Thế giới sẽ tiếp tục đà ấm lên đến 3,2°C vào năm 2100 nếu không tăng cường các giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Toàn cầu cần hạn chế sự nóng lên đạt mức tăng nhiệt 1,5°C, tức là phải giảm 48% lượng phát thải CO2 ròng vào năm 2030 so với năm 2019 và đạt mức phát thải CO2 ròng bằng 0 vào đầu những năm 2050. Tương ứng, mức đầu tư hàng năm cho giảm thiểu cần lớn hơn từ 3 – 6 lần hiện tại trên tất cả các lĩnh vực. Đây là thông điệp mạnh mẽ mà Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change – IPCC) đã gửi tới các quốc gia toàn cầu.
Lượng phát thải đã tăng cao trong tất cả các lĩnh vực, nhưng ngành công nghiệp sản xuất là ngành phát thải nhiều nhất, chiếm tới hơn 29% tổng lượng phát thải của toàn thế giới. Do đó việc ngành sản xuất nhanh chóng chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, tối ưu hóa quá trình sản xuất, giảm thiểu khí thải khí nhà kính sẽ là ưu tiên hàng đầu để kiểm soát biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã đưa ra các hành động thúc đẩy chuyển đổi xanh đồng bộ. Một số xu hướng tiếp cận nhanh của ngành sản xuất được dựa trên các giải pháp chuyên môn như thiết lập giải pháp tổng thể giảm thải carbon, các phương án sử dụng năng lượng tái tạo thay thế, hay các giải pháp tối ưu hóa nhiệt thải, đồng thời tái tổ chức bộ máy vận hành hướng đến tính bền vững và bảo vệ môi trường.
Mức độ và tiến triển chuyển đổi xanh có thể thay đổi theo từng khu vực, ngành công nghiệp và qui mô của từng doanh nghiệp. Kinh nghiệm từ những doanh nghiệp chuyển đổi xanh nhanh chóng trên thế giới như Nippon Steel (ngành thép – Nhật), Ferrexpo (xuất khẩu quặng sét – Ukraine), Cemex (ngành xây dựng – Mexico), hay An Phát (ngành nhựa), Hòa Phát và Hoa Sen (ngành thép) của Việt Nam là những bài học quý giá cho những nơi vẫn đang đối mặt với thách thức trong việc thực hiện các biện pháp bền vững.
Tổng quan về kinh nghiệm thế giới trong chuyển đổi xanh và định hướng cho doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam được FPT Digital nhận định và phân tích qua những nội dung chi tiết sau đây.
Báo cáo Kinh nghiệm thế giới trong chuyển đổi xanh và định hướng cho doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, gồm những nội dung sau:
- Các doanh nghiệp sản xuất cần tăng tốc thực hiện chuyển đổi xanh
- Bức tranh chuyển đổi xanh trong ngành sản xuất trên thế giới
- Định hướng chuyển đổi xanh trong các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam