VietTimes – Chuyển đổi số là thời kỳ “cá nhanh thắng cá chậm”, doanh nghiệp nào có chiến lược chuyển đổi số bài bản, nhanh chóng, phù hợp sẽ giành ưu thế trên đường đua.
Quan điểm này được ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc khối Nghiệp vụ doanh nghiệp và Tư vấn giải pháp tại FPT Digital, Chuyên gia Công nghệ cấp Tập đoàn FPT, chia sẻ tại hội thảo “Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp” diễn ra sáng nay (9/10).
Theo ông Minh, chuyển đổi số đã trở thành một hướng đi chiến lược cho các doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Doanh nghiệp nào có chiến lược chuyển đổi số bài bản, nhanh chóng, phù hợp sẽ giành ưu thế trên đường đua.
Hiện nay, có khoảng 38% doanh nghiệp trên thế giới đầu tư trọng điểm vào công nghệ để chiếm lĩnh thị trường; 30% doanh nghiệp hiện đại hóa công nghệ lõi và năng lực để đảm bảo vận hành thông suốt; 19% doanh nghiệp tái thiết kế việc kinh doanh xoay quanh công nghệ và 10% doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi số với mục tiêu tiết giảm chi phí.
Vị chuyên gia này cho rằng, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần phải có chiến lược kinh doanh rõ ràng để tạo tiền đề cho định hướng chuyển đổi số, cùng với đó là sự đồng lòng tham gia chuyển đổi số của phần lớn nhân sự tập đoàn. Trong đó, lãnh đạo cấp cao cần nhận thức rõ các thách thức, cơ hội để đạt được mục tiêu chiến lược thông qua chuyển đổi số.
Chuyên gia của FPT Digital cho biết, các hoạt động chuyển đổi số phổ biến hiện nay bao gồm: chuyển đổi văn phòng số, bán hàng và tiếp thị trên kênh số, trải nghiệm khách hàng trên thiết bị di động…
Hầu hết các doanh nghiệp đã có trang bị chữ ký số; trên 99% doanh nghiệp chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử; khoảng 60% doanh nghiệp đang sử dụng các phần mềm kế toán; khoảng 18% doanh nghiệp có sử dụng website/ứng dụng thương mại điện tử cho mục đích xuất nhập khẩu; hơn 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chương trình chuyển đổi số SMEdx…
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số doanh nghiệp lớn, tập đoàn, tổng công ty vẫn gặp khó khăn, thách thức trong việc xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp với chiến lược phát triển doanh nghiệp. Tổ chức thực hiện triển khai lộ trình chuyển đổi số chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, thiếu sáng kiến số đột phá để dẫn dắt thị trường và hệ sinh thái.
Trong khi đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc hoạch định và triển khai lộ trình chuyển đổi số một cách tối ưu. Chi phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ và nguồn lực thực hiện chuyển đổi số còn hạn chế; năng lực công nghệ chưa đủ để tiếp nhận và vận hành các sáng kiến số.
Chuyên gia của FPT Digital đưa ra một số khuyến nghị và giải pháp cho các doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số, như: thiết lập cơ cấu tổ chức “chuyên trách” điều hành giúp tăng tốc quá trình chuyển đổi số; phối hợp với các đơn vị độc lập nhằm tháo gỡ những vướng mắc; tận dụng xu hướng công nghệ điện toán đám mây để tối ưu chi phí chuyển đổi số; nghiên cứu, phát triển các ứng dụng và nền tảng số có khả năng dẫn dắt hệ sinh thái tăng trưởng.
“Chuyển đổi số không phải là đích đến mà là một hành trình dài theo cùng sự phát triển của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số nhất định phải bắt đầu bằng cách làm đúng và có một lộ trình phù hợp”, ông Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh.
Nguồn: VietTimes