Sử dụng dữ liệu trong sản xuất thông minh - FPT Digital
Sử dụng dữ liệu trong sản xuất thông minh
Data & Analytics

Sử dụng dữ liệu trong sản xuất thông minh

Công nghệ Internet of Things (IoT) phát triển, tạo ra kho dữ liệu theo thời gian thực và việc phân tích kho dữ liệu đó đã tạo ra những thay đổi lớn trong hoạt động sản xuất. Các quyết định được dựa trên “dữ liệu theo thời gian thực” là cách tiếp cận trong sản xuất thông minh, giúp tối ưu mọi hoạt động, như lập kế hoạch bán hàng và sản xuất, nâng cao năng suất, tối ưu hóa chuỗi cung ứng cũng như cung cấp tốt hơn các loại dịch vụ sau bán hàng.

Lợi ích của việc sử dụng dữ liệu phục vụ sản xuất thông minh

Tăng cường khả năng hiển thị thông tin

Các lãnh đạo công ty và khối sản xuất có thể theo dõi tình hình hoạt động của toàn bộ nhà máy theo thời gian thực. Dựa trên những thông tin chính xác này, người điều hành có thể đo đạc hiệu suất hoạt động của từng khâu sản xuất, hiểu chính xác và chi tiết những gì đang xảy ra, xác định các điểm nghẽn để từ đó đưa ra các quyết định điều chỉnh hoạt động và quy trình và có thể đo đạc hiệu quả của những thay đổi này.

Tối ưu hoạt động và giảm chi phí

Với các tập dữ liệu lớn thu thập từ các thiết bị và ứng dụng, nhà máy có thể sử dụng các thuật toán AI giúp giải quyết các vấn đề phức tạp. Ví dụ, một nhà sản xuất ô tô có thể sử dụng các đơn đặt hàng tích lũy của khách hàng để dự báo tốt hơn nhu cầu trong tương lai, điều chỉnh việc đặt hàng nguyên vật liệu và phân bổ không gian nhà kho phù hợp với kế hoạch sản xuất và lưu kho.

Ngoài ra, dựa trên thông tin lịch sử hoạt động, bảo dưỡng của máy móc, công nghệ AI có thể dự báo những hỏng hóc có thể xảy ra đối với thiết bị và đưa ra các gợi ý lịch bảo trì chủ động phù hợp với kế hoạch sản xuất. Điều này giúp giảm thiểu khả năng các thiết bị dừng hoạt động đột ngột, gây ảnh hưởng đến các dây chuyền sản xuất.

Tự động hóa

Dữ liệu và các công nghệ IT phát triển như công nghệ IoT, nhận dạng hình ảnh bằng công nghệ AI,… đã tạo ra các dây chuyền tự động mới mà cần ít sự can thiệp của con người. Ví dụ trong dây chuyền sản xuất, bằng cách sử dụng kết hợp camera, công nghệ nhận dạng hình ảnh AI, dây chuyền có thể tự động phát hiện các sản phẩm bị lỗi và dùng tay máy robot để loại bỏ sản phẩm ra ngoài trong khi các sản phẩm khác vẫn chạy trên dây chuyền.

Phát triển phương thức sản xuất lấy khách hàng làm trung tâm

Bằng việc thu thập và phân tích các thông tin liên quan đến nhu cầu, sở thích, thói quen của khách hàng, thay vì phương thức sản xuất hàng loạt truyền thống, doanh nghiệp có thể thiết kế và sản xuất các sản phẩm riêng biệt cho từng nhóm đối tượng, rút ngắn thời gian ra các sản phẩm mới, hoặc cho phép người dùng cuối có thể trực tiếp đặt hàng và sản xuất theo yêu cầu.

Hình 1: Ảnh minh hoạ sử dụng dữ liệu phục vụ sản xuất trong nhà máy

Những thách thức của sản xuất thông minh sử dụng dữ liệu

  • Các hệ thống riêng lẻ và phân tán dữ liệu: Sản xuất thông minh cần việc phân tích dữ liệu từ nhiều hệ thống và nguồn dữ liệu khác nhau như cơ sở dữ liệu sản xuất, hệ thống điều khiển, hệ thống ERP và MRP (Lập kế hoạch tài nguyên sản xuất). Tuy nhiên, hầu hết các hệ thống này đều là các hệ thống riêng lẻ, do đó các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tích hợp và hợp nhất dữ liệu từ các hệ thống này.
  • Các hệ thống và thiết bị cũ: Nhiều hệ thống và thiết bị cũ không được thiết kế và xây dựng ban đầu với mục đích trao đổi dữ liệu với nhau. Vì vậy doanh nghiệp có thể tốn nhiều chi phí để xây dựng thêm các công cụ và thiết bị IoT giúp thu thập các dữ liệu này.
  • Các mối đe dọa về bảo mật: Vấn đề bảo mật IoT công nghiệp đã phát sinh do hai lý do chính. Trước hết, vì càng nhiều thiết bị được kết nối, càng có nhiều khả năng tạo ra các lỗ hổng an ninh của thiết bị mới. Thứ hai, việc bảo mật đối với các thiết bị chưa được chú ý trước đây, vì vậy các kỹ sư vận hành hệ thống thiết bị cũng ít có kinh nghiệm về bảo mật và dễ bị tấn công.

Bài đọc nhiều nhất
Data & Analytics 24/11/2024

Chiến lược sử dụng dữ liệu hỗ trợ sản xuất thông minh

Để triển khai các sáng kiến dữ liệu hỗ trợ sản xuất thông minh, công ty cần xây dựng chiến lược phù hợp và sẵn sàng cho những thay đổi triệt để về tổ chức và công nghệ. Những thay đổi này tập trung vào các điểm sau:

Xây dựng chiến lược sử dụng và phân tích dữ liệu và lộ trình thực hiện cụ thể

Doanh nghiệp xây dựng một bức tranh tương lai rõ ràng về việc sử dụng dữ liệu hình thành sản xuất thông minh và lộ trình để đạt được mục tiêu. Điều này giúp công ty có thể phân bổ đầu tư hợp lý và theo dõi được kết quả trong từng giai đoạn phát triển. Hơn nữa, một bức tranh mục tiêu rõ ràng, một lộ trình dễ hiểu, các chia sẻ về lợi ích của dữ liệu sẽ tạo điều kiện cho các cấp quản lý và nhân viên đồng lòng hỗ trợ thực hiện chiến lược.

Xây dựng năng lực số

Để tạo ra và cải tiến các sáng kiến số sử dụng và phân tích dữ liệu, doanh nghiệp cần xây dựng năng lực số là sự kết hợp giữa các kỹ năng về công nghệ và các kiến thức công nghiệp chuyên ngành.

Ví dụ, một ứng dụng dự báo nhu cầu nguyên vật liệu cần phối hợp xây dựng bởi các kỹ sư AI, kỹ sư dữ liệu và các quản lý, nhân viên am hiểu các công việc sản xuất và lên kế hoạch. Tuy nhiên việc xây dựng một đội ngũ chuyên gia công nghệ đối với các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn do không có chuyên môn và kinh phí duy trì đội ngũ. Do vậy, doanh nghiệp có thể tìm kiếm các đối tác công nghệ có kinh nghiệm làm chuyển đổi số để hỗ trợ cùng thực hiện các dự án này.

Xây dựng nền tảng thu thập, lưu trữ và phân tích dữ liệu

Dữ liệu thường tồn tại ở nhiều hệ thống của các bộ phận khác nhau. Việc kết hợp và liên kết các dữ liệu liên bộ phận này sẽ giúp doanh nghiệp khám phá được các giá trị mới của dữ liệu và từ đó tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, nền tảng thu thập, lưu trữ và phân tích dữ liệu chung sẽ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nhanh chóng xây dựng các bài toán dữ liệu và sử dụng dữ liệu hỗ trợ cho việc ra quyết định.

Đảm bảo an ninh bảo mật cho dữ liệu: Với giá trị ngày càng tăng, dữ liệu đã trở thành một tài sản quý giá của doanh nghiệp. Nếu bị rò rỉ dữ liệu, doanh nghiệp sẽ bị mất uy tín, bí mật công nghệ, lợi thế cạnh tranh và chi phí giải quyết các sự cố này. Vì vậy, doanh nghiệp cần trang bị các giải pháp an ninh và chuyên gia bảo mật để khắc phục các lỗ hổng bảo mật của thiết bị, ứng dụng cũng như đào tạo nhận thức về an ninh dữ liệu cho toàn bộ nhân viên các cấp.

Thực hiện các ưu tiên ở trên sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra các chuyển biến đột phá trong việc nâng cao năng suất, tối ưu hoạt động và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ được cải tiến tốt hơn phục vụ khách hàng.

Để tránh sai sót trong quá trình xây dựng và thực hiện chiến lược, các doanh nghiệp cần đầu tư nguồn lực và phối hợp với các đối tác nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số để đánh giá hiện trạng, mức độ trưởng thành hiện tại của doanh nghiệp về việc ứng dụng dữ liệu trong sản xuất thông minh và xây dựng bức tranh tương lai, chiến lược và lộ trình thực hiện các sáng kiến để nhanh chóng đạt được các mục tiêu này.

Nghiên cứu nổi bật
01. Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam: hiện trạng bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ 02. Chuỗi cung ứng 4.0 với ngành hàng tiêu dùng 03. Xu hướng chuyển đổi số trong ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm 04. Chuyển đổi hệ thống CNTT sang điện toán đám mây: Thực hiện như thế nào cho đúng?
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận