Chuyển đổi năng lượng xanh của doanh nghiệp tại Việt Nam
Internet of Thing

Chuyển đổi năng lượng xanh của doanh nghiệp tại Việt Nam

Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm là 6,1% trong giai đoạn 2011-2022(1). Tuy nhiên, để đạt được thành tựu tăng trưởng kinh tế ấn tượng này, Việt Nam đã phải trả giá đắt về môi trường do còn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá, để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng. Chuyển đổi năng lượng xanh là một yêu cầu bắt buộc nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và hướng tới tương lai phát triển bền vững của Việt Nam.

Việt Nam có mức phát thải khí CO2 bình quân trên EJ năng lượng sơ cấp tương đối cao (tới 63,12 tấn/EJ). Đặc biệt, so với năm 2011 thì tổng mức phát thải khí CO2 năm 2021 cao hơn 2,06 lần và bình quân trong giai đoạn 2011 – 2021 tăng 7,5%/năm(2).

Nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải giải quyết khủng hoảng khí hậu và các tác động của nó, Việt Nam đã cam kết giảm 9% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 với kịch bản thông thường và tới 27% với sự hỗ trợ từ quốc tế, theo Thỏa thuận Paris. Chính phủ Việt Nam cũng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050(3), nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng không vào giữa thế kỷ 21.

Để thực hiện những cam kết và nguyện vọng này, Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, bao gồm chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch và tái tạo, chẳng hạn như năng lượng mặt trời, gió, năng lượng từ sinh khối và chất thải. Quá trình chuyển đổi này không chỉ là nhu cầu cấp thiết mà còn là cơ hội để Việt Nam tăng cường an ninh năng lượng, khả năng cạnh tranh kinh tế và công bằng xã hội.

Các doanh nghiệp, với tư cách là nhà sản xuất và tiêu thụ năng lượng chính ở Việt Nam, có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi này. Họ có thể góp phần giảm lượng khí thải bằng cách áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo, điện khí hóa các hoạt động và giao thông vận tải, đồng thời đầu tư vào các giải pháp và công nghệ ít phát thải carbon. Ngoài ra, trên toàn bộ chuỗi giá trị của mình, doanh nghiệp cũng có thể tác động đến các nhà cung cấp, khách hàng và các bên liên quan của mình để áp dụng các hành vi và thực hành bền vững hơn.

1. Lợi ích từ việc chuyển đổi sang năng lượng xanh

Việc chuyển đổi sang năng lượng xanh sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, chẳng hạn như:

  • Tiết kiệm chi phí: Các nguồn năng lượng tái tạo, ví dụ như năng lượng mặt trời và gió, đã trở nên rẻ hơn so với nhiên liệu hóa thạch ở nhiều thị trường nhờ đổi mới công nghệ và quy mô kinh tế. Các biện pháp tối ưu hiệu quả sử dụng năng lượng cũng có thể giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí vận hành và nâng cao năng suất.
năng lượng xanh
Hình 1: Sử dụng năng lượng tái tạo giúp tiết kiệm chi phí
  • Gia tăng lợi thế cạnh tranh: Năng lượng xanh có thể nâng cao uy tín và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, cũng như thu hút và giữ chân khách hàng, nhân viên và nhà đầu tư (đặc biệt xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài đặt yếu tố xanh là một trong những tiêu chí chủ chốt để ra quyết định đầu tư), những người ngày càng quan tâm đến các vấn đề môi trường và xã hội.
  • Giảm thiểu tác động môi trường: Việc xanh hóa và tối ưu năng lượng giúp các doanh nghiệp giảm phát thải nhà kính, tạo ra tác động lớn tới môi trường và xã hội. Ngoài ra, việc doanh nghiệp chú trọng phát triển bền vững cũng sẽ giúp kiến tạo mội trường làm việc xanh, sạch, an toàn cho sức khỏe người lao động, đồng thời lan tỏa tinh thần này tới toàn bộ nhân sự, góp phần mạnh mẽ vào công cuộc chống biến đổi khí hậu.
  • Giảm thiểu rủi ro: Năng lượng xanh có thể làm giảm mức độ rủi ro của các doanh nghiệp đối với giá nhiên liệu hóa thạch biến động, sự gia tăng ngày càng nhiều các quy định pháp lý tại nhiều quốc gia liên quan tới giảm phát thải và phát triển bền vững, sự gián đoạn nguồn cung và các tác động liên quan đến khí hậu.
  • Đem lại cơ hội đổi mới: Năng lượng xanh có thể kích thích sự sáng tạo và đổi mới của các doanh nghiệp khi họ tìm kiếm những cách thức mới để tối ưu hóa quy trình, sản phẩm và dịch vụ của mình, đồng thời tạo ra thị trường và mô hình kinh doanh mới theo hướng phát triển bền vững.

Có thể bạn quan tâm: Chuyển đổi xanh đang tạo ra các xu hướng mới về kinh tế, xã hội, và công nghệ

2. Làm thế nào các công ty có thể chuyển đổi sang năng lượng xanh tại Việt Nam

Quá trình chuyển đổi năng lượng xanh sẽ không có một công thức chung phù hợp với tất cả doanh nghiệp. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như quy mô, lĩnh vực, địa điểm và văn hóa của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số bước tiếp cận chung mà doanh nghiệp có thể cân nhắc thực hiện bao gồm:

năng lượng xanh
Hình 2: Một số bước tiếp cận chung mà doanh nghiệp có thể cân nhắc thực hiện khi chuyển đổi sang năng lượng xanh tại Việt Nam
  • Khảo sát đánh giá hiện trạng năng lượng: Doanh nghiệp cần đo lường mức tiêu thụ năng lượng, lượng khí thải và chi phí, cũng như xác định các nguồn cung và cầu năng lượng chính của mình và trên toàn bộ chuỗi cung ứng. Việc phân tích lượng khí thải trực tiếp và gián tiếp của doanh nghiệp có thể thực hiện theo phạm vi để có được bức tranh toàn diện về hiện trạng thực tế(4):
    • Phạm vi 1: Phát thải trực tiếp từ các nguồn được sở hữu hoặc kiểm soát từ doanh nghiệp (VD: hoạt động sản xuất, hậu cần, vận chuyển, cơ sở vật chất, v.v.)
    • Phạm vi 2: Phát thải gián tiếp đến từ việc mua điện của doanh nghiệp (VD: điện được được tạo ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch như than và khí đốt hoặc thông qua các nguồn tái tạo như năng lượng mặt trời, gió hoặc thủy điện)
    • Phạm vi 3: Phát thải gián tiếp từ các nguồn không do doanh nghiệp sở hữu hoặc kiểm soát trực tiếp nhưng có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp (VD: hàng hóa và dịch vụ đã mua, các hoạt động đầu tư, tài sản thuê, hoạt động phát thải của đối tác cung ứng).

Ngoài ra, việc thực hiện khảo sát cũng cần đánh giá tiềm năng cải thiện hiệu quả năng lượng hoặc ứng dụng năng lượng tái tạo trong các hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.

  • Xây dựng chiến lược năng lượng xanh: Doanh nghiệp cần xác định tầm nhìn và mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh, phù hợp với chiến lược và giá trị tổng thể của mình. Ngoài ra, để định lượng các kết quả thực hiện, doanh nghiệp cũng cần thiết lập các chỉ số và thước đo để theo dõi và báo cáo tiến độ của mình và chủ động đưa ra các hành động điều chỉnh thích hợp.
  • Xây dựng lộ trình năng lượng xanh: Doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch hành động với các sáng kiến xanh được sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý để đạt được mục tiêu năng lượng xanh, có tính đến các nguồn lực sẵn có, cơ hội và thách thức.

Tùy theo nhu cầu và khả năng của mình, doanh nghiệp có thể lựa chọn các hình thức ứng dụng năng lượng tái tạo như(4):

    • Tạo năng lượng tại chỗ – thông qua việc lắp đặt pin mặt trời, hệ thống tích trữ năng lương, v.v.
    • Thỏa thuận mua bán điện (PPA) – hợp đồng dài hạn với các dự án năng lượng tái tạo như trang trại năng lượng mặt trời và gió Greenpower – năng lượng tái tạo được chứng nhận từ các nhà cung cấp lưới điện bán lẻ.
    • Greenpower – năng lượng tái tạo được chứng nhận từ các nhà cung cấp điện lưới bán lẻ.
    • Giấy chứng nhận năng lượng tái tạo – được mua để bù đắp bất kỳ năng lượng ‘đen’ nào không thể tái tạo được và được giao dịch trên thị trường mở.

Ngoài ra, để tổ chức triển khai hiệu quả, doanh nghiệp cần phân bổ trách nhiệm, ngân sách, nhân lực và thời hạn thực hiện kế hoạch của mình một cách hợp lý nhằm đạt được mục tiêu chiến lược đã đề ra.

  • Thực hiện lộ trình năng lượng xanh: Doanh nghiệp cần thực hiện kế hoạch của mình bằng cách huy động các bên liên quan bên trong và bên ngoài ngoài doanh nghiệp như nhân viên, quản lý, nhà cung cấp, khách hàng và đối tác. Việc thực hiện truyền thông các hành động và kết quả đạt được sẽ giúp nâng cao uy tín và trách nhiệm giải trình trong công bố thông tin của doanh nghiệp.
  • Rà soát lộ trình năng lượng xanh: Doanh nghiệp cần thường xuyên rà soát kế hoạch của mình bằng cách thu thập dữ liệu, phân tích và rút ra các bài học kinh nghiệm. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp có thể chủ động trong việc điều chỉnh kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế.

3. Ví dụ về các doanh nghiệp chuyển đổi sang năng lượng xanh tại Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã bắt đầu hoặc hoàn thành quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, tiêu biểu có thể kể đến như:

  • Vinamilk(5): Trong chiến lược phát triển bền vững, Vinamilk đã triển khai chương trình thay thế các nguồn năng lượng cũ bằng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Trong 2022, Vinamilk cũng đã hoàn thiện nhân rộng mô hình lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời cho hệ thống nhà máy và trụ sở văn phòng chính. Năng lượng sạch từ hệ thống điện mặt trời đang được sử dụng để phục vụ cho hoạt động sản xuất của nhà máy, từ đó tiết kiệm lượng lớn năng lượng truyền thống, góp phần tích cực trong việc chuyển đổi sang năng lượng bền vững, giảm dấu chân carbon trong hoạt động sản xuất.

Song song với năng lượng mặt trời, Vinamilk cũng đẩy mạnh các dạng năng lượng xanh khác trong hoạt động sản xuất tại nhà máy như khí CNG, biomass để thay thế cho năng lượng hóa thạch như dầu FO, DO.

  • Lego(6): Tập đoàn Lego đã khởi công xây dựng nhà máy 1 tỷ USD – nhà máy đầu tiên của Lego được thiết kế thành cơ sở trung hóa carbon, dự kiến vận hành vào năm 2024.

Nhà máy này sẽ kết hợp sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái và một trang trại điện mặt trời được xây dựng trên khu đất lân cận, đáp ứng tổng nhu cầu sử dụng năng lượng hằng năm.

Ngoài ra, các công nghệ, thiết bị sản xuất hiện đại và tiết kiệm năng lượng cũng sẽ được áp dụng, đáp ứng chứng chỉ công trình xây dựng xanh được công nhận trên toàn cầu (LEED Gold).

Hình 3: Lego khởi công xây dựng nhà máy trung hòa carbon tại Việt Nam
  • Thành Thành Công – Biên Hòa(7): TTC Biên Hòa luôn tiên phong trong việc ứng dụng các công nghệ cao trong việc tinh chế mía, phát triển và hoàn thiện Chuỗi giá trị cây Mía, hướng đến cung cấp cho thị trường các giải pháp năng lượng Xanh từ sản xuất Sạch.

Trong nỗ lực chuyển đổi năng lượng, TTC Biên hòa đã ứng dụng hệ thống các tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt cố định trên mái của các nhà máy, văn phòng của các đơn vị thành viên trực thuộc TTC Biên Hòa, tổng cộng có 25 trạm điện mặt trời với tổng công suất lắp đặt ~21,46 Mwp; nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng phục vụ hoạt động sản xuất và kinh doanh, giảm phát thải khí nhà kính và giúp bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, bã mía sau quá trình sản xuất được sử dụng làm nhiên liệu sản xuất điện từ tuabin lò hơi. Nguồn điện sinh khối này một phần được sử dụng cho sản xuất và các hoạt động của công ty, phần còn lại được hòa vào lưới điện quốc gia, góp phần hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch và bảo vệ môi trường.

4. Kết luận

Chuyển đổi năng lượng xanh không chỉ là nhu cầu cấp thiết mà còn là cơ hội cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Bằng cách sử dụng năng lượng xanh, các doanh nghiệp không chỉ góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu mà còn nâng cao hiệu suất, khả năng phục hồi và khả năng cạnh tranh của chính mình. Quá trình chuyển đổi năng lượng xanh cũng là một nỗ lực tập thể đòi hỏi sự cộng tác và phối hợp chặt chẽ giữa tất cả các chủ thể, bao gồm chính phủ, xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, nhằm tạo ra một tương lai bền vững và thịnh vượng hơn cho Việt Nam và thế giới.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) Tổng cục thống kê. Báo Cáo Tình Hình Kinh Tế – Xã Hội Quý Iv Và Năm 2022
(2) Tạp chí năng lượng Việt Nam. 2022. Phát thải CO2 từ sử dụng năng lượng trên toàn cầu và tình hình của Việt Nam
(3) chinhphu.vn. Quyết định số 896/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050
(4) Workforclimate. 2021. How switching to 100% renewable energy can reduce your company’s emissions
(5) Vinamilk. Báo cáo phát triển bền vững 2022
(6) tuoitre.vn. Tập đoàn LEGO khởi công xây dựng nhà máy 1 tỉ USD tại Việt Nam
(7) Báo cáo thường niên (2021 – 2022) – Thành Thành Công – Biên Hòa

Nghiên cứu nổi bật
01. Chuyển đổi số trong ngành ngân hàng và vai trò của C-Suite 02. Công nghệ Blockchain – Nền tảng lý tưởng đưa ngành công nghiệp đá quý phát triển tầm cao mới 03. 12 thách thức lớn nhất của bảo mật điện toán đám mây 04. An toàn thông tin và bảo mật trong ngành sản xuất
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.


    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận