Giảm phát thải khí Mê-tan trong hoạt động sản xuất nông nghiệp
Clean and Renewable Energy

Giảm phát thải khí Mê-tan trong hoạt động sản xuất nông nghiệp

Ngành nông nghiệp đóng vai trò cung cấp lương thực cho hoạt động sống của con người những cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho môi trường do phát thải lượng lớn khí nhà kính Mê-tan (CH4).

Là quốc gia nông nghiệp, việc giảm phát thải khí Mê-tan trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đã trở thành ưu tiên trọng tâm trong hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam.

1. Phát thải khí Mê-tan và những tác hại đối với môi trường

Khí mê-tan (CH4) là một loại khí nhà kính mạnh gấp 80 lần so với carbon dioxide, có tiềm năng làm nóng toàn cầu cao gấp 28 lần so với CO2 trong vòng 100 năm (Theo báo cáo của European Commission, 2023). Sự nóng lên toàn cầu dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng như tan chảy sông băng, mực nước biển dâng cao, hạn hán, lũ lụt, bão tố…

Hội đồng Cố vấn Khoa học của Liên minh Khí hậu và Không khí Sạch (CCAC) cho rằng việc giảm 50% lượng khí thải mê-tan liên quan đến hoạt động của con người trong 30 năm tới sẽ giảm thiểu sự thay đổi nhiệt độ toàn cầu 0,2°C, một bước quan trọng trong việc giữ mức tăng nhiệt độ tổng thể dưới 2°C.

Ngoài ra, khí mê-tan khi kết hợp với các chất ô nhiễm khác trong không khí có thể tạo thành khí ô-zôn, gây hại cho sức khỏe con người và hệ sinh thái.

2. Phát thải khí Mê-tan trong hoạt động sản xuất nông nghiệp

Nông nghiệp là nguồn phát thải khí mê-tan (CH4) lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau ngành năng lượng. Trong đó,nông nghiệp chiếm 40% lượng phát thải metan toàn cầu.

Khí mê-tan hình thành chủ yếu từ khí thải đường tiêu hóa của gia súc và phân bón (chiếm 32%) và từ việc nuôi trồng lúa nước (8%). Phân bón hóa học chứa nitơ, khi bón vào đất sẽ chuyển hóa một phần thành khí mê-tan. Bãi chôn lấp rác thải và trong nước thải sinh hoạt cũng có các chất khi phân huỷ tạo ra loại khí này.

Khí thải nhà kính trực tiếp từ trông trọt và chăn nuôi
Hình 01: Khí thải nhà kính trực tiếp từ trông trọt và chăn nuôi

Châu Á là khu vực phát thải mê-tan từ nông nghiệp cao nhất, chiếm khoảng 50% tổng lượng phát thải toàn cầu. Tại Việt Nam, theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, diện tích lúa tại đạt khoảng 7277,8 nghìn ha, sản lượng hàng năm khoảng 42,69 triệu tấn. Phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa và hoạt động nông nghiệp chiếm khoảng 43% tổng lượng phát thải quốc gia, tương đương 65 đến 150 triệu tấn/năm.

Báo cáo của FPT Digital chỉ ra, lượng phát thải khí mê-tan từ ngành nông nghiệp Việt Nam đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 1990-2014. Sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam đóng góp vào phát thải khí mê-tan theo nhiều nguồn khác nhau trong đó canh tác lúa nước là nguồn phát thải lớn nhất. Nguyên nhân là do sự gia tăng của diện tích canh tác lúa nước lượng gia súc chăn nuôi, nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng.

3. Các biện pháp giúp giảm phát thải khí Mê-tan trong hoạt động sản xuất nông nghiệp

Trước sức ép giải quyết tình trạng nóng lên của trái đất, việc giảm khí thải nhà kính nhận được nhiều sự quan tâm và đồng thuận cao của các tổ chức trong nước và thế giới. Điều đó thúc đẩy sự quan tâm tới các giải pháp làm giảm thiểu khí thải mê-tan hướng tới nông nghiệp thông minh.:

Tại Việt Nam, nhu cầu giảm phát thải khí mê-tan từ nông nghiệp ngày càng trở nên cấp bách, và các nỗ lực cần được thực hiện để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí mê-tan theo cam kết quốc tế và cải thiện môi trường nông nghiệp Việt Nam cam kết giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với mức năm 2020. Nhiều biện pháp đã được lên kế hoạch để nhằm đạt được mục tiêu này.

Giảm phát thải Mê-tan trong trồng trọt và chăn nuôi
Hình minh họa 02: Giảm phát thải Mê-tan trong trồng trọt và chăn nuôi

3.1. Trong trồng trọt:

  • Đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đáp ứng kỹ thuật tưới tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, khép kín cho các khu vực sản xuất lúa tập trung; chủ động rút nước giữa vụ; áp dụng các biện pháp tưới nước và canh tác lúa tiên tiến, tiết kiệm nước phù hợp với điều kiện từng vùng nông nghiệp để giảm phát thải khí mê-tan.
  • Mở rộng mô hình luân canh lúa – tôm và chuyển đổi từ lúa nước sang các cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao hơn phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương; điều chỉnh cơ cấu cây trồng, mùa vụ, quy trình, kỹ thuật trồng trọt nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm phát thải khí mê-tan.
  • Tiến tới chấm dứt đốt phế, phụ phẩm nông nghiệp thông qua cải tiến, áp dụng trên diện rộng quy trình, công nghệ thu gom tập trung, phân loại, xử lý, tái sử dụng, tuần hoàn, chuyển đổi mục đích sử dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị kinh tế, chuyển đổi carbon trong sinh khối cây trồng thành carbon bền vững và năng lượng sạch, tăng tích lũy carbon trong đất nhằm giảm phát thải khí mê-tan.
  • Sử dụng các chế phẩm phù hợp trong khẩu phần ăn nhằm tăng năng suất, giá trị kinh tế trong chăn nuôi gia súc và giảm phát thải khí mê-tan; lai cải tạo giống gia súc trong nước bằng những giống ngoại có năng suất chất lượng cao và phù hợp nhằm tăng năng suất, hiệu quả chăn nuôi; phát triển, khai thác hiệu quả các mô hình khí sinh học, ứng dụng công nghệ trong sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi; thu hồi, sử dụng khí mê-tan trong xử lý chất thải chăn nuôi vào các hoạt động trong chăn nuôi gia súc và sản xuất điện năng.
  • Canh tác lúa nước: Thay đổi thời gian ngập úng và khô hạn, kỹ thuật gieo cấy và bón phân có thể giúp kiểm soát mức độ phát thải mêtan từ ruộng lúa.
  • Sử dụng giống cây trồng ít phát thải mê-tan hơn: Nghiên cứu và phát triển các giống lúa mới có khả năng phát thải mêtan thấp hơn.
  • Canh tác hữu cơ: Sử dụng phương pháp canh tác hữu cơ, giảm sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu có thể giúp giảm phát thải khí nhà kính.
  • Cải tạo đất: Cải tạo đất bằng cách bổ sung chất hữu cơ, cải thiện kết cấu và tính thông thoáng của đất để giảm sự hình thành mêtan.

3.2. Trong chăn nuôi

  • Thay đổi khẩu phần ăn của gia súc: Bổ sung các chất bổ dưỡng hoặc phụ gia như dầu, bột đậu nành, hoặc các chế phẩm lên men có thể giúp giảm phát thải mê-tan từ quá trình tiêu hóa của gia súc.
  • Cải tiến quản lý phân: Áp dụng các phương pháp xử lý phân như phơi khô, chế biến phân thành phân bón hoặc năng lượng tái tạo để giảm lượng mêtan thoát ra từ phân.
  • Sử dụng công nghệ tiên tiến như Biogas và biomass: Khuyến khích sử dụng công nghệ biogas để chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành năng lượng tái tạo, giúp giảm phát thải mêtan đáng kể; Công nghệ giám sát và dự báo: Áp dụng các công nghệ giám sát từ xa và mô hình dự báo để theo dõi và quản lý phát thải mêtan một cách hiệu quả.

4. Một số thách thức và cơ hội trong nỗ lực giảm phát thải khí Mê-tan

4.1. Khó khăn và thách thức

Việc triển khai các biện pháp giảm phát thải khí mê-tan (CH4) trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đối mặt với một số khó khăn và thách thức chính như sau:

  • Sự phức tạp của quá trình sản xuất nông nghiệp: Quá trình sản xuất nông nghiệp bao gồm nhiều hoạt động khác nhau như trồng trọt, chăn nuôi, xử lý phân bón và thức ăn chăn nuôi. Mỗi hoạt động này đều có tiềm năng phát thải khí mê-tan khác nhau, yêu cầu các biện pháp riêng biệt và phức tạp.
  • Thiếu kiến thức và nhận thức: Nhiều nông dân và nhà quản lý nông nghiệp có thể thiếu kiến thức và nhận thức về tầm quan trọng của việc giảm phát thải khí mê-tan cũng như các biện pháp có thể áp dụng. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu quan tâm và khó khăn trong triển khai các biện pháp.
  • Những thách thức về quản lý và thực thi: Việc triển khai các biện pháp giảm phát thải khí mê-tan đòi hỏi một hệ thống quản lý và giám sát chặt chẽ, cũng như các chính sách và quy định rõ ràng. Tuy nhiên, điều này có thể gặp khó khăn ở một số khu vực nông thôn thiếu nguồn lực và năng lực quản lý.
  • Khó khăn trong đo lường và báo cáo phát thải: Việc đo lường và báo cáo chính xác lượng phát thải khí mê-tan từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp là một thách thức lớn vì quá trình này phức tạp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại đất, điều kiện khí hậu, và các hoạt động canh tác cụ thể.
  • Khó khăn trong tiếp cận tài chính và công nghệ: Nhiều biện pháp  đòi hỏi nguồn tài chính và công nghệ mới. Tuy nhiên, việc tiếp cận các nguồn lực này có thể khó khăn đối với các nước đang phát triển hoặc vùng nông thôn nghèo.

4.2. Các cơ hội, dư địa trong nỗ lực

Mặc dù đối mặt với những khó khăn và thách thức, nhưng vẫn còn nhiều cơ hội và dư địa để vượt qua những trở ngại này thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan bao gồm chính phủ, cộng đồng nông nghiệp, các tổ chức nghiên cứu và phát triển, cũng như sự hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ từ cộng đồng quốc tế. Cụ thể:

chính phủ, cộng đồng nông nghiệp, các tổ chức nghiên cứu và phát triển cần phối hợp để vượt qua những rào cản trong giảm phát thải
Hình 03: chính phủ, cộng đồng nông nghiệp, các tổ chức nghiên cứu và phát triển cần phối hợp để vượt qua những rào cản trong giảm phát thải

4.2.1. Đầu tư và hỗ trợ tài chính

  • Các chính phủ và tổ chức quốc tế có thể cung cấp các khoản tín dụng, trợ cấp hoặc chương trình đầu tư để giúp các nông dân và nhà sản xuất nông nghiệp tiếp cận công nghệ và biện pháp giảm phát thải.
  • Phát triển các cơ chế tài chính sáng tạo như thị trường carbon hoặc các quỹ khí hậu để tạo ra nguồn tài chính bổ sung cho các dự án giảm phát thải.
  • Nghiên cứu và phát triển công nghệ
  • Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra các công nghệ mới, hiệu quả và chi phí thấp hơn cho việc giảm phát thải khí mê-tan trong nông nghiệp.
  • Chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển thông qua hợp tác quốc tế và đối tác công-tư.

4.2.2. Nâng cao năng lực và tập huấn

  • Tổ chức các chương trình đào tạo và tập huấn cho nông dân, nhà quản lý nông nghiệp về các biện pháp giảm phát thải khí mê-tan và tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp này.
  • Thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương trong việc nâng cao nhận thức và triển khai các dự án giảm phát thải.
  • Cải thiện hệ thống quản lý và chính sách
  • Xây dựng các chính sách và quy định rõ ràng để khuyến khích và yêu cầu việc giảm phát thải khí mê-tan trong nông nghiệp.
  • Tăng cường năng lực quản lý và giám sát của chính quyền địa phương trong việc triển khai và đảm bảo tuân thủ các biện pháp

4.2.3. Hợp tác và phối hợp quốc tế

  • Thúc đẩy sự hợp tác và phối hợp giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế và các bên liên quan khác trong việc chia sẻ kiến thức, nguồn lực và thực tiễn tốt nhất về giảm phát thải khí mê-tan trong nông nghiệp.
  • Tăng cường sự tham gia và hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và đa phương trong lĩnh vực này.

4.2.4. Sử dụng các công cụ kinh tế

  • Áp dụng các công cụ kinh tế như thuế carbon, phí phát thải hoặc hệ thống cho phép mua bán tín chỉ phát thải để tạo động lực cho việc giảm phát thải khí mê-tan.
  • Khuyến khích sử dụng các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh để huy động vốn cho các dự án giảm phát thải.

 

Bằng cách kết hợp các cơ hội này, các nước và cộng đồng nông nghiệp có thể vượt qua được các thách thức và triển khai thành công các biện pháp, đóng góp vào nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu.

 

Reference:

  1. European commission. n.a. Methane commission.
  2. Báo Nhân dân. 2024. Phát thải khí methane đang đe dọa sự ổn định của khí hậu toàn cầu. 
  3. Bộ Tài nguyên & Môi trường – Cục Biến đổi khí hậu. 2023. Bộ TN&MT triển khai kế hoạch hành động giảm phát thải khí Mê tan.
  4. Mckinsey. 2021. Curbing methane emissions: How five industries can counter a major climate threat.
  5. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn. 2021. Quan ngại về khí thải nông nghiệp.
  6. Báo Tài Nguyên và Môi Trường. 2022. Canh tác lúa là nguồn phát thải khí mê tan lớn nhất.
  7. VnEconomy. 2022. Ngành chăn nuôi cần chuyển đổi theo hướng giảm phát thải.
  8. Báo Tin Tức. 2024. Hãng thông tấn Mỹ viết về phương pháp trồng lúa giảm phát thải mê-tan của nông dân Việt Nam.
  9. Research Gate. 2023. Current Situation and Solutions for Methane (CH 4 ) Emission in Paddy Rice Cultivation in Vietnam.
  10. Báo Chính phủ. 2022. Giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030.
Nghiên cứu nổi bật
01. Công nghệ Blockchain – Nền tảng lý tưởng đưa ngành công nghiệp đá quý phát triển tầm cao mới 02. Dự án nghiên cứu: Tăng 5 lần hiệu suất hoạt động báo cáo tài chính bằng chuyển đổi số dữ liệu 03. Tiềm năng và giải pháp chuyển đổi năng lượng ngành dệt may 04. Ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu: chuyển đổi số để biến nguy thành cơ
Mr. Nguyễn Đức Minh
Giám đốc khối Nghiệp vụ Doanh nghiệp và Tư vấn giải pháp tại FPT Digital; Chuyên gia Công nghệ cấp Tập đoàn FPT
20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, tập trung vào xây dựng giải pháp phần mềm và chuyển đổi hệ thống thông tin cho doanh nghiệp. Lãnh đạo chủ chốt trong các dự án tư vấn phát triển hệ thống quản lý và chuyển đỗi hệ thống thông tin cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau, điển hình là ngành Tài chính ngân hàng, Sản xuất, Bất động sản và Dầu khí. Từng dẫn dắt đơn vị kinh doanh với số lượng nhân viên gần 500 người, tận dụng khả năng phân tích nâng cao, tư vấn chiến lược giúp khách hàng đạt doanh thu 10 triệu đô trong thời gian dự kiến.
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.


    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận