. Các ứng dụng được xây dựng nhanh chóng bằng cách kéo và thả các khối mã trực quan có sẵn trên nền tảng vào các quy trình làm việc để tạo ra ứng dụng và tối thiểu hóa việc viết và sử dụng mã thủ công.

Gartner dự báo “Đến năm 2024, phát triển ứng dụng dạng Low-code sẽ chiếm tỉ trọng hơn 65% đối với các hoạt động phát triển ứng dụng” (1). Giá trị thị trường nền tảng Low-code toàn cầu ước đạt 12,85 tỷ USD vào năm 2020 và được kỳ vọng sẽ đạt 65,15 tỷ USD vào năm 2027 (2) với CAGR là 22,7% trong giai đoạn từ 2020- 2027 (2).

Giá trị thị trường nền tảng phát triển Low-code toàn cầu 2018-2027Giá trị thị trường nền tảng phát triển Low-code toàn cầu 2018-2027 (3)

Nền tảng Low-code có thể thay đổi cách các công ty sản xuất giải quyết vấn đề của họ trong quá trình chuyển đổi số và tạo ra các tiêu chuẩn mới về năng suất, hiệu quả và lợi nhuận.

Nền tảng này giúp các kỹ sư sản xuất chỉ cần có kiến thức về lập trình là có thể phát triển các ứng dụng một cách nhanh chóng, mạnh mẽ và phù hợp. Các kỹ sư và các bên liên quan trong nhà máy là những người thực sự hiểu những vấn đề trong hoạt động của doanh nghiệp, và có thể đưa ra được những cách giải quyết phù hợp, nhờ đó, doanh nghiệp tận dụng được tối đa các nguồn tài nguyên quý giá về kiến thức và kinh nghiệm của nhân sự nội bộ.

Lợi ích từ ứng dụng nền tảng Low-code

Với nhu cầu sử dụng các phần mềm, ứng dụng trong vận hành ngày một lớn, việc ứng dụng nền tảng Low-code trong quá trình phát triển các ứng dụng cho doanh nghiệp có thể mang lại nhiều lợi ích thiết thực, tác động trực tiếp đến việc sản xuất phát triển kinh doanh của doanh nghiệp:

  • Tính nhanh nhẹn và linh hoạt (Agile): Các phương pháp Agile không chỉ giới hạn trong việc phát triển phần mềm trong ngành công nghệ thông tin mà cũng đã áp dụng thành công ở các ngành công nghiệp sản xuất. Low-code cho phép các kỹ sư sản xuất nhanh chóng giải quyết các vấn đề sản xuất, lặp lại nhanh hơn và phản ứng tốt hơn với các thay đổi.
  • Quản lý tài nguyên hiệu quả: Low-code giúp quản lý tài nguyên tốt hơn bằng cách chia sẻ nguồn lực với các kỹ sư sản xuất, nhân viên kinh doanh… để phát triển các ứng dụng nhỏ bằng Low-code, nguồn lực công nghệ thông tin được tập trung cho việc giải quyết các hệ thống lớn.
  • Tăng cường cộng tác: Nền tảng Low-code cho phép người dùng và các nhà phát triển có thể trao đổi ý tưởng, thử nghiệm và đưa vào sử dụng thực tế các ứng dụng một cách nhanh chóng.
  • Tính riêng tư: Đối với một số vấn đề có tính bảo mật cao nên chỉ được thực hiện bởi chính doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể để nhân viên tự thực hiện phát triển ứng dụng trong nội bộ.

Cân nhắc ứng dụng phù hợp

Bên cạnh các lợi ích từ việc ứng dụng nền tảng Low-code, doanh nghiệp cũng cần có những lựa chọn ứng dụng phù hợp trong doanh nghiệp khi phát triển trên các nền tảng Low-code do nền tảng này vẫn còn những hạn chế trong hoạt động:

  • Khả năng mở rộng và hiệu năng: Các nền tảng Low-code hiện được sử dụng chủ yếu để phát triển các ứng dụng nhỏ, chưa được áp dụng trong các dự án quy mô lớn và các ứng dụng doanh nghiệp quan trọng.
  • Tính ràng buộc vào nền tảng: Các thành phần mô-đun được xây dựng sẵn trong nền tảng Low-code làm hạn chế khả năng tùy biến ứng dụng cũng như nảy sinh các vấn đề khi cần đáp ứng các tính năng đặc biệt chưa có sẵn. Ngoài ra, các nền tảng Low-code cũng gặp khó khăn khi cần xây dựng API hoặc tích hợp với nhau.

Một số nền tảng Low-code phổ biến

Thời đại công nghệ ngày càng mở rộng, các nhà cung cấp nền tảng dịch vụ ngày càng gia tăng. Một số nền tảng Low-code với mã nguồn mở phổ biến và sẵn sàng để người dùng sử dụng hiện nay có thể kể đến như OutSystems, Mendix hay Appian …

  • OutSystems: Là một trong những nền tảng Low-code trực quan nhất hiện có, giúp tạo ra các ứng dụng có thể tùy chỉnh và xử lý toàn bộ vòng đời phát triển phần mềm. Một điểm nổi bật khác của Outsystems là nền tảng này hỗ trợ tích hợp với nhiều cơ sở dữ liệu, các hệ thống bên ngoài, các kết nối mã nguồn mở, API và các dịch vụ đám mây phổ biến. Nền tảng này cũng đi kèm với nhiều mẫu giao diện người dùng hiện đại được tạo sẵn cho máy tính để bàn, máy tính bảng và ứng dụng di động.
  • Mendix: Là nền tảng Low-code cho phép xây dựng các ứng dụng hoàn toàn không cần lập trình. Điểm nổi bật của nền tảng là một công cụ phát triển trực quan, được tích hợp toàn diện cho toàn bộ vòng đời ứng dụng, từ thiết kế và phát triển, đến triển khai và vận hành, cung cấp khả năng tái sử dụng các thành phần để tăng tốc quá trình phát triển ứng dụng tổng thể.
  • Appian: Là một nền tảng phát triển Low-code có các tính năng nổi bật như tự động hóa thông minh khả năng cộng tác giữa các thành viên trong nhóm, hỗ trợ ứng dụng di động, các biểu mẫu báo cáo, … Nền tảng này rất trực quan và không yêu cầu các nhà phát triển có các kinh nghiệm lập trình để có thể làm việc với Appian.

 

Việc chuyển sang các ứng dụng Low-code có thể thay đổi cách thức chuyển đổi số trong các doanh nghiệp sản xuất. Khả năng mà các nền tảng Low-code cung cấp có thể giúp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số nhanh chóng tại tất cả các phòng ban, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có nguồn lực công nghệ thông tin và kinh phí hạn chế. Với sự hiệp lực của các nhân viên/chuyên gia nội bộ, doanh nghiệp có thể xây dựng các giải pháp phù hợp, đáp ứng thực tế nhất với hiện trạng và nhu cầu của các bộ phận trong công ty.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) Gartner. 2019. Gartner Magic Quadrant for Enterprise Low-Code Application Platforms.
(2) Grand View Research. 2020. Low-Code Application Development Platform Market Size.
(3) Statista. 2021. Global low-code development platform market revenue 2018-2025.

 

Nghiên cứu nổi bật
01. Telecare: Giải pháp đã, đang và sẽ tiếp tục thay đổi ngành y tế 02. Xây dựng trải nghiệm khách hàng trong logistics 03. Định hướng kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp 2022 của một số tỉnh thành 04. Xu hướng chuyển đổi xanh và định hướng tiếp cận cho doanh nghiệp sản xuất nhựa (Kỳ 1)
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận