Tương lai ngành sản xuất: Linh hoạt (Agile) và Tinh gọn (Lean) trên nền tảng số
Internet of Thing

Tương lai ngành sản xuất: Linh hoạt (Agile) và Tinh gọn (Lean) trên nền tảng số

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang chuyển đổi dần hệ thống sản xuất truyền thống thành hệ thống sản xuất thông minh. Các nhà máy cần tối ưu chi phí vận hành và linh hoạt ứng dụng những công nghệ mới để đáp ứng được những yêu cầu mới của thị trường. Để đạt được mục tiêu này, agile và lean trong sản xuất (linh hoạt và tinh gọn trong sản xuất) trở thành hai nguyên lí nổi bật được ứng dụng trong thời đại số. Hãy cùng FPT Digital tìm hiểu về các nguyên lý và những hướng áp dụng phù hợp cho doanh nghiệp trong ngành sản xuất trong bài viết dưới đây.

1. Các nguyên lý của thời đại

1.1 Lean trong sản xuất (Lean Manufacturing)

Lean trong sản xuất hay sản xuất tinh gọn (lean manufacturing) là phương pháp quản trị vận hành sản xuất hiện đại xuất hiện từ những năm 1940 và được áp dụng rộng rãi trong hơn 70 năm qua. Nguyên lý cốt lõi của quản trị tinh gọn là cắt giảm những lãng phí không mang lại giá trị cho khách hàng. Bắt nguồn từ mô hình vận hành nhà máy Toyota, quản trị tinh gọn không chỉ dừng lại ở ngành sản xuất mà còn được áp dụng rộng rãi trong nhiều ngành và lĩnh vực khách nhau, trở thành một mô hình quản trị được ưa chuộng của thời đại số

1.2 Agile trong sản xuất (Agile Manufacturing)

Thuật ngữ “linh hoạt” (Agile) ra đời muộn hơn và bắt nguồn từ ngành phát triển phần mềm từ những năm 1990, gắn liền với mô hình phát triển một sản phẩm/ dịch vụ mới. Các mô hình linh hoạt đề cao sự phát triển liên tục để đưa một sản phẩm hoặc dịch vụ mới đến tay khách hàng nhanh và chính xác nhất. Trong thời đại số, mô hình linh hoạt nhanh chóng lan rộng và áp dụng rộng rãi trong các ngành viễn thông, ngân hàng, dầu khí…

1.3 Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4

Lean và agile trở thành hai nguyên lí nổi bật được ứng dụng rộng rãi trong ngành sản xuất, hướng tới mục tiêu giảm lãng phí và linh hoạt hơn trong quy trình sản xuất. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Công nghiệp 4.0) đang chuyển đổi dần hệ thống sản xuất truyền thống thành hệ thống sản xuất thông minh, đòi hỏi các công ty trong ngành sản xuất phải tối ưu chi phí vận hành và linh hoạt áp dụng công nghệ. Sự tích hợp của Công nghiệp 4.0 với lean và agile trong sản xuất sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Công nghiệp 4.0 cung cấp các công nghệ hỗ trợ cho quá trình áp dụng cả hai nguyên lý trong các nhà máy sản xuất và việc áp dụng cả hai nguyên lý này trong sản xuất cũng giúp việc triển khai nhà máy thông minh diễn ra hiệu quả và nhanh chóng hơn.

Đọc thêm bài viết: Xu hướng chuyển đổi số trong ngành sản xuất

1.4 Sự cộng hưởng của các nguyên lý

Chúng ta thường sai lầm khi nghĩ rằng agile và lean trong ngành sản xuất là hai phương pháp quản lí loại trừ lẫn nhau bởi chúng có những nguyên tắc và cách tiếp cận căn bản khác nhau. Lean thường được ứng dụng trong sản xuất cho những hoạt động thường xuyên, có thể lặp lại còn Agile lại được áp dụng cho những dự án đổi mới, những nhiệm vụ sáng tạo. Vậy nên các tổ chức thường chỉ chọn một trong hai phương pháp và tập trung áp dụng nó một cách hiệu quả.

Nhưng trên thực tế lean và agile đều dựa trên 04 nhóm mục tiêu cơ bản:

  • Mang lại nhiều giá trị nhất cho khách hàng
  • Tìm và triển khai những cách làm việc tốt hơn
  • Tìm cách kết nối giữa chiến lược, mục tiêu và những mục đích ý nghĩa nhất
  • Cho phép các thành viên trong dự án có thể đóng góp và phát huy tối đa khả năng của mình
Agile và lean trong sản xuất
Hình 1: 4 nhóm mục tiêu của Agile và Lean

Cả lean và agile đều tập trung phát triển các mô hình làm việc nhóm, cách làm việc và bộ công cụ sử dụng khác nhau nhưng đều dựa trên cùng một bộ mindset nên có thể bổ sung cho nhau. Một quy trình vận hành thường không thể đạt được đến độ xuất sắc nếu chỉ áp dụng một trong hai nguyên lí này mà phải là sự kết hợp khéo léo của cả hai.

2. Những hướng đi phù hợp áp dụng agile và lean trong ngành sản xuất

2.1 Liên tục xây dựng sản phẩm, tiếp cận thị trường – khách hàng

Trong thời đại số, doanh nghiệp có thể xây dựng sản phẩm, dịch vụ liên tục tiếp cận thị trường và khách hàng. Ứng dụng agile trong ngành sản xuất sẽ giúp đáp ứng yêu cầu của khách hàng nhanh hơn so với đối thủ cạnh tranh trong giai đoạn phát triển, thử nghiệm một sản phẩm/ dịch vụ mới ra thị trường.

Dự án UK’s 3-Day Car và EU’s 5-Day là những ví dụ cho việc liên tục xây dựng những sản phẩm/ dịch vụ mới để tiếp cận thị trường và tăng tính cạnh tranh. Hai dự án này nhằm mục đích tạo ra một quy trình sản xuất ô tô theo đơn đặt hàng mà mỗi chiếc xe sẽ được đặt hàng, sản xuất và giao cho khách hàng cụ thể chỉ trong vài ngày. Trên thực tế thì thời gian sản xuất một chiếc ô tô trung bình mất khoảng 1.5 ngày nên đây là một dự án hoàn toàn có thể đạt được và mang lại lợi thế cạnh tranh lớn cho công ty.

2.2 Ứng phó linh hoạt với những thay đổi

Ứng dụng agile trong sản xuất tạo thành tư duy luôn sẵn sàng cho sự đổi mới và thích nghi. Khách hàng có thể đóng góp những phản hồi giúp cải thiện quy trình giữa dòng và các hoạt động có thể được thay đổi để đáp ứng được nhu cầu mới. Việc chia nhỏ quy trình thành các Sprint giúp giảm thiểu rủi ro và linh hoạt ứng phó với các thay đổi hơn.

Ví dụ, Tesla được sinh ra với cách tiếp cận Agile. Sử dụng tầm nhìn của Ford với nền tảng về phát triển phần mềm, Elon Musk đã áp dụng Agile vào sản xuất xe điện. Với mô hình 3D và thiết kế tổng quát (generative design), công ty có khả năng thay đổi, thử nghiệm nhiều ý tưởng khác nhau trong quá trình sản xuất và sử dụng phản hồi của khách hàng để phát triển các tính năng mới ngay cả khi xe đã được phát hành.

Agile trong sản xuất
Hình 2: Nhà máy sản xuất ô tô Tesla

2.3 Sản xuất tinh gọn, giảm thiểu rác thải

Ứng dụng lean trong sản xuất để tìm và loại bỏ tất cả những bước gây lãng phí thời gian, năng lượng hoặc vật tư trong chuối sản xuất hoặc chuối giá trị. Mục tiêu là không sản xuất thừa mà chỉ sản xuất đúng số lượng sản phẩm theo đúng yêu cầu của khách hàng. Khi được áp dụng đúng cách, sản xuất tinh gọn sẽ giúp giảm thiểu rác thải và mang lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng.

2.4 Hướng tới sản xuất xanh, bền vững

Các công ty có kết hợp thực hành lean trong sản xuất cùng phương pháp phát triển bền vững (các hệ thống ISO quản lý môi trường và chất lượng) đang trở nên xanh hơn. Khi ứng dụng nguyên lí sản xuất tinh gọn (Lean Manufacturing), các công ty không chỉ thu được lợi nhuận cao hơn mà còn giảm thiểu lãng phí tài nguyên (nguyên liệu thô, điện, nước, khí đốt…), vận chuyển, qua đó giảm thiểu tác động của các hoạt động sản xuất lên môi trường. Bởi vậy mà thực hành sản xuất tinh gọn tại các nhà máy sẽ giúp hướng tới phát triển xanh và bền vững hơn.

Hình 3: Các nhà máy đang ngày càng hướng tới sản xuất xanh, bền vững

Để có thể tận dụng được tối đa cả hai nguyên lí linh hoạt (agile) và tinh gọn (lean) trong sản xuất, doanh nghiệp cần hiểu rõ về các nguyên lí và xây dựng chiến lược với những tính toán tỉ mỉ, phù hợp với nguồn lực nội tại.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) Combining lean and agile manufacturing competitive advantages through Industry 4.0 technologies: an integrative approach. Xavier Ferràs Hernández & Núria Agell Jané
(2) McKinsey & Company. 2020. Lean management or agile? The right answer may be both
(3) TWI. What is Agile Manufacturing?
(4) Redshift by Autodesk. 2021. Agile Manufacturing: Adapt and Compete With New Practices for Hardware Success
(5) Food Engineering. A lean and green approach to reduce waste, improve quality
(6) industry.com. Sustainable Manufacturing Through Lean Manufacturing

Nghiên cứu nổi bật
01. Xu hướng phát triển “Văn phòng xanh” 02. Chuyển đổi năng lượng xanh của doanh nghiệp tại Việt Nam 03. Nền kinh tế số lấy con người làm trọng tâm 04. Xu hướng chuyển đổi xanh và định hướng tiếp cận cho doanh nghiệp sản xuất nhựa (Kỳ 2)
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.


    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận