Doanh nghiệp sản xuất hướng đến xu thế phát triển bền vững
Internet of Thing

Doanh nghiệp sản xuất hướng đến xu thế phát triển bền vững

Yêu cầu về phát triển bền vững đang đặt ra các thách thức lớn đối với doanh nghiệp sản xuất. Vậy doanh nghiệp cần làm gì để phát triển sản xuất, đáp ứng xu thế phát triển bền vững và tăng năng lực cạnh tranh? Cùng FPT Digital tìm hiểu qua bài viết dưới đây

1. Những yếu tố bền vững đang ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất

1.1. Hội nghị COP26 và thách thức lớn cho doanh nghiệp sản xuất

Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã tái khẳng định cam kết cắt giảm lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững, hướng tới giảm 45% lượng khí thải CO2 toàn cầu vào năm 2030 và đạt mục tiêu Net-Zero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050. Điều này đặt ra các yêu cầu mới cho doanh nghiệp cần có một chiến lược và 1 lộ trình dài hạn để đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững.

Các thị trường lớn như Mỹ và EU đã bắt đầu thực thi các chính sách nhằm hạn chế phát thải trong sản xuất và đặt ra các yêu cầu ngày càng khắt khe đối với các doanh nghiệp sản xuất. Cụ thể là, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu EU sẽ bắt đầu đánh thuế các sản phẩm nhập khẩu vào EU trong các lĩnh vực có cường độ carbon cao, ví dụ: thép, xi măng, phân bón và điện, sẽ nằm trong cơ chế điều chỉnh CBAM, bắt đầu từ năm 2023.

Theo đạo luật cạnh tranh sạch, Mỹ dự kiến đánh thuế tuyệt đối với các nước không chứng minh được các cơ chế đo lường lượng phát thải carbon minh bạch. Các chính sách, cơ chế mới này tạo ra một làn sóng mới, thách thức cho các doanh nghiệp sản xuất buộc phải chuyển mình để giữ được lợi thế cạnh tranh và kiểm soát chi phí hiệu quả hơn.

Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước đặt ra mục tiêu đầy tham vọng cho việc giảm phát thải carbon, bao gồm cam kết phát thải ròng bằng 0 tại năm 2050. Theo đó, Bộ Công Thương đã đặt ra chiến lược thúc đẩy xanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng quốc gia sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường, ưu tiên các sản phẩm do doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất, cung ứng; thúc đẩy phát triển công nghiệp môi trường, công nghiệp tái chế chất thải.

phát triển bền vững
Hình 1: Hội nghị COP26 đặt ra yêu cầu mới cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất cần có một chiến lược và 1 lộ trình dài hạn để đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững.

1.2. Xu hướng mua sắm và tiêu dùng các sản phẩm có yếu tố bền vững

Người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm mang tính bền vững, phổ biến nhất ở giới thành đạt và giới trẻ, thường ở thành phố, khu đô thị lớn. Cụ thể là:

Người tiêu dùng hướng đến những giá trị bền vững, đem lại lợi ích cho sức khỏe, thiên nhiên, môi trường. Người tiêu dùng có thiện cảm và ủng hộ những thương hiệu có tinh thần trách nhiệm với biến đổi khí hậu, được thể hiện qua việc xanh hóa thông điệp và sản phẩm. Sản phẩm có tính chất bền vững, thân thiện với môi trường dần trở thành thước đo giá trị với khách hàng và người tiêu dùng, từ đó đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi, định hình lại lợi thế cạnh tranh trong tất cả các ngành nghề.

Người tiêu dùng nhận thức được sự cần thiết của các hành động giúp cải thiện khí hậu và họ cho thấy tinh thần sẵn sàng đóng góp xây dựng môi trường sống bền vững thông qua chi tiêu vào các sản phẩm được chứng nhận “xanh”, “không ảnh hưởng môi trường”.

Hình 2: Người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm có yếu tố xanh, bền vững

1.3. Các doanh nghiệp đang hướng tới quản trị ESG hiệu quả

ESG đề cập đến các tiêu chí về môi trường (E-Environmental), xã hội (S-Social) và quản trị doanh nghiệp (G-Governance) để đánh giá hành vi của công ty và là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp (DN) đến cộng đồng. DN có điểm số ESG càng cao tức là năng lực thực hành ESG càng tốt. Bloomberg Intelligence nhận định rằng tài sản ESG toàn cầu có thể đạt 50.000 tỷ USD vào năm 2025. Phần lớn sự tăng trưởng này diễn ra ở Mỹ với mức tăng 40% trong 2 năm qua.

Xu hướng tuân thủ ESG đặt ra cho các doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp sản xuất một chiến lược phát triển dài hơi và đồng bộ, xét trên tất cả các khía cạnh. Theo đó, các báo cáo ESG là yếu tố quan trọng đánh giá tổng thể bức tranh hoạt động của doanh nghiệp trong trung hạn và dài hạn. Các tổ chức, doanh nghiệp tiên phong đang hướng tới quản trị hiệu quả ESG nhằm tích hợp các giá trị, mục tiêu và chỉ số kinh doanh nhằm giảm thiểu rủi ro và nắm bắt những cơ hội liên quan để tăng trưởng kinh doanh và giảm chi phí.

2. Doanh nghiệp sản xuất cần làm gì trong xu thế phát triển bền vững

Doanh nghiệp sản xuất cân nhắc 04 hành động chiến lược để phát triển sản xuất, đáp ứng xu thế phát triển bền vững và tăng năng lực cạnh tranh.

Hình 3: 4 hành động chiển lược đáp ứng xu thế phát triển bền vững
  • Xây dựng tầm nhìn dài hạn về chuyển đổi mô hình hoạt động trong chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh bao gồm: sử dụng nguồn cung ứng bền vững (nguyên vật liệu tự nhiên, nhiên liệu, hóa chất không gây độc hại, ít phát thải môi trường), sản xuất đến phân phối, vận chuyển, tiêu thụ bền vững. Theo đó, đối với hoạt động sản xuất tập trung vào 04 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm: Thiết kế sản phẩm, sản xuất sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải carbon.
  • Trong lĩnh vực đầu tư: doanh nghiệp sản xuất ưu tiên vốn đầu tư vào lĩnh vực chế tạo sản xuất công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng điện, nước và sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học. Việc đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ, trang thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ: tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain,… sẽ mang lại hiệu quả đột phá cho các doanh nghiệp sản xuất.
  • Xây dựng hệ sinh thái kinh doanh bền vững: Các doanh nghiệp lớn cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý và tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu về môi trường và phát triển bền vững. Doanh nghiệp tiếp cận vòng đời sản phẩm (LCA) nhằm phân tích các tác động đối với môi trường, sức khỏe và hành vi tiêu dùng đối với các sản phẩm và dịch vụ với sự tham gia của tất cả các bên liên quan và trong tất cả các giai đoạn sản xuất và tiêu dùng. Đối với các doanh nghiệp nhỏ tham gia vào hệ sinh thái cần cam kết tuân thủ và cung cấp thông tin minh bạch về sản phẩm, môi trường, năng lượng, phát thải,… nhằm hướng tới mục tiêu chung cho toàn bộ hệ sinh thái.
  • Xây dựng mục tiêu quản trị ESG bền vững: Doanh nghiệp đưa các mục tiêu ESG vào chiến lược trọng tâm và phát triển dài hạn. Bên cạnh việc theo đuổi những mục tiêu tăng trưởng thuần túy về doanh thu và lợi nhuận, các doanh nghiệp đang phải giải quyết các vấn đề bền vững về môi trường, củng cố năng lực quản trị – vận hành và tạo ra những tác động tích cực đến con người và xã hội.
    • Về môi trường, doanh nghiệp đặt ra các mục tiêu về cải thiện thiết kế, sử dụng nguồn nguyên liệu thân thiện môi trường, tăng khả năng tái chế sản phẩm, tiết kiệm năng lượng sử dụng các nguồn năng lượng thay thế, giảm phát thải, đầu tư công nghệ xử lý chất thải
    • Về xã hội, doanh nghiệp hướng tới thiết lập và duy trì niềm tin trong cộng đồng về sản phẩm, tăng đầu tư vào các giải pháp giúp cải thiện sức khỏe. Ngoài ra, các chính sách về bình đẳng giới, tạo cơ hội và đào tạo cho các nhân sự cũng cần được quan tâm trong chiến lược dài hạn của doanh nghiệp
    • Về quản trị, trước hết doanh nghiệp cần cam kết thúc đẩy sự minh bạch trong báo cáo để thu hút các nhà đầu tư và cung cấp thông tin cho cộng đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng các tiêu chuẩn, quy trình trong quản trị và giám sát nội bộ nằm hướng tới các mục tiêu của ESG.

3. Một số bài học thành công trên thế giới

Adidas và mục tiêu phát triển bền vững với 9/10 sản phẩm sử dụng chất liệu bền vững trong tổng số 1 tỷ sản phẩm mỗi năm. Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, Adidas cho phép khách hàng trả lại giày cũ để tái chế thành những thiết kế mới. Bằng cách kết nối dữ liệu trong toàn bộ chuỗi cung ứng, Adidas theo dõi và đo lường tác động môi trường của sản phẩm, đồng thời đặt ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về năng lượng và cam kết bền vững cho tất cả các đối tác.

Samsung Electronics có kế hoạch phát triển các công nghệ mới để giảm đáng kể khí xử lý “Process Gas”, một sản phẩm phụ của quá trình sản xuất chất bán dẫn và và lắp đặt các cơ sở xử lý trên dây chuyền sản xuất chất bán dẫn của mình vào năm 2030. Ngoài ra, Samsung Electronics sẽ tiếp tục mở rộng các cơ sở sử dụng nhiệt thải và xem xét đưa vào sử dụng các nguồn nhiệt điện để giảm LNG trong quá trình sử dụng nồi hơi.

Theo đó, Samsung Electronics đã và đang mở rộng việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như nhiệt mặt trời và địa nhiệt trong các cơ sở của mình – cung cấp 100% điện tái tạo cho tất cả các cơ sở của mình ở Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc vào năm ngoái; đồng thời kết hợp sử dụng nước tái chế và chất thải.

Hình 4: Samsung Electronics

Nhà máy L’Oréal’s Burgos xây dựng hình ảnh doanh nghiệp tiên phong toàn cầu về tính bền vững khi đưa vào sử dụng một nhà máy phát điện sinh khối cho phép tất cả năng lượng tiêu thụ có thể tái tạo 100%. L’Oréal trở thành nhà máy “Waterloop” đầu tiên trên thế giới chỉ sử dụng nước làm nguyên liệu thô và cho nhu cầu tiêu dùng của con người, với một hệ thống khép kín lấy và tái chế nước từ giai đoạn sản xuất, tiết kiệm 28.000 m3 nước mỗi năm.

Nhà máy đã thực hiện dự án ‘Burgos Green Lines‘ giảm được 20% lượng khí thải carbon liên quan đến giao thông vận tải cho đến năm 2020 bằng cách tránh vận chuyển bằng máy bay và xe tải thông thường. Kết quả là nó đã . Ngoài ra, nhà máy L’Oreal đã thông qua một quy trình sinh thái tái sử dụng năng lượng mặt trời để làm khô bùn, một trong những chất thải chính do nhà máy tạo ra, từ đó giảm số lượng vận chuyển cần thiết trong quá trình xử lý và lượng khí thải CO2 liên quan.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) Samsung newsroom. 2022. Samsung Electronics Announces New Environmental Strategy
(2) Samsung newsroom. 2014. How Samsung Works for a Better, More Sustainable Future for All Through Innovation

Nghiên cứu nổi bật
01. Quản lý kho hàng FMCG thông minh với RFID trong thời đại mới 02. Tối ưu quản lý chuỗi cung ứng ngành bán lẻ 03. Khai thác tiềm năng vô tận của dữ liệu đối với ngành bán lẻ 04. Chuyển đổi số trong ngành bán lẻ | Bức tranh từ tổng quan đến chi tiết
FPT Digital
FPT Digital tổng hợp
FPT Digital là công ty tư vấn trực thuộc tập đoàn FPT, với hơn 30 năm kinh nghiệm tư vấn chuyển đổi số, đồng thời tiên phong trong lĩnh vực ESG và phát triển bền vững, chuyển đổi xanh và giảm phát thải.
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.


    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận