Telecare: Giải pháp đã, đang và sẽ tiếp tục thay đổi ngành y tế
Digital Strategy

Telecare: Giải pháp đã, đang và sẽ tiếp tục thay đổi ngành y tế

Telecare – giải pháp ứng dụng công nghệ y tế từ xa đem lại lợi ích trong việc duy trì theo dõi, chăm sóc và đảm bảo an toàn cho đối tượng giám sát. Đặc biệt trong giai đoạn Covid-19, giải pháp này đã đem lại hiệu quả trong quá trình thực hiện xét nghiệm – sàng lọc, theo dõi tiến triển bệnh, góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

1. Tổng quan

Telecare – Công nghệ y tế từ xa tuy chưa phổ biến nhưng lại không xa lạ trong xã hội hiện đại. Trên thực tế, các dịch vụ tiếp cận y tế từ xa luôn là một trong những xu hướng công nghệ y tế hàng đầu trong suốt một thập kỷ qua và xu hướng này có chiều hướng tiếp tục gia tăng. Thị trường công nghệ y tế từ xa đạt doanh thu 21 tỷ đô la Mỹ trên toàn thế giới vào năm 2017 và con số này được dự đoán sẽ đạt gấp hơn 4 lần vào năm 2026 (1).

Có nhiều lý do cho sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng trở nên phổ biến của công nghệ này. Một trong số đó có thể do bệnh nhân có nhu cầu tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe lớn hơn nhu cầu tương tác với các nhà cung cấp dịch vụ. Một nghiên cứu của Hiệp hội Bệnh viện Hoa Kỳ cho thấy ¾ số bệnh nhân không coi trọng việc họ tiếp xúc trực tiếp hay trực tuyến với bác sĩ (1). Hơn nữa, trong một nghiên cứu khác của Bộ Y tế Vương quốc Anh vào năm 2012 cho thấy sử dụng công nghệ y tế từ xa trong việc hỗ trợ điều trị có thể đạt những hiệu quả rõ rệt: giảm 45% tỷ lệ tử vong, giảm 20% số ca cấp cứu và giảm 14% số ngày nằm việc của bệnh nhân (2).

Với đà tăng trưởng này, việc các nền tảng công nghệ y tế từ xa trở thành phương pháp tiếp cận chủ yếu của bệnh nhân không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà cả ở các trung tâm thành phố lớn sẽ không còn là một tương lai xa vời.

2. Sự khác biệt giữa Telehealth – Telemedicine – Telecare

Có rất nhiều thuật ngữ được sử dụng khi nói đến công nghệ y tế từ xa như telehealth, telemedicine, telecare, v.v. được dùng thay thế cho nhau, kể cả trong nhiều nghiên cứu của các đơn vị uy tín. Tuy nhiên, những từ này thực chất lại có ý nghĩa khác nhau. Để hiểu về công nghệ y tế từ xa, chúng ta cần trước hết, hiểu đúng ý nghĩa của các thuật ngữ này.

Telehealth là thuật ngữ chỉ chung cho việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa bằng công nghệ trong khi telemedicine và telecare lại chỉ là các nhánh nhỏ của telehealth.

Telemedicine là thuật ngữ chỉ các loại công nghệ thông tin và liên lạc điện tử để cung cấp các dịch vụ y tế từ xa cho bệnh nhân. Việc truyền hình ảnh, chẩn đoán và đánh giá y tế từ xa, và tư vấn qua video với các bác sĩ chuyên khoa đều là những ví dụ về telemedicine.

Trong khi đó, telecare lại là thuật ngữ chỉ các ứng dụng công nghệ cho phép bệnh nhân duy trì việc chăm sóc và bảo đảm an toàn khi ở nhà riêng, ví dụ như các thiết bị giám sát di động, hệ thống cảnh báo y tế và các loại cảm biến theo dõi các chỉ số của bệnh nhân. Việc theo dõi bệnh nhân từ xa liên tục cho phép telecare theo dõi những thay đổi trong lối sống theo thời gian cũng như nhận các cảnh báo liên quan đến các trường hợp khẩn cấp trong thời gian thực.

Chúng ta thường nghe thấy thuật ngữ telehealth và telemedicine nhiều hơn trong khi telecare dường như không nhận được quá nhiều sự quan tâm của dư luận. Do vậy, bài viết này sẽ đưa ra những giới thiệu chung về telecare và ứng dụng của telecare trong việc hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19.

3. Sự phát triển của công nghệ Telecare

Thực chất, telecare không phải là một khái niệm mới. Telecare đã xuất hiện từ hàng chục năm tại các nước phát triển dưới dạng sơ khai là các dây kéo báo động tại giường hoặc phòng vệ sinh của bệnh nhân, được bệnh nhân sử dụng khi cần sự trợ giúp. Từ đó đến nay, telecare đã trải qua 3 đợt sóng phát triển với các công nghệ ngày càng phức tạp hơn, hỗ trợ được các y bác sĩ trong việc theo dõi tình trạng của bệnh nhân tốt hơn và cho phép bệnh nhân có sự tự do nhiều hơn khi được chữa trị tại gia.

Telecare
Hình 1: Ba đợt sóng phát triển công nghệ telecare

Các công nghệ telecare hiện tại trên thị trường có thể được chia theo các nhóm chính sau:

Hình 2: Năm nhóm công nghệ telecare chính trên thị trường trong thời điểm hiện tại

Việc phân loại trên phụ thuộc vào chức năng của thiết bị, tuy nhiên, nhiều thiết bị telecare hiện tại đã tích hợp nhiều chức năng khác nhau để tối ưu hóa nhu cầu sử dụng của người dùng.

4. Ứng dụng telecare trong đại dịch Covid-19

Từ tháng 12 năm 2019, đại dịch Covid-19 đã có những diễn biến phức tạp vượt ra ngoài tầm kiểm soát của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Một trong những yếu tố thiết yếu giúp giảm sự lây lan của virus là “cách ly xã hội”, tức giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa người với người. Ngoài ra, sự thiếu hụt đội ngũ y bác sĩ, bệnh viện quá tải, số lượng bệnh nhân ngày càng lớn cũng như khiến nhu cầu theo dõi sức khỏe từ xa của bệnh nhân trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, số lượng bác sĩ và bệnh nhân sử dụng các giải pháp telecare còn khá thấp và chưa thường xuyên. Ở Úc, mặc dù một số ưu đãi tài chính đã được áp dụng, việc ứng dụng công nghệ y tế từ xa còn rất hạn chế, dưới 1% số chuyên gia y tế hiện đang cung cấp dịch vụ này. Tương tự, chưa đầy 1% số người sống ở vùng nông thôn của Mỹ đã từng trải nghiệm dịch vụ y tế từ xa (3). Có nhiều nguyên do cho việc này, một vài trong số đó bao gồm việc khó khăn trong thay đổi suy nghĩ và hành động của cả bác sĩ và bệnh nhân, số tiền đầu tư ban đầu, v.v.

Tuy nhiên, kể từ khi dịch bùng nổ ra cho tới nay, hàng loạt các sản phẩm telecare đã liên tục được phát triển và sử dụng, từ hệ thống cảnh báo tại nhà cho các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính tới các giải pháp giúp theo dõi tình trạng của bệnh nhân mắc Covid-19. Một mặt, do vi-rút Corona ảnh hưởng đến bệnh nhân khác nhau, một số trường hợp nhẹ, bệnh nhân không cần nhập viện nhưng vẫn cần được cách ly và theo dõi sát sao tại nhà. Mặt khác, do nhiều bệnh viện đã quá tải dẫn tới nguy cơ phơi nhiễm vi-rút Corona cho các bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính được chữa trị tại bệnh viện và cần theo dõi điều trị cho các bệnh nhân từ xa. Trước thực trạng đó, telecare được phát triển và tận dụng trong hỗ trợ điều trị Covid-19 như sau:

  • Xét nghiệm và sàng lọc các triệu chứng: Đối với các bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 có các triệu chứng nhẹ hoặc trung bình, trước khi đến bệnh viện khám, nền tảng telecare có thể giúp các tổ chức y tế quản lý toàn bộ quá trình chăm sóc bệnh nhân. Hệ thống này bao gồm từ xác định bệnh sớm đến theo dõi từ xa sức khỏe của bệnh nhân cũng như các nhu cầu khác dựa trên tình trạng của họ. Khi một ca nhiễm được phát hiện sớm và được tiến hành theo dõi lâm sàng liên tục, khả năng ca bệnh trở nên nguy kịch cũng thấp hơn và khả năng lây nhiễm ra cộng đồng cũng giảm. Ngoài ra, các nền tảng này cũng cung cấp các biểu mẫu giúp bệnh nhân có thể tự đánh giá sức khỏe của mình và nhận các khuyến cáo trực tuyến dựa vào các triệu chứng và xác định khi nào bệnh nhân cần nhập viện và cho phép bệnh nhân đặt lịch hẹn và khám trực tuyến. Hiện tại, hơn 50 hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ bao gồm Jefferson Health, Mount Sinai, Kaiser Permanente, Cleveland Clinic, v.v. đã triển khai chương trình xét nghiệm và sàng lọc từ xa. Việc ứng dụng telecare trong sàng lọc triệu chứng của bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 giúp tránh việc đưa bệnh nhân qua phòng cấp cứu khi đến bệnh viện, hạn chế sự tiếp xúc của nhân viên khoa cấp cứu và các nhân viên y tế khác.
  • Theo dõi tiến triển của bệnh: Pro-PLUS là một trong những giải pháp phổ biến trên thị trường hiện tại dành cho các bệnh nhân mắc Covid-19 đang trong khu cách ly hoặc tự chữa tại nhà, giúp giảm tải cho bệnh viện và giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp giữa bệnh nhân và các y bác sĩ, giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm nhưng đồng thời vẫn kịp thời cập nhật mọi diễn biến của bệnh nhân. Pro-PLUS được sử dụng dưới dạng thiểt bị đeo (wearable), cho phép các y bác sĩ liên tục theo dõi các chỉ số của bệnh nhân như SpO2, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, v.v. tại thời gian thực. Tương tự, với những bệnh nhân Covid-19 đã được xuất viện, chức năng này cho phép các y bác sĩ theo dõi bất kỳ sự chuyển biến sức khỏe đột ngột hay ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài do Covid-19.
  • Xác định nguồn tiếp xúc và lây nhiễm: Kiểm soát nguồn lây nhiễm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát dịch Covid-19. Hiện tại, rất nhiều ứng dụng điện thoại đã được phát triển như Bluezone tại Việt Nam hay TraceTogether của Singapore giúp xác định vị trí của bệnh nhân, dễ dàng định vị bệnh nhân đã đi đâu và tiếp xúc với ai nhằm khoanh vùng lây lan của dịch bệnh và tiếp tục theo dõi bệnh nhân sau khi đã được xuất viện. Đối với người sử dụng, họ có thể nhận được những thông tin cảnh báo kịp thời về việc đã tiếp xúc với các trường hợp bệnh để có thể tự chủ động cách ly và thông báo cho những người tiếp xúc gần đây.

 

Không chỉ các bệnh nhân Covid-19, các bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính từ trước cũng có thể sử dụng các nền tảng này để tiếp tục theo dõi lâm sàng mà không cần đến bệnh viện và giảm nguy cơ lây nhiễm.

5. Hạn chế trong hiện tại và xu hướng trong tương lai

Công nghệ telecare vẫn còn nhiều hạn chế do việc khám trực tiếp hiện vẫn cần thiết trong một số trường hợp để đưa ra chuẩn đoán, cũng như việc thay đổi hành vi bệnh nhân, đặc biệt là người cao tuổi, vẫn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dân số thế giới đang già đi, đồng thời sự phát triển và ứng dụng công nghệ đang và sẽ tiếp tục trở thành chất xúc tác mạnh mẽ, và thúc đẩy sự phát triển của công nghệ telecare trong thời gian tới. Tại một số nước có dân số già trên thế giới như châu Âu, Nhật Bản, các chính sách khuyến khích sử dụng telecare đã được đưa vào thực thi. Mặc dù với phần lớn các quốc gia khác, các giải pháp telecare vẫn còn mới mẻ, tuy nhiên, công nghệ này sẽ sớm sẽ trở nên phổ biến hơn, cho phép bệnh nhân có thể sống độc lập trong nhà riêng mà không cần người hỗ trợ 24/7.

Để công nghệ này ngày càng được phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới, các sản phẩm, nền tảng, hệ thống ứng dụng kế tiếp sẽ tập trung vào thiết kế sản phẩm, chức năng và trải nghiệm, cần lấy khách hàng làm trọng tâm, đảm bảo việc sử dụng dễ dàng và thuận tiện với người sử dụng (đặc biệt với người cao tuổi và người khuyết tật). Tuy nhiên, hiện nay, telecare nói riêng và telehealth nói chung được sử dụng riêng biệt, bổ sung thêm, thay vì thay thế, hỗ trợ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông thường. Do vậy, việc sử dụng telecare hiện tại thường tạo ra chi phí gia tăng cho bệnh nhân thay vì tiết kiệm. Trong tương lai, khi công nghệ này được tích hợp vào việc chăm sóc sức khỏe bệnh nhân như một phương pháp điều trị thông thường, chi phí sẽ được giảm thiểu và sự phổ biến của telecare sẽ ngày càng gia tăng. Cuối cùng, để có thể ứng dụng công nghệ telecare hiệu quả hơn nữa, việc đào tạo các y bác sĩ sử dụng, đọc và phân tích dữ liệu bệnh nhân đã thu thập sẽ được quan tâm và đẩy mạnh hơn, không chỉ trong công việc mà cả trong đào tạo chính thống trên trường lớp, để tối ưu hóa hiệu quả của telecare trong điều trị.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) Task Us. 2019. 3 tech trends shaping the future of digital health in 2020 and beyond.
(2) Thebmj. 2012. Effect of telehealth on use of secondary care and mortality.
(3) NCBI. 2020. Telehealth for global emergencies: Implications for coronavirus disease 2019 (COVID-19).

Nghiên cứu nổi bật
01. Nhà máy xanh – Xu hướng tất yếu của nền công nghiệp tương lai 02. Xu hướng chuyển đổi xanh trong ngành vận tải hành khách (Kỳ 01) 03. Xây dựng chính phủ số bắt đầu từ đâu? 04. Công trình xanh & 03 tiêu chuẩn phổ biến trong thiết kế xây dựng công trình xanh
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.


    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận