Hệ sinh thái giáo dục trong tương lai - FPT Digital
Hệ sinh thái giáo dục trong tương lai
Digital Strategy

Hệ sinh thái giáo dục trong tương lai

Hiện nay, khi khoa học và công nghệ đang phát triển rất nhanh, tri thức đã trở thành thước đo sự phát triển và dự báo tương lai của một nền kinh tế, chẳng hạn như chỉ số cạnh tranh giữa các quốc gia (Global Competitiveness Index – viết tắt là GCI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới sẽ được đánh giá một phần dựa trên chất lượng giáo dục, nhân lực và năng lực đổi mới sáng tạo. Để phát triển kinh tế-xã hội bền vững thì sẽ cần nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong thời đại công nghệ 4.0 với nhiều thay đổi liên tục.

Mô hình chung

Đầu tư vào giáo dục và xây dựng một hệ sinh thái giáo dục đang là trọng tâm trong chiến lược dài hạn của nhiều quốc gia. Hệ sinh thái giáo dục bao gồm mạng lưới các trường ở các cấp, doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu công nghệ, trung tâm đào tạo nghề và việc làm và chính quyền địa phương… để tạo nên một môi trường giáo dục toàn diện. Từ đó, tạo ra các giá trị kinh tế xã hội nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của quốc gia.

Mô hình chung của Hệ sinh thái giáo dục
HÌnh 1: Mô hình chung của Hệ sinh thái giáo dục

Lợi ích của hệ sinh thái giáo dục

Một hệ sinh thái giáo dục hoàn chỉnh giúp phát triển kinh tế xã hội bền vững dựa trên tri thức và đem lại những lợi ích cơ bản như:

  • Thu hút và giữ chân người trẻ tài năng ở lại làm việc tại địa phương với những chương trình học chất lượng quốc tế của các trường đại học danh tiếng với nhiều cơ hội trải nghiệm và nâng cao kĩ năng tại các công ty liên kết. Lợi ích kinh tế này không những giúp giảm thiểu tình trạng chảy máu chất xám ở nhiều địa phương và quốc gia mà còn thu hút thêm những nhân tài từ nhiều nơi về để xây dựng kinh tế.
  • Đáp ứng được yêu cầu cao của nền kinh tế công nghiệp 4.0 và giải quyết được vấn đề liên quan đến thiếu hụt những kĩ năng công nghệ chuyên môn và nâng cao trình độ số. Từ đó hình thành đội ngũ lao động lành nghề cho các ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương và quốc gia.
  • Thu hút nhiều nguồn đầu tư từ nước ngoài và các tập đoàn lớn với các trung tâm nghiên cứu công nghệ cao tạo ra môi trường thúc đẩy sáng tạo với các giá trị mới, hướng giải quyết mới.
  • Thúc đẩy các hoạt động thương mại và tạo ra việc làm trong các lĩnh vực nghiên cứu công nghệ sáng tạo R&D nhờ vào sự liên kết với các doanh nghiệp và đối tác trong ngành.

Ba cấp độ của hệ sinh thái giáo dục

Ba cấp độ của hệ sinh thái giáo dục
Hình 2: Ba cấp độ của hệ sinh thái giáo dục (1)

Student Hub – Mô hình giáo dục phổ thông là mô hình phổ biến nhất hiện nay bao gồm sự phối hợp của hệ thống trường ở các bậc giáo dục nhằm cung cấp lộ trình liên cấp từ mầm non đến tiến sỹ. Ngoài những môn văn hóa thì học sinh, sinh viên sẽ tập trung phát triển thêm kỹ năng mềm, kỹ năng số và ngoại ngữ.

Các trường quốc tế sẽ được khuyến khích để lập các cơ sở chi nhánh và hợp tác với các trường trong nước nhằm mang đến các chương trình chất lượng quốc tế cho học sinh,sinh viên và nâng cao năng lực của các trường địa phương, đặc biệt ở bậc đại học, cao đẳng.

Talent Hub – Mô hình giáo dục tài năng sẽ có tác động lên kinh tế và xã hội cao hơn với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo nhu cầu thị trường tại địa phương đó. Mô hình này là tổ hợp của các tổ chức giáo dục đại học quốc tế, cũng như các công ty đào tạo / giáo dục tư nhân, được khuyến khích cung cấp các chương trình học thuật và cơ hội phát triển nghề nghiệp cho tài năng trẻ và trang bị cho người đi làm thêm kĩ năng kiến thức liên quan đến công nghệ và đổi mới.

Đặc thù của mô hình này sẽ là những trường đại học, cao đẳng và trung tâm dạy nghề sẽ đào tạo nguồn nhân lực phù hợp những ngành phát triển kinh tế của vùng đó, để thúc đẩy sự phát triển nhanh hơn.

Knowledge & Innovatiove Hub – Mô hình giáo dục tri thức và đổi mới là mô hình có quy mô ảnh hưởng lớn nhất và mang lại nhiều giá trị kinh tế-xã hội nhất. Mô hình này là một hệ sinh thái giáo dục hoàn chỉnh với sự đóng góp trực tiếp từ các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề, viện nghiên cứu, và các doanh nghiệp trong các ngành nghề.

Với những lợi ích phát triển chung, các thành phần này sẽ hợp tác với các đối tác địa phương để nghiên cứu ứng dụng các sáng kiến đổi mới nhằm tăng năng lực cạnh tranh của địa phương đó. Các doanh nghiệp sẽ tham gia trực tiếp và trở thành trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Từ đó, mô hình này sẽ hỗ trợ cho việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thúc đẩy đổi mới sáng tạo (1).

Tổ hợp giáo dục – AI của FPT
Hình 3: Tổ hợp giáo dục – AI của FPT tại Quy Nhơn

Việt Nam đang hình thành và phát triển những tổ hợp giáo dục quy mô lớn ở cấp độ cao, điển hình có thể đến hệ thống FPT Education của tập đoàn FPT.

Với sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực cạnh tranh toàn cầu và góp phần phát triển nền kinh tế công nghiệp 4.0, FPT Education được hình thành dựa vào sự liên kết chặt chẽ của các trường học liên cấp từ mầm non đến Đại học, Liên kết Quốc tế, Phát triển Sinh viên Quốc tế, Viện Quản trị Kinh doanh, Viện Nghiên cứu Công nghệ của tập đoàn FPT. Ngoài ra, còn có Công ty Sáng tạo FPT Toàn cầu, các Ban chức năng và các dự án ươm tạo.

FPT Education là một ví dụ điển hình của mô hình giáo dục tài năng tập trung vào các kiến thức công nghệ thông tin (CNTT) đổi mới và kĩ năng mềm góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao với năng lực cạnh tranh toàn cầu. FPT Education có mạng lưới 180 đối tác toàn cầu và hơn 40 quốc gia để nâng cao chất lượng giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đặc biệt, mô hình Tổ hợp Giáo dục và Công viên Phần mềm (bao gồm doanh nghiệp và trường đại học) của FPT ở tại 4 vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM, Cần Thơ, và Bình Định trong tương lai tạo điều kiện cho sinh viên được trải nghiệm thực tiễn ngành công nghiệp 4.0.

Hệ sinh thái giáo dục này là tiên phong trong việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT số lượng lớn tới hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp mỗi năm, đóng góp cho hệ sinh thái công nghệ hiện đại, góp phần phát triển các khu CNTT tập trung, khu công nghệ cao của Việt Nam cũng như giúp Việt Nam nâng cao vị trí trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu.

Bài đọc nhiều nhất
Digital Strategy 21/11/2024
 

Hiện tại, Viện nghiên cứu công nghệ FPT đã trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp và giáo dục với chức năng chính là nghiên cứu ứng dụng những phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ, phục vụ cho sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước. Các sáng kiến số được phát triển sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Mô hình thành phố giáo dục của Qatar

Thành phố giáo dục Qatar
Hình 4: Thành phố giáo dục Qatar

Nhận biết rằng nền kinh tế chỉ dựa vào nguồn tài nguyên vốn có là dầu mỏ sẽ không lâu dài, Qatar đã quyết tâm xây dựng thành phố giáo dục để phát triển kinh tế đất nước một cách bền vững, tự cung tự cấp và có nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là một phần quan trọng thuộc tầm nhìn quốc gia Qatar năm 2030.

Thành phố giáo dục được xây dựng ở vùng ngoại ô thủ đô Doha có diện tích 14 km2 và chứa các cơ sở giáo dục từ trường học, khu nghiên cứu đến chi nhánh của các trường đại học nước ngoài. Phần lớn các chương trình dạy ở đây đều bằng tiếng anh.

Thành phố giáo dục là biểu tượng của hệ sinh thái giáo dục của Qatar. Trong đó, Qatar đã hợp tác với các đối tác nước Ngoài như như đại học Virginia, đại học Y Weill Cornell, đại học Texas A&M, đại học Carnegie Mellon, đại học Georgetown (Mỹ), đại học HEC Paris (Pháp), và đại học UCL (Anh) để xây dựng cơ sở chi nhánh trong khuôn viên thành phố giáo dục của mình. Ngoài ra, đây là môi trường không chỉ đào tạo học sinh, sinh viên và còn giúp sự trao đổi nghiên giữa các trường, củng cố quan hệ giữa khu vực công lập và tư nhân.

Bên cạnh đó, thành phố còn có Công viên Khoa học & Kỹ thuật Qatar để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tri thức bằng cách khuyến khích các công ty và viện nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới phát triển và thương mại hóa công nghệ của họ ở Qatar. Đây ngôi nhà của các công ty công nghệ quốc tế và là vườn ươm của các doanh nghiệp công nghệ mới thành lập.

Sự ra đời của công viên này với Trung tâm Vật liệu tiên tiến tại Đại học Qatar sẽ giúp cho thành phố tập trung vào mục tiêu phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ mới thông qua đào tạo công nghệ cao, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp mới và nâng cao kỹ năng quản lý công nghệ (2).

Kết quả là Qatar trở thành một trong những nước có chỉ số cạnh tranh kinh tế cao trong khu vực với hạng 4 và trong top 30 dẫn đầu của thế giới năm 2019 (3), đứng thứ 1 trong khu vực các nước Ả Rập và thứ 4 trên thế giới về chất lượng giáo dục năm 2021 (4).

 

 

Nguồn tham khảo
(1) Taylor&Francis online. Education hubs: international, regional and local dimensions of scale and scope: Comparative Education: Vol 49, No 3
(2) Qf.org.qa Education City in Qatar
(3) World Economic Forum. 2019 The Global Competitiveness Report
(4) HUKOOMI Qatar e-Government. Qatar Ranked First in the Arab Region and Fourth in the World in Quality of Education 2021

Nghiên cứu nổi bật
01. Truy xuất nguồn gốc với blockchain: Từ lý thuyết đến thực tiễn 02. Doanh nghiệp Wealth Management cần làm gì để vươn lên trong thời đại số? 03. 3 xu hướng mới của ngành tài chính trong bối cảnh sau đại dịch 04. Tối ưu giảm giá sản phẩm markdown giúp tăng 10% lợi nhuận
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận