Cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19 đã khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chuyển đổi số. Hãy cùng FPT Digital phân tích 4 khó khăn và các giải pháp hiệu quả cho doanh nghiệp trong bài viết dưới đây.
1. Doanh nghiệp Việt Nam đang ở đâu trên lộ trình chuyển đổi số?
Chuyển đổi số đang là từ khóa được mọi người nhắc đến thường xuyên khi khái niệm này được xem như là một xu hướng mang tính tất yếu cho quá trình phát triển bền vững của các doanh nghiệp hiện nay.
Việt Nam được nhận định là một trong những quốc gia hành động kịp thời trong việc xây dựng và định hình các khung pháp lý cũng như chiến lược thực hiện hóa việc chuyển đổi số cho nền kinh tế. Điều đó được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng khá cao của nền kinh tế số Việt Nam.
Trung bình nền kinh tế số Việt Nam tăng ~29% cho giai đoạn 2019-2021, với quy mô chiếm khoảng 6% GDP (1) trong năm 2021. Ngoài ra, tỷ lệ người Việt Nam kết nối Internet, mạng xã hội và kết nối di động cũng ở mức cao hơn so với trung bình toàn cầu (2).
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam lại chưa thực sự biết cách nắm bắt các giải pháp chuyển đổi số. Hiện nay doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiếm khoảng 97% và chưa đủ điều kiện về trình độ và khoa học kỹ thuật để chuyển đổi số. 92% doanh nghiệp được khảo sát không biết chuyển đổi số như thế nào, 72% không biết nên bắt đầu từ đâu (3).
2. 4 khó khăn khi chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt
Trong quá trình thực hiện khảo sát với các doanh nghiệp Việt Nam ở các quy mô và lĩnh vực ngành nghề khác nhau trong nền kinh tế, 4 nhóm khó khăn hay 9 tiêu chí về các rào cản khi chuyển đổi số đã được FPT Digital phân tích như hình 1 dưới đây:
2.1. Khó khăn về nguồn tài chính doanh nghiệp
Chi phí cho chuyển đổi số các doanh nghiệp sẽ là mối quan tâm trọng yếu. Khó khăn khi chuyển đổi số này khiến lợi ích của chuyển đổi số khó có thể được đo lường một cách chính xác trong ngắn hạn.
Với doanh nghiệp lớn khi việc thay thế hoàn toàn tài sản cũ sẽ khá tốn kém. Việc nâng cấp riêng lẻ có thể không đạt được tác động lâu dài, và còn gây ra vấn đề bảo trì trong tương lai. Ngược lại, các đơn vị nhỏ hơn lại ít gặp phải vấn đề này.
Điều này có lẽ là nguyên nhân chính dẫn đến việc doanh nghiệp có quy mô lớn lựa chọn hạn chế nguồn tài chính là rào cản lớn nhất trong việc chuyển đổi số của mình (~65%). Tỷ lệ này cũng là lớn nhất theo quy mô so với ~62% của doanh nghiệp vừa và ~55% của doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ.
Giải pháp:
- Các nhà lãnh đạo cần có tầm nhìn & định hướng rõ ràng về chuyển đổi số và những rủi ro nếu không hành động. Đây là yếu tố đảm bảo duy trì và cải thiện hiệu quả hoạt động của công ty.
- Ngoài ra, nhà lãnh đạo có thể cần phát triển một kế hoạch trong trung hoặc dài hạn. Kế hoạch bao gồm nhiều giai đoạn để cân đối và hạn chế các rào cản về ngân sách tài chính của công ty.
2.2. Khó khăn trong thay đổi văn hoá tổ chức
Chuyển đổi số có thể dẫn đến việc thay đổi hoàn toàn thói quen làm việc hàng ngày của nhân viên và lãnh đạo của doanh nghiệp. Điều này dẫn đến sự thay đổi vai trò, phòng ban hoặc tái cơ cấu lại tổ chức, văn hoá doanh nghiệp theo một hướng mới.
Các doanh nghiệp vừa và lớn có bộ máy, quy trình phức tạp cùng các chuẩn mực đã được áp dụng và triển khai hơn các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Vì thế sẽ khó khăn hơn khi doanh nghiệp thích ứng với thay đổi về thói quen, phương thức kinh doanh của mình.
Kết quả khảo sát ở hình 1 cũng đưa ra kết quả tương tự khi thứ tự tự đánh giá rào cản chuyển đổi số với nhóm văn hoá tổ chức là 60%, 42% và 29%, tương ứng doanh nghiệp vừa, lớn và nhỏ / rất nhỏ.
Giải pháp:
Để quá trình chuyển đổi số diễn ra, tư duy của tổ chức cũng phải được chuyển đổi tương ứng. Doanh nghiệp cần tích cực tuyên truyền, khen thưởng, đào tạo về nhận thức chuyển đổi số cho nhân viên và các cấp bậc quản lý.
2.3. Khó khăn về năng lực, nguồn lực triển khai chuyển đổi số
Với rất nhiều doanh nghiệp hiện còn chưa được tiếp cận và có nhiều kinh nghiệm về ứng dụng, khai thác công nghệ mới thì việc chuyển đổi số khó có thể trở thành hiện thực. Trong một báo cáo tại Châu Âu, 77% công ty coi việc thiếu các nguồn lực, kỹ năng về công nghệ số là rào cản lớn nhất cho quá trình chuyển đổi số của họ (5).
Báo cáo khảo sát của Việt Nam chỉ ra rằng thiếu nguồn nhân lực nội bộ để triển khai chuyển đổi số lại được các doanh nghiệp lựa chọn nhiều nhất với ~60% các công ty được khảo sát. Sau đó là thiếu cơ sở hạ tầng (~50%) và thông tin, kiến thức về công nghệ số (~42%).
Giải pháp:
- Các công ty cần chú ý đến việc tổ chức đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho nhân viên tại các phòng ban. Đặc biệt là những đơn vị, cá nhân trực tiếp tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
- Đồng thời, doanh nghiệp có thể cân nhắc tuyển dụng thêm nguồn nhân lực mới có kỹ năng số. Mục đích để thích ứng với sự thay đổi nhằm mở rộng các nhóm kỹ năng của doanh nghiệp. Các nhà lãnh đạo cũng cần có được các kỹ năng quản lý số tốt để có thể đáp ứng được các yêu cầu của chiến lược số trong tương lai.
2.4. Khó khăn về các giải pháp chuyển đổi số
Sự phong phú, đa dạng của các giải pháp số hiện nay có thể gây nên khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xác định phương án phù hợp với thực trạng, mong muốn và định hướng phát triển của tổ chức. Hay nói cách khác, các nhà lãnh đạo chưa đủ thông tin để đưa ra một lộ trình chuyển đổi số một cách xuyên suốt, dài hơi và phù hợp với doanh nghiệp.
Giải pháp:
- Để xử lý các khó khăn khi chuyển đổi số này, doanh nghiệp thường lựa chọn giải pháp tích hợp dựa theo tư vấn của các nhà cung cấp giải pháp. Điều này có thể không mang lại được kết quả như mong đợi do thiếu đi sự đánh giá khách quan và thiếu phù hợp với doanh nghiệp. Các công ty nên sáng suốt trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn.
- Nhà tư vấn cần độc lập về lộ trình, giải pháp chuyển đổi số để đảm bảo sự khách quan về ưu, nhược điểm của cơ sở kinh doanh. Đồng thời, họ cũng cần có những kiến thức phù hợp để đề xuất chuyển đổi số gắn liền với định hướng phát triển doanh nghiệp.
- Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên tự nghiên cứu và học hỏi các bài học thành công trên thế giới ở Việt Nam để tham khảo và thêm yếu tố để đưa ra quyết định của mình.
3. Lên kế hoạch chuyển đổi số để biến thách thức thành cơ hội
Để đối mặt với những khó khăn khi chuyển đổi số, lãnh đạo doanh nghiệp cần có một chiến lược chi tiết về quy mô, các giai đoạn và các bước thực hiện với ngân sách, nguồn lực phù hợp. Việc xây dựng một lộ trình chuyển đổi số là một bước đệm quan trọng có thể quyết định hành trình chuyển đổi số tổng thể của một công ty thành công hay thất bại.
Đơn giản hơn, doanh nghiệp có thể sử dụng Dịch vụ tư vấn lộ trình Chuyển đổi số tổng thể của FPT Digital để được cung cấp những chiến lược phù hợp với kế hoạch và định hướng công ty.
Chuyển đổi số là chiến lược phải làm của doanh nghiệp để theo kịp với sự thay đổi không ngừng của thị trường đồng thời gia tăng lợi thế cạnh tranh. Hãy lưu ý và đưa ra chiến lược để xử lý những khó khăn khi chuyển đổi số nêu trên để đảm bảo việc chuyển đổi số thành công cho doanh nghiệp.
Đừng ngần ngại liên hệ với FPT Digital để được giải đáp thắc mắc hay tư vấn về dịch vụ và nhiều hơn nữa những kiến thức về chuyển đổi số nhé!
Nguồn tham khảo:
(1) Google, Temasek, Bain & Company. 2021. E-conomy Sea 2016 – 2021
(2) We are social & Kepios. 2022 Digital Vietnam
(3) Vinasa. 2020 Ngày chuyển đổi số Việt Nam
(4) Bộ Kế hoạch & Đầu tư. 2021 Báo cáo thường niên chuyển đổi số Doanh nghiệp
(5) Capgemini. The Digital Talent Gap report