Chuyển đổi kép trong sản xuất nông nghiệp: xu thế và những lợi ích mang lại
Sustainability in Agriculture

Chuyển đổi kép trong sản xuất nông nghiệp: xu thế và những lợi ích mang lại

Chuyển đổi kép là sự kết hợp của hai loại hình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chuyển đổi kép hướng đến mô hình nông nghiệp thông minh và các mục tiêu phát triển bền vững. Chuyển đổi kép không chỉ mang lại nhiều lợi ích kinh tế mà còn tạo ra những cơ hội và giá trị mới theo xu thế chung của các quốc gia trên thế giới. Bài viết này sẽ mang đến cho bạn đọc những khái niệm tổng quan và hình mẫu cụ thể về chuyển đổi kép trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

1. Chuyển đổi kép trong sản xuất nông nghiệp là gì?

Chuyển đổi kép trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được xác định là quá trình áp dụng các thành tựu của công nghệ số để chuyển đổi nền nông nghiệp từ mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình sản xuất hiện đại, thông minh, đồng thời hướng đến và duy trì các mục tiêu phát triển bền vững.

Chuyển đổi kép trong sản xuất nông nghiệp đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho các bên liên quan, bao gồm 6 lợi ích chính như trong hình vẽ đã mô tả.

6 lợi ích của chuyển đổi kép trong nông nghiệp
Hình 01: 6 lợi ích của chuyển đổi kép trong nông nghiệp

2. Những lợi ích của chuyển đổi kép trong sản xuất nông nghiệp

Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp luôn duy trì mức tăng trưởng ổn định và đóng góp một phần quan trọng vào quy mô GDP của Việt Nam. Tuy nhiên, lượng phát thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng chiếm tỷ trọng khá cao, chiếm 28% trong tổng thể nền kinh tế, và chỉ thấp hơn lĩnh vực năng lượng, chiếm 54%.

Tỉ trọng lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2020
Hình 02: Tỉ trọng lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2020

Cụ thể hơn, lượng phát thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực: trồng lúa nước phát thải 49,7 triệu tấn CO2 quy đổi (CO2e), chiếm 50%; chăn nuôi phát thải 18,5 triệu tấn CO2e, chiếm 19%; quản lý đất và sử dụng phân bón phát thải 13,2 triệu tấn CO2e, chiếm 13%.

Trong bối cảnh đó, với mục tiêu tổng quát của “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050”, các chính sách cùng chương trình hành động và giải pháp được triển khai áp dụng mạnh mẽ nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể:

  • Đối với trồng trọt: thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
  • Đối với chăn nuôi: chuyển đổi phương thức chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, hình thành vùng chăn nuôi trọng điểm gắn với bảo vệ môi trường, an toàn sinh học và ứng dụng công nghệ.
  • Đối với thủy sản: tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững.
  • Đối với lâm nghiệp: phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng tập trung
  • Phát triển thị trường: ưu tiên cho các sản phẩm nông – lâm – thủy sản được sản xuất theo tiêu chuẩn và định hướng xanh, thực hiện nghiêm quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm gắn với chỉ dẫn địa lý.

Có thể thấy, việc đầu tư và phát triển nông nghiệp thông minh, bền vững đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của quốc gia. Sự quan tâm này không chỉ phản ánh nhu cầu cấp thiết của thời đại mà còn đem lại những lợi ích thiết thực cho tất cả các bên liên quan.

Bài đọc nhiều nhất
Sustainability in Agriculture 04/10/2024

2.1. Đối với nông dân:

Thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, giúp tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống và làm việc, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm rủi ro và phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.

Mô hình kinh tế tuần hoàn:

“Nhiều hộ nuôi tôm công nghệ cao tại Bạc Liêu áp dụng công nghệ chế biến vỏ tôm thành phân bón hữu cơ để bón cho cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế: một khu nuôi tôm với diện tích 3000m2 mặt nước ao nuôi thì chỉ cần một khu ủ rộng khoảng 200m2 có thể đủ dùng cho cả ao. Trung bình mỗi héc-ta thu hoạch khoảng 200 – 250 tấn tôm/ha/năm. Số lượng vỏ tôm được ủ và sử dụng bón cây xoay vòng liên tục.”

2.2. Đối với người tiêu dùng:

Thụ hưởng các sản phẩm nông nghiệp sạch có nguồn gốc rõ ràng, an toàn, chất lượng cao và giá cả hợp lý, đáp ứng được nhu cầu và sở thích ngày càng đa dạng của thị trường.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm:

“Trong năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc gắn với nhận diện thương hiệu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chè mang chỉ dẫn địa lý Tân Cương và hỗ trợ áp dụng cho 6 hợp tác xã đã được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Tân Cương.”

2.3. Đối với nhà sản xuất và phân phối:

Tạo ra các chuỗi giá trị nông nghiệp hiệu quả, minh bạch và bền vững, tăng cường khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần, tận dụng được các cơ hội hợp tác và đổi mới công nghệ.

Tạo ra chuỗi giá trị và tăng năng suất:

“Công ty Cổ phần Nông trại sinh thái Ecofarm Đồng Tháp cho biết: với định hướng chính là phát triển mô hình sản xuất và dịch vụ theo hướng nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch trải nghiệm. Đặc biệt, chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững gắn với trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Toàn bộ quy trình sản xuất được học hỏi từ các mô hình hiện đại nhất của Israel. Trong đó, chú trọng sản xuất bền vững, cho ra sản phẩm đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Và việc xử lý các loại phế phụ phẩm nông nghiệp đã được đầu tư ngay từ những ngày đầu mới thành lập Ecofarm: Với 3000m2 nhà màng trồng dưa lê, dưa lưới trên giá thể, mỗi vụ dưa kéo dài khoảng hơn 2 tháng, sau khi thu hoạch, cây dưa chưa thể tiêu thụ hết chất dinh dưỡng bên trong giá thể. Nên sẽ được tận dụng bằng cách trộn chung với các phế phụ phẩm khác để ủ làm phân vi sinh hữu cơ. Sau đó, số phân này tiếp tục được sử dụng làm giá thể trồng dưa vụ tiếp theo. Nếu tính ra, mỗi năm tiết kiệm được khoảng 3/4 chi phí phân bón nhờ mấy thứ bỏ đi này.”

Mô hình nông trại sinh thái
Hình 03: Mô hình nông trại sinh thái

2.4. Đối với xã hội và môi trường nói chung:

Bảo vệ và phục hồi các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm và khí thải nhà kính, góp phần duy trì an ninh lương thực và phát triển kinh tế xã hội.

Bảo tồn và phục hồi tài nguyên:

“Dự án bảo tồn và phục hồi đất ngập nước tại Đồng Bằng Sông Cửu Long: tính đến năm 2023, dự án đã phục hồi thành công 10,000 ha đất ngập nước, đồng thời giúp cải thiện chất lượng nước và hệ sinh thái đa dạng sinh học. Những nỗ lực này đã góp phần tăng cường khả năng chống chịu của khu vực trước các tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sống của nhiều loài động, thực vật và cải thiện điều kiện sống của cộng đồng địa phương. Đặc biệt, việc bảo tồn đất ngập nước cũng giúp giảm thiểu lượng phát thải CO2, ước tính giảm được khoảng 1,2 triệu tấn CO2 mỗi năm.”

3. Xu thế và giá trị mới từ sản xuất nông nghiệp bền vững

Trong xu thế hiện nay, nông nghiệp bền vững không chỉ đơn thuần là việc sản xuất theo cách thức thân thiện với môi trường mà còn là một cơ hội cho các doanh nghiệp và nông dân tạo ra giá trị kinh tế bổ sung thông qua “Tín chỉ carbon”.

Tín chỉ carbon

Tín chỉ carbon (carbon credit)chứng chỉ được cấp cho tổ chức hoặc cá nhân đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, một tín chỉ carbon tương đương với việc giảm một tấn CO2 quy đổi (CO2e). Điều này tạo điều kiện cho thị trường carbon, nơi các tổ chức có thể mua bán tín chỉ để bù đắp cho lượng khí thải của họ, từ đó hỗ trợ tài chính cho các dự án giảm phát thải.

Thông qua các phương pháp canh tác giảm phát thải như sử dụng phân bón hữu cơ, tối ưu hóa quản lý nguồn nước,tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, nông dân và doanh nghiệp có thể chuyển đổi và bán các tín chỉ này trên thị trường carbon quốc tế, mở ra một nguồn doanh thu mới và khuyến khích việc áp dụng các phương pháp canh tác bền vững.

Mô hình doanh thu bền vững:

Tập đoàn Lộc Trời là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất gạo. Tập đoàn Lộc Trời đã áp dụng phương thức canh tác lúa với quy mô tự động hóa cao và tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, đồng thời nghiên cứu và phát triển các sản phẩm sinh học từ tro trấu như hạt nhựa hữu cơ, hỗn hợp xi măng trộn. Kết quả đạt được là doanh nghiệp hiện có khả năng cung ứng 10 triệu tín chỉ carbon ra thị trường mỗi năm, với mức giá giao dịch ước tính 5 USD/tín chỉ.

Thị trường carbon đang được hỗ trợ bởi các chính sách quốc tế và sự quan tâm ngày càng mở rộng của nhiều quốc gia. Với nhu cầu cấp thiết toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính, thị trường carbon không chỉ mang lại cơ hội tài chính mà còn là một bước tiến quan trọng hướng tới một tương lai bền vững hơn.

Tập đoàn Lộc Trời
Hình 04: Tập đoàn Lộc Trời

4. Để chuyển đổi kép trong nông nghiệp thành công, cần có sự hỗ trợ từ chính quyền và các cơ quan quản lý

Chuyển đổi kép trong sản xuất nông nghiệp là quá trình thay đổi cơ cấu, vòng đời sản phẩm và phương thức sản xuất nhằm đem lại lợi ích kinh tế, đồng thời phù hợp với định hướng phát triển bền vững của quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa, tình hình biến đổi khí hậu thách thức về an ninh lương thực. Trong quá trình này, các khó khăn và thách thức cần phải được giải quyết một cách hiệu quả thông qua các chính sách và chiến lược nhất quán từ cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp và nông dân.

Đối mặt với những thách thức về thích ứng công nghệ và vốn đầu tư ban đầu, cần có những biện pháp cụ thể như:

  • Tài chính xanh: hoàn thiện quy chế và các tiêu chuẩn cho dịch vụ “Tài chính xanh”, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân trong việc tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào các dự án nông nghiệp bền vững và công nghệ thân thiện với môi trường.
  • Áp dụng công nghệ mới: khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới, đặc biệt là tự động hóa, kết hợp với công nghệ số và công nghệ sinh học. Mục tiêu chính là tăng cường hiệu quả sản xuất và giảm phát thải carbon.
  • Nâng cao kiến thức cho nông dân: gia tăng nhu cầu về kiến thức và kỹ thuật canh tác hiện đại cho nông dân thông qua các sàn công nghệ, nhằm chuyển giao và cung cấp dịch vụ công nghệ thông minh cho hoạt động sản xuất.

Để tiếp ứng đón đầu kịp thời xu thế “tín chỉ carbon”, việc cải thiện khả năng tiếp cận thị trường carbon trong nước và quốc tế trở nên cấp thiết:

  • Nâng cao nhận thức về tín chỉ carbon: thực hiện các chiến dịch truyền thông và đào tạo rộng rãi cho cộng đồng doanh nghiệp và nông dân hiểu rõ về tín chỉ carbon, cũng như cách thức tham gia và lợi ích tiềm năng từ thị trường carbon.
  • Hoàn thiện khung pháp lý cho sàn giao dịch tín chỉ carbon: xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cần thiết để triển khai sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước, dự kiến chính thức hoạt động vào năm 2028, bao gồm việc đặt ra các tiêu chuẩn, quy định, và cơ chế giám sát đảm bảo thị trường hoạt động một cách công bằng và minh bạch.
  • Đẩy mạnh hợp tác quốc tế: phát triển các chương trình hỗ trợ, cũng như các mối quan hệ đối tác quốc tế, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường carbon toàn cầu, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh và tiếp cận nguồn lực mới.

Với sự quyết tâm và chiến lược đúng đắn, Việt Nam sẽ giải quyết được những thách thức hiện tại, thích ứng kịp thời với xu hướng toàn cầu. Kết hợp các biện pháp tài chính, công nghệ, và truyền thông, cùng với cải thiện khung pháp lý, nông nghiệp Việt Nam tiến tới một tương lai xanh, hiệu quả và hội nhập, đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế bền vững.

Reference:

  1. Bộ Tài nguyên & Môi trường Việt Nam, 2020 – Thực trạng phát thải khí nhà kính (KNK) ở Việt Nam
  2. Báo đầu tư, 2023 – Trồng lúa phát thải thấp, một doanh nghiệp Việt tạo ra 10 triệu tín chỉ carbon mỗi năm
  3. Bộ Công Thương Việt nam, 2023 – Đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon

Nghiên cứu nổi bật
01. Hướng đi đột phá của 10 công ty đầu ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản 02. Bán lẻ mới: Sự kết nối hài hòa giữa bán lẻ truyền thống và bán lẻ trực tuyến 03. Ứng dụng công nghệ IoT trong ngành công nghiệp sản xuất 04. Xu hướng ứng dụng AI trong ngân hàng bán lẻ
Mr. Nguyễn Đức Minh
Giám đốc khối Nghiệp vụ Doanh nghiệp và Tư vấn giải pháp tại FPT Digital; Chuyên gia Công nghệ cấp Tập đoàn FPT
20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, tập trung vào xây dựng giải pháp phần mềm và chuyển đổi hệ thống thông tin cho doanh nghiệp. Lãnh đạo chủ chốt trong các dự án tư vấn phát triển hệ thống quản lý và chuyển đỗi hệ thống thông tin cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau, điển hình là ngành Tài chính ngân hàng, Sản xuất, Bất động sản và Dầu khí. Từng dẫn dắt đơn vị kinh doanh với số lượng nhân viên gần 500 người, tận dụng khả năng phân tích nâng cao, tư vấn chiến lược giúp khách hàng đạt doanh thu 10 triệu đô trong thời gian dự kiến.
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.


    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận