Vai trò của thanh toán điện tử trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam - FPT Digital
Vai trò của thanh toán điện tử trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Digital Strategy

Vai trò của thanh toán điện tử trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán điện tử đã được cải thiện với tốc độ tăng trưởng nhanh như độ phủ các máy POS đã có mặt hầu hết tại các điểm kinh doanh. Đây là những yếu tố thuận lợi giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi sang nền kinh tế hạn chế dùng tiền mặt.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2021 giao dịch không dùng tiền mặt đã tăng cả về số lượng và giá trị, cụ thể số lượng tăng 30% và giá trị giao dịch tăng 18%. Hiện tại, Việt Nam có hơn 150 công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), chủ yếu là mảng thanh toán điện tử chiếm hơn 40%.

Việt Nam là thị trường tiềm năng do có mức độ phủ sóng internet cao trong khi chi phí sử dụng internet thấp, đồng thời tỷ lệ người dân sử dụng các thiết bị thông minh tăng nhanh chóng. Các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại đều cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng bằng nhiều hình thức: thẻ thanh toán, ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, thanh toán qua tài khoản điện thoại di động,…

Thanh toán tiền mặt đang dần được thay thế 

Hình thức thanh toán tiền mặt đang ít được ưa chuộng hơn và đang giảm dần đa số các quốc gia trên thế giới. Thay vào đó, thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu, đồng thời là động lực trong quá trình phát triển kinh tế thương mại toàn cầu.

Trên thực tế, các nền kinh tế sử dụng tiền mặt có xu hướng tăng trưởng chậm lại và bỏ lỡ các cơ hội đáng kể trong quá trình thương mại hóa toàn cầu. Ngược lại, các nền kinh tế chủ động chuyển dịch sang thanh toán điện tử đạt được nhiều thành công hơn và tận dụng được nhiều lợi thế hơn như giúp đơn giản hóa quy trình thanh toán và quản lý tiền tệ vĩ mô. 

Trong số các nền kinh tế phát triển, Thụy Điển và Hàn Quốc là những nước dẫn đầu trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế không dùng tiền mặt. Theo thống kê năm 2019 từ Statista, các giao dịch tiền mặt ở Thụy Điển chỉ chiếm khoảng 12.8% (1), và của Hàn Quốc là 17.4% (2) tính trên tổng giá trị các khoản thanh toán.

Kết quả của nền kinh tế không dùng tiền mặt là thương mại tăng trưởng, và gian lận giảm mạnh. Đối với các nền kinh tế đang phát triển, thanh toán kỹ thuật số là công cụ hiệu quả giúp đơn giản hóa việc tài trợ cho các đối tượng kinh tế quan trọng, ví dụ như người nông dân và các hộ kinh doanh cá thể.

Tại Bangladesh, ứng dụng BKash cho phép chuyển tiền qua điện thoại di động đã thúc đẩy tăng trưởng của khối SME. Ứng dụng MyAgro được áp dụng rộng rãi tại các nước Senegal, Mali, Tanzania giúp đỡ người nông dân tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn và tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp hiệu quả.

Lợi ích mang lại của thanh toán điện tử

Sự phát triển của thương mại điện tử có thể thúc đẩy sử dụng thanh toán điện tử và ngược lại, thanh toán điện tử lại đem đến lợi ích cho các doanh nghiệp thương mại điện tử, giúp thúc đẩy doanh số bán hàng.

Hệ thống thanh toán điện tử cho phép tạo ra cơ sở dữ liệu tài chính về các doanh nghiệp, khách hàng, người dân, từ đó các tổ chức tài chính hoặc tổ chức phi tài chính có thể sử dụng thông tin để xây dựng điểm tín dụng để phê duyệt các khoản vay. Các tổ chức tài chính cũng có thể sử dụng dữ liệu này để cung cấp các dịch vụ quản lý tài sản tư nhân và bảo hiểm.

Đối với doanh nghiệp, thanh toán điện tử giúp tiết kiệm thời gian và chi phí quản lý các giao dịch tiền mặt như chi phí nhân viên, chi phí giám sát, bảo vệ tiền mặt,… Đối với chính phủ, hệ thống thanh toán điện tử có thể hỗ trợ chính phủ thiết kế và thực thi các chính sách tiền tệ phù hợp và hiệu quả. Thanh toán điện tử giúp giảm tham nhũng và tăng hiệu quả thu thuế thông qua việc theo dõi minh bạch tất cả các giao dịch tài chính.

Có thể bạn quan tâm: Chuyển đổi số ngân hàng việt nam – Bức tranh từ tổng quan đến chi tiết

Các nước trên thế giới đang làm gì để thúc đẩy nền kinh tế không dùng tiền mặt?

Vào tháng 9 năm 2016, các nguyên thủ quốc gia và chính phủ G20 đã thông qua Nguyên tắc cấp cao về tài chính kỹ thuật số (HLP), qua đó công nhận năng lực thanh toán kỹ thuật số trong việc giúp mọi người tiếp cận với các dịch vụ tài chính. Các quốc gia thuộc nhóm G20 cam kết đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện chính sách về tài chính kỹ thuật số nói chung, và thanh toán kỹ thuật số nói riêng để đạt được tiến bộ nhanh hơn, cụ thể:

  • Tại Singapore, thanh toán không dùng tiền mặt đã có một bước tiến lớn vào năm 2017 với sự ra đời của PayNow, một nền tảng thanh toán thời gian thực quốc gia.
  • Thụy Điển đã triển khai hàng loạt các chính sách khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, đề ra giảm số lượng ATM trên toàn quốc thông qua việc thúc đẩy e-KYC và thanh toán theo thời gian thực. Việc giảm thanh toán bằng tiền mặt tác động tích cực gia tăng số thuế thu được của nhà nước, ví dụ khoản thu thuế giá trị gia tăng tăng gần 30% trong vòng 5 năm (5).
  • Ngân hàng Dự trữ Úc đã ban hành các chính sách giúp giảm chi phí thanh toán kỹ thuật số, ví dụ: giới hạn phí chuyển tiền và đặt trần phụ phí thẻ cho các doanh nghiệp nhỏ. Các hành động này tác động làm giảm đáng kể chi phí thanh toán của người bán, ước tính khoảng 11 tỷ đô la Mỹ và tăng tốc độ tăng trưởng các giao dịch thẻ khoảng 8%/ năm (5).
  • Nhiều sáng kiến đang được thực hiện ở Châu Phi. Ghana, Tanzania, Mali với mục đích cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính của người nông dân. Rwanda và Kenya đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế không dùng tiền mặt vào năm 2024.
Hình thức thanh toán điện tử Pay Now tại Singapore
Hình 1: Hình thức thanh toán Pay Now tại Singapore

Thực trạng thanh toán điện tử ở Việt Nam

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, thói quen mua sắm và thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi đáng kể khi người dân mong muốn có những trải nghiệm mua sắm an toàn, tiện lợi hơn, tránh các rủi ro trong giao dịch và mất mát tài sản. Theo thống kê của Visa năm 2020 (4), người Việt Nam dành trung bình 3,1 giờ mỗi ngày để dùng các ứng dụng trực tuyến, nhưng trong thời gian xa cách xã hội, con số đó đã tăng vọt lên 4,2 giờ một ngày vào lúc cao điểm.

Điều này củng cố số liệu thống kê từ nghiên cứu của Visa cho thấy 85% người tiêu dùng đang sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử trên điện thoại thông minh của họ để thanh toán hàng hóa và dịch vụ ít nhất một lần một tuần và 44% đã bắt đầu mua sắm qua các kênh truyền thông xã hội lần đầu tiên kể từ đó sự khởi đầu của đại dịch.

Với nhu cầu thương mại điện tử đang bùng nổ, xu hướng thanh toán điện tử cũng phát triển theo và nhiều công ty chấp nhận hình thức kỹ thuật số hơn. Sự sẵn sàng chuyển đổi là bằng chứng cho thấy nỗ lực đầu tư vào công nghệ mới đã được người tiêu dùng đánh giá cao như thế nào và họ tin tưởng vào sự tiện lợi và bảo mật mà thanh toán không dùng tiền mặt mang lại.

4 hình thức thanh toán điện tử phổ biến tại Việt Nam

4 hình thức thanh toán điện tử phổ biến tại Việt Nam
Hình 2: 4 hình thức thanh toán điện tử phổ biến tại Việt Nam
1. Thanh toán điện tử bằng thẻ ngân hàng

Đây là hình thức thanh toán điện tử đầu tiên và đặc trưng nhất trong thị trường thanh toán điện tử. Tỷ lệ thanh toán bằng hình thức này hiện nay chiếm 90% trong tổng tỷ lệ thanh toán điện tử.

2. Thanh toán qua cổng thanh toán

Hình thức thanh toán này phần lớn thường xuất hiện ở các trang thương mại điện tử. Người tiêu dùng chọn hình thức phù hợp và thao tác theo các bước hướng dẫn để hoàn thành giao dịch.

3. Thanh toán bằng ví điện tử

Theo thống kê, 85% người tiêu dùng Việt Nam sở hữu ít nhất một ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán, trong đó hơn 42% người tiêu dùng sử dụng thanh toán thông qua thiết bị di động. Hầu hết các ví điện tử đều liên kết với tài khoản ngân hàng, các ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng hệ sinh thái khách hàng và gia tăng trải nghiệm người dùng.

4. Thanh toán bằng di động

Ngày 9/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 316/QĐ-TTg về phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông (Mobile) để thanh toán cho hàng hóa dịch vụ. Hình thức Mobile Money hướng tới đối tượng khách hàng là người dân vùng sâu, vùng xa chưa có tài khoản ngân hàng hoặc hạ tầng internet phát triển. Mobile Money cung cấp dịch vụ thanh toán cho khách hàng thông qua tài khoản liên kết với số điện thoại của người dùng và được quản lý bởi công ty cung cấp dịch vụ viễn thông là Tập đoàn Viettel.

Phân tích một số rào cản chính

Một số rào cản chính mà Việt Nam phải đối mặt khi chuyển sang thanh toán điện tử bao gồm:

  • Thói quen dùng tiền mặt và mức độ trưởng thành trong việc ứng dụng công nghệ cao của người tiêu dùng Việt Nam còn thấp, có sự phân hóa rõ rệt theo lứa tuổi và khu vực địa lý thành thị và nông thôn.
  • Tỷ lệ thâm nhập chi nhánh ngân hàng thấp với 3,4 chi nhánh ngân hàng trên 100.000 dân (6), thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế đồng cấp, do đó việc phân phối lợi ích dựa trên chi nhánh ngân hàng truyền thống là không khả thi ở các vùng nông thôn. Điều này cũng đồng thời hạn chế việc phổ cập tài khoản ngân hàng rộng rãi đến người dân.
  • Tỷ lệ thanh toán phúc lợi của chính phủ thông qua các phương thức không dùng tiền mặt còn thấp so với các nước đồng cấp, khó có thể mang lại sự thay đổi trong hành vi của người dân để khuyến khích việc chấp nhận các phương thức thanh toán điện tử.
  • Tỷ lệ định danh khách hàng (KYC) chưa được thực hiện rộng rãi do thiếu bằng chứng được tiêu chuẩn hóa cho việc kiểm tra, nhận dạng trước khi khách hàng mở tài khoản. Vấn đề này hiện nay là một trong những quan tâm hàng đầu của các ngân hàng và tổ chức tài chính hiện nay.
  • Thiếu số hóa và liên kết thông tin hỗ trợ đánh giá điều kiện để xác định các khoản chi trả (chi trả trợ cấp, chi trả thanh toán,…). Điều này dẫn đến các khó khăn trong việc giải ngân các khoản vay, do đó ảnh hưởng đến việc sử dụng thanh toán điện tử như một hình thức để nhận và quản lý các khoản vay. Đồng thời, các quy định về quy trình tín dụng còn cứng nhắc, chưa tạo ra các quy định ngoại lệ để hỗ trợ những người có nhu cầu đặc biệt như người nông dân, người nghèo, người già, tàn tật, và phụ nữ. Mặc dù có các chính sách hỗ trợ, nhưng việc triển khai còn gặp nhiều vướng mắc do tính xác thực thông tin và đánh giá tín dụng của đối tượng được thụ hưởng.

Một số khuyến nghị cho chính phủ và các cơ quản quản lý để thúc đẩy phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam

Thiết lập các biện pháp khuyến khích phù hợp

Các biện pháp khuyến khích thông qua việc giảm chi phí thanh toán kỹ thuật số, áp dụng phí xử lý tiền mặt hoặc quy định về ngưỡng thanh toán tiền mặt trong một số trường hợp cố định.

Hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại của Việt Nam miễn phí việc chuyển tiền thông qua ứng dụng di động hoặc một số quy định pháp lý yêu cầu thanh toán hóa đơn trên 20 triệu bằng hình thức chuyển khoản. Các công ty cung cấp ứng dụng trung gian thanh toán như Momo, Airpay, Alipay, ZaloPay,… tham gia vào cuộc chiến để thu hút người dùng vào ví điện tử của họ bằng việc miễn phí chuyển khoản, cung cấp các ưu đãi bao gồm hoàn tiền mặt, các voucher miễn phí, các hình thức quay thưởng tiền mặt.

Khuyến khích cạnh tranh và đảm bảo một sân chơi bình đẳng

Cạnh tranh thúc đẩy tối ưu giá, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng và khuyến khích đổi mới, giúp bù đắp chi phí cao của thanh toán điện tử.

Các chính phủ có thể tìm cách hỗ trợ tích cực cho sự đổi mới. Ví dụ, Chính phủ Anh giảm thuế nghiên cứu và phát triển và đã đưa ra một số sáng kiến liên quan đến ưu đãi thuế dành cho các nhà đầu tư vào các công ty khởi nghiệp. Đồng thời, chính phủ Anh đầu tư mạng vào cơ sở hạ tầng trung tâm thanh toán, đơn giản hóa hành lang pháp lý, tạo cơ chế cho các công ty tài chính công nghệ cao Fintech được kết nối vào hệ thống thanh toán.

Một số quốc gia khuyến khích cạnh tranh bằng cách khuyến khích hoặc cho phép tạo ra các đường ray thanh toán thuộc sở hữu tư nhân. Điều này đã xảy ra từ lâu ở Mỹ, nơi The Clearing House vận hành một số hệ thống thanh toán thuộc sở hữu tư nhân tích hợp với hệ thống thanh toán thuộc sở hữu liên bang.

Cung cấp cơ sở hạ tầng hỗ trợ

Cơ sở hạ tầng là yếu tố chính của mô hình thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm hạ tầng internet, di động, công nghệ thanh toán, bảo mật và mạng lưới điện. Các chính phủ có thể song song đầu tư công như xây dựng, hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia (Thanh toán điện tử liên ngân hàng; Thanh toán bù trừ điện tử; chuyển mạch thẻ) và khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân cùng đầu tư.

Hiện tại, một số quốc gia đã chuyển giao trách nhiệm về cơ sở hạ tầng thanh toán từ các ngân hàng trung ương cho các công ty tư nhân hoặc tập đoàn ngân hàng. Ví dụ: Dịch vụ thanh toán nhanh tại Anh, một sáng kiến nhằm giảm thời gian thanh toán giữa các tài khoản ngân hàng, được điều hành bởi Vocalink thuộc sở hữu tư nhân.

Vào năm 2018, một nhóm các tổ chức tài chính Úc và Ngân hàng Dự trữ Úc đã ra mắt Nền tảng thanh toán mới, dựa trên các định dạng nhắn tin ISO 20022 và cho phép người tiêu dùng, doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ thực hiện thanh toán theo thời gian thực giữa các tài khoản.

Nghiên cứu các công nghệ, phương thức thanh toán mới

Ví dụ thanh toán qua mã phản hồi nhanh (QR code), thanh toán an toàn, nhanh chóng nhờ mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán di động (Mobile payment), thanh toán phi tiếp xúc (NFC),…

Hợp lý hóa và thực thi các quy định

Chính phủ cần có mục tiêu và chương trình hành động rõ ràng để củng cố niềm tin vào thanh toán điện tử. Các sáng kiến như cơ chế giải quyết tranh chấp, thủ tục cấp phép và biểu phí cạnh tranh là các yếu tố được kỳ vọng tạo ra hiệu quả cao trong việc thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp không dùng tiền mặt.

Hợp tác với khu vực tư nhân

Các nhà hoạch định chính sách nên tìm cách hợp tác với các bên liên quan để thúc đẩy đổi mới. Đã có nhiều người trên khắp thế giới đang làm như vậy. Các cơ quan nhà nước Thái Lan đã cùng với khu vực tư nhân khởi động Kế hoạch tổng thể về thanh toán điện tử quốc gia. Sáng kiến PromptPay của kế hoạch cho phép chuyển tiền liên ngân hàng bằng điện thoại di động và đã giúp hơn 2 triệu người bán đăng ký thanh toán bằng mã QR.

Tại Châu Âu, Quỹ tín dụng Ba Lan không dùng tiền mặt cung cấp cho các doanh nghiệp bán lẻ quy mô vừa và nhỏ các thiết bị đầu cuối tại điểm bán hàng và trợ cấp cho họ để thực hiện các khoản thanh toán bằng thẻ có giá trị thấp, nếu không thì có thể không hiệu quả về chi phí. Ngân hàng Sberbank của Nga, với 55% thị phần, đã tuyển dụng 10.000 người gặp gỡ và chào hỏi tại các chi nhánh ngân hàng để cung cấp thông tin và khuyến khích việc áp dụng.

Chính phủ Việt Nam thể hiện sự quan tâm, đặt ra các mục tiêu rõ ràng để thúc đẩy nền kinh tế, dưới sự hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt. Ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu tổng quát của Đề án là nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện TTKDTM trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị; từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) Statista. 2020 Cash use in Sweden
(2) Statista. 2020 South Korea Share of cash in total transaction
(3) IFC & MasterCard. 2018 Digital Financial Service for Agriculture Handbook
(4) Visa. 2021 Survey spots momentum for cashless payments
(5) BCG. 2019 Cashless payments help economies grow
(6) World Bank. 2019 Digital Payment – A Dream Or Reality For Vietnamese In Rural And Remote Areas

Nghiên cứu nổi bật
01. Xu hướng chuyển đổi số trong ngành giáo dục 02. Chuyển đổi kép trong sản xuất nông nghiệp: xu thế và những lợi ích mang lại 03. Ứng dụng công nghệ số trong cuộc cách mạng xanh hoá ngành thép 04. PropTech là gì? Xu hướng ứng dụng PropTech trong ngành bất động sản tại Việt Nam
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận