Chuyển đổi hệ thống CNTT sang điện toán đám mây: Thực hiện như thế nào cho đúng? - FPT Digital
Chuyển đổi hệ thống CNTT sang điện toán đám mây: Thực hiện như thế nào cho đúng?
Cloud Computing

Chuyển đổi hệ thống CNTT sang điện toán đám mây: Thực hiện như thế nào cho đúng?

Việc chuyển đổi hệ thống CNTT sang điện toán đám mây (cloud) đang diễn ra mạnh mẽ. Vậy đâu là lựa chọn chiến lược giúp doanh nghiệp chuyển đổi sang Cloud đảm bảo thành công? Cùng FPT Digital tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Thực tế đã chứng minh rằng các doanh nghiệp đã và đang sở hữu hệ thống CNTT được xây dựng và phát triển trên nền tảng điện toán đám mây (Cloud) sẽ có nhiều thuận lợi so với các doanh nghiệp còn sử dụng mô hình cũ. Với Cloud, các doanh nghiệp có được khả năng mở rộng tùy ý theo nhu cầu vận hành thực tế, hiệu suất của cả hệ thống CNTT được tăng lên vượt bậc trong khi chi phí vô cùng hợp lý. Bên cạnh đó, Cloud còn là đòn bẩy giúp doanh nghiệp cung cấp các trải nghiệm số cho khách hàng, đối tác và chính nhân viên của họ. Vậy các doanh nghiệp cần làm gì chuyển đổi hệ thống CNTT sang cloud một cách hiệu quả nhất?

Xu hướng sử dụng cloud hiện nay

Báo cáo thường niên năm 2021 của NUTANIX tại Anh Quốc chuyên về xác định xu hướng điện toán đám mây hiện tại và tương lai được thực hiện bằng cách khảo sát 1700 người có quyền ra quyết định về hệ thống CNTT trong các tổ chức và doanh nghiệp trên khắp thế giới về cách thức, dự định của họ về nơi họ đang xây dựng và phát triển hệ thống ứng dụng phục vụ hoạt động và kinh doanh.

Theo đó, việc dịch chuyển hệ thống ứng dụng hay hạ tầng CNTT đang diễn ra sôi nổi và sử dụng Cloud đang là lựa chọn được đưa ra hàng đầu

Hình 1: Sự dịch chuyển hệ thống ứng dụng hay hạ tầng CNTT sang sử dụng Cloud

Những lợi ích quan trọng mà Cloud có thể mang lại cho các tổ chức, doanh nghiệp

Các lợi ích của Cloud mang lại có thể gói gọn trong bốn nhóm lợi ích chính dưới đây:

  • Nâng cao hiệu suất: Chuyển đổi hệ thống CNTT sang Cloud có thể tăng cường hiệu suất của các ứng dụng, hỗ trợ cho việc cung cấp các trải nghiệm tốt cho người dùng. Triển khai ứng dụng trên Cloud cho phép doanh nghiệp giảm độ trễ bằng cách phát triển nhiều thực thể (instance), dịch vụ và triển khai chúng riêng rẽ theo quốc gia, vùng miền, đối tượng khách hàng.
  • Giảm chi phí: Doanh nghiệp không còn phải bận tâm các vấn đề về mua sắm phần cứng, thay thế bảo trì và các hoạt động vận hành phần cứng, mạng lưới. Toàn bộ hạ tầng CNTT được ảo hóa giúp doanh nghiệp chủ động trong phát triển CNTT và tối ưu, tái sử dụng các nguồn lực một cách phù hợp. Điều này làm giảm chi phí đáng kể.
  • Khả năng mở rộng: Với Cloud, doanh nghiệp dễ dàng cấu hình tự động các ứng dụng CNTT có thể sử dụng các nguồn lực hạ tầng nhiều hay ít theo nhu cầu thực tiễn.
  • Cung cấp trải nghiệm số: Có rất nhiều dịch vụ, nền tảng được cung cấp sẵn ngay trên Cloud sẽ cho phép doanh nghiệp mở rộng không ngừng các năng lực dịch vụ của mình theo các chiến lược đã đặt ra, thúc đẩy tăng cường trải nghiệm cho khách hàng, đối tác và các nhân viên của tổ chức, doanh nghiệp.

Lựa chọn chiến lược chuyển đổi sang Cloud như thế nào để đảm bảo thành công?

Trước tiên, các tổ chức, doanh nghiệp cần xác định rõ chiến lược chuyển đổi phù hợp với chiến lược kinh doanh, năng lực và mô hình vận hành trong tương lai phù hợp. Lựa chọn một trong số các chiến lược chuyển đổi sang Cloud đã được xác định bởi Gartner – còn được biết đến với cái tên “5 Rs” như dưới đây:

Hình 2: Chiến lược chuyển đổi sang cloud

Tái lưu trữ (Rehost): Là chiến lược đơn giản nhất. Về cơ bản, các tổ chức, doanh nghiệp chỉ cần triển khai toàn bộ dữ liệu và ứng dụng hiện tại lên các máy chủ trên Cloud. Chiến lược này không làm thay đổi quá nhiều cách thức vận hành của doanh nghiệp, tuy nhiên lại tận dụng được rất ít ưu điểm mà các nền tảng Cloud có thể mang lại.

Tái cấu trúc (Refactor): Là chiến lược mà ở đó doanh nghiệp hay tổ chức sẽ tiến hành tinh chỉnh, tối ưu hóa các ứng dụng CNTT trước khi triển khai chúng trên môi trường Cloud. Đối với trường hợp này, kiến trúc cốt lõi của mỗi ứng dụng không thay đổi, các thay đổi chủ yếu hướng đến mục tiêu tận dụng các lợi thế của môi trường Cloud.

Sửa đổi lại (Revise): Chiến lược này là phiên bản thay đổi mạnh dạn hơn của chiến lược tái cấu trúc. Với chiến lược này, các ứng dụng được thay đổi mạnh mẽ hơn, bao gồm cả về kiến trúc và công nghệ nhằm tối đa hóa các lợi thế của môi trường Cloud. Chiến lược này đòi hỏi phải có một kế hoạch cụ thể và năng lực thiết kế giải pháp nâng cao.

Xây dựng lại (Rebuild): Là chiến lược làm mới hoàn toàn hệ thống ứng dụng CNTT bằng cách xây dựng lại chúng, chỉ giữ lại chức năng và những yêu cầu mà các ứng dụng cần phải có. Chiến lược này thường được xem xét khi doanh nghiệp muốn thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận công nghệ do các nền tảng công nghệ đã cũ hoặc khó có thể mở rộng.

Thay thế (Replace): Chiến lược này hướng đến sự tinh gọn trong quản trị và vận hành. Doanh nghiệp sẵn sàng loại bỏ các ứng dụng của mình để kết hợp chuyển đổi, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của bên thứ 3 với cùng khả năng trong quá trình chuyển đổi sang Cloud.

Những nguyên tắc và hành động trước và trong khi thực hiện chuyển đổi sang Cloud

Để đảm bảo cho thành công của quá trình chuyển đổi, doanh nghiệp và tổ chức cần đảm bảo thực hiện các nguyên tắc và hành động quan trọng dưới đây:

  1. Thiết lập vai trò kiến trúc sư chuyển đổi: Quá trình thực hiện chuyển đổi có rất nhiều quyết định và các kế hoạch chi tiết cần phải đưa ra. Đây là một trong những lí do quan trọng nhất dẫn đến nguyên tắc này. Doanh nghiệp có thể sử dụng cả một đội ngũ cho vai trò này nhằm đảm bảo vững chắc cho thành công của cả một quá trình.
  2. Chọn mức độ tích hợp: Trường hợp doanh nghiệp sử dụng các mô hình hybrid hay kết hợp nhiều môi trường Cloud khác nhau, đây là một nguyên tắc không thế bỏ qua.
  3. Lựa chọn mô hình đám mây phù hợp: Chọn một đám mây duy nhất hoặc chuyển sang nhiều đám mây hay kết hợp với môi trường tại chỗ? Xem xét cẩn thận chiến lược kinh doanh ngăn và dài hạn để đưa ra quyết định rõ ràng.
  4. Thiết lập KPI trên Cloud: Đặt ra những mục tiêu cụ thể với từng ứng dụng trên môi trường Cloud để làm cơ sở kết quả cho quá trình chuyển đổi. Các KPI này tập trung vào hiệu suất ứng dụng, khả năng truy cập và tiếp cận, etc.
  5. Xác định các tiêu chí ưu tiên: Chuyển đổi là một quá trình, do vậy cần có lộ trình và đặt những ưu tiên sớm lên hàng đầu, do vậy cần có một bộ các tiêu chí ưu tiên để hoàn thiện được lộ trình chuyển đổi trước khi bắt tay vào thực hiện.
  6. Xây dựng lộ trình chuyển đổi: Hãy lập kế hoạch chuyển đổi cho từng cấu phần nhỏ, xem xét sự liên quan và các điều kiện tiên quyết ở từng cấu phần, từ đó xây dựng lên một lộ trình chuyển đổi với các giai đoạn.
  7. Sẵn sàng các nguồn lực: Quá trình xây dựng lộ trình chuyển đổi sẽ cho doanh nghiệp biết được các nguồn lực cả về nhân lực và vật lực cần có cho từng giai đoạn chuyển đổi quan trọng.
  8. Bắt tay vào thực hiện: Kể cả khi có một lộ trình với đầy đủ các bước đi phù hợp, sẵn sàng về các nguồn lực thì việc bấm nút “Bắt đầu” là hành động rất quan trọng để hiện thực hóa các chiến lược, kế hoạch đã đề ra.

Lời kết

Việc chuyển đổi hệ thống CNTT từ mô hình truyền thống sang Cloud được khẳng định là một bước đi cần thiết cho bất ki tổ chức hay doanh nghiệp nào. FPT Digital sẵn sàng đồng hành cùng quý doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi. Chúng tôi sẽ giúp các doanh nghiệp vạch ra lộ trình chuyển đổi tối ưu và chỉ các các nguồn lực cần thiết để đảm bảo cho sự thành công của cả hành trình.

 

 

Nguồn tham khảo
1. Báo cáo thường niên năm 2021 của NUTANIX
2. Các chiến lược chuyển đổi sang Cloud – 5Rs của Gartner

Nghiên cứu nổi bật
01. Vai trò của thanh toán điện tử trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam 02. Quản lý chất lượng nông sản với RFID 03. Thực tế ảo là tương lai trong phương pháp đào tạo y học? 04. Tìm hiểu về Xe điện và Xe tự hành – Lợi ích, thách thức và tiềm năng
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận