Xây dựng nguồn nhân lực thông qua quá trình đào tạo, huấn luyện và cố vấn sẽ là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công quá trình Chuyển đổi số doanh nghiệp.
Yếu tố chính giúp năng suất lao động được cải thiện là tích lũy kinh nghiệm qua những công việc thực hiện hàng ngày, theo những quy trình ổn định. Nhưng khi chuyển đổi số, môi trường làm việc sẽ có nhiều thay đổi. Ứng dụng công nghệ giúp các dữ liệu, các quy trình được số hóa và vận hành theo cách đổi mới, tạo ra môi trường làm việc mới thay thế dần môi trường trước đó nên đòi hỏi người lao động cần có những kiến thức và kỹ năng mới. Nói cách khác, chuyển đổi số trước hết là chuyển đổi con người. Vậy làm cách nào để chuyển đổi, xây dựng được nguồn nhân lực bền vững khi chuyển đổi số? Chìa khóa chính là quá trình đào tạo, huấn luyện và cố vấn trợ giúp của tất cả các cấp và các bộ phận trong doanh nghiệp với nhau.
Đào tạo
Hầu hết doanh nghiệp nào cũng đều có các chuơng trình đào tạo nguồn nhân lực, từ đào tạo nhân viên mới đến đào tạo các kỹ năng chuyên môn đặc thù. Trong chuyển đổi số, các sáng kiến số được ứng dụng làm thay đổi tới luồng công việc mà nó tác động tới, khiến công tác đào tạo cần phải nâng tầm cao mới, sâu sát ở mọi phạm vi và liên tục hơn. Về phạm vi, các nội dung đào tạo cần đảm bảo mọi cấp độ nhân viên đều có kiến thức về công nghệ và tác động của nó tới doanh nghiệp. Thực tế là không phải tất cả nhân viên đều cần hiểu biết sâu sắc các công nghệ ứng dụng, nên bộ chương trình cần soạn ở các cấp độ từ nhận thức cơ bản tới cấp độ chuyên gia. Ngoài ra, các chương trình đào tạo cần linh hoạt để đáp ứng với lực lượng lao động bận rộn. Các chương trình có sẵn trực tuyến thông qua Hệ thống Quản lý Học tập từ nội bộ hoặc bên ngoài giúp cho nhân viên có thể khai thác kiến thức bất cứ khi nào họ có thời gian và cảm thấy cần phải nâng cao kỹ năng.
Không chỉ giới hạn ở các khóa đào tạo cố định, môi trường làm việc hàng ngày cũng cần trở thành nơi các cấp quản lý thường xuyên truyền đạt kiến thức và kỹ năng mới cần thiết tới các nhân viên, đảm bảo mỗi ngừoi đều nhận thức đầy đủ về bất kỳ thay đổi nào với môi trường làm việc của họ. Nói cách khác, song hành với các chương trình đào tạo là công tác huấn luyện và cố vấn trong nội bộ doanh nghiệp giúp phát triển nguồn tài sản con người.
Huấn luyện
Theo HBR, huấn luyện là một quy trình có tình tương tác mà thông qua đó cấp quản lý hoặc giám sát sẽ giải quyết vấn đề về năng lực thực hiện và phát triển khả năng của nhân viên. (1)
Trong chuyển đổi số, công tác huấn luyện cần đa dạng để nhanh chóng tối ưu hóa năng lực nhân sự, có thể kể đến một số hình thức sau:(2)
- Huấn luyện thời điểm: Khi cần giải quyết ngay vấn đề hiện tại không có tính hệ thống, ví dụ một khúc mắc phát sinh trong công việc hàng ngày.
- Huấn luyện quản lý: Dùng cho các nhóm vấn đề có tính dài hạn và hệ thống như kế hoạch nghề nghiệp, đánh giá hiệu suất công việc, …
- Tư vấn: Cùng suy nghĩ để khám phá các lựa chọn, giải pháp cho vấn đề đưa ra.
- Huấn luyện chuyên môn: Thường dùng khi cần có mục tiêu lớn và đo lường kết quả chính thức. ở hình thức này, có thể huấn luyện viên là người nội bộ hoặc chuyên gia bên ngoài.
- Huấn luyện đội nhóm: Thường dành cho các nhiệm vụ liên phòng ban, giúp làm rõ và nâng cao khả năng thực hiện nghĩa vụ đối với nhau và các bên liên quan trên cơ sở nhất quán.
Công tác huấn luyện thực hiện nghiêm túc sẽ mang lại những lợi ích cả trước mắt và lâu dài, đó là giúp khắc phục ngay các vấn đề về năng lực thực hiện, phát triển các kỹ năng của nhân viên, từ đó giúp tăng năng suất và tạo ra cơ hội thăng tiến cho họ. Tất cả đều giúp giữ chân người lao động, cải thiện tỷ lệ duy trì nhân sự, và cuối cùng sẽ nuôi dưỡng một môi trường làm việc tích cực với độ hài lòng và động lực làm việc cao hơn.
Cố vấn
Cố vấn là phạm vi rất rộng, bao trùm cả đào tạo và huấn luyện. Người cố vấn bằng kinh nghiệm, kỹ năng và chuyên môn của mình sẽ giúp người khác nâng cao năng lực và phát triển bản thân. Việc cố vấn không chỉ giới hạn ở các kỹ năng hay ứng xử trong công việc mà nhắm tới toàn bộ con người và sự nghiệp của người đó. Vì vậy công tác cố vấn là lâu dài, và theo kinh nghiệm thì người cố vấn không nên là quản lý cấp trên trực tiếp của người được cố vấn nhưng lại rất hiệu quả nếu đó là mối quan hệ giữa các đồng nghiệp ngang hàng do dễ dàng thấu hiểu nhau hơn.
Vì sao cố vấn có vai trò quan trọng trong chuyển đổi nguồn nhân lực? Vì quá trình chuyển đổi số chỉ có điểm bắt đầu mà không có điểm kết thúc. Tức là chuyển đổi số không phải chỉ trong khoảng thời gian xác định mà là cả hành trình đi cùng các mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.
Nếu nói đào tạo và huấn luyện giúp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng thì công tác cố vấn giúp duy trì tính bền vững của nguồn nhân lực đó. Chuyển đổi số tác động tới tư duy của tất cả các cấp nhân sự, đòi hỏi doanh nghiệp cần phát triển đội ngũ cố vấn hiệu quả. Đó là những người đáp ứng được những chuẩn mực cố vấn cao, sẵn sàng dành thời gian và công sức cho công tác này. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tạo môi trường để khuyến khích đội ngũ người được cố vấn tham gia vào các dự án quan trọng, các công việc có nhiều thử thách.
Tóm lại, chuyển đổi nguồn nhân lực cùng chuyển đổi nền tảng công nghệ là những yếu tố quyết định trong chuyển đổi số doanh nghiệp, giúp họ thật sự đi đến đích là các mục tiêu đột phá trong kinh doanh. Với chìa khóa là bộ ba Đào tạo – Cố vấn – Huấn luyện sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng nguồn nhân lực bền vững trong hành trình chuyển đổi số.
Nguồn tham khảo
(1). Centre for Creative Leadership ccl.org
(2). HBR Coaching and Mentoring