Chuyển đổi số mở ra nhiều cơ hội trong ngành y tế - FPT Digital
Chuyển đổi số mở ra nhiều cơ hội trong ngành y tế
Digital Strategy

Chuyển đổi số mở ra nhiều cơ hội trong ngành y tế

Là ngành có ý nghĩa quan trọng đối với sức khoẻ xã hội, y tế đang được mạnh mẽ khuyến khích chuyển đổi số, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn ra phức tạp.

Nhìn chung về ngành y tế

Ngành y tế (chăm sóc sức khỏe) là một trong những ngành phát triển nhanh và lớn mạnh nhất thế giới. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), tốc độ tăng trưởng cho việc chi tiêu y tế toàn cầu là 3,9%, cao hơn tốc độ tăng trưởng trung bình của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên thế giới là 3,0%.

Tại các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình, tốc độ tăng trưởng còn diễn ra nhanh chóng hơn so với các nước có thu nhập cao. Mặc dù hiện nay, các nước thu nhập cao vẫn có chi tiêu y tế lớn nhất, các nước có thu nhập trung bình-thấp (ví dụ: Việt Nam) và các quốc gia có thu nhập trung bình-cao cũng đang dần bắt kịp tỷ trọng chi tiêu y tế toàn cầu (Hình 1).

Tỷ lệ chi tiêu y tế ngành y tế
Hình 1: Chi tiêu y tế có mức độ tăng trưởng nhanh hơn tổng sản phẩm quốc gia tại mọi nhóm thu nhập, đặc biệt tại nhóm thu nhập thấp và nhóm thu nhập cao (1)

Chuyển đổi số trong ngành y tế

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các doanh nghiệp đã bắt đầu ứng dụng khả năng công nghệ cùng những lợi ích chúng đem lại vào các hoạt động kinh doanh và vận hành.

Doanh nghiệp vận dụng công nghệ nhằm chuyển đổi cách thức hoạt động dựa trên giá trị cốt lõi để khai phá, tạo ra những giá trị mới cho nội bộ doanh nghiệp, cho khách hàng, các bên liên quan và cộng đồng. Tuy nhiên, khi nói đến chuyển đổi số, ngành chăm sóc sức khỏe và y tế nói chung dường như đang bị tụt hậu so với các ngành khác.

Một khảo sát tại Mĩ, một trong những quốc gia dẫn đầu về chuyển đổi số, vào năm 2018 cho thấy, có 98% các tổ chức chăm sóc y tế đã nghĩ đến việc chuyển đổi số, đã lên kế hoạch hoặc đã thực hiện chuyển đổi số, trong đó 66% các tố chức đã thực hiện chuyển đổi số ở các mức độ khác nhau nhưng mới chỉ có 7% đã thành công trong việc chuyển đổi số toàn diện (Hình 2).

Chuyển đổi số toàn diện là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự cam kết theo thời gian để có thể nhận thấy những cải thiện trong quá trình chuyển đổi. Vì vậy, để thực hiện chuyển đổi số thành công, các tổ chức y tế cần cân nhắc một kế hoạch lộ trình chuyển đổi số cụ thể để đảm bảo việc quản lý về mặt tiến độ, KPIs và ngân sách triển khai.

Một chiến lược chuyển đổi số đúng hướng cần gắn liền và phục vụ chiến lược và hoạt động cốt lõi của tổ chức. Một lộ trình chuyển đổi số cần cụ thể về mặt ngân sách, KPIs, thời gian cho các giải pháp số với sự ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp bách.

Hình 2: Tình hình chuyển đổi số tại các tổ chức y tế (2)

Tại Việt Nam, trong tình hình dịch bệnh Covid-19, bộ y tế và các cơ sở y tế đã cùng người dân thực hiện phòng chống dịch hiệu quả. Với các chính sách cách ly, họ là những người tiên phong trong việc triển khai và ứng dụng mạnh mẽ một số giải pháp công nghệ nhằm đảm bảo sự an toàn, sức khoẻ của người dân cũng như người dân nắm bắt những thông tin chính thống nhanh nhất.

Các công nghệ được đưa vào ứng dụng nhằm phục vụ hội chẩn bệnh, khám chữa bệnh từ xa và ứng dụng cảnh báo người dùng mắc nguy cơ Covid-19. Các công nghệ này đã chứng minh được tính thực tế và đáp ứng được những yêu cầu gấp gáp và minh bạch trong phòng chống dịch. Trong tương lai, để đề phòng và ứng phó với những rủi ro tương tự, các giải pháp công nghệ được mong đợi sẽ ngày càng được đưa vào ứng dụng rộng rãi.

Bên dưới là những công nghệ đã và đang được các tổ chức, doanh nghiệp, công ty y tế ứng dụng để kiến tạo những giá trị mới trong nội bộ doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội.

Những công nghệ đã và đang được ứng dụng trong lĩnh vực y tế hiện nay

1. Khám chữa từ xa (Telehealth)

Với nền tảng khám chữa bệnh từ xa, các cơ sở y tế có thể cung cấp dịch vụ chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân mà họ không cần trực tiếp gặp mặt bác sĩ.

Việc giao tiếp và khám chữa bệnh qua video, nhắn tin trực tiếp qua điện thoại không những làm giảm thời gian chờ đợi khám bệnh của bệnh nhân so với khi họ phải trực tiếp đến bệnh viện, mà còn đồng thời nâng cao năng suất làm việc cho các bác sĩ và y tá. Khi nhận đơn thuốc, khách hàng cũng sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian hơn và giảm thiểu các khâu thủ tục cần thực hiện.

Có thể thấy việc khám chữa bệnh từ xa đem lại nhiều sự tiện lợi cho cả bệnh nhân và các y bác sĩ. Với tính năng thuận tiện đem lại, nền tảng này là một công cụ hữu ích trong việc chuyển đổi và tạo ra giá trị mới cho nội bộ, nhân viên và cải thiện trải nghiệm khách hàng.

Tại Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 đã thúc đẩy ngành chăm sóc sức khỏe y tế phải đổi mới và nhanh chóng ứng dụng công nghệ này nhằm đảm bảo người dân được cung cấp đầy đủ dịch vụ y tế.

2. Chatbot

Chatbot bao gồm 2 dạng phổ biến là chatbot tương tác bằng tin nhắn văn bản và chatbot tương tác thông qua nói chuyện trao đổi bằng giọng nói. Chatbot có thể đối thoại như con người thông qua những kịch bản tương tác đã được giả lập và lập trình thuật toán.

Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, máy học và ngôn ngữ tự nhiên (NLP), chatbot được huấn luyện để đưa ra phản hồi đối với những câu hỏi của người dùng sao cho chính xác và tự nhiên nhất bằng việc nhận biết, phân tích nội dung thông tin và đưa đến những phản hồi phù hợp.

Dựa trên nền tảng kho thông tin dữ liệu ngày càng lớn, chatbot sẽ trở nên ngày càng thông minh hơn khi học và đưa ra những phân tích ngày càng chính xác. Học hỏi và hiểu đúng những câu hỏi của người dùng, chatbot sẽ đưa ra những phản hồi sao cho phù hợp.

Với tính năng hồi đáp người dùng tức thì và đúng với nhu cầu của khách hàng, chatbot ngày càng được sử dụng rộng rãi, và là 1 phần trong chiến lược nâng cao trải nghiệm khách hàng. Bằng cách ứng dụng những trợ lý y tế nhân tạo, các cơ sở y tế sẽ đồng thời hỗ trợ nhân viên tối ưu thời gian công việc hơn và vẫn duy trì những trải nghiệm tương tác gần gũi với khách hàng, bệnh nhân.

Bài đọc nhiều nhất
Digital Strategy 18/11/2024
 

3. Thiết bị đeo (Wearable Technology)

Kỷ nguyên Internet đã cho phép các thiết bị và máy cảm biến theo dõi một số tình trạng bệnh lý cụ thể liên quan đến tim mạch, suy giảm trí nhớ và mất trí nhớ, v.v. Các thiết bị đeo sử dụng hệ thống vạn vật kết nối (IoT) với những máy cảm biến được kết nối với các thiết bị thông minh để theo dõi sự vận động và số liệu sinh trắc học của người dùng để có thể đánh giá tình trạng sức khoẻ.

Công nghệ và thiết bị đeo trên người có thể được phân loại dựa trên mục đích khác nhau. Ví dụ, đồng hồ thông minh phục vụ việc theo dõi hoạt động thể thao cá nhân, ống hít thông minh (smart inhaler) hỗ trợ theo dõi bệnh nhân có vấn đề về hô hấp, hoặc máy bơm insulin có thể dùng để điều trị tại nhà cho các nhân mắc bệnh tiểu đường.

Những thiết bị này không ngừng thu thập dữ liệu của bệnh nhân và cảnh báo khi bệnh lý có chuyển biến bất thường, từ đó đưa ra những chẩn đoán dựa trên dữ liệu phân tích.

4. Phân tích dữ liệu

Các phần mềm y tế như ERM (Electronic Medical Record) hoặc EHR (Electronic Health Record) cho phép việc lưu trữ tất cả hồ sơ y tế dưới dạng dữ liệu số. Bằng cách sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử, các y bác sĩ có thể dễ dàng truy cập vào hồ sơ điện tử của bệnh nhân và kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe của họ nhanh hơn và chính xác hơn.

Khi các bác sĩ có thể truy cập vào hồ sơ điện tử của bệnh nhân dễ dàng hơn. Thêm nữa, việc mọi dữ liệu thông tin đều được lưu trong hệ thống sẽ tránh việc mất và lạc hồ sơ, tài liệu thông tin bệnh nhân so với việc dùng thông tin trên giấy. Chính vì vậy, dữ liệu được lưu và phân tích trong ERM hoặc EHR sẽ làm giảm tỷ lệ sai sót khi chẩn đoán bệnh và kê đơn thuốc.

 

Thói quen người tiêu dùng đang dần thay đổi khi những công nghệ mới ngày càng được áp dụng rộng rãi. Với mức độ chi tiêu về y tế vẫn đang trên đà tăng trưởng, ngành chăm sóc y tế cần cân nhắc một chiến lược chuyển đổi số, ứng dụng những công nghệ mới để không những đem lại những trải nghiệm ngày một tốt cho khách hàng mà còn tạo ra những giá trị mới trong nội bộ cơ sở, tổ chức y tế để những hoạt động vận hành ngày một tối ưu.

Trên thị trường Việt Nam, mặc dù những công nghệ mới nổi vẫn đang trong giai đoạn được phát triển và chưa được sử dụng rộng rãi, nhưng trước mắt, chỉ bằng việc chuyển đổi số và ứng dụng những công nghệ có sẵn trên thị trường cũng có thể mở ra hàng ngàn cơ hội giá trị cho ngành y tế.

Thực tế cho thấy rằng, trong thời điểm đại dịch Covid-19, việc các cơ sở, tổ chức y tế thực hiện chuyển đổi và ứng dụng công nghệ nhằm cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, đảm bảo sức khoẻ cho người dân đã đạt được những tiêu chí đặt ra ban đầu, đem lại những hiệu quả tích cực.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) World Health Organization. 2019. Global Spending on Health: A World in Transition. Global Report.
(2) HIMSS. 2018. Healthcare Technology Trends in Digital Transformation: A Reality Check.

Nghiên cứu nổi bật
01. Nhà máy xanh – Xu hướng tất yếu của nền công nghiệp tương lai 02. Quản lý vòng đời sản phẩm thúc đẩy tối ưu quy trình và nâng cao giá trị sản phẩm cho doanh nghiệp 03. Tối ưu lập kế hoạch trồng trọt cho 3 miền hướng tới nông nghiệp bền vững 04. Đo lường hiệu quả tiếp thị từ dữ liệu hợp nhất
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận