3 cách thức áp dụng công nghệ blockchain giúp định hình tương lai ngành sản xuất  - FPT Digital
3 cách thức áp dụng công nghệ blockchain giúp định hình tương lai ngành sản xuất 
Blockchain

3 cách thức áp dụng công nghệ blockchain giúp định hình tương lai ngành sản xuất 

Blockchain là công nghệ đằng sau đồng tiền ảo đang làm rung chuyển ngành tài chính toàn cầu. Những lợi ích của blockchain không những tác động đến ngành này mà còn tác động sâu rộng đến rất nhiều lĩnh vực khác, trong đó có ngành sản xuất.  

Câu hỏi đặt ra: Đâu là mức độ công nghệ blockchain có thể tác động đến ngành sản xuất toàn cầu hiện tại và đâu là cách thức áp dụng công nghệ này để giúp chuyển đổi ngành sản xuất toàn cầu trong tương lai? 

Bức tranh thị trường blockchain toàn cầu 

Thị trường blockchain toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 6,92 tỷ đô la vào năm 2021 lên 162,84 tỷ đô la vào năm 2027, với tốc độ CAGR là 66,7% (tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi năm) trong giai đoạn 2017-2027 theo dự báo của Statista(1), được thể hiện trong hình vẽ sau: 

Hình 1. Dự báo tốc độ tăng trưởng thị trường công nghệ blockchain toàn cầu

Công nghệ blockchain dùng cách tiếp cận theo mô hình sổ cái phân tán chuỗi khối. Sổ cái phân tán chuỗi khối đóng vai trò như một hệ thống sử dụng các máy tính độc lập để chia sẻ, ghi lại và đồng bộ hóa các giao dịch trong sổ cái điện tử. Việc sử dụng sổ cái phân tán mang lại các lợi ích khác nhau như giảm sự kém hiệu quả trong hoạt động, tăng tốc thời gian hoàn thành giao dịch và giảm chi phí tổng thể của tổ chức bằng cách tự động hóa các nhiệm vụ quan trọng. 

Đại dịch đã thúc đẩy đáng kể nhu cầu về sổ cái phân tán blockchain trong một số ngành như BFSI (Banking Financial Services and Insurance), sản xuất, bán lẻ & thương mại điện tử và chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, khi các doanh nghiệp trên toàn cầu đang mở cửa trở lại, nhiều tổ chức đang chuyển trọng tâm sang sổ cái phân tán blockchain nhằm ứng dụng các tính năng bảo mật nâng cao cho khách hàng nhằm giảm nguy cơ bị tấn công mạng. 

Các yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển bao gồm sự gia tăng chấp thuận áp dụng sổ cái chuỗi khối phân tán giữa các doanh nghiệp quy mô lớn và vừa để tăng cơ hội doanh thu cho những doanh nghiệp này và sự nâng cao nhận thức về các ứng dụng sổ cái phân tán blockchain giữa các ngành khác nhau.  

Ngoài ra, việc ứng dụng sổ cái phân tán blockchain giúp giảm thiểu các hoạt động gian lận dữ liệu với chi phí ít hơn. Tuy nhiên, việc người dân ở các quốc gia đang phát triển thiếu nhận thức về tiền điện tử được cho là sẽ cản trở sự phát triển của thị trường. Ngược lại, việc tích hợp Internet of Things (IoT) trong sổ cái phân tán blockchain được dự báo sẽ có tác động nhất định đến sự tăng trưởng của thị trường sổ cái phân tán blockchain(2). 

Thách thức lớn từ việc thiếu chuyên gia blockchain gây ra cản trở việc tăng trưởng thị trường. Hơn nữa, ở các nước đang phát triển đang phải đối mặt với sự thiếu nhận thức về các rủi ro liên quan đến việc bảo vệ dữ liệu. Do đó việc áp dụng rộng khắp công nghệ này có thể bị trì trệ trong một vài năm. 

Thị trường blockchain trong ngành sản xuất 

Biểu đồ hình tròn dưới đây, mô tả tỷ lệ phần trăm của các ngành khác nhau được phục vụ bởi công nghệ blockchain hiện nay(3). 

Hình 2. Mức độ sử dụng công nghệ blockchain theo ngành năm 2021

Các lĩnh vực ngân hàng & tài chính, chính phủ, dịch vụ công nghệ, chăm sóc sức khỏe và sản xuất như được hiển thị trong biểu đồ hình tròn, sử dụng rộng rãi công nghệ blockchain thuộc top 5. 

Blockchain trong thị trường sản xuất có thể sẽ chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng trong những năm tới do nhu cầu gia tăng từ các lĩnh vực năng lượng, điện và công nghiệp. 

Có nhiều động lực thúc đẩy phát triển thị trường blockchain trong sản xuất như:  

  • Nhiều giải pháp Blockchain-as-a-Service (BaaS) cho doanh nghiệp
  • Đơn giản hóa các quy trình và cho phép sự minh bạch và bất biến
  • Nhu cầu ngày càng tăng về phân tích dữ liệu theo thời gian thực, khả năng biểu thị được nâng cao và bảo trì chủ động
  • Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm chi phí sản xuất
  • Sự hội tụ của công nghệ vận hành (Operational Technology – OT) và CNTT (IT)
  • AI, IoT, blockchain là tương lai của ngành sản xuất
  • Tăng số lượng hồ sơ cấp bằng sáng chế liên quan đến blockchain toàn cầu

Tuy nhiên, có những rào cản phát triển thị trường cần kể đến là bối cảnh pháp lý chưa rõ ràng và không có bộ tiêu chuẩn chung. 

Cách thức thực tiễn của công nghệ blockchain chuyển đổi ngành sản xuất 

Ngày nay, các nhà sản xuất trên toàn cầu phải đối mặt với những thách thức về dự báo nhu cầu, kiểm soát hàng tồn kho, quản lý công suất nhà máy sản xuất, đảm bảo ROI, theo dõi biến động thị trường và tiến hóa đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng. 

Thêm vào đó, khả năng biểu thị hoạt động vận hành bị hạn chế do chuỗi cung ứng phức tạp và mở rộng trải dài trên các khu vực địa lý khác nhau – khiến cho việc theo dõi và theo dấu sự di chuyển của nguyên liệu, thành phẩm và phụ tùng thay thế bị hạn chế khi chúng di chuyển qua các cơ sở sản xuất, kho hàng, nhà phân phối và các cửa hàng bán hàng. 

Ngoài ra, còn có vấn đề gian lận bảo hành. Một số nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy gian lận của đại lý / nhà cung cấp dịch vụ lên tới con số khổng lồ 2,61 tỷ đô la hàng năm(4). Nguyên nhân là do thiếu giám sát các đòi hỏi từ khách hàng theo thời gian thực một cách thông minh và chủ động, cũng như kiểm soát gian lận nội bộ không hiệu quả. 

Cuối cùng, các nhà sản xuất khi sử dụng hợp đồng theo hình thức giấy tờ truyền thống sẽ có nguy cơ phát sinh những chi phí giao dịch không cần thiết (như đảm bảo thực hiện điều khoản hợp đồng bằng cách làm thủ công …), tốn thời gian xử lý hợp đồng cho nhiều quy trình nghiệp vụ dẫn tới hệ lụy thời gian quay vòng hợp đồng bị chậm. 

Công nghệ blockchain đang ứng dụng trong thực tiễn sẽ loại bỏ hoặc giảm thiểu những “nỗi đau” về hạn chế theo dấu sự di chuyển nguyên liệu, gian lận bảo hành, hợp đồng theo giấy tờ truyền thống. Hình vẽ sau sẽ khái quát lời giải điển hình và những lợi ích mang lại. 

Hình 3. Các cách thức phổ biến áp dụng công nghệ blockchain trong ngành sản xuất

Theo dõi và truy vết chuỗi cung ứng 

Đối với các nhà sản xuất, việc đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc là tối quan trọng vì nó ảnh hưởng đến việc thu hồi sản phẩm, đảm bảo tuân thủ, trải nghiệm của khách hàng và quan trọng nhất là phân phối. Bằng cách sử dụng IIoT và blockchain cùng nhau, các nhà sản xuất có thể hợp lý hóa cách họ tổng hợp, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu với các đối tác trong chuỗi cung ứng. 

Các cảm biến được liên kết với IoT thu thập dữ liệu ở mọi giai đoạn của chuỗi giá trị – từ nguyên liệu thô đến thành phẩm – và lưu trữ trên mạng ngang hàng, an toàn, do đó, tạo điều kiện cho một nguồn xác thực duy nhất và cho phép tất cả các đối tác trong chuỗi có thể truy cập dữ liệu đó bất kỳ lúc nào. 

Blockchain và IIoT đưa ra một giải pháp toàn diện hơn với các ưu điểm về tính minh bạch, tính đầy đủ và tính toàn vẹn của dữ liệu. 

Quản lý bảo hành 

Quản lý bảo hành liền mạch không chỉ cần thiết cho nhà sản xuất để ngăn chặn gian lận và giảm thiểu chi phí mà còn rất quan trọng để mang lại trải nghiệm ấn tượng cho khách hàng. Từ những tuyên bố sai và sản phẩm giả mạo cho đến những hiểu lầm về giá trị là những thách thức mà các nhà sản xuất phải đối mặt. 

Bằng cách thu hẹp khoảng cách thông tin giữa các nhà sản xuất, nhà cung cấp bảo hành, những người tham gia khác trong chuỗi cung ứng và người tiêu dùng, blockchain giúp hợp lý hóa vòng đời bảo hành. Với tính bất biến từ cốt lõi của công nghệ sổ cái phân tán, các nhà sản xuất có thể bảo mật chặt chẽ chuỗi hành trình sản phẩm, đảm bảo không có hàng giả xâm nhập vào chuỗi cung ứng và sau đó, không có khiếu nại gian lận nào được đưa ra. 

Bài đọc nhiều nhất
Blockchain 22/12/2024

Hợp đồng thông minh 

Blockchain cho phép thực hiện các hợp đồng thông minh, có thể hiểu là thiết lập các lập trình sẵn nhằm đáp ứng thực hiện một tập hợp các điều khoản và điều kiện hợp đồng đã được thỏa thuận. Trong sản xuất, các hợp đồng thông minh như vậy có thể giúp giảm chi phí giao dịch cao không cần thiết, giảm thiểu thủ tục giấy tờ và đẩy nhanh thời gian quay vòng đáng kể. 

Ví dụ: Hợp đồng thông minh giữa nhà bán lẻ và nhà sản xuất có thể liên quan đến việc tự động giải quyết các hóa đơn sau khi các điều khoản thanh toán được đáp ứng. Sử dụng dữ liệu thu thập từ các cảm biến trên toàn bộ chuỗi cung ứng, hợp đồng thông minh có thể xác định xem các điều kiện quyết định trước liên quan đến việc giao hàng thành công sản phẩm đã được thực hiện hay chưa và sau đó, tiến hành thanh toán. 

Kết luận: Lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành sản xuất nên xem công nghệ blockchain như một khoản đầu tư cho tương lai và lấy khách hàng làm trung tâm thay vì nhìn nhận như là hoạt động thử nghiệm công nghệ bởi vì bằng chứng áp dụng công nghệ blockchain đã có nhiều. Tuy nhiên, đây là công nghệ mới, phức tạp trong tính toán – xử lý, yêu cầu lượng lưu trữ lớn, đòi hỏi đáp ứng sự linh động và đa dạng của toàn chuỗi cung ứng trong sản xuất, yêu cầu kỹ năng chuyên gia mới, do đó lãnh đạo cần định hướng và chỉ ra phương hướng đầu tư hiệu quả. 

 

 

Nguồn tham khảo:
(1) Statista. Blockchain technology market size worldwide from 2017 to 2027 
(2) Allied Market Research 
(3) Straits Research 
(4) www.ciol.com 

Nghiên cứu nổi bật
01. Chuyển đổi số trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng: Giải pháp hiệu quả cho doanh nghiệp 02. Voice of customer – Liệu có thực sự dễ dàng? 03. Chuyển đổi số tác động đến quản trị tài chính như thế nào? 04. Đo lường hiệu quả tiếp thị từ dữ liệu hợp nhất
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận