“Mối liên kết này trong doanh nghiệp ngày ràng rõ nét hơn sau hơn hai năm thích ứng với đại dịch trong môi trường làm việc kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp”, ông Cường nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo báo cáo khảo sát hơn 1.000 doanh nghiệp về Chuyển đổi số 2021 của Bộ Kế hoạch Đầu tư, rào cản chuyển đổi số của phần lớn doanh nghiệp đều liên quan đến nguồn lực con người. Cụ thể 30% doanh nghiệp thiếu cam kết và đồng hành của tất cả cấp nhân sự, 52% doanh nghiệp thiếu nhân lực nội bộ và khó khăn khi thay đổi thói quen và tập quán kinh doanh. Bài toán gây dựng nhân sự gắn kết trong quá trình chuyển đổi số, có đủ năng lực số trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết do doanh nghiệp cần nắm bắt nhanh các cơ hội mới trong môi trường đầy biến động hiện nay.
Trong quá trình chuyển đổi số, con người đóng vai trò dẫn dắt và tham gia trực tiếp, từ xây dựng kế hoạch lộ trình đến triển khai và thực hiện. Bởi vậy, cũng có thể hiểu nguyên nhân vì sao đa số các rào cản trong chuyển đổi số đều liên quan đến yếu tố con người.
Mối liên kết chặt chẽ giữa kinh doanh, công nghệ và con người trong chuyển đổi số. Ảnh: FPT Digital
Rào cản trong xây dựng tinh thần đồng thuận
Sự thiếu cam kết và đồng hành xuất hiện khi nhân sự các cấp có thể vẫn chưa được chia sẻ, nắm bắt đầy đủ thông tin; chưa hiểu đúng hay đồng nhất về lý do, chiến lược cũng như mục tiêu mà doanh nghiệp mình cần chuyển đổi, dẫn tới tinh thần quyết tâm chưa cao, nguy cơ dễ bị đứt gãy của chương trình.
Chuyển đổi số là chặng đường dài hạn nên bắt buộc doanh nghiệp cần chuẩn bị nhân lực thật kỹ càng. Cùng với những yêu cầu về kiến thức và kinh nghiệm thì cần có sự đồng lòng, quyết tâm cao độ từ lãnh đạo tới nhân viên các cấp cùng các bên liên quan. Tuy nhiên, doanh nghiệp càng lớn thì gây dựng tinh thần đồng thuận càng khó khăn, phức tạp. Do đó, nâng cao nhận thức và tầm nhìn về chuyển đổi số cho toàn bộ nhân sự doanh nghiệp, đi từ lãnh đạo cấp cao tới khối quản lý cấp trung nhằm “đóng vai trò đầu tàu” là hành động trước tiên nếu doanh nghiệp muốn đặt viên gạch nền móng vững chắc trong chặng đường chuyển đổi số.
Khó khăn trong xây dựng năng lực số
Trong chuyển đổi số, công nghệ tạo ra môi trường làm việc số mà ở đó cách thức làm việc cũng như tiêu chí đánh giá hoàn thành công việc của mỗi cá nhân, mỗi bộ phận sẽ nhanh gọn, minh bạch và linh hoạt hơn rất nhiều. Các tác vụ liên tục được cập nhật, mang tới bức tranh về hoạt động sản xuất kinh doanh tức thời, nên sẽ rất hiệu quả nếu con người và công nghệ hợp tác hai chiều. Điều này đòi hỏi cần thay đổi về thói quen, tập quán cũ để sẵn sàng phát huy trong môi trường mới.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hùng Cường, Giám đốc Tư vấn FPT Digital chia sẻ, trong sự tương tác hai chiều giữa công nghệ và con người của quá trình chuyển đổi số hướng tới mục tiêu kinh doanh, cần đánh giá mức độ trưởng thành số cho doanh nghiệp với những thay đổi trong tập quán kinh doanh, năng lực số.
“Để làm được điều này chúng tôi sử dụng 139 tiêu chí đánh giá, trong đó, có hơn 50% tiêu chí có liên quan đến con người ở các góc độ từ văn hóa doanh nghiệp, dịch vụ khách hàng đến chiến lược hoạt động và cơ chế vận hành”, ông Cường nói.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hùng Cường trong buổi đào tạo về năng lực số
“Sau quá trình làm việc và tiếp cận nhiều lớp nhân sự của hàng trăm doanh nghiệp, điều chúng tôi hay được các cấp nhân sự chia sẻ là họ lo lắng liệu công việc hiện tại có bị công nghệ cạnh tranh không. Học cũng băn khoăn liệu các tính năng quản lý khách hàng mới do ứng dụng công nghệ có ảnh hưởng, nhất là với nhân viên kinh doanh vốn đang nắm giữ các mối quan hệ với khách hàng được coi là lợi thế của mỗi cá nhân, liệu năng lực của họ có thể sử dụng công nghệ mới mà không ảnh hưởng đến hiệu suất”, ông Nguyễn Hữu Hùng Cường chia sẻ.
Giải bài toán rào cản mang yếu tố con người
Để loại bỏ các rào cản về yếu tố con người, song song trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp cũng cần có sự chuyển đổi về yếu tố này. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ có những sự chuyển đổi trong nhận thức về giá trị công nghệ đem lại, niềm tin vào ứng dụng công nghệ, kiến thức số, kỹ năng số và năng lực số.
Theo phương pháp luận chuyển đổi số của FPT Digital, Tiến sĩ Lê Hùng Cường chia sẻ việc chuyển đổi con người là một quá trình xuyên suốt và song hành trong quá trình chuyển đổi số, đi qua các giai đoạn Ươm mầm, Lan tỏa và Duy trì. Trong đó, Ươm mầm sẽ là giai đoạn trước nhất để bước đầu loại bỏ các rào cản liên quan đến nhận thức, tạo dựng sự cam kết và xây dựng niềm tin chung vào chiến lược chuyển đổi số của tổ chức, đi từ trước nhất là các lãnh đạo cấp cao và cấp trung, những người dẫn dắt quá trình chuyển đổi số.
Ở giai đoạn lan tỏa, các vị lãnh đạo sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chia sẻ và dẫn dắt các cấp độ nhân viên hiểu, xây dựng kiến thức, kỹ năng, năng lực và thực hiện chuyển đổi số. Duy trì sẽ là giai đoạn tiếp theo, sau khi con người trong tổ chức đã đạt được những sự chuyển đổi song hành cùng nhịp với quá trình chuyển đổi số.
Để chuyển dịch qua từng giai đoạn, xây dựng nguồn nhân lực đồng thuận với tinh thần quyết tâm cao trong chuyển đổi số, có nhiều cách tiếp cận doanh nghiệp có thể thực hiện như xây dựng văn hóa số linh hoạt, đào tạo liên tục, truyền thông sâu rộng hay thiết lập mô hình tổ chức phù hợp. Tuy vậy, thực hiện đào tạo cung cấp kiến thức tổng quan về chương trình chuyển đổi số sẽ là bước khởi động phù hợp để ngay từ khi bắt đầu, nhân sự đã hiểu rõ mục tiêu và nhận thức rõ vai trò của mình trong lộ trình để đạt được mục tiêu. Ở đây, đào tạo cũng đóng vai trò truyền thông và truyền đạt những kiến thức, những tiềm năng mà chuyển đổi số có thể đem lại cho tổ chức và cho chính bản thân họ. Một khóa đào tạo hiệu quả sẽ tạo ra những gắn kết và tương tác trực tiếp, đi từ lý thuyết đến thực tiễn thực hành về vấn đề và cơ hội đang thực sự diễn ra trong các khâu, các phòng ban và trong doanh nghiệp.
“Nhiều anh chị quản lý cấp cao tại các doanh nghiệp đã công nhận với chúng tôi về giá trị các buổi đào tạo tổng quan, giúp các bộ phận cùng hiểu rõ chiến lược, mục tiêu, lộ trình; hiểu việc cần triển khai các nền tảng nào, giải pháp nào để chuyển đổi từ đó giúp họ kết nối với nhau, có cùng tầm nhìn về chuyển đổi số”, ông Lê Hùng Cường nói.
Tiến sĩ Lê Hùng Cường chia sẻ các giải pháp gỡ bỏ rào cản con người trong chuyển đổi số
Trước những băn khoăn về thay đổi mà chuyển đổi số tạo ra đối với thói quen tập quán, khóa đào tạo nâng cao nhận thức tổng quan ngay tại doanh nghiệp được tổ chức, giúp cán bộ công nhân viên hiểu rõ rằng trong chặng đường này con người cần phải dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn, rèn luyện tư duy mở và ý chí học hỏi để sẵn sàng với những nhiệm vụ mới. Ở chiều ngược lại, công nghệ rất cần kinh nghiệm của con người để vận hành, hoàn thiện và tối ưu hơn. Công nghệ không thay thế con người mà sẽ giúp họ trong một số công đoạn để họ có thời gian sáng tạo đổi mới thậm chí bước sang hẳn lĩnh vực mới mà mô hình chuyển đổi số hướng tới.
“Như vậy, song song với chuyển đổi về công nghệ, doanh nghiệp cần xây dựng năng lực số cho nhân sự của mình, giúp họ hiểu tiềm năng mà công nghệ mới đem lại, thuận lợi để xây dựng mối hợp tác giữa công nghệ và các cấp nhân sự liên quan”, Giám đốc Tư vấn FPT Digital kết luận.
Nguồn: Vnexpress