Việt Nam đang thực hiện nghiêm túc việc chuyển đổi xanh trong toàn bộ nền kinh tế, hướng đến việc phát thải ròng bằng 0 năm 2050. Trong nỗ lực đó, kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới sẽ giúp ích rất nhiều cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Tổng quan về quá trình chuyển đổi xanh trên thế giới
Theo báo cáo của FPT Digital hôm 1.2, dẫn thống kê của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), tổng lượng phát thải CO2e (đơn vị để so sánh lực bức xạ của một loại khí nhà kính tương đương với carbon dioxit) trên thế giới năm 2025 sẽ đạt gần 800 triệu tấn và tăng lên gần 1.000 triệu tấn năm 2050.
Đây là nguyên nhân chính gây nên tình trạng biến đối khí hậu. Nếu không tăng cường các giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính, thế giới sẽ tiếp tục đà ấm lên 3,2 độ C vào năm 2100.
Toàn cầu cần hạn chế sự nóng lên đạt mức tăng nhiệt 1,5°C, tức là phải giảm 48% lượng phát thải CO2 ròng vào năm 2030 so với năm 2019 và đạt mức phát thải CO2 ròng bằng 0 vào đầu những năm 2050.
Lượng phát thải đã tăng cao trong tất cả các lĩnh vực, nhưng ngành công nghiệp sản xuất là ngành phát thải nhiều nhất, chiếm tới hơn 29% tổng lượng phát thải của toàn thế giới.
Do đó việc ngành sản xuất nhanh chóng chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, tối ưu hóa quá trình sản xuất, giảm thiểu khí thải khí nhà kính sẽ là ưu tiên hàng đầu để kiểm soát biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Kinh nghiệm thế giới và định hướng cho doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam
Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào 2050 và đang tích cực đẩy nhanh lộ trình này thông qua mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước và 27% bằng nguồn hỗ trợ quốc tế.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã thúc đẩy viêc chuyển đổi xanh đồng bộ, dựa trên các giải pháp chuyên môn như thiết lập giải pháp tổng thể giảm thải carbon, các phương án sử dụng năng lượng tái tạo thay thế…
Một số doanh nghiệp lớn trên thế giới đã chuyển đổi xanh như Nippon Steel (ngành thép – Nhật), Ferrexpo (xuất khẩu quặng sét – Ukraine), Cemex (ngành xây dựng – Mexico)… Điều đó mang đến nhiều kinh nghiệm thực tiễn cho các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam.
Một số doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam đã ứng dụng những công nghệ tiên tiến, giảm phát thải hiệu quả trong hoạt động sản xuất, ngay cả khi đó là những doanh nghiệp thuộc khối ngành có mức phát thải cao.
Chẳng hạn An Phát (ngành nhựa) đã phát triển dòng sản phẩm bao bì AnEcO sinh học phân hủy hoàn toàn. Nhà máy nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn PBAT của An Phát đã đạt công suất 30 ngàn tấn/năm, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu xanh cho sản xuất.
Hòa Phát (ngành thép) ứng dụng công nghệ lò cao khép kín 100%, không xả thải ra môi trường, toàn bộ chất thải, khí thải, nước thải đều được xử lý triệt để, tuần hoàn tái sử dụng.
Công nghệ luyện than cốc sạch triệt tiêu toàn bộ khí, khói, các chất hóa học độc hại và thu hồi nhiệt năng, giúp Hòa Phát chủ động gần 50% nhu cầu điện sản xuất.
Hoa Sen chuyển đổi sang lò hơi sử dụng nhiên liệu sinh khối thay thế lò ghi xích đốt than, tiết kiệm hơn 1,84 tỉ đồng chi phí nhiên liệu, đồng thời giảm tương đương 6.237 tấn CO2 mỗi năm…
Theo các chuyên gia của FPT Digital, để chuyển đổi xanh hiệu quả, các doanh nghiệp Việt Nam cần cân nhắc 4 yếu tố gồm: Khung chính sách nhất quán, đầu tư các giải pháp chuyển đổi, hoạt động kinh doanh hướng đến việc tăng trưởng xanh và tác động từ các đối tượng bên ngoài đến hoạt động kinh doanh.
Từ những yếu tố này, các doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược chuyển đổi và lộ trình để giảm phát thải hiệu quả.