Hội nghị Diễn đàn Dệt May Việt Nam & ASEAN 2025, do Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA) phối hợp cùng tổ chức quốc tế ECV tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua, đã quy tụ hơn 200 đại biểu từ các quốc gia ASEAN, châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu và Bắc Mỹ. Với chủ đề “Xây dựng chuỗi cung ứng dệt may an toàn – linh hoạt – bền vững”, sự kiện hướng đến thúc đẩy đối thoại chiến lược, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và củng cố sự kết nối chuỗi giá trị trong bối cảnh ngành dệt may toàn cầu đang đối mặt với những biến động địa chính trị, sự thay đổi công nghệ và các tiêu chuẩn xanh hóa ngày càng khắt khe trong thương mại quốc tế.
Kết nối đa chiều theo ba trọng tâm tại hội nghị
Tiếp nối thành công từ chuỗi sự kiện thường niên, Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA) phối hợp cùng ECV tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Dệt May Việt Nam & ASEAN 2025 vào ngày 26-27/6/2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Với sự tham dự của gần 200 đại biểu đến từ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, bao gồm lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia công nghệ, đại diện các tổ chức quốc tế và nhà hoạch định chính sách, sự kiện đã trở thành diễn đàn quan trọng nhằm thúc đẩy đối thoại chiến lược, chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật xu hướng mới trong ngành dệt may khu vực.
Với chủ đề “Xây dựng chuỗi cung ứng dệt may an toàn – linh hoạt – bền vững”, hội nghị đã mang đến cái nhìn toàn diện về sự thay đổi nhanh chóng của ngành dệt may trong bối cảnh biến đổi địa chính trị, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và các yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường từ các thị trường xuất khẩu chủ lực như EU, Mỹ và Nhật Bản. Các phiên thảo luận chuyên sâu tập trung vào ba trọng tâm chính: xây dựng chuỗi cung ứng dệt may an toàn và linh hoạt, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất bền vững, và tăng cường hợp tác khu vực.

Hội nghị mang đến một không gian kết nối đa chiều, nơi các vấn đề chiến lược như chuyển đổi xanh, số hóa chuỗi cung ứng, thương mại toàn cầu, nguyên liệu bền vững và mô hình tuần hoàn được thảo luận một cách thực chất và cởi mở. Qua đó, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các chuyên gia có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và đề xuất các chiến lược phát triển bền vững, nhằm đáp ứng các yêu cầu xanh hóa thương mại và mở rộng kết nối chuỗi giá trị.
Chuyển đổi số: Chìa khóa tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp dệt may
Tại sự kiện, ông Phạm Thành Đại Lĩnh, Giám đốc tư vấn FPT Digital, Tập đoàn FPT đã có bài thuyết trình tạo dấu ấn sâu sắc, không chỉ phác họa một bức tranh toàn cảnh về tương lai ngành dệt may trong bối cảnh mới, mà còn đưa ra định hướng và các hành động cụ thể, mang tính dẫn đường cho cộng đồng doanh nghiệp.
Trong phần trình bày của mình, ông Lĩnh chỉ ra ba xu hướng cốt lõi đang định hình lại chiến lược vận hành và tăng trưởng của ngành dệt may thế giới. Đầu tiên là nhu cầu cấp bách về minh bạch hóa toàn bộ chuỗi cung ứng, từ nguyên liệu đầu vào, điều kiện lao động, cho tới các tác động môi trường xuyên suốt quá trình sản xuất. Thứ hai là sự tăng tốc vượt bậc của tự động hóa sản xuất, với sự tham gia ngày càng sâu của robot, AI và các công nghệ tiên tiến như in 3D, may tự động, kiểm lỗi bằng thị giác máy. Cuối cùng, doanh nghiệp buộc phải xây dựng hệ sinh thái sản xuất xanh và bền vững, thông qua áp dụng các bộ tiêu chuẩn quốc tế, từ ISO 14001, ISO 50001 đến SA 8000 và các hệ thống đánh giá phát thải theo mục tiêu khoa học (SBTi).
Hiện nay ngành dệt may đang đối mặt với “tam giác áp lực” chưa từng có: biến động địa chính trị, sự chuyển dịch công nghệ toàn cầu, và các yêu cầu khắt khe từ thị trường quốc tế về truy xuất nguồn gốc và trung hòa carbon. Theo thống kê được chia sẻ, 67% người tiêu dùng toàn cầu ngày nay muốn biết rõ nguồn gốc và quy trình sản xuất của sản phẩm họ mua. Thậm chí, 69% sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm có minh chứng về tính bền vững và trách nhiệm xã hội. Những con số này không còn là dự báo, mà đã trở thành yêu cầu thị trường mang tính bắt buộc. Doanh nghiệp nào không kịp thích ứng sẽ bị loại khỏi chuỗi giá trị toàn cầu.
Dựa trên kinh nghiệm tư vấn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sản xuất lớn trong nước, FPT Digital đã phát triển khung phân tầng mức độ trưởng thành số trong ngành dệt may, chia thành bốn cấp độ. Ở cấp độ đầu tiên – cơ giới hóa – doanh nghiệp mới chỉ sử dụng thiết bị máy móc riêng lẻ, chưa có sự kết nối và số hóa dữ liệu. Cấp độ hai là giai đoạn tích hợp phần cứng và phần mềm, nơi các cảm biến, hệ thống quản trị sản xuất (MOM/MES) và các nền tảng kiểm soát vận hành bắt đầu xuất hiện, nhưng vẫn chưa tạo ra được dữ liệu toàn diện. Bước sang cấp độ ba, doanh nghiệp triển khai đồng bộ hệ thống IoT và nền tảng dữ liệu, cho phép kết nối xuyên suốt từ sản xuất, kho vận đến bán hàng. Cấp độ cuối cùng – điều phối hệ sinh thái – là giai đoạn mà các công nghệ như AI và blockchain được đưa vào để quản lý chuỗi cung ứng theo thời gian thực, tối ưu toàn bộ vòng đời sản phẩm, từ nguồn cung, sản xuất, vận chuyển đến phản hồi thị trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chỉ 5% doanh nghiệp dệt may hiện nay đạt được cấp độ 4. Trong khi đó, phần lớn vẫn dừng ở giai đoạn xác lập chiến lược hoặc triển khai thử nghiệm, khiến năng lực cạnh tranh bị giới hạn đáng kể.

Điểm đặc biệt trong bài trình bày của ông Lĩnh chính là cách tiếp cận hệ thống, cho thấy công nghệ số – khi được triển khai đúng – có thể mang lại giá trị rõ ràng ở mọi mắt xích trong chuỗi giá trị dệt may, trong đó đối với ngành dệt may tập trung vào 2 công nghệ quan trọng nhất là AI và công nghệ truy xuất nguồn gốc. Với chuỗi cung ứng, doanh nghiệp có thể dự báo nhu cầu thị trường tốt hơn, giảm rủi ro tồn kho và thiếu hụt, tối ưu hóa lựa chọn nhà cung cấp và vận hành kho thông minh. Trong khâu sản xuất, AI hỗ trợ lập lịch sản xuất, phân bổ tài nguyên, theo dõi hiệu suất máy móc theo thời gian thực, đồng thời giảm tỷ lệ lỗi và tăng chất lượng thông qua kiểm tra tự động. Đối với việc thu thập thông tin về sản phẩm và thị trường, dữ liệu người dùng giúp doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm và dịch vụ được cá nhân hóa, phát triển vật liệu mới thân thiện với môi trường, và sản xuất theo đơn đặt hàng, giảm lãng phí. Ví dụ như nhờ khả năng kết nối phản hồi thị trường trở lại nhà máy trong thời gian ngắn đã giúp các thương hiệu như Zara duy trì được chuỗi cung ứng “Triple A” – linh hoạt, thích nghi nhanh và đồng bộ chiến lược. Đây chính là lợi thế cạnh tranh mới trong ngành may mặc toàn cầu.
Một yếu tố không kém phần quan trọng được FPT Digital nhấn mạnh là năng lực quản trị dữ liệu. Trong mô hình vận hành hiện đại, dữ liệu không chỉ phục vụ báo cáo mà còn trở thành công cụ điều hành chiến lược the thời gian thực. Doanh nghiệp cần có hệ thống báo cáo phân tầng – từ báo cáo thu mua, sản xuất, kinh doanh đến cấp độ quản trị – với các chỉ số cụ thể như dự báo nguyên vật liệu, hiệu suất máy móc, tỷ lệ lỗi sản phẩm, lợi nhuận theo kênh phân phối, dòng tiền và mức độ tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế. Việc thống nhất và cập nhật nhanh các dữ liệu này không chỉ giúp ra quyết định chính xác mà còn giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu minh bạch từ các đối tác quốc tế.
Ông Lĩnh nhấn mạnh rằng Chuyển đổi số cần được xem như một chiến lược xuyên suốt, có sự đồng hành chặt chẽ giữa ba trụ cột: doanh nghiệp, con người và công nghệ. Mọi hoạt động chuyển đổi cần xuất phát từ bài toán kinh doanh thực tiễn, do lãnh đạo cấp cao định hướng, với lộ trình triển khai công nghệ cụ thể và năng lực đáp ứng từ đội ngũ nhân sự nội bộ. FPT Digital không chỉ cung cấp công nghệ, mà còn đóng vai trò tư vấn chiến lược, hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế các kịch bản chuyển đổi số mang lại giá trị cụ thể, có thể đo lường được.

Với tốc độ phát triển nhanh chóng của các xu hướng công nghệ, ngành dệt may đang đứng trước một cơ hội vàng để nâng cao hiệu quả vận hành, cải thiện tính minh bạch và đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng về sản phẩm bền vững và có thể truy xuất nguồn gốc. Để tận dụng triệt để cơ hội này, các doanh nghiệp cần xây dựng một tổ chức linh hoạt, có khả năng ra quyết định nhanh chóng và tích hợp công nghệ để giải quyết các vấn đề cụ thể. Việc áp dụng AI, trũy xuất nguồn gốc và nâng cao năng lực về dữ liệu sẽ không chỉ là yếu tố cốt lõi giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng mà còn là động lực tạo ra lợi thế cạnh tranh lâu dài cho doanh nghiệp trong một thị trường đầy thách thức.
Bài trình bày của ông Phạm Thành Đại Lĩnh không dừng ở việc chẩn đoán tình trạng của ngành dệt may Việt Nam, mà còn mang đến lời giải rõ ràng, hành động được, với lộ trình chi tiết và những minh chứng từ thực tiễn toàn cầu. Trong bối cảnh các rào cản phi thuế quan ngày càng trở nên khắt khe, việc nâng cấp năng lực công nghệ – vận hành – quản trị không còn là lựa chọn, mà là điều kiện sống còn để doanh nghiệp dệt may Việt Nam hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Với hệ sinh thái công nghệ đa dạng, kinh nghiệm triển khai tại nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước, và đội ngũ tư vấn chuyên sâu, FPT Digital đang khẳng định vai trò người đồng hành chiến lược cho ngành dệt may Việt Nam trong hành trình chuyển đổi kép: số hóa và xanh hóa. Nếu ngành dệt may muốn “đi nhanh và đi xa”, thì thời điểm để bắt đầu chính là hôm nay.