Tương lai không xa của đô thị Việt Nam - FPT Digital
Tương lai không xa của đô thị Việt Nam
Digital Strategy

Tương lai không xa của đô thị Việt Nam

Đô thị thông minh (ĐTTM) hay còn gọi là Smart City là mô hình đô thị mới, đã xuất hiện trên thế giới và cũng bắt đầu được làm quen tại Việt Nam. Xu hướng xây dựng ĐTTM đã tăng nhanh trong nhiều năm gần đây nhờ vào sự phát triển vượt bậc của các ứng dụng công nghệ hiện đại.

Đại dịch Covid-19 đã cho thấy vai trò quan trọng cấp thiết trong công tác quy hoạch xây dựng một thành phố có tính kết nối bền vững, an toàn và linh động trong mọi tình huống. Đô thị thông minh được quản lý, điều hành hiệu quả và thống nhất các khía cạnh kinh tế, xã hội, giao thông, giáo dục, môi trường,.. bằng các giải pháp hiệu quả, được giám sát theo thời gian thực để tiết kiệm nhất nguồn tài nguyên và mang lại lợi ích cao nhất cho người dân.

Điều gì giúp cho thành phố trở nên thông minh?

Theo Ủy Ban Châu Âu (European Commission), đô thị thông minh là nơi mà các mạng lưới và dịch vụ truyền thống được thực hiện hiệu quả hơn với việc sử dụng các giải pháp kỹ thuật số vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Một thành phố thông minh vượt ra khỏi việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để sử dụng tài nguyên tốt hơn và giảm thiểu chất thải ra môi trường. Nó có nghĩa là mạng lưới giao thông đô thị thông minh hơn, các cơ sở cung cấp nước và xử lý chất thải được nâng cấp cũng như có các cách hiệu quả trong việc xây dựng hệ thống chiếu sáng và sưởi ấm. Nó cũng có nghĩa là một chính quyền thành phố tương tác và nhạy bén hơn, không gian công cộng an toàn hơn và đáp ứng nhu cầu của dân số đang già đi (1).

Trên thế giới có rất nhiều định nghĩa cho đô thị thông minh nhưng định nghĩa gần nhất với Việt Nam theo ông Phan Thanh Sơn, Giám Đốc Phát Triển Kinh Doanh FPT IS, là “một thành phố đổi mới sáng tạo sử dụng các công nghệ thông tin (CNTT) – truyền thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả hoạt động – dịch vụ đô thị, tính cạnh tranh, đồng thời đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa” (2).

Hình 1: Ba yếu tố cốt lõi làm nên một đô thị thông minh

Ba yếu tố cốt lõi sẽ đóng vai trò chính làm nên một đô thị thông minh: công nghệ, con người, và quản trị (3):

  • Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo AI, điện toán đám mây Cloud cùng với kết nối vạn vật IoT sẽ giúp giải quyết những bài toán khó của dịch vụ cơ sở hạ tầng (bao gồm quản trị thành phố, giáo dục, y tế, an ninh công cộng, bất động sản, giao thông và các tiện ích) khi mà áp lực dân số tập trung về thành thị tăng cao.
  • Nguồn lực con người là thành phần quan trọng tham gia vào sự phát triển của đô thị thông minh. Những đô thị quy hoạch và cung cấp dịch vụ giáo dục tốt từ nhiều cấp bậc thì sẽ tạo điều kiện để nâng cao dân trí. Từ đó, tăng tỉ lệ người dân có bằng đại học với trình độ cao. Hướng đến xây dựng nguồn nhân lực có năng lực làm chủ các thiết bị công nghệ số, vận hành nó trong quá trình sản xuất kinh doanh và các hoạt động khác của nền kinh tế.
  • Quản trị: Kết hợp CNTT và truyền thông để các bên liên quan có thể tổ chức thiết kế, quy hoạch, triển khai các giải pháp mới, tiên tiến. Nhờ đó, chính quyền có công cụ cho việc quản lý thành phố một cách linh hoạt và bền vững.

Thực trạng và xu hướng đô thị thông minh trên thế giới

Hiện nay trên thế giới, hầu hết các nước vẫn đang trong giai đoạn đầu của phát triển đô thị thông minh với những dự án thử nghiệm hay chỉ áp dụng ở một phần nhỏ của thành phố. Việc triển khai mô hình mới còn phụ thuộc vào tiềm lực tài chính, chỉnh sửa theo nhu cầu phát triển và công nghệ.

Theo báo cáo Chỉ Số Đánh Giá Sự Dịch Chuyển Của Các Thành Phố 2020- IESE Cities in Motion Index 2020, hiện nay có 174 thành phố trên thế giới được xếp hạng là đô thị thông minh theo các tiêu chí kinh tế, môi trường, chính quyền, nhân lực, hội nhập quốc tế, giao thông, xã hội kết nối, công nghệ và quy hoạch đô thị.

Hình 2: Bảng xếp hạng Top 10 Đô Thị Thông Minh

Theo đó trong Top 50, hầu như nước khu vực Châu Âu đều dẫn đầu trong bảng xếp hạng với 27/50 nước. Theo sau là 14 thành phố ở Bắc Mĩ, 5 thành phố ở Châu Á và 4 thành phố ở Châu Đại Dương (5).

Thành phố London tiếp tục giữ vị trí Top 1 từ năm 2017 khi đạt được đánh giá cao trong mọi khía cạnh. Những lý do giúp cho London trở thành đô thị thông minh khác với những thành phố khác là chiến lược lấy người dùng làm trọng tâm, cải thiện kỹ năng số của cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, và trở thành đô thị xanh.

London còn là thành phố đi đầu trong những sản phẩm công nghệ sạch CleanTech với thiết bị cảm ứng gắn ở cột đèn và xe Google Street View để thu thập thông tin về chất lượng không khí. Những dữ liệu thu được sẽ giúp cho họ tìm ra nguyên nhân và sự ảnh hưởng của ô nhiễm. Đồng thời, thành phố trang bị các cơ sở hạ tầng năng lượng tiên tiến nhằm giảm thiểu chất khí thải và giảm gia tăng nhiệt độ.

Nói đến giao thông vận tải thì London đã triển khai được hệ thống xe điện không người lái, tự động vận chuyển hành khách giữa các nhà ga trong sân bay Heathrow trên tuyến đường dài 3,9 km chỉ trong 5 phút. Hệ thống vận tải không khí thải này đã giúp cho London loại bỏ 70.000 chuyến xe buýt chạy mỗi năm, tương đương với 100 tấn khí thải carbon dioxide phát ra.

Việc tập trung giảm thiểu tác động tiêu cực vào môi trường là ưu tiên hiện nay của thành phố sương mù với mục tiêu tạo ra đô thị xanh thu hút nhiều nhân tài. London nhận ra rằng người tài thường sẽ chọn một nơi để lập nghiệp không vì chỉ có hệ thống y tế hay trường học tốt mà còn có bầu không khí trong lành, không gian xanh, mạng lưới giao thông tiên tiến và dịch vụ công đa dạng. Ngoài ra, nền tảng dữ liệu mở ‘London Datastore’ – chương trình tiên phong chia sẻ dữ liệu miễn phí cho cá nhân và doanh nghiệp đã mang lại lợi ích lớn nhất để thúc đẩy sự sáng tạo trong đô thị. Đó là lý do vì sao đây là nơi tập trung nhiều nhà khởi nghiệp và chuyên gia lập trình hơn so với những thành phố khác (6).

Bài đọc nhiều nhất
Digital Strategy 22/12/2024

Thực trạng phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam

Xu thế phát triển “đô thị thông minh” ngày càng phổ biến và được biết đến rộng rãi tại Việt Nam. Nhiều tỉnh thành đã bắt đầu lên kế hoạch để triển khai sau khi Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 950) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay, đã có 38/63 tỉnh, thành phố thuộc Trung ương đã và đang triển khai dự án cho toàn tỉnh hoặc một số đô thị. Phần lớn các tỉnh đều đang trong giai đoạn đầu cụ thể là xây dựng trung tâm hành chính công và triển khai dịch vụ công trực tuyến. Một số địa phương đã đạt được các kết quả tích cực bước đầu như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh, vv..

TP. Hồ Chí Minh là một trong những ví dụ điển hình trong việc ứng dụng tiện ích của đô thị thông minh qua quá trình triển khai 4 trụ cột lớn:

  • Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở làm nền tảng triển khai các hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và công tác quản lý, chỉ đạo điều hành
  • Xây dựng Trung tâm mô phỏng, dự báo kinh tế – xã hội phục vụ cho công tác quản lý điều hành của lãnh đạo
  • Xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh với các công cụ hỗ trợ ra quyết đinh tối ưu
  • Thành lập Trung tâm an toàn thông tin để bảo vệ thành phố đang hoạt động gắn liền với khoa học công nghệ (7)

Bốn trụ cột này cũng là mục tiêu quan trọng trong 3 chương trình đột phá của TP Hồ Chí Minh: đổi mới quản lý, phát triển hạ tầng và phát triển nhân lực và văn hóa Thành phố trong nhiệm kì 2020-2025 với các chỉ tiêu sau được thành phố đề ra trên 5 lĩnh vực để thực hiện (8).

Hình 3: Các chỉ tiêu được thành phố đề ra trên 5 lĩnh vực nhiệm kì 2020-2025

Đến nay, thành phố đã hoàn thành cơ bản kho dữ liệu dùng chung và trung tâm điều hành đô thị thông minh. Những dữ liệu từ giao thông vận tải, đến điện nước, sự cố đều được cập nhật theo thời gian thực để đơn vị liên quan xử lý kịp thời và lên kịch bản đối phó. Người dân thành phố cũng có ứng dụng UDI Maps cảnh báo ngập nước khi trời mưa, hay TTGT thành phố Hồ Chí Minh là ứng dụng cảnh báo tránh tắt đường, và My Parking cho phép tìm chỗ đậu xe trong thành phố. Ngoài ra còn có hệ thống camera thông minh để đo đếm lượng xe, ghi nhận sai phạm luật giao thông (9).

Hình 4: Ứng dụng UDI Maps (7) và Ứng dụng My Parking tại tp. HCM, Việt Nam

Bên cạnh xu hướng đô thị thông minh còn có khu công nghiệp thông minh với ứng dụng CNTT, công nghệ tự động hóa để nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh. Ðịnh hướng phát triển quy hoạch các khu công nghiệp thông minh là cơ hội để thu hút và kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tại Việt Nam, một số mô hình đã được lên kế hoạch và áp dụng ở nhiều tỉnh thành lớn như dự án VSIP (Khu liên hợp đô thị – dịch vụ – công nghiệp) ở Bình Dương, Bắc Ninh hay văn phòng thử nghiệm Sáng kiến Xã hội Vạn vật Trí tuệ Nhân tạo (AI World Society, viết tắt là AIWS) tại Phan Thiết. Phần lớn các khu công nghiệp đang dừng lại ở việc đáp ứng cơ bản về hạ tầng giao thông, điện, nước, xử lý chất thải. Đây cũng sẽ là cơ hội để phát triển các ứng dụng CNTT và nâng cao hạ tầng, hướng đến mô hình mới đáp ứng xu thế phát triển nhanh chóng của cả nước và thế giới.

Việc xác định rõ mô hình phát triển phù hợp cho từng vùng tập trung vào 3 yếu tố cốt lõi con người, công nghệ và quản trị sẽ giúp tối đa hóa hiệu quả kinh tế – xã hội và sinh thái. Từ đó, từ một đô thị thông minh sẽ kéo theo sự phát triển cho các khu vực phụ cận và cả nước.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) European Union. Cities using technological solutions to improve the management and efficiency of the urban environment
(2) Forbes Việt Nam. Thành Phố Thông Minh
(3) Albert Meijer. 2016. Governing the smart city: a review of the literature on smart urban governance. International Review of Administrative Sciences 2016
(4) Accenture. 2017. How 5G Can Help Municipalities Become Vibrant Smart Cities
(5) IESE. 2020. IESE Cities in Motion Index
(6) London.gov. Smart London Plan
(7) Medinet.2019. 5 Dự án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh
(8) VUPDA. 3 trụ cột trong phát triển đô thị thông minh
(9) Báo Người lao động. 2020. Lần đầu tiên ứng dụng cảnh báo ngập TP HCM phát thông báo khẩn cho người dân

Nghiên cứu nổi bật
01. Xu hướng phát triển “Văn phòng xanh” 02. Chuyển đổi số trong ngành bán lẻ | Bức tranh từ tổng quan đến chi tiết 03. 12 thách thức lớn nhất của bảo mật điện toán đám mây 04. Voicebot AI – Đột phá trong việc nâng cao hiệu quả chăm sóc khách hàng trong ngành tài chính và ngân hàng
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận