Ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc ứng dụng công nghệ số và xu hướng xanh không chỉ mở ra cơ hội lớn mà còn đặt ra những thách thức đòi hỏi sự thích nghi và đổi mới từ các doanh nghiệp. Bài viết này sẽ phân tích sâu hơn về cơ hội, thách thức, giải pháp và những điều mà doanh nghiệp cần chuẩn bị để tận dụng tối đa tiềm năng của ngành trong tương lai.
1. Bối cảnh và thực trạng ngành dệt may hiện nay
Năm 2023 được coi là năm khó khăn chưa từng có với ngành dệt may Việt Nam do các ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và lạm phát toàn cầu, cũng như những áp lực về sản xuất và cơ chế chính sách. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm hơn 9% so với năm 2022(1).
Năm 2024, ngành dệt may đã có tín hiệu khởi sắc nhờ các yếu tố chu kỳ tăng cầu dệt may vào cuối năm và sự hồi phục từ các thị trường chủ lực, với số liệu xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2024 ước đạt 28,32 tỷ USD, tăng 6.1% so với cùng kỳ năm 2023(2). Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc và Trung Quốc.
Trong đó, Mỹ là thị trường lớn nhất, chiếm 37,2% tổng giá trị xuất khẩu. Đứng thứ hai là thị trường Nhật Bản với tỷ lệ 9,9%. Tiếp theo là EU với 9,7% và Hàn Quốc chiếm 8,7%. Trung Quốc cũng là một thị trường quan trọng, với tỷ lệ 6,7% tổng giá trị xuất khẩu. Phần còn lại thuộc về các thị trường khác, chiếm 27,8%(3).
Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu sản phẩm dệt may nằm trong Top3 Thế giới cùng với Bangladesh và Trung Quốc(4). Vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng quan trọng nhờ vào lợi thế về lao động, môi trường chính trị ổn định và việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA).
2. Các cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam chuyển mình đón nhận các cơ hội mới
2.1. Khủng hoảng tại Bangladesh mở ra các cơ hội mới
Bangladesh, từng là quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ hai thế giới, đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Đặc biệt sau sự cố xung đột chính trị vào tháng 8/2024, Bangladesh đã phải đóng cửa tất cả các nhà máy thành viên trong 03 ngày. Các hệ lụy kèm theo đến tự sự mất an toàn lao động đã khiến số lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp may mặc tại Bangladesh đã sụt giảm 25 – 40%(5). Điều này đã khiến nhiều thương hiệu thời trang lớn xem xét lại chuỗi cung ứng của họ để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.
Việt Nam đã và đang tận dụng cơ hội này một cách hiệu quả. Nhiều thương hiệu quốc tế như H&M, Zara và Nike đã chuyển hướng đơn đặt hàng sang Việt Nam, giúp tăng kim ngạch xuất khẩu và nâng cao uy tín của ngành dệt may Việt Nam trên thị trường quốc tế. Việc này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp Việt Nam khẳng định vị thế là một đối tác tin cậy trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
2.2. Công nghệ số và AI thay đổi cuộc chơi
Công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) đang cách mạng hóa các ngành nghề nói chung và ngành dệt may trên toàn thế giới không phải là ngoại lệ. Việc áp dụng AI và Big Data giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng, quản lý tồn kho hiệu quả và dự báo nhu cầu thị trường một cách chính xác hơn.
Một số nghiên cứu cho thấy, việc ứng dụng các công nghệ mới có thể giúp tăng hiệu suất sản xuất dệt may lên đến 30-50% nhờ tối ưu quy trình bằng máy móc hiện đại, đặc biệt trong các công đoạn cắt vải. Chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao, giảm tỷ lệ lỗi sản phẩm từ 20-30%. Điều này giúp các doanh nghiệp dệt may tối ưu chi phí và cải thiện khả năng cạnh tranh(6).
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp dệt may đã bắt đầu tiếp cận và có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ cho việc ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất, ví dụ như công ty May 10 đã đầu tư vào hệ thống máy may tự động và đạt được những kết quả ấn tượng về hiệu quả sản xuất trong năm 2023. Vinatex cũng là công ty đã thành công trong việc áp dụng hệ thống quản lý sản xuất thông minh để cải thiện hiệu quả và giảm chi phí.
2.3. Các hiệp định thương mại tự do và xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng
Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP và EVFTA đã mở ra nhiều cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam. Nhờ EVFTA, thuế nhập khẩu hàng dệt may vào EU đã giảm xuống 0% cho nhiều mặt hàng và dự kiến gián tiếp giúp tăng tỉ trọng xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam sang EU lên 42,7% vào năm 2025. Trong đó các doanh nghiệp may mặc vốn chiếm tỉ trọng xuất khẩu lớn vào thị trường này cũng được hưởng lợi(7).
Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã thúc đẩy sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Các công ty đa quốc gia đã tìm đến Việt Nam như một điểm đến thay thế với hơn 1.800 dự án FDI mới trong năm 2023, nhiều dự án liên quan đến ngành dệt may. Điều này đã giúp Việt Nam không chỉ thu hút thêm đầu tư mà còn tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng vị thế quốc tế.
3. Các thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam
Bên cạnh các cơ hội đã được ghi nhận, ngành dệt may cũng đối mặt với nhiều thách thức trong giai đoạn sắp tới, cụ thể:
3.1. Yêu cầu cao về môi trường xanh và bền vững
Các thị trường phát triển như EU và Hoa Kỳ ngày càng đặt ra yêu cầu cao về tiêu chuẩn môi trường và xã hội. EU đã áp dụng chiến lược “Kinh tế tuần hoàn” và yêu cầu sản phẩm phải thân thiện với môi trường, từ nguyên liệu đến quy trình sản xuất và đóng gói. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư lớn vào công nghệ sạch và quy trình sản xuất bền vững.
Chi phí đầu tư cao và thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ cao cũng là những thách thức không nhỏ. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ mới và đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ khách hàng quốc tế. Nếu không nhanh chóng thích nghi, doanh nghiệp có thể bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.
3.2. Thiếu hụt lao động chất lượng cao
Mặc dù có lợi thế về lao động giá rẻ, nhưng chất lượng và kỹ năng của lao động Việt Nam còn hạn chế. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chỉ khoảng 25% lao động trong ngành dệt may có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao vào năm 2023. Việc thiếu hụt lao động chất lượng cao ảnh hưởng đến khả năng áp dụng công nghệ mới và nâng cao chất lượng sản phẩm, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
3.3. Cạnh tranh từ các quốc gia khác
Một khó khăn khác của ngành dệt may Việt Nam là vấn đề thuế phí khi xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Sự chậm trễ trong áp dụng chuyển đổi xanh dẫn tới Việt Nam đang kém lợi thế hơn một số quốc gia mà điển hình là Bangladesh – một minh chứng cho việc đón đầu xu hướng phát triển bền vững mà Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh lại nếu không có bối cảnh xung đột tại quốc gia này. Và đây cũng là một vấn đề dài hạn mà Việt Nam phải tìm hướng xử lý. Cụ thể:(1)
- Mức thuế vào thị trường Châu Âu của Bangladesh bằng 0, trong khi mức thuế đối với doanh nghiệp Việt Nam là từ 5 – 20%.
- Đồng tiền Việt Nam đắt hơn 20% so với các quốc gia cạnh tranh, trong đó có Bangladesh.
Bên cạnh đó, Các nước như Campuchia, Myanmar và Ethiopia đang nổi lên như những đối thủ cạnh tranh mới trong ngành dệt may nhờ chi phí lao động thấp và chính sách ưu đãi đầu tư. Họ cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và nhận được hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, tạo ra áp lực lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam trong việc duy trì và nâng cao thị phần.
4. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần làm gì để ứng phó với các thách thức và đón nhận các cơ hội mới
Để phát triển bền vững và tận dụng tối đa các cơ hội trong ngành dệt may, doanh nghiệp cần có một chiến lược tổng thể, tập trung vào các giải pháp công nghệ số, bền vững, và hợp tác quốc tế. Sau đây là bốn nhóm giải pháp chính:
4.1. Công nghệ số và tự động hóa: Tối ưu hóa hiệu suất và giảm chi phí
Việc áp dụng công nghệ số và tự động hóa là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tăng năng suất và giảm chi phí trong quá trình sản xuất. Các hệ thống quản lý thông minh như ERP và CRM không chỉ giúp doanh nghiệp giám sát quy trình sản xuất một cách toàn diện mà còn tối ưu hóa chuỗi cung ứng, từ đó giảm thiểu sai sót và nâng cao hiệu quả.
Các công nghệ tự động hóa như robot và AI trong các công đoạn cắt, may, đóng gói có thể giảm đáng kể chi phí lao động và tăng năng suất, điều này cực kỳ quan trọng đối với doanh nghiệp OEM trong ngành dệt may.
4.2. Sản xuất bền vững và trách nhiệm xã hội: Xây dựng lợi thế cạnh tranh dài hạn
Các doanh nghiệp cần định hướng rõ ràng về chiến lược phát triển bền vững, không chỉ tập trung vào lợi nhuận mà còn chú trọng đến yếu tố môi trường và trách nhiệm xã hội. Việc sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường như sợi hữu cơ và sợi tái chế, kết hợp với công nghệ sản xuất sạch như nhuộm ít nước hoặc không nước, sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.
Định hướng đầu tư và đạt được các chứng nhận quốc tế về môi trường như OEKO-TEX, Bluesign hoặc ISO 14001 cũng là những chiến lược không chỉ giúp khẳng định cam kết của doanh nghiệp về bảo vệ môi trường mà còn nâng cao uy tín, mở ra nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế.
4.3. Đầu tư vào công nghệ và phát triển nguồn nhân lực: Tăng cường năng lực cạnh tranh
Để tận dụng hiệu quả các công nghệ mới, doanh nghiệp cần đầu tư vào đào tạo và nâng cao kỹ năng của người lao động. Nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng vận hành các hệ thống công nghệ số và tự động hóa, là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, chính phủ và các tổ chức nghề nghiệp cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng, giúp họ tiếp cận nhanh chóng các tiêu chuẩn và công nghệ quốc tế.
4.4. Hợp tác và đa dạng hóa thị trường: Mở rộng cơ hội và giảm thiểu rủi ro
Doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ. Việc tham gia các hiệp hội ngành nghề, liên minh kinh doanh và các dự án hợp tác quốc tế giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng mạng lưới quan hệ. Đồng thời, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, mở rộng sang các khu vực mới như Đông Âu, Mỹ Latinh, và Châu Phi, để giảm thiểu rủi ro khi phụ thuộc vào một vài thị trường lớn.
Bên cạnh đó, phát triển các dòng sản phẩm giá trị gia tăng cao như thời trang cao cấp hoặc sản phẩm chức năng sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng và nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới. Việc ứng dụng công nghệ số và xu hướng xanh không chỉ là yêu cầu mà còn là chiến lược quan trọng để phát triển bền vững. Doanh nghiệp cần chủ động thay đổi, đầu tư và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự hỗ trợ từ phía chính phủ, các tổ chức nghề nghiệp và cộng đồng quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngành dệt may Việt Nam tiến lên một tầm cao mới.
Reference:
- VIRAC – Thống kê số liệu ngành dệt may Việt Nam 2023
- Hiệp hội dệt may Việt Nam – Bản tin tháng 08/2024
- Ngành dệt may kỳ vọng khởi sắc 2024. 2023. Vietnambiz.
- Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. 2024. Tạp chí Thương hiệu và Công luận
- Quốc gia được coi là “thủ phủ may mặc” thế giới có biến, cổ phiếu dệt may Việt Nam tranh thủ bứt phá ngoạn mục. 2024. CafeF
- Đổi mới công nghệ và tự động hóa ngành dệt may, khám phá cách tập đoàn dệt may Vinatex chuyển đổi số thành công. 2024. SmartBiz
- Kinh tế Việt Nam khi gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. 2023. Bộ công thương, Viện nghiên cứu chiến lược & chính sách công thương