Trong bối cảnh kỳ vọng của các bên về tích hợp chiến lược phát triển bền vững vào chiến lược phát triển doanh nghiệp và công bố thông tin về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) ngày càng phổ biến và gia tăng, chúng ta cần nhìn nhận lại vai trò của Giám đốc Tài chính (CFO) trong công cuộc chuyển đổi xanh này.
1. Động lực thúc đẩy chuyển đổi xanh từ các bên hữu quan
Chính phủ
Chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và thúc đẩy tăng trưởng xanh không chỉ là phương án tất yếu mà còn là cơ hội để Việt Nam trở thành nước tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu hướng phát triển toàn cầu, giúp thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 – 2023 và những cam kết COP 26 (trích lời nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Điền tại diễn đàn xúc tiến xuất khẩu xanh do Bộ và Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức tại TP.HCM ngày 28/11/2022).
Để thực hiện kế hoạch chuyển đổi, chính phủ đã và đang trong quá trình tạo dựng một số chính sách, cơ chế, điều kiện phát triển nền kinh tế xanh & tuần hoàn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có cường độ phát thải cao như kim loại nặng, xây dựng, …) cần lưu ý và chuẩn bị chiến lược tuân thủ.
Một số quy định đã đang được phát triển và áp dụng mà các doanh nghiệp cần lưu ý bao gồm: (1) thực hiện công bố thông tin, báo cáo tác động môi trường & xã hội; (2) việc đo lường & áp đặt hạn ngạch phát thải khí nhà kính (đặc biệt lưu ý với một số ngành sản xuất, xây dựng, kim loại nặng):
- Công bố Thông tin về Môi trường, Xã hội & Quản trị: Tháng 11 năm 2020, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư 96/2020/TT-BTC thay thế Thông tư 155/2015/TT-BTC, yêu cầu doanh nghiệp niêm yết thực hiện Báo cáo tác động liên quan đến môi trường và xã hội, tích hợp trong Báo cáo thường niên.
- Hạn ngạch phát thải khí nhà kính: Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam về Quy định về giảm khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozon… cũng đã quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp phải tham gia thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình. Theo đó các quy định về kiểm kê phát thải khí nhà kính phải thực hiện từ năm 2023, xây dựng kế hoạch & thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tự thực hiện đến năm 2025 và bắt buộc thực hiện theo hạn ngạch được phân bổ từ năm 2026. Với cơ chế này, sẽ có nhiều lĩnh vực và doanh nghiệp nằm trong diện ảnh hưởng như các ngành sản xuất ngành hàng nông, lâm nghiệp; nhôm thép, điện năng, phân bón, bảo vệ thực vật, hóa chất…
Nhà đầu tư
Việc bổ sung Báo cáo tác động môi trường & xã hội/Báo cáo Phát triển bền vững, được xây dựng theo các chuẩn đánh giá quốc tế như GRI, TCFD hay SASB, giúp gia tăng niềm tin từ các nhà đầu tư, cũng như thể hiện cam kết của công ty về các chiến lược và thực thi hoạt động Phát triển bền vững.
Theo khảo sát toàn cầu về các nhà đầu tư năm 2022 của PwC, kết quả về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cũng xuất hiện trong số các ưu tiên kinh doanh của họ, nằm trong top 5 các chỉ số được nhà đầu tư quan tâm khi nhắc đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Người tiêu dùng & Khách hàng
Cam kết kinh doanh về trách nhiệm môi trường đã đang và sẽ ảnh hưởng đến quyết định mua hàng, khi mà 62% người tiêu dùng Việt Nam và 80% bày tỏ lo lắng về tác động lâu dài của vật liệu nhân tạo (theo cuộc khảo sát của Nielsen Việt Nam được trình bày tại Hội thảo “Chiến lược thương hiệu để phát triển bền vững” do Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương tổ chức). Con số ấn tượng – 86% người tham gia sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các thương hiệu có tác động tích cực đến xã hội và môi trường.
Cuộc khảo sát năm 2023 của NielsenIQ cho thấy sở thích ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với tính bền vững. Với 49% chọn túi có thể tái sử dụng, 47% ưu tiên mua hàng thiết yếu để giảm rác thải và 45% tích cực tái chế và tiết kiệm điện, người tiêu dùng đang tích cực tham gia vào các hoạt động thân thiện với môi trường.
Nghiên cứu nhấn mạnh sự mong đợi ngày càng cao của người tiêu dùng đối với các doanh nghiệp trong việc áp dụng các sáng kiến môi trường hữu hình, với 38% cho rằng những nỗ lực đó là cực kỳ quan trọng. Chỉ 3% cho rằng những hành động này là không quan trọng, báo hiệu sự thay đổi đáng kể đối với các thương hiệu có cách tiếp cận bền vững.
Thị trường quốc tế
Một trong các yếu tố thúc đẩy thực hành phát triển bền vững còn nằm ở áp lực từ các thị trường khó tính trong hoạt động kiểm kê khí nhà kính và quản lý hoạt động phát thải trên quốc tế, điển hình như EU và Nhật Bản. Các quy định, cơ chế về kiểm kê khí nhà kính từ hoạt động sản xuất vận hành cũng như hạn ngạch phát thải khí nhà kính dành cho doanh nghiệp, có thể trở thành rào cản và tụt giảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam tại các thị trường này.
Tác động của các cơ chế kiểm kê và hạn ngạch phát thải này đã để lại nhiều tác động lên các ngành như ngành dệt may, xuất khẩu nông thủy sản. Những tháng gần đây, Việt Nam mất đơn hàng vào tay Bangladesh và có thể bị quốc gia Nam Á này tước vị trí nước xuất khẩu sản phẩm may mặc lớn thứ hai thế giới do chậm trễ trong quá trình chuyển đổi xanh. Liên minh châu u (EU) cũng đã đưa vào thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đối với Việt Nam, điều này sẽ tác động đến một số doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu của Việt Nam.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp bền vững Việt Nam 2023 diễn ra ngày 23/8/2023, ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển bền vững tại Tập đoàn PAN cho biết, việc chuyển sang sản xuất carbon thấp được thúc đẩy bởi nhu cầu đáp ứng các quy định pháp luật chặt chẽ hơn cũng như ứng phó với áp lực từ thị trường – đặc biệt là ở các nước châu u.
“Chúng tôi xuất khẩu nông sản và thủy sản tới 40 quốc gia. EU có các quy định nghiêm ngặt về lượng khí thải carbon trong sản xuất và cũng khuyến khích giảm hạn ngạch đánh bắt cá. Ví dụ, chuỗi siêu thị Tesco ở Anh đã cam kết công bố lượng khí thải carbon của tất cả các sản phẩm trên kệ của mình, bao gồm cả những sản phẩm nhập khẩu.”
Ông chia sẻ: “Điều này gây thêm áp lực nhưng cũng là động lực cho các công ty thành viên của Tập đoàn Pan như Khang An và FMC, những công ty chuyên xuất khẩu tôm sang EU và đã đang trong quá trình thực hiện kiểm kê lượng khí thải carbon”.
Tất cả xu hướng phát triển này đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện những điều chỉnh thích ứng trong chiến lược kinh doanh và xây dựng chiến lược phát triển bền vững một cách thận trọng. Điều này nhằm mục đích nâng cao khả năng cạnh tranh tổng thể dọc theo cả chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng.
2. Đã đến lúc tái thiết lập vai trò của Giám đốc Tài chính trong xây dựng chiến lược ESG
Ban Lãnh đạo công ty cần có tầm nhìn dài hạn và chuẩn bị cho những chuyển biến về hoạt động ESG trong doanh nghiệp. Trong đó, việc Giám đốc tài chính trang bị kiến thức về thực hành ESG và các chiến lược Phát triển bền vững cấp tập đoàn là tối quan trọng. Khi việc tích hợp chiến lược phát triển bền vững ngày càng được quan tâm và kỳ vọng, Ban Lãnh Đạo nói chung và CFO nói riêng cần phải đánh giá lại vai trò và mức độ can thiệp của mình, từ việc xây dựng, thúc đẩy các chiến lược ESG đến các hoạt động theo dõi, báo cáo và tuân thủ.
Để kết luận, sự chuyển dịch xanh và tích hợp chiến lược Phát triển bền vững của doanh nghiệp đòi hỏi Giám đốc Tài chính cần có những góc nhìn quản trị mới, để đón đầu và thích nghi với sự thay đổi:
- Định hướng dài hạn: CFO cần có tầm nhìn dài hạn hơn về các chiến lược và hoạt động phát triển bền vững, thông quan việc phát triển và thực hiện chiến lược tài chính bền vững nhằm cân bằng nguồn lực và rủi ro tài chính, từ đó đóng góp lợi nhuận vào 3 điểm mấu chốt kinh doanh: lợi nhuận, con người và hành tinh.
- Xây dựng kế hoạch hành động và quản lý rủi ro linh hoạt: Vai trò dẫn dắt của CFO thay đổi linh hoạt, tùy theo giai đoạn trưởng thành của chiến lược và tiềm lực ESG của doanh nghiệp. Trong đó, việc thiết lập báo cáo tác động môi trường và xã hội là một trong những bước tiến đầu tiên trên hành trình chuyển đổi ESG của doanh nghiệp, đòi hỏi CFO phải chủ động thực hiện hoạt động định lượng các tác động đến môi trường, xã hội của doanh nghiệp. Ngoài ra, CFO còn cần chủ động lên các kịch bản rủi ro liên quan đến tính bền vững và thực hiện đánh giá, dự báo. Khi tiềm lực ESG của doanh nghiệp gia tăng, CFO cũng cần quan tâm đến việc củng cố tiềm lực và hiểu biết về ESG của đội nhóm mình, cũng như cân nhắc việc xây dựng và kiểm soát ngân sách cho hoạt động phát triển bền vững (ví dụ: ngân sách dành cho đo lường lượng khí nhà kính phát sinh trực tiếp/gián tiếp từ các hoạt động vận hành của doanh nghiệp, …)
- Truyền tải thông tin hiệu quả: CFO phải có khả năng truyền đạt các mục tiêu và hiệu suất liên quan đến tính bền vững tới nhiều đối tượng. Người nghe cũng kỳ vọng các mục tiêu và hiệu quả hoạt động bền vững phải cụ thể, minh bạch và có cơ sở vững chắc về dữ liệu. Đối tượng cần truyền tải thông tin của CFO có thể bao gồm: nhà đầu tư, cơ quan quản lý, quan chức thuế, khách hàng, nhà cung cấp và các thành viên nội bộ.
Nguồn tham khảo
(1) Plan A. 2023. How CFO’s can unlock sustainability success
(2) PwC. Hành trình bền vững: Vai trò của lãnh Đạo ESG trong doanh nghiệp tư nhân
(3) PwC x VOID. Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG của Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam 2022/2023
(4) EY. ESG và cơ hội từ thị trường tài chính bền vững
(5) VNEconomy. 2023. Doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển bền vững theo phương pháp “phóng to – thu nhỏ”
(6) Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam. Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon: Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam
(7) Kinh tế đô thị. Tham gia thị trường carbon là cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam
(8) Vietnamplus. Green transition creates opportunities for Vietnam’s export: forum
(9) VCCI. Businesses gain benefits from green production transition